Ban Giám đốc và trưởng nhóm trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam
cùng xem lại bản market trước khi in thi công.
Câu chuyện về bệnh bại liệt và việc sản xuất vaccine phòng chống bại liệt ở Việt Nam từ những năm 50 được các nghiên cứu viên của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam “khai quật” lại qua ký ức của các nhà khoa học. Hàng loạt các vấn đề về căn bệnh bại liệt: nguồn gốc, nguyên nhân, bối cảnh xã hội trong mùa dịch, quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine…những câu chuyện "bếp núc" trong đó được kể lại tỉ mỉ và tái hiện qua những hiện vật trong trưng bày: Từ những chiếc kính hiển vi, chai roux dùng nuôi cấy tế bào thận khỉ, máy bơm nhu động, móc câu, bình cầu, kẹp ruột, lọ vaccine bại liệt, ống nhỏ giọt…
Tủ trưng bày hiện vật về công trình Vaccine phòng bại liệt.
Trưng bày còn gợi lại những cảm xúc của y bác sĩ – là những nhân chứng sống của thời kỳ đó: Chúng tôi đã chứng kiến khoảng trên 30 ngàn trẻ bị bại liệt và cứ thay phiên nhau vào bệnh viện nằm ở khoa Truyền nhiễm. Khi chúng tôi đi đến các phòng bệnh thì không thể nào lách chân đi được bởi trẻ nằm la liệt cả ở ngoài hiên, ngoài vườn, còn ở trong buồng bệnh thì mỗi giường phải 3 đến 4 cháu (BS Bùi Xuân Vĩnh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt Quốc gia).
Một góc không gian trưng bày.
Tuy công nghệ vaccine này do Liên Xô chuyển giao năm 1960, nhưng GS Hoàng Thủy Nguyên và các cộng sự đã nghiên cứu, sáng tạo về chọn nguyên liệu, về cơ sở vật chất, thiết bị… để ứng dụng tại Việt Nam. Việc sản xuất thành công vaccine bại liệt từ năm 1962 đã giúp Việt Nam tự túc được vaccine để thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Ông còn đào tạo được đội ngũ nghiên cứu vi sinh vật học, miễn dịch học, virus học, mở đường cho sản xuất vaccine và sinh phẩm mới sau này.
Công trình về vacxin phòng bại liệt được trưng bày với sự hợp tác của Trung tâm Polyvac, sự cố gắng nỗ lực của nhóm nghiên cứu viên và thiết kế, thi công của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Kính mời quý vị đến Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình) để được nghe câu chuyện về hành trình xóa ác mộng bại liệt ở Việt Nam.
Nguyễn Thành