Kết tinh từ cuộc đời làm khoa học

Quá trình nghiên cứu về hoạt động khoa học của Giáo sư, TS Ngô Ngọc Liễn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng, trường Đại học Y Hà Nội, chúng tôi càng thấy được tâm huyết của ông gửi gắm trong bản thảo sách "Từ điển thuật ngữ Tai-Mũi-Họng". Đó là cuốn từ điển ông nung nấu và thực hiện trong thời gian dài, theo như lời ông: “Mình viết xong cuốn này thì cuộc đời mình coi như đã ổn định, yên tâm được rồi".

Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, năm 1960, BS Ngô Ngọc Liễn được phân công giảng dạy tại Bộ môn Tai Mũi Họng, trường Đại học Y Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu, được học tập và làm việc với GS Trần Hữu Tước – Chủ nhiệm Bộ môn, không chỉ được học Thầy về chuyên môn, ông còn học hỏi được ở GS Tước về văn hóa ứng xử, y đức…Ngoài ra, những chuyến học tập, công tác ở nước ngoài cũng như sự giúp đỡ của đồng nghiệp giúp ông hiểu sâu hơn và có nhiều ý tưởng khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Gần 50 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy, trước khi nghỉ hưu (2007), GS Ngô Ngọc Liễn luôn trăn trở khi Bộ môn chưa có một cuốn từ điển nào thật đầy đủ, có chất lượng về học thuật như một công cụ phục vụ tra cứu.

Cuối những năm 90, GS Ngô Ngọc Liễn cùng một số bác sĩ khác gồm: PGS Nguyễn Đình Bảng (ở TP Hồ Chí Minh), BS Bùi Minh Đức (ở Mỹ); GS Trương Vĩnh Ký (ở Pháp) cùng nhau họp thảo luận cho ý tưởng viết cuốn Từ điển. Qua một số lần bàn bạc không đủ thành phần do GS Ký và BS Đức ở nước ngoài, những lần về Việt Nam làm việc không trùng nhau, đặc biệt năm 2003, PGS Bảng mắc bệnh, ý tưởng của các ông chỉ dừng lại ở việc bàn bạc xây dựng kế hoạch triển khai.

Năm 2004, Giáo sư Liễn trao đổi với đồng nghiệp trong Bộ môn Tai Mũi Họng về ý tưởng biên soạn Từ điển của mình, được họ rất ủng hộ, ông bắt đầu thực hiện viết Từ điển với lòng say mê tâm huyết. Trong quá trình soạn thảo, Giáo sư Liễn cộng tác cùng nhiều đồng nghiệp, học trò: PGS.TS Nhan Trừng Sơn, TS Nguyễn Văn Long, TS Lương Minh Hương, TS Lê Minh Kỳ và nhóm bác sĩ nội trú: ThS Trần Thu Hằng, ThS Trần Thị Thu Hiền, ThS Nguyễn Hoàng Huy. Khi ra nước ngoài học tập, thành viên trong nhóm biên soạn đã thu thập tài liệu, Từ điển tiếng Pháp giúp ông tham khảo, bổ sung các từ và ngữ nghĩa. Ông quan niệm: từ ngữ trong từ điển phải hết sức chuẩn và chặt chẽ.

Đặc biệt, một số từ ngữ về y học cơ bản, ông phải tra cứu rất kỹ, ví như: Dây thần kinh thì có: Dây thần kinh tai ngoài; Dây thần kinh tai trong; Dây thần kinh tai giữa; Dây thần kinh tai trước; Dây thần kinh tai sau… Ông còn phải tra cứu nhiều trong các cuốn sách về Giải phẫu bệnh. Năm 2006, GS Ngô Ngọc Liễn trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, ông đã gặp một đồng nghiệp cũng là bạn cùng lớp thời sinh viên – PGS Trần Phương Hạnh, qua câu chuyện trao đổi, ông đã thấy ra nhiều vấn đề: “Lúc tôi vào TP Hồ Chí Minh, ông Hạnh đã viết cuốn từ điển về Giải phẫu. Tôi chia sẻ với ông Hạnh về việc viết cuốn Từ điển Tai-Mũi-Họng và dự kiến khoảng một năm nữa có thể xong. Ông Hạnh thẳng thắn nói: Cậu nhầm. Cậu cứ soạn xong đi, sau 2 năm chỉnh lý được là đã giỏi rồi. Quả nhiên phần chỉnh lý rất mất nhiều thời gian”.

Sau khi hoàn thiện từng mục Từ điển theo bảng chữ cái A, B, C… , ông chuyển bản thảo cho học viên nội trú đánh máy. Nhưng các học viên nội trú đánh máy cũng không thể chuẩn xác hoàn toàn, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp, ông phải đọc sửa lại rất nhiều.

Để có nhiều thời gian “toàn tâm, toàn ý” cho cuốn từ điển, năm 2006, GS Ngô Ngọc Liễn xin thôi quản lý phụ trách đào tạo Sau Đại học, trường Đại học Y Hà Nội, chỉ làm công tác giảng dạy. Năm 2007, Giáo sư Liễn nghỉ hưu theo chế độ và dành mọi thời gian và sức lực để hoàn thành kế hoạch mà ông tâm huyết. Ông cũng giảm bớt thời gian khám bệnh ở phòng khám tư nhân, cho dù điều đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Đánh máy toàn bộ bản thảo lần 1 cơ bản đã xong, nhưng phải mất thêm một năm với 3 lần đánh máy ra bản bông mới để hoàn thiện việc chỉnh sửa, bổ sung, sửa lỗi kỹ thuật. Sau đó, ông Lê Ba-người biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp đã đánh máy lại toàn bộ bản thảo.

Một trang bản thảo đánh máy cuốn Từ điển với bút tích sửa chữa của GS.TS Ngô Ngọc Liễn

Trong quá trình biên soạn cuốn Từ điển, có nhiều lúc ông tưởng chừng phải bỏ cuộc, bởi ngoài những khó khăn thì điều ông lo lắng nhất chính là sợ công trình sẽ dở dang nếu như ông có mệnh hệ gì. “Tôi cũng đã hỏi ý kiến của học trò thân thiết nếu tôi nửa chừng không hoàn thành việc soạn thảo, bỏ đi phí lắm mọi người hãy tiếp tục làm, đề tên tôi cũng được, không đề tên cũng được. Nhưng không ai dám nhận. Tôi vừa làm vừa lo. Khi viết xong mục từ nào, có thể chưa hoàn chỉnh nhưng đã đưa cho các học viên photo tra cứu, họ rất thích. Có những lúc tôi chợt nghĩ là gửi đăng những mục từ quan trọng trên Tạp chí Tai mũi họng, phổ biến được ít nào hay ít đó nhưng cũng không thấm gì vì Tạp chí thường ít trang mà từ điển rất dày.” – GS Ngô Ngọc Liễn chia sẻ.

Khi chưa xuất bản, bản thảo Từ điển này đã mang lại lợi ích thiết thực cho các sinh viên, rồi với sự giúp đỡ của các cộng tác viên và sự ủng hộ của đồng nghiệp đã động viên, thúc đẩy ông tiếp tục hoàn thành. Sau khoảng 6, 7 tháng biên tập, duyệt theo quy trình, cuốn Từ điển thuật ngữ Tai-Mũi-Họng được Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2009.

Bản thảo cuốn Từ điển thuật ngữ Tai-Mũi-Họng mà GS Ngô Ngọc Liễn dồn hết tâm sức, trí tuệ suốt 5 năm biên soạn đã được chính tác giả gửi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào tháng 11 năm 2012. Bản thảo không khác gì nhiều so với sách đã xuất bản, gồm 3 phần: Phần 1: Từ điển thuật ngữ giải thích Pháp-Anh-Việt với hơn 6.300 từ, thuật ngữ Tai mũi họng và liên quan, trong đó trên 2/3 số từ được giải thích; Phần 2: Từ điển thuật ngữ Anh-Pháp-Việt; Phần 3: Từ điển thuật ngữ Việt-Pháp-Anh nhằm giúp cho tra cứu, đồng thời cũng được sử dụng để ôn lại, bổ túc thêm các kiến thức cơ bản, thường gặp về Tai mũi họng. Cuốn Từ điển đóng góp vào sự thống nhất dần các từ ngữ Tai Mũi Họng, xây dựng ổn định các từ ngữ mới, chuyên sâu như về Thính – Thanh học….để tiến tới xây dựng hệ thống thuật ngữ Tai Mũi Họng hoàn chỉnh và khoa học hơn. [1]

Khi trao một “tài sản” được tích lũy cả đời, gắn bó với chuyên ngành Tai Mũi Họng, GS Ngô Ngọc Liễn tâm sự: "Tâm huyết và sự tập trung cao độ đã biến những trăn trở bấy lâu của tôi thành hiện thực, thành sách, đến tay bạn đọc. Một phần nào đó, tôi cảm thấy yên tâm và hạnh phúc". Đây cũng là một trong những tác phẩm ông hài lòng nhất.

Hoàng Thị Liêm

_____________________

[1] Tham khảo Lời giới thiệu cuốn Từ điển thuật ngữ Tai-Mũi-Họng.