Năm 1943 khi đang là sinh viên nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Đặng Văn Chung nhận được điện báo vào Sài Gòn công tác của Tổng Hội sinh viên, do ông Vũ VănHiền [1]làm Hội trưởng. Vào đến nơi bác sỹ Đặng Văn Chung mới biết nhiệm vụ của chuyến đi này là thành lập Trại Thanh niên miền Nam nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất, rèn luyện thân thể cho học sinh, sinh viên. Trong đoàn đi năm đó còn có một số người như: Trịnh Kim Ảnh, Ngô Như Hòa, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Tiến Nam, Trần Cữu Kiến.
Để Hội trại này có thể hoạt động trong vòng 1 tháng (10-1943 đến 11-1943) đúng với những tiêu chí, mục đích ban đầu đề ra, Đặng Văn Chung với vai trò là Tổng chỉ huy Hội trại cùng các thành viên đã phải mất rất nhiều công sức đi xin phép và tìm địa điểm lập trại cũng như tìm nguồn kinh phí.
Hồi ký "Trại Thanh niên Suối Lồ Ô"
Về việc xin phép lập Trại, ông đã nhờ người cậu tên Ng Vi Cứng [2] (Chủ tịch Hội Ái hữu Sađec) và ông Văn Vỹ (Giám đốc Ngân hàng, bạn thân với Thống đốc Nam kỳ) giúp đỡ. Mặc dù vậy việc xin phép cũng gặp nhiều khó khăn do lúc đó Sài Gòn đang dưới quyền cai trị của Pháp và Nhật. Sau những cố gắng thì mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa.
Theo quyết định ban đầu đưa ra thì địa điểm tổ chức làm trại không được quá xa Sài Gòn. Ông và mọi người tiến hành lên đường đi tìm, và "Trong lúc đi tìm địa điểm tôi lên thị xã Thủ Đức chừng 10km tới 1 khu rừng cây khá rậm rạp, có đường đất rẽ vào độ 1km tới 1 miếng đất trống cỏ mọc xanh rì diện tích độ 2ha, kế bên có 1 cái suối nước chảy róc rách có thể tắm giặt được"[3]. Địa điểm này đáp ứng được những yêu cầu: không xa thành phố Sài Gòn; diện tích đất đủ rộng để xây dựng nhà ở, bếp, nhà trưng bày và hội họp. Ngoài ra, ở đây còn có một bãi đất trống bằng phẳng, có cỏ xanh để làm nơi tập hợp, chào cờ, đốt lửa trại và tập thể dục. Cách đó khoảng 1 km còn có xóm làng Lồ Ô và cách đường ô tô 1 khoảng rừng nên rất thuận tiện cho hoạt động tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, dạy tiếng Việt cho người dân. Sau khi được thị xã Thủ Đức cho phép thành lập trại, Đặng Văn Chung cùng mọi người tiến hành xây cất trại bằng tre, lá với ba gian nhà chính: Một nhà ngủ dành cho trại viên; Một nhà tiếp khách dùng để giảng dạy, trưng bày ảnh lịch sử, ảnh tuyên truyền về vệ sinh, truyền bệnh, ký sinh trùng, sốt rét và chữa bệnh; Ngoài ra còn có một nhà dùng làm bếp ăn.
Để có kinh phí hoạt động, Ban tổ chức đã quyết định tổ chức 2 buổibiểu diễn ca nhạc ở Nhà hát lớn do sinh viên biểu diễn và bán vé. Hai buổi đều bán được nhiều vé và diễn ra thuận lợi, bởi "Thành phố Sài Gòn khán giả đến rất đông, không còn chỗ ở nhà hát"[4]. Theo thông lệ, Nhà hát lớn thường mở màn bằng bài hát Bản quốc thiên Marseillanr còn trong buổi biểu diễn của Hội trại thì được mở màn bằng bài "Tiếng gọi sinh viên". Sự thay đổi này khiến khán giả bỡ ngỡ còn cảnh sát thì nghi ngờ nhưng mọi chuyện đều được diễn ra bình thường cho đến khi kết thúc.
Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, Trại tổ chức buổi khai mạc với số thành viên tham dự là 200 học sinh, sinh viên, thầy cô giáo ở Sài Gòn, Chợ lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định…. Theo như trong Hồi ký "Trại Thanh niên suối Lồ Ô", GS Đặng Văn Chung có viết "trại thanh niên nếu tôi không lầm, là trại đầu tiên ở miền Nam, không kể các trại hè của Hướng đạo"[5]. Tham gia Hội trại, các thành viên phải tuân thủ những Nội quy sinh hoạt như: đúng giờ giấc, đi đâu phải báo cáo, không được dùng tiếng Pháp (phạt tiền nếu bị phát hiện). Hàng ngày, sau nghi lễ chào cờ, tập thể dục thì những trại viên bắt tay vào công việc của mình. Có 2 nhóm được phân công:
Nhóm 1 được giao nhiệm vụ đi đến những vùng nông thôn xung quanh trại để khám chữa bệnh và hướng dẫn cách vệ sinh, phòng bệnh.
Nhóm 2 có nhiệm vụ tiếp khách tại trại và Đặng Văn Chung thuộc nhóm này. Ông và mọi người tiếp khách ở phòng trưng bày, giới thiệu những hình ảnh các vua: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó các ông còn dùng những hình vẽ của các bệnh như viêm phổi, tim to và các ký sinh trùng thông thường để hướng dẫn và giải thích cho người xem cách lây bệnh. Và có một bộ phận thì khám bệnh và phát thuốc. Đôi khi các ông còn dạy chữ cái a,b,c cho trẻ em. Vào lúc 5h chiều là lễ hạ cờ và các trại viên tắm giặt nghỉ ngơi.
Mục tiêu hoạt động của Hội trại được xác định: "Mục đích cắm trại là để “nuôi chí cả” thể hiện trong chương trình hoạt động tiến bộ và yêu nước: Hội thảo thời cuộc, thăm hỏi chăm sóc đồng bào đau ốm, giải thích cho cô bác, thanh niên về sự thất bại của phát xít, về sự thắng lợi của Đồng minh và Hồng quân Liên Xô, trình diễn các ca kịch lịch sử, ca khúc thanh niên yêu nước, ca ngợi những chiến thắng của tổ tiên ta chống quân thù xâm lược…”[6]. Trong thời gian 1 tháng, Hội trại tổ chức 2 đêm lửa trại. Những người ở thành phố được mời qua báo chí, còn những người dân xung quanh được trại viên mời trực tiếp. Với phương tiện đi là xe ngựa, xe đạp, mọi người đến tham dự đêm lửa trại rất đông, nhiều nhất là những thanh niên ở thành phố. Chương trình là những tiết mục ca hát, diễn kịch do học sinh, sinh viên sáng tác và tự biểu diễn. Các buổi lửa trại đều được diễn ra tốt đẹp và gây phấn khởi, vui vẻ với mọi người. Những hoạt động đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo chức, thanh niên, học sinh của thành phố Thủ Dầu Một. Tại phường Phú Cường đã thành lập đoàn học sinh của các trường Tân Ánh Mai, Thanh Trước … tổ chức sinh hoạt thể dục thể thao, ca hát, theo sự hướng dẫn của Hội.
Sau 1 tháng hoạt động, buổi Lễ bế mạc Hội trại được tổ chức trọng thể. Trong không khí thiêng liêng và trang trọng, Đặng Văn Chung, mặc áo dài và khăn đóng đen, cùng mọi người tiến hành nghi lễ tạ ơn thánh thần đã giúp Hội trại thực hiện tốt chương trình, mọi việc suôn sẻ, không có vấn đề xẩy ra.
Hoạt động của Trại thanh niên suối Lồ Ô đã đạt được hiệu quả tốt, trên báo chí cũng như dư luận nhân dân có những phản hồi tích cực về cách thức tổ chức Hội trại, về các trại viên. Ngoài ra, những hoạt động của Hội trại và những thành viên của trại còn được ca ngợi trong một số bài bài hát yêu nước thời kỳ bấy giờ. Phát huy những hiệu quả mà Trại thanh niên suối Lồ Ô đã làm, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã cử đồng chí Văn Công Khai phụ trách giới trí thức phát triển các hoạt động Hội trại đến các vùng khác.
Khoảng năm 1973, sau 30 năm GS Đặng Văn Chung trở lại thăm địa điểm cũ, nơi tổ chức Hội trại trước kia, tất cả đều đã thay đổi. Bây giờ, nơi đây là một ngôi chùa đẹp, uy nghi, xung quanh là nơi tiếp khách du lịch. Suối Lồ Ô gần trại năm xưa đã có cây cầu bắc ngang. Những người dân xung quanh chỉ còn ít người còn nhớ về Trại thanh niên ngày ấy. Thời gian tham gia Hội trại đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc, trong đó điều khiến ông không bao giờ quên đó là Hội trại đã rèn luyện ý thức, tinh thần dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu đất nước cho những học sinh, sinh viên như ông: "Cái còn phảng phất lại là việc gợi ý thức đầu tiên tinh thần dân tộc, yêu quê hương, yêu đất nước mà những người thanh niên, sinh viên có dịp chứng tỏ" [7].
Nguyễn Thị Phương Thúy
______________________
[1]: Tên theo nguyên bản Hồi ký "Trại Thanh niên Suối Lồ Ô" của GS Đặng Văn Chung. Còn trên trang website thanhdoan.cantho.gov.vn/ là Dương Đức Hiền. [2], [3], [4], [5], [7]: Hồi ký "Trại Thanh niên Suối Lồ Ô"[6]: www.binhduong.gov.vn/vn/sobannganh detail.php