Ngày 5-8-1964, giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đưa tầu chiến vào khiêu khích bắn phá đảo Hòn Mê, Thanh Hoá. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên quy mô toàn miền Bắc bắt đầu. Nhân lực vật lực của toàn dân được tổng động viên cho cuộc chiến tranh không mong muốn này. Hòa trong khí thế hừng hực “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Lê Xuân Thục đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội với tấm bằng loại xuất sắc, năm 1965. Tình hình lúc đó được GS.TS Lê Xuân Thục viết trong hồi ký của mình: Tôi cùng nhiều bạn bè đã viết tâm thư xin vào phục vụ trong quân đội, hoặc đi chiến trường miền
Sau hai tháng rèn luyện, Lê Xuân Thục từ biệt gia đình đi vào Thanh Hoá nhận nhiệm vụ, chính thức bước vào đời lính. Ngày chia tay, để đi vào nơi bom đạn khói lửa, cả gia đình không khỏi “bùi ngùi, bịn rịn, se cả ruột gan”[2], thầm cầu mong người thân mình có thể bình yên trở về. Vì hai chữ “Tổ quốc” thiêng liêng, cả gia đình đã gạt đi nước mắt để tiễn đưa người con, người chồng, người cha Lê Xuân Thục lên đường.
Ngày đó, Lê Xuân Thục được điều động về Đại đội Quân y 20 thuộc Trung đoàn 57 (E57) của Quân khu III, đóng quân dọc bờ biển Thanh Hoá có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển từ Tĩnh Gia tới Ninh Bình. Đầu tiên, ông được cử tham gia đội cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Hóa. Sau 3 tháng, bác sĩ Lê Xuân Thục nhận lệnh ra đảo Hòn Mê đảm nhận việc cấp cứu điều trị thương bệnh binh.
Lê Xuân Thục đã ngồi nhờ 3 xe chở đạn và pháo để hành quân ra đảo. Lần đầu tiên bước chân lên đảo, bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục nhận thấy: Trên đảo chỉ thấy lấp loáng bóng đèn xe tải chở súng đạn lên đảo theo một con đường độc đạo. Cảnh này làm tôi nghĩ đến Lương Sơn Bạc nơi tụ nghĩa của 108 vị anh hùng trong chuyện Thuỷ Hử. Trong đêm tối, cảnh núi rừng vừa âm u, vừa hùng vĩ, lại thiêng liêng đến lạ thường[3]. Trái ngược với hình ảnh của không gian tĩnh lặng, đó là hình ảnh đoàn người hối hả đưa vũ khí từ thuyền lên đảo.
Ngày đầu ra đảo Hòn Mê, bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục trở thành tâm điểm của sự chú ý, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ông. Sau này, ông mới biết, trên đảo lúc đó chỉ có hai y sỹ nhưng chưa có bác sỹ và ông là bác sỹ đầu tiên trực tiếp ở lại hòn đảo nhỏ này nên người dân và chiến sỹ đều cảm thấy an tâm và hạnh phúc. Họ đã kéo nhau đến xem mặt bác sỹ trẻ dũng cảm này.
Bệnh nhân đầu tiên của Lê xuân Thục là một chiến sỹ bị nhiễm trùng áp xe ở bẹn trái. Khi đó ông đã gây tê tại chỗ bằng novocain và trích dẫn lưu mủ đặc viêm nhiễm. Sau 3 ngày chữa trị chiến sỹ đó đã khỏi. Các chiến sỹ trên đảo đều vui và yên tâm chiến đấu vì đã có bác sỹ cấp cứu điều trị kịp thời.
Vì Hòn Mê là nơi trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa, là vị trí tiền tiêu theo dõi quan sát hoạt động của địch cả vùng trời và vùng biển, nên Quân khu quyết định nâng đơn vị đóng ở Hòn Mê lên cấp tiểu đoàn. Trận chiến đấu đầu tiên bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục được tham gia, vào đúng ngày giỗ đầu của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi – ngày 15-10-1965. Lúc đó, địch kết hợp máy bay và tàu chiến oanh tạc đảo 7 ngày đêm liên tục. Cả đảo rung chuyển bởi bom đạn và rocket địch bắn vào đảo. Tình hình lúc đó, được GS.TS Lê Xuân Thục mô tả: Ban đêm nhìn lên trời đạn rocket đỏ lừ liên tục bay vào đảo. Pháo sáng địch thả xuống đảo sáng trưng như ban ngày. Máy bay gầm rú trên đầu. Đệm vào đó là những trận pháo kích từ biển bắn vào uỳnh oàng thay cho những trận không kích[4]. Trong trận chiến đó có có 2 chiến sỹ bị thương nặng. Lê Xuân Thục được lệnh xuống trận địa cấp cứu. Trận địa cách sở chỉ huy khoảng 3 km. Lê Xuân Thục đeo túi thuốc và dụng cụ một mình chạy băng qua triền núi xuống khu bãi cát có thương binh. Trên đầu máy bay gầm rú, bom, rocket như bủa vây, còn pháo hoa địch thả sáng trưng một vùng trời, Lê Xuân Thục không hề run sợ, phăng phăng theo hướng nơi 2 đồng chí bị thương, do tình huống cấp bách nên không có y tá đi cùng. Thỉnh thoảng tôi phải nhảy xuống chiến hào nghỉ. Khi đó, nhìn lên bầu trời cảnh rất đẹp, pháo sáng trưng cả vùng trời cùng với các luồng đạn rocket đỏ lừ từ máy bay lao tới tấp vào đảo! Nhưng tiếc thay đây là cảnh đẹp nhưng của chết chóc và huỷ diệt[5].
Trong trận chiến này, lần đầu tiên bộ đội đảo Hòn Mê đã bắn rơi được 2 máy bay F4 của Mỹ, được cấp trên đánh giá cao. Những ngày tiếp theo, máy bay địch ngày đêm oanh tạc đảo nhằm phá huỷ trạm tiền tiêu và uy hiếp tinh thần mọi người. Và cứ thế, cuộc chiến đấu giữa những người lính đảo Hòn Mê với quân địch trên trời và dưới biển ngày nào cũng diễn ra với quy mô ngày một ác liệt. Sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh hết mình vì Tổ quốc của những người lính đảo đã bắt quân xâm lược phải trả giá: ta bắn rơi 10 máy bay và bắn cháy 2 tầu chiến của Mỹ. Đài và báo chí truyền thông ca ngợi chiến công của bộ đội đảo Hòn Mê. Tết năm 1966, nhóm văn công xung kích của Quân khu III đã ra đảo biểu diễn, động viên cán bộ và chiến sỹ. Lần đầu tiên anh em lính đảo được đón tiếp 4 phụ nữ (trong số 7 người trong đoàn văn công) là nữ văn công Trần Thị Tách, Thuý Chung, Thuý Toàn, Thuỷ Chiến, nên không khí nhộn nhịp hẳn lênSuốt mấy năm chiến đấu trong bom đạn ác liệt, nay có đoàn văn công ra đảo biểu diễn là một sự kiện rất đặc biệt động viên tinh thần cho các chiến sỹ vơi đi những gian khổ, hy sinh. Những câu hát Ai ra hải đảo đầu xuân, cho em nhắn gửi người thân trên tuyến đầu. Coi thường đạn réo bom rơi, đảo sinh ra những con người kiên trinh, anh Đường anh Cấn kiên cường, vượt qua bão lửa coi thường nguy nan, diệt quân giặc Mỹ hung tàn, đánh loài cướp Mỹ xác chìm biển sâu, đảo ta lập chiến công đầu… vang vọng, thắp lên ánh lửa sưởi ấm linh hồn của những anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ đảo Hòn Mê, và như ngọn đuốc, thổi bùng ý chí kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cứu nước của các chiến sỹ đảo.
Tháng 2 năm 1967 trong một trận chiến, bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục đã bị mảnh bom trúng vào cẳng chân phải, làm mẻ xương chày. Vết thương phần mềm cùng với sức ép vào ngực và tai làm máu mũi, tai chảy ra ồ ạt. Những cán bộ trên đảo thống nhất đưa ông vào đất liền điều trị, nhưng Lê Xuân Thục thấy như vậy sẽ ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của chiến sỹ khi không có bác sỹ. Vì vậy, ông quyết định xin ở lại đảo tự điều trị và không cần cho bác sỹ khác ra thay. Sau 20 ngày tự điều trị vết thương dần đã lành. Tin này về Quân khu, được đồng chí Nguyễn Quyết- Chính uỷ quân khu đánh giá cao và khen ngợi. Câu chuyện của bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục được viết lại thành vở kịch có tên “Người bác sỹ quân y trên tuyến lửa”, sau đó được đổi thành tên “Cuộc chiến trên đảo lửa”
Ngày 19-3-1967, bác sỹ Lê Xuân Thục được kết nạp vào Đảng tại đơn vị đảo Hòn Mê. Với ông, việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào nhất trong đời.
Cuộc sống trên đảo vô cùng vất vả, các chiến sỹ trong đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Mỗi tuần, đất liền tiếp tế lương thực, thực phẩm ra đảo, thường là: 1-2 con lợn sống, cá khô, rau muống và kèm theo thư từ. Ngoài ra các chiến sỹ còn tranh thủ vào rừng hái rau tàu bay, lá chân chim, bắt cua đá ở chân đảo để tăng gia thêm.
Hàng tuần, bác sỹ Lê Xuân Thục thường đi bộ thăm các đơn vị trên đảo, nơi xa nhất cách khoảng 3-4 km qua núi, đường rừng mới đến nơi. Sau mỗi chuyến đi ấy, Lê Xuân Thục lại có thêm những món quà vô cùng quý giá, do đồng đội tự chế tác tặng ông, đó là: những đôi đũa mài bằng gỗ hoặc cái lược, cái nhẫn làm từ mảnh rốc két và cánh máy bay Mỹ rơi…
Những năm tháng sống và chiến đấu trên đảo tuy gian khổ, thiếu thốn nhưng càng làm tăng tinh thần đoàn kết, tình cảm đồng chí, đồng đội, đặc biệt hơn là không hề làm nao núng ý chí chiến đấu vì Tổ quốc thiêng liêng
Ngày 5-6-1967, bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục về đất liền nhận nhiệm vụ mới tại bệnh viện Quân đội Trung ương 108. Chào từ biệt hòn đảo yêu dấu, trong lòng bác sỹ trẻ Lê Xuân Thục xốn xang về một vùng đất-nơi có những con người anh hùng đang xả thân mình để bảo vệ mảnh đất thiêng giữa biển cả mênh mông của Tổ quốc Việt Nam – đảo Hòn Mê.
Hoàng Phượng- Phương Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[1] Hồi ký của GS.TS Lê Xuân Thục, tr 13, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.