Chiếc hòm đạn cũ này cũng vậy, nó không chỉ đơn giản là một khối kim loại, mà ẩn chứa trong đó còn là mảnh ký ức khó quên về một thời gian khổ của đất nước và bài học ý nghĩa của một nhà khoa học.
“Hòm đạn cũ là kỷ vật không chỉ được tôi sử dụng như một chiếc bàn làm việc để viết ra những bản thảo bài giảng đầu tiên giảng cho ngành Lưu trữ, mà còn là nơi lưu giữ di sản cuộc đời khoa học của mình” – đó là những chia sẻ của PGS Nguyễn Văn Hàm – nguyên Chủ nhiệm khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội về hiện vật này.
PGS Nguyễn Văn Hàm (1944, Bắc Giang), là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Sử học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông có đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành lưu trữ học ở trường ĐH Tổng hợp nói chung và ở nước ta nói chung.
Cuối năm 1970, giảng viên Nguyễn Văn Hàm kết hôn với cô Nguyễn Thị Hạt, cán bộ phòng Tài vụ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì nhà đông anh em, bố mẹ đều ở quê làm ruộng không hỗ trợ được gì, nên đôi vợ chồng trẻ phải tự bươn chải cuộc sống. Ngày mới cưới, bởi nhà chưa có, hai vợ chồng phải xin ở nhờ cùng phòng trọ rộng 13 mét vuông của GS Phan Đại Doãn (Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại) và được ngăn cách bằng tấm ri đô.
“Phòng chật, chỗ sinh hoạt còn khó nói gì đến bàn việc nên tôi chỉ ước mơ có một chỗ nhỏ vừa đọc sách, vừa viết lách” – PGS Nguyễn Văn Hàm kể lại. Thương chồng, cô Hạt xin ở cơ quan một chiếc hòm đạn cũ bằng gỗ, hình chữ nhật, bên ngoài được sơn màu xanh lục có kích thước 74x34x33.5 cm. Mỗi khi làm việc, ông lật mặt trong của nắp hòm đạn lên, lấy mặt phẳng đó làm bàn để viết bài. Từ đây, các bài nghiên cứu của ông như: “Cần thu thập và quản lý tốt những loại tài liệu văn kiện chủ yếu của các tổ chức công đoàn”, Tạp chí Văn thư – Lưu trữ, số 3, 1975; “Vài nét về công tác công bố tài liệu văn kiện ở Liên Xô”, Tạp chí Văn thư – Lưu trữ, 1977… lần lượt ra đời.
Đầu những năm 90, khi điều kiện kinh tế khá giả hơn, PGS Nguyễn Văn Hàm đã có một nơi làm việc riêng cho mình, nhưng hòm đạn vẫn tiếp tục được ông sử dụng làm nơi lưu giữ tài liệu. Tháng 12/2021, ông quyết định tặng kỷ vật này cùng hơn 1000 bản thảo, bài giảng và các tài liệu hiện vật khác cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu trữ và bảo quản.
Có thể thấy, câu chuyện về chiếc hòm đạn cũ của PGS Nguyễn Văn Hàm đã gợi nhắc cho chúng ta rất nhiều điều. Thông qua nó, ta không chỉ hồi tưởng lại về một thời gian khó đã qua của đất nước, mà còn nhận ra được bài học ý nghĩa về ý chí và bản lĩnh vươn lên của người làm khoa học