Đúng như lời chúc đầu năm mà Cố vấn cao cấp – GS.TS Nguyễn Anh Trí tặng cho Trung tâm, có thể tự hào mà khẳng định rằng, năm 2017 đã thực sự tạo đà cho những điều “đạt, đến, được” của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thời gian tới.
Báo cáo tổng kết do Giám đốc điều hành – ThS Trần Bích Hạnh trình bày đã cho thấy những thành tựu nổi bật: Trong năm 2017, Trung tâm đã tiếp cận 389 nhà khoa học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sưu tầm 139.086 tài liệu hiện vật, vượt 152% so với kế hoạch năm 2017. Công tác kiểm kê, bảo quản, số hóa tài liệu được tiến hành song song với công tác sưu tầm. Một trong những nét nổi bật năm qua là hoạt động sôi nổi tiếp đón khách tham quan trên tòa nhà Lưu trữ di sản các nhà khoa học (S1) tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Th.S Trần Bích Hạnh – Giám đốc điều hành – trình bày báo cáo
tổng kết hoạt động của Trung tâm trong năm 2017
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn khẳng định Trung tâm đã tạo được một thương hiệu riêng có trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà khoa học. Vấn đề là phải giữ vững và phát triển thương hiệu đó, trân trọng niềm tin của nhà khoa học cũng như niềm mong mỏi của họ gửi gắm vào Trung tâm bằng cách thay đổi tư duy về bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu hiện vật, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. PGS Nguyễn Văn Huy cũng chia sẻ tâm huyết của mình về việc tạo ra một không gian trải nghiệm khoa học tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, thông qua đó thu hút sự quan tâm của xã hội đối với các hoạt động của Trung tâm và Công viên.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí kết luận: Công việc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang thực hiện đều thuận, bởi nó đáp ứng nhu cầu của xã hội, từ đó Trung tâm nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ từ xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học; Trung tâm đã tạo dựng được thương hiệu riêng; Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình với chức năng kết hợp giữa Du lịch – Tham quan trưng bày bảo tàng là một lựa chọn rất đúng. Trong thời gian tới, cần khẩn trương xây dựng định hướng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để Trung tâm có những bước phát triển đều đặn và vững chắc. GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định nguyên lý xã hội hóa hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản: “Khai thác di sản nhà khoa học phục vụ xã hội – Huy động xã hội khai thác di sản nhà khoa học”.
Và sự tâm huyết, sự đồng lòng, đồng thuận trong công việc của toàn thể cán bộ là tiền đề quan trọng tạo nên sự thành công của Trung tâm trong mỗi bước đường phát triển.
Làm thế nào để gìn giữ và phát huy thương hiệu của
Trung tâm là điều PGS.TS Nguyễn Văn Huy trăn trở
Giáo sư Nguyễn Anh Trí chỉ ra những yếu tố THUẬN
giúp Trung tâm nắm bắt và phát huy tốt hơn
Cán bộ Trung tâm cùng Ban giám đốc tràn đầy niềm tin
chào đón năm mới 2018
Lê Phương Chi