Khai mạc triển lãm “Cháy mãi những đam mê” chào mừng ngày 20/10

 Triển lãm “Cháy mãi những đam mê” muốn gửi đi thông điệp: Khoa học chính là cuộc sống.

Triển lãm kể câu chuyện của 15 nhà khoa học nữ Việt Nam, tuy ở các lĩnh vực khác nhau như Y học, Nông nghiệp, Môi trường, Giáo dục… nhưng điểm chung là họ đã sống cùng đam mê, sự khát khao nghiên cứu, sáng tạo, vượt qua mọi rào cản, những tổn thương, mất mát… để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có hiệu quả, tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người, làm xã hội tốt đẹp hơn.

Đó là “Bà mẹ lúa” GS, TS Nguyễn Thị Lang với công trình nghiên cứu hơn 10 năm trời để cho ra các giống lúa MO4900, MO5900 có năng suất 7-9 tấn/ha góp phần tạo nên giá trị xuất khẩu gạo thứ hai thế giới của Việt Nam. Đó là khẩu trang Nano bạc của TS Nguyễn Thị Ngọc Dung giúp ngăn ngừa lây lan hiệu quả virus H5N1 khi nó tạo ra cơn lốc dịch bệnh đáng sợ. Đó là công trình chế tạo thành công máy biến áp 500 kilo Vôn đưa vào ứng dụng hiệu quả trong ngành điện Việt Nam của kĩ sư Nguyễn Thị Nguyệt…

Triển lãm gồm 3 nội dung chính: “Khởi nguồn đam mê”, “Hành trình sáng tạo”, “Cháy mãi ước mơ”. Thông qua những chia sẻ, tâm sự, những bức ảnh tư liệu, những đoạn phim… triển lãm mang tiếng nói của các nhân vật đến gần hơn với công chúng, để chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của các nhà khoa học nữ, đằng sau những vinh quang, thành công, họ còn là người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình với những yêu thương, lo lắng hàng ngày.
 
Triển lãm “Cháy mãi những đam mê” muốn gửi đi thông điệp: Khoa học chính là cuộc sống. Hãy ước mơ, hãy dấn thân với đam mê, sáng tạo, tìm ra những giá trị gắn kết và phục vụ cuộc sống; đồng thời tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học nữ Việt Nam – những người bằng sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình không chỉ phục vụ cuộc sống người dân, mà còn góp phần đưa khoa học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

 
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Cháy mãi những đam mê”

Cũng giống như các nhà khoa học nữ, 2 nữ họa sĩ Trần Thanh Thục và Ngô Đình Bảo Vi cũng đã cháy hết mình với niềm đam mê nghệ thuật, luôn trăn trở để tìm ra hướng đi mới trên con đường sáng tạo của mình. Những tác phẩm nghệ thuật “Ghép vải” và “Trúc chỉ” của các chị được giới thiệu trong triển lãm lần này là những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc Việt Nam.

Trước thềm triển lãm công chúng còn được lắng nghe những tâm sự của các nhà khoa học nữ về nghề, về đam mê của mình.

PGS, TS Nguyễn Thị Hòe, bà chủ của Sơn Kova, người từng lĩnh giải thưởng Kovalevskaya nhận định nội dung, ý nghĩa của triển lãm này rất tuyệt vời. Bà bày tỏ mong muốn được đưa triển lãm này ra nước ngoài để bạn bè quốc tế ghi nhận những đóng góp lớn lao của các nhà khoa học nữ Việt Nam với trong nước và quốc tế.

Bà cũng gửi gắm lời nhắn nhủ với các nhà khoa học, các bạn trẻ Việt Nam hiện nay là phải hội nhập, phải đi ra ngoài biển lớn thì mới biết mình đang ở đâu. Bản thân bà hiện nay cũng có 12 công ty ở 8 quốc gia với 3000 nhân viên.
 

 Góc trưng bày
Góc trưng bày “Bà mẹ lúa” GS, TS Nguyễn Thị Lang tại triển lãm “Cháy mãi những đam mê”

“Bà mẹ lúa” Nguyễn Thị Lang tâm sự với ước mơ 30 năm trở về lúa gạo, suốt bao nhiêu năm nay bà vẫn cứ lăn lộn ngoài đồng để tìm ra những giống lúa mới bởi Việt Nam là kho dự trữ lúa gạo cho quốc tế. Trước kia ta chỉ xuất khẩu gạo đơn thuần nhưng bây giờ nhu cầu thị trường đòi hỏi các loại gạo khác nhau như hạt tròn, hạt ngắn hay hạt dinh dưỡng, thơm hơn, ngon hơn. Vì thế nhu cầu hàng ngày đã thôi thúc bà phải nghiên cứu không ngừng nghỉ để đưa kĩ thuật mới nâng cao thương trường, để xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt lên.

Thạc sĩ Đàm Thị Lan là nhà khoa học trẻ tuổi nhất được vinh danh trong triển lãm lần này với công trình đốt rác không cần nhiên liệu. Từ ý tưởng ấp ủ khi học Đại học Bách khoa Hà Nội hiện tại công trình của chị đã ứng dụng trên 30 tỉnh thành trong cả nước. Tâm đắc với ý kiến phải đi ra biển lớn mới biết mình là ai, có những gì, chị và đồng nghiệp đã chuyển giao công nghệ cho Nga và một số nước khác để họ cũng được sử dụng thành công của nghiên cứu này.

“Với tinh thần cầu thị, từ năm 2003 đến nay chúng tôi đã liên tục cải tiến, nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ. Kết quả từ lò đốt công suất 500kg chúng tôi đã chế tạo ra lò đốt công suất 10 tấn rác trên một giờ”, Thạc sĩ Đàm Thị Lan chia sẻ. Đáng chú ý là với cuộc sống phát triển như ngày nay, rác thải nhiều, lò đốt rác của chị còn đảm bảo khí thải không ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Kĩ sư Nguyễn Thị Nguyệt cũng tâm sự: “Khi nghiên cứu thiết kế máy biến áp 500KV, chuyên gia Nga khuyên tôi không nên làm vì ở Nga, 8 tiến sĩ hàng đầu mà phải làm đến lần thứ tư mới thành công. Chuyên gia Nga nhìn tôi ái ngại: “chỉ là kĩ sư, mà lại là phụ nữ thì làm sao mà làm được”? nhưng như người “cưỡi trên lưng hổ”, vì danh dự công ty, vì ngành điện Việt Nam, tôi quyết tâm nghiên cứu cho bằng được”.

Không những thế, trước đó bà còn là người nghiên cứu chế tạo thành công máy biến áp 110KV, 220KV đưa công nghệ Việt Nam lên ngang tầm khu vực và đến khi máy 550KV ra đời thì công nghệ VIệt Nam đang ngang tầm quốc tế. Với các máy biến áp này do Việt Nam chế biến đã giảm được khoản tiền khổng lồ không phải nhập khẩu máy biến áp từ nước ngoài. Bà cũng là người sửa chữa thành công máy biến áp 500KV do Liên Xô sản xuất.

Triển lãm khai mạc và mở cửa đón khách từ 16/10 – 16/11/2018 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Bài và ảnh: Cẩm Tú
 

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/