45 năm đã trôi qua từ ngày ra đời kế hoạch đó. Câu chuyện của một nhân chứng K8 gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ của một thệ hệ người Việt Nam ngày ấy.
“Thép ngàn độ lửa”
Ông Nguyễn Anh Trí là một nhân chứng K8
Phá thủy lôi mở đường
Đến bờ sông Gianh, đoàn phải đợi suốt một ngày để chờ bộ đội phá xong thủy lôi mở đường cho chúng tôi đi. Qua đèo Mồng Gà, bám áo nhau mà đi, lúc nào bảo đi là đi, bảo nghỉ là nghỉ, không biết trước được. Có khi lại đi bằng thuyền độc mộc, để luồn dưới những con suối nhỏ trong rừng.
Các anh chị hộ tống dặn chúng tôi rằng, đi như bộ đội hành quân vậy, không để lại dấu vết. Phải bí mật vì địch cũng tìm cách chặn bước đi ra Bắc của đoàn K8 chúng tôi.
Dấu ấn đậm nhất trong hành trình này là đói. Đói vì thiếu gạo, vì lỡ đường không đến được địa điểm đã định, vì không đun nấu được do máy bay địch quần thảo nhiều quá… Tuổi trẻ đang sức ăn sức ngủ, cái đói hành hạ không thể quên được. Nhưng chúng tôi không ai kêu ca, vì lúc đó có lẽ ai cũng đói, nhân dân cũng đói, cả bộ đội cũng có khi cũng gặp hoàn cảnh như chúng tôi.
Tôi nhớ khi đến một xã nào đó ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), 3 anh em chúng tôi ôm nhau ngủ. Bà chủ nhà đi ra đi vào ngắm chúng tôi, xuýt xoa thương cảm vì chúng tôi còn bé đã phải xa gia đình. Ngủ dậy được bà cho ăn, có món gọi là trứng tráng nhưng chủ yếu là bột mì (về sau tôi mới biết như vậy), mà chúng tôi ăn chưa bao giờ ngon đến thế.
Và nhớ nhà, chao ôi là nhớ. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng dễ vui, ham vui. Đang khóc hu hu mà phát hiện có cây bưởi, cây ổi có thể hái quả ăn là lại vui ngay.
Trong đoàn đi có nhiều anh có tài văn nghệ, tôi vẫn còn nhớ các anh Minh Vận, Hữu Long, Hồng Thanh, Diệp Khuyến đã diễn vở kịch “Con gà mái xám chân chì” bằng dân ca Bình-Trị Thiên rất hay, nhân dân các địa phương nơi đến, tập trung xem rất đông và đã rất khen ngợi. Cũng nhờ chuyến đi đó tôi đã biết và mê những làn điệu dân ca từ Quảng Bình, đến Nghệ-Tĩnh và Thanh Hóa, (mãi sau này lớn lên tôi vẫn cứ thích nghe và hát).
Do được ở trong nhà dân nên chúng tôi cũng tham gia tất cả những công việc của gia đình họ, nhờ đó chúng tôi biết thêm đặc điểm sinh hoạt, làm lụng, địa lý, tục lệ… của mỗi vùng đất nơi mình đã đi qua.
Anh, chị, em…
Trong tổ tôi, em Minh rất nghịch ngợm, nhiều lần tự nhiên em biến đâu mất, sợ em lạc tôi lại phải đi tìm. Nhiều lúc vừa giận vừa thương. Em Thanh còn bé, hành quân đêm một lúc là mỏi chân, buồn ngủ, không chịu đi. Thế là vừa cố dỗ để em đi, hoặc vừa cõng em ngủ để đi cho kịp đoàn. Mệt, nhưng thương em lắm, không giận hờn, không nghĩ ngợi gì cả!
Có lần vừa đến một làng, sau khi nhận nhà ở xong thì máy bay Mỹ bất ngờ ập đến ném bom. Những tiếng nổ inh tai, khói đen mù mịt. Không biết có ai chết hay bị thương gì không nhưng em Minh thì không thấy về. Bom ngớt, mọi người chạy khắp nơi tìm Minh. Tôi vừa tìm vừa khóc gọi “Minh ơi! Minh ơi!”. Hơn 1 tiếng sau thì em cũng về, hỏi đi đâu thì em đáp tỉnh bơ “… chạy đi chơi ở xóm trên!”
Suốt hành trình, tôi thấy dân mình ở đâu cũng tốt. Nhường bữa cho chúng tôi ăn, nhường hầm cho chúng tôi ngủ (đến Nghệ An chúng tôi mới được ngủ trên giường, còn lại toàn ngủ hầm), cho chúng tôi quần áo, tắm giặt cho chúng tôi, thương như con cái trong nhà vậy.
Và anh em trong tổ tam tam chúng tôi thì thương nhau lắm, tôi nghĩ, còn hơn cả anh em ruột, bởi anh em ruột ở nhà còn có bố có mẹ, bấy giờ thì chỉ có chúng tôi với nhau.
Các anh em được phân phối ở cả tỉnh Thanh Hóa (và nghe đâu là cả Ninh Bình nữa?). Riêng chúng tôi được đưa về Thôn Thượng, HTX Quyết Thắng, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lúc đó khoảng 9-10 giờ tối, dân đã đốt đèn tập trung ở sân kho, người ta đọc danh sách và các gia đình đón chúng tôi về nhà mình ở. Lúc đầu có 5 anh em chúng tôi được phân về nhà ông Bí thư chi bộ. Gia đình đón tiếp nhiệt tình lắm, nói chuyện tới khuya, nhưng mãi chẳng thấy cho chúng tôi ăn gì. Rồi tất cả lên ngủ trên một cái chõng. Chiều hôm sau chúng tôi được chuyển sang ở các nhà khác, nghe nói “vì nhà Bí thư nghèo và khó khăn quá!”.
Tôi được về ở nhà ông Lê Văn Chí. Ông bà có 7 con thì 5 con đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có 4 người con trai đều là bộ đội B dài cả, chỉ có cô con gái tên Thái đi TNXP đóng quân không xa lắm. Đó là một gia đinh nề nếp, gia phong, có tinh thần cách mạng. Ông cụ hiền lành, bà thì căn cơ, mẫu mực, chú Ngôn đang học lớp 10, rất giỏi. Cả nhà chăm lo cho tôi lắm, như con cái trong gia đình. Tôi còn nhớ cô Thái thỉnh thoảng về vẫn lôi chúng tôi ra tắm giặt sạch sẽ ở giếng nước công cộng cạnh sân kho. Tôi hay ngồi học bên cạnh và ngủ cùng giường với chú Ngôn.
Chúng tôi được vào lớp học cùng các bạn ở địa phương, được tạo điều kiện học tập, được thương yêu, được ưu tiên vào học lớp tốt nhất. Và tất nhiên cũng có nhiều kỷ niệm của cái tuổi “nhất quỷ nhì ma”. Ví dụ thích đi chăn bò, đi bẻ trộm mía, mót khoai, đậu lạc, ngô, bẫy chim…hơn là học. Còn đánh nhau nữa, thi bơi qua sông Chu… Vui và đáng nhớ lắm. Tôi nhớ, Thanh Hóa dạo đó đẹp, thanh bình, làng xóm sống tình nghĩa và gần gũi lắm.
Cuộc sống cứ thế trôi. Đến một ngày hè năm 1969, có người ở xã bên cạnh (tôi không nhớ tên xã, nhưng nhớ ở đó có HTX Đông Phương Hồng) báo cho tôi biết là ba tôi ở Quảng Bình ra đón tôi về. Vì mẹ tôi nhớ tôi quá, ba tôi bảo thế. Hai cha con đi bộ, đi nhờ xe, đi tàu, gặp gì đi nấy, cuối cùng cũng về đến nhà. Đưa tôi về xong, ba tôi quay lại Thanh Hóa gặp ông bà chủ nhà để xin lỗi việc đã đưa tôi về. Tôi học tiếp lớp 6 ở Quảng Bình từ năm đó.
Làm sao gặp được nhau
Tôi chỉ tiếc là các thế hệ K8 rồi tản mát mỗi người một hướng, không liên lạc lại được với nhau, bây giờ không biết ai còn ai mất, làm gì, ở đâu? Các thế hệ K8 chắc làm ở nhiều ngành, nhiều nghề. Tôi đặc biệt mong được biết những ai trong thế hệ đó đã trở thành những nhà khoa học. Rất cần có một cuộc điều tra lại thông tin, lập ra một Ban liên lạc để kết nối, nghiên cứu; để thấy rõ hơn đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong những ngày đất nước đầy gian khó. Bản thân tôi là một thành viên K8, tôi xin sẵn sàng làm đầu mối và sẵn sàng tham gia Ban liên lạc nếu được tín nhiệm.
Xin các thế hệ thành viên K8, ai biết, có thể liên hệ với tôi qua địa chỉ:
Nguyễn Anh Trí
Viện Huyết học và Truyền máu trung ương
Đường Trần Thái Tông (kéo dài), phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 0903.217.517.
Nguyễn Thị Trâm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam