Hội thảo về ý tưởng quy hoạch Công viên các nhà khoa học Việt Nam

Tham gia cuộc Hội thảo, về phía đơn vị chủ quản có PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn, bà Võ Ngọc Lan, Giám đốc công ty Medlatec – chủ đầu tư, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Phía địa phương có ông Quách Thế Tản – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Văn Tứ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, ông Vũ Đình Việt, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong…. Đặc biệt, buổi Hội thảo còn có sự tham gia của 10 nhà khoa học ở hai lĩnh vực kiến trúc và du lịch: TS Hà Văn Siêu – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tuệ – Khoa địa, Đại học Sư Phạm, TS Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa – Chủ nhiệm khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, TS Phạm Xuân Hậu – Chủ nhiệm khoa Khách sạn Du lịch, Trường Đại học Thương Mại, TS Dương Văn Sáu – Chủ nhiệm khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, TS Nguyễn Trí Thành – Phó Chủ nhiệm khoa Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, TS Đặng Văn Hà – Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp, Th.S-KTS Nguyễn Văn Tuyên – giảng viên Trường Đại học Xây dựng, Th.S Lưu Đức Kế – Giám đốc công ty du lịch Hà Nội.

Sau khi nghe KTS Phạm Xuân Dương, Giám đốc Công ty A3 trình bày đề xuất ý tưởng quy hoạch, lãnh đạo địa phương và các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến trao đổi. Về phía địa phương, lãnh đạo tỉnh, huyện đều đánh giá cao tính khả thi của việc xây dựng Công viên các nhà khoa học Việt Nam và hy vọng với những giá trị to lớn về văn hóa nhân văn, sự hình thành Trung tâm sẽ có tác động tích cực đến đời sống văn hóa của địa phương, thúc đẩy tinh thần học tập của con em trong tỉnh, huyện.

Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

– Cần xác định rõ mục tiêu của công viên và lựa chọn đúng mục tiêu ưu tiên

– Cần xem xét lại và suy nghĩ tìm một tên gọi của Công viên cho đúng với mục tiêu và hấp dẫn hơn.

– Cần tính toán, điều tra và nghiên cứu điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, xác định đối tượng phục vụ và nhu cầu của họ để làm cơ sở cho việc quy hoạch công viên.

– Cần xác định các công trình trong công viên phù hợp với mục tiêu để không quá tập trung, dầy đặc.

– Cần xác định tuyến thăm quan cho chính xác, phù hợp với địa hình và tâm linh; cần quy tụ vào trục trung tâm rồi lam tỏa; đường giao thông cần mềm mại hơn và cần có nhiều các tiểu công viên phù hợp và khuyến khích việc khám phá nhiều lĩnh vực khoa học.

– Xem xét lại các vị trí cầu, bãi đỗ xe…

-Cần có kịch bản hoạt động của Công viên đáp ứng nhu cầu chính là tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu hiện vật về các nhà khoa học Việt Nam, kết hợp với các “hoạt động vệ tinh” khác, để từ đó định ra các hạng mục xây dựng trên tinh thần sinh thái và nhân văn.

– Cần đảm bảo môi trường bền vững khi khai thác năng lượng sạch.

Đây là Hội thảo đầu tiên về vấn đề quy hoạch tổng thể cho Công viên các nhà khoa học Việt Nam với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, bảo tàng và du lịch. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo là rất có ý nghĩa cho quá trình xây dựng một không gian du lịch trí tuệ như Công viên các nhà khoa học Việt Nam. Kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh để đi đến một quy hoạch hợp lý, khả thi và hiệu quả cho Công viên các nhà khoa học Việt Nam, còn phải gia công trí tuệ rất nhiều, cần nhiều cuộc trao đổi tương tự. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học sẽ giúp Trung tâm và Công ty A3 điều chỉnh, bổ sung ý tưởng quy hoạch, hoàn thiện sớm bản quy hoạch để tiếp tục thảo luận. Trung tâm hy vọng sẽ còn nhận được sự quan tâm và góp ý của các nhà khoa học trong các hội thảo lần sau bởi tất cả đều mong muốn có một Công viên các nhà khoa học hấp dẫn, thu hút được nhiều người đến tham quan tìm hiểu.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm điều hành buổi Hội thảo.

 

Ban Giám đốc Trung tâm và đơn vị quy hoạch trực tiếp khảo sát tại Cao Phong, Hòa Bình.

 

TS Nguyễn Trí Thành – Phó chủ nhiệm Khoa Kiến trúc, trường

Đại học Kiến Trúc Hà Nội phát biểu tại buổi Hội thảo

 

TS Hà Văn Siêu – Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch tại buổi Hội thảo:

“Xác định công chúng mục tiêu là vấn đề cốt lõi nhất khi tiến hành quy hoạch.

Ai là đối tượng khách chính của Công viên, mục đích đến của họ là gì:

tìm hiểu, khám phá khoa học? vinh danh? giáo dục khoa học?..”

 

TS Phạm Xuân Hậu – Chủ nhiệm khoa Khách sạn Du lịch trường Đại học Thương mại:

Cần xác định rõ mục tiêu và lựa chọn đúng mục tiêu ưu tiên phát triển của công viên

 

 

                     TS Dương Văn Sáu, Chủ nhiệm khoa Văn hóa -Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội:

Cần tạo ra các không gian mở nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của giới học sinh, sinh viên.

 


PGS.TS Trần Minh Hòa, Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn:

Cần phân tích kỹ bối cảnh: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, các chỉ số du lịch…

để tránh áp đặt, đưa ra nhiều ý tưởng quá ôm đồm, thiếu tính khả thi…

 

  

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học