Trưng bày giới thiệu về ba nhà y học nổi tiếng của Việt Nam: GS Tôn Thất Tùng (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức); GS.TS, Đại tá Nguyễn Thúc Tùng (nguyên Viện phó Viện Quân y 108); GS.TSKH, Đại tá Nguyễn Văn Nhân (nguyên Viện Phó Viện Quân y 109).
PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu khai mạc trưng bày
Cả ba nhà y học trong trưng bày này mỗi người đều hoàn cảnh cá nhân, bối cảnh học tập và làm việc khác nhau, nhưng mỗi sáng tạo của họ đều có điểm chung là xuất phát từ sự cần cù, ham học hỏi, niềm đam mê nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm cao, tình thương yêu bệnh nhân, đồng đội và con người. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thách thức, họ chắt lọc kiến thức, kinh nghiệm từ bản thân và từ thực tiễn, quyết tâm đưa những sáng tạo của mình vào cuộc sống. Và họ đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Khách tham quan trưng bày
Thông qua những câu chuyện về hiện vật, tư liệu đã gắn bó với ba nhà khoa học, trưng bày sẽ giúp cho người xem hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của họ nói riêng và bối cảnh của nền y học Việt Nam nói chung. Tấm gương học hỏi và sáng tạo của GS Tôn Thất Tùng, GS.TS Đại tá Nguyễn Thúc Tùng và GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, về nhân cách và y đức sáng ngời của họ… sẽ giúp cho các thế hệ sau có thể hiểu được các nhà khoa học Việt Nam đã làm việc như thế nào trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, mà vẫn vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học.
Bản chép tay của GS Tôn Thất Tùng tại Trưng bày
"Khát vọng học hỏi và sáng tạo
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – đánh giá: “Thông qua các hiện vật của ba nhà khoa học lớn của ngành y, trưng bày cũng muốn giới thiệu với công chúng những phẩm chất rất quan trọng của các nhà khoa học, đó là phẩm chất học hỏi và sáng tạo. Muốn làm khoa học tốt, muốn đóng góp cho xã hội chỉ có học hỏi và sáng tạo. Và ba nhà khoa học này là những tấm gương lớn nhất. Trong những điều kiện khó khăn nhất của đất nước dù thiếu thốn trăm bề, không có tài liệu, dù hiếm tư liệu, thì họ đã cố gắng để có những đóng góp tốt nhất cho khoa học, cho đất nước…”.
Được biết, việc khai trương trưng bày này là một bước góp phần chuẩn bị nội dung và hình thức cho Bảo tàng về các nhà khoa học đang được triển khai xây dựng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Phương Lan
Nguồn: http://baotintuc.vn