Hồn thơ nâng cánh uyên ương

Chúng tôi tổ chức một cuộc mít tinh. Tới dự có đại diện của Ban Chỉ đạo Nhà nước, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, các cơ quan quản lý cấp trên, cùng toàn thể cán bộ, công nhân trên công trường. Cuộc mít tinh đã thể hiện tinh thần quyết tâm thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình theo yêu cầu của Chính phủ. Trong cuộc hội ngộ đó, hai anh em chỉ bàn đến công việc, chưa kịp nói chuyện riêng với nhau.

Chúng tôi biết nhau từ những năm cuối thập niên 1960, khi tôi là sinh viên học ở Học viện Dầu khí, còn anh là nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Xây dựng Bucarest. Những khi sinh hoạt Hội Sinh viên Việt Nam, hay họp hành ở Đại sứ quán, chúng tôi thường gặp nhau. Nhất là những lần hội thao sinh viên, chúng tôi hay đấu bóng chuyền giao hữu. Anh là chủ công của đội bóng chuyền Đại học Xây dựng, còn tôi là cây chuyền hai của đội bóng chuyền Học viện Dầu khí. Tôi thấp lùn nên thường nêu bóng cho anh Bùi Đức Chiêm người cao lớn, cây đập chủ công của đội chúng tôi. Không khí tranh đua hồi đó sôi nổi lắm, tôi không nhớ đội nào được, đội nào thua nhiều hơn, nhưng thật là vui. Khi anh làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, còn kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.  Một Bộ trưởng am hiểu bóng chuyền làm Phó Chủ tịch Liên đoàn thì còn gì bằng! Tôi vẫn mê môn bóng chuyền và rất hay xem các trận đấu tranh cúp bóng chuyền Việt Nam hay quốc tế trên truyền hình. Nhưng lần gặp ở công trường Thị Vải, tôi cũng không kịp hỏi chuyện anh về Liên đoàn bóng chuyền. Từ lần ấy, tôi chưa gặp lại anh. Thế mà đã mười bốn, mười lăm năm rồi…

Có việc ra Hà Nội họp, tôi tranh thủ đến thăm anh. Căn hộ liền kề trong khu dân cư ở ven sông Hồng yên tĩnh và mát mẻ. Trên tường phòng khách bài trí giản dị mà ấm cúng, tôi thấy tấm ảnh chụp cả gia đình anh chị cùng con cháu thật là hạnh phúc. Phía trước mặt là tấm hình chụp đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười với nụ cười thân mật đang bắt tay anh.  

Vẫn cái giọng trầm ấm pha chút hài hước và nụ cười hiền lành, anh kể cho tôi nghe về những kỷ niệm ở Rumani, những dấu ấn trên hành trình nghề nghiệp và cuộc sống. Số phận đã gắn anh với nghề xây dựng từ khi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1956, tốt nghiệp là kỹ sư xây dựng khóa 1 năm 1959. Niềm đam mê khoa học kỹ thuật đã lôi cuốn anh vào các đề tài nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của đất nước. Các đề tài mà anh cùng đồng nghiệp tổ chức thực hiện, hay hợp tác với chuyên gia, bạn bè quốc tế như Trung Quốc, Liên xô, Cuba, Thuỵ Điển… hoặc luận án tiến sỹ nghiên cứu ở Rumani đều được vận dụng trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu và sử dụng bê tông cường độ cao, bê tông giãn nở, bê tông chống thấm, vật liệu đá xây dựng Lăng Hồ Chí Minh, giải pháp kết cấu các công trình đặc biệt, giải pháp thiết kế các giàn DK ngoài biển… đều mang dấu ấn và sự nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp suốt gần 50 năm hành nghề xây dựng. Dù  đảm nhiệm các chức vụ quản lý như Trưởng phòng, Viện phó, rồi Viện trưởng   Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, hay Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, anh không xa rời cái gốc chuyên gia khoa học  của mình. Chắc anh là một trong số rất ít bộ trưởng giữ được niềm đam mê như vậy. Sau khi nghỉ hưu năm 2002, anh  làm Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Huân chương Độc lập hạng nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (cho tập thể 19 người, trong đó có anh) mà Chủ tịch nước trao tặng chính là sự ghi nhận những đóng góp của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Kiểm cho sự phát triển của ngành Xây dựng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc.     

Bây giờ gặp lại anh, tôi thực sự bất ngờ. Bất ngờ vì ẩn sâu trong nụ cười rất hiền kia là một  hồn thơ đằm thắm. Đúng là người hiền thường hay giấu mình!

Tác giả Trần Bích Hạnh của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong bài “Nhà khoa học với hồn thơ lắng đọng”, đã viết về anh:

Có lẽ, nhắc đến GS Nguyễn Mạnh Kiểm, người ta nghĩ nhiều đến một vị Bộ trưởng. Nhưng trong ông là sự hòa quyện của một nhà quản lý, một nhà khoa học với tâm hồn thơ ca. Và dường như những bài thơ “đầy vôi vữa” thấm trong chất khoa học ấy đã tạo nên sức mạnh, sự sáng tạo của ông qua mỗi công trình…“.

Có thể nói, trên mỗi bước đường đời, GS Nguyễn Mạnh Kiểm đều gửi gắm suy nghĩ, tình cảm của mình qua những vần thơ. Ông đã sáng tác hơn 200 bài thơ thuộc các chủ đề: thời học sinh, quê hương, gia đình, nghề nghiệp, tình yêu, tình bạn…

Phu nhân của anh, chị Trần Mỹ Vượng, là bạn học cùng lứa với chúng tôi sang Rumani năm 1965. Trong số các bạn sinh viên nữ Việt Nam ở Trường Đại học Bách khoa Bucarest, chị là một hoa khôi mà nhiều chàng nghiên cứu sinh, sinh viên thầm yêu và ngấp nghé. Thời kỳ ấy, những đôi yêu nhau, thường là giữ bí mật cho tới lúc trước khi về nước. Thực ra tôi cũng chỉ biết anh chị yêu nhau và thành vợ chồng sau khi chúng tôi đã về công tác ở Hà Nội. Chị đã từng công tác ở Viện Quy hoạch Bộ Xây dựng, rồi làm Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng, và được tặng Huân chương Lao động hạng 3.

Tôi quay sang chị, năn nỉ:

–   Chị Vượng ơi, hồi ở Rumani, chắc anh Kiểm tặng chị những bài thơ tỏ tình chứ nhỉ! Cho tôi xem đi!

Chị vẫn cười, nụ cười hồi con gái:

–   Toàn chuyện riêng tư ấy mà, cho người khác đọc, mình xấu hổ lắm!

Tôi càng tò mò, cố thuyết phục:

–   Đã hơn bốn chục năm rồi, bây giờ cho giải mã đi chứ! Càng riêng tư mới càng thú vị đấy!

Anh Kiểm cũng cười:

–   Hồi ấy, mấy cậu nghiên cứu sinh ở Bách khoa cứ ghen tức với tớ mãi.

Chị có vẻ thỏa hiệp:

–   Hay là bạn xem bài “Si Daca” anh Kiểm dịch thơ của Eminescu nhé?

–   Chà, ông anh tỏ tình bằng thơ của đại văn hào Rumani thì độc đáo thật!

Tôi thấy khó có thể tiến xa hơn, nên cũng không cố nài nỉ nữa và chúng tôi trở lại câu chuyện về những kỷ niệm thời sinh viên, về bạn bè và gia đình…

Trước Tết Ất Mùi, tôi nhận được món quà quý từ Hà Nội gửi vào:  cuốn sách “Thơ Nguyễn Mạnh Kiểm,  Tình nghề nghiệp – Nghĩa gia đình”  vừa mới được xuất bản,  do tác giả ký tặng ngày 12/02/2015 . Đọc tập thơ gồm hơn một trăm bài do Trần Mỹ Vượng cùng các con biên tập , tôi cảm nhận được những tình cảm đậm đà, sâu lắng của một trái tim thắm tình cao đẹp. Đó là những cung bậc rung động trong hành trình vươn lên với nghề xây dựng, về các bạn đồng nghiệp, về những công trình mà tác giả ấp ủ cả một đời, và về tình yêu đối với người bạn đời, với con cháu, những tình cảm hết sức chân thành, mộc mạc mà sâu sắc.

Từ đất nước Rumani xa xôi, năm 1968, tác giả  gửi gắm tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, qua bài “Nhớ Bác lúc xuân về”:

“Ai về Hà Nội quê ta

Thưa giùm với Bác con xa nhớ Người”

Tình yêu đến với anh cùng với tuyết trắng của mùa đông trên xứ sở vùng Ban Căng thơ mộng. Và lời tỏ tình, trao duyên trên miền đất Rumani giàu tình yêu, có lời thơ của đại thi hào Eminescu trong bài “Và khi nào…” :

                             “Khi những cành cây đu đưa quệt vào cửa sổ

                             Hàng bạch dương lung lay trong gió

                             Tâm hồn em có bóng anh in

                             Là những khi anh đến bên em

 

                                Và khi những ngôi sao lấp lánh

                                Lặn thật sâu sáng cả đáy hồ đêm

                               Tâm hồn anh cháy bùng ngọn lửa

                                Là những khi anh đến bên em


                                       Và khi vần vụ mây đen

                                       Ánh trăng vẫn tỏ như đèn trên không

                                       Niềm riêng thương nhớ khôn cùng

                                       Gửi em vẹn cả tình chung cuộc đời”

                                                                         Bucarest 1969

Trong ngày tình nhân, anh đã đến tặng nàng “hoa đỏ thắm tươi” với nỗi lòng và niềm tin mãnh liệt ở tình yêu:

                        “Đến em mà chẳng gặp em

                         Ngồi chơi để mắt qua rèm ngóng trông

                        Tuyết trời gió lạnh đêm đông

  

                        Có ai hiểu nổi nỗi lòng vấn vương 

                        Anh biết em đi mới nửa đường

                        Nửa đường còn lại lắm phong sương

                        Nhưng anh đã chắc ngày sum họp

                        Nắng ấm trời Nam tỏa bốn phương

                                                            Bucarest 14-2-1969

Và tình yêu đã đơm hoa kết trái. Cậu con trai đầu lòng nay là thạc sỹ kiến trúc sư, cậu thứ nam là thạc sỹ kỹ sư xây dựng. Cả hai đều đang công tác ở các cục, vụ trong Bộ Xây dựng. Cả gia đình cha truyền con nối, trưởng thành và cống hiến cho một nghề vất vả mà cao quý – nghề làm đẹp đất nước.

Đôi uyên ương trong mơ từ miền đất Rumani thơ mộng năm nào, nay đã vươn  tới bến bờ hạnh phúc gia đình và vinh quang nghề nghiệp. Ngoài tài năng, chỉ có thể  hồn thơ đã nâng cánh uyên ương.

                                                                   Sài Gòn, Xuân 2015.  

Bỳ Văn Tứ