PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã dành hơn 30 năm khai phá con đường đi của mình là bảo tàng học và nghiên cứu di sản. Ông đã đạt được những thành công nhất định. Tên tuổi của ông gắn liền với việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thành một bảo tàng hàng đầu Việt Nam và được giới bảo tàng quốc tế ghi nhận.
Với giới bảo tàng Việt Nam, ông được coi là một người đã tiếp thu nhiều quan điểm mới mẻ về bảo tàng học trên thế giới và vận dụng nhuần nhuyễn vào Bảo tàng Dân tộc học, góp phần tạo nên những biến đổi mang tính bước ngoặt về bảo tàng ở Việt Nam. Đặc biệt là việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong bảo tàng, biến bảo tàng từ một “ngôi nhà chứa-đựng-bày các hiện vật” mang nặng tính tuyên truyền thành một cơ quan nghiên cứu khoa học, làm cho các hiện vật sống lại khi gắn chúng với cộng đồng. Ông còn góp phần làm cho các bảo tàng thành một không gian giáo dục thích hợp với nhiều nhóm xã hội khác nhau.
Cuối năm 2008, khi Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ Việt Nam ra đời, nhiều người cho rằng đó là một “ý tưởng điên rồ”: Các tiến sĩ có gì mà nghiên cứu, bảo tồn. Gay gắt hơn nữa, nhiều người còn lo sợ chính hoạt động của Trung tâm này sẽ khuyến khích thêm thói háo danh và chạy đua bằng cấp của một bộ phận trong xã hội. Báo chí và dư luận xã hội lúc đó đã đưa ra những ý kiến phản ứng dữ dội về việc làm này của ông cùng các cộng sự.
Đứng trước những ý kiến tráih chiều như vậy, với tư cách là lãnh đạo chuyên môn của Trung tâm, ông đã chèo lái con thuyền mới nhổ neo vượt qua những sóng gió bước đầu của cuộc hành trình. Ông chỉ đạo các nghiên cứu viên của Trung tâm: Chúng ta không đi tranh luận với những ý kiến trên báo chí hay với dư luận xã hội. Công việc của chúng ta là đi gặp gỡ các nhà khoa học, trình bày những ý tưởng của mình và lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học. Từ đó, ông đã cùng các nghiên cứu viên của Trung tâm tiến hành hàng trăm buổi tiếp xúc với các nhà khoa học. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến hợp tình, hợp lý từ các nhà khoa học , ông đã đưa Trung tâm đi từng bước thận trọng và triển khai những quan điểm chỉ đạo của mình để tạo nên những sự thay đổi cả nhận thức lẫn hành động. Từ cái tên ban đầu là Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam, chuyển đổi thành Trung tâm Di sản Tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam (2009-2010) và đến đầu năm 2011 là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đó không chỉ là sự thay đổi mang tính hình thức mà chính danh xưng đó đã thể hiện rõ hơn mục tiêu và đối tượng mà ngay từ đầu Trung tâm đã mong muốn tiến hành nghiên cứu.
Có ý tưởng rõ ràng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy trực tiếp bắt tay vào việc tổ chức các công tác nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ tư liệu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học. Trước tiên là đào tạo cán bộ. Ông trực tiếp truyền đạt những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới, truyền nhiệt huyết cho các cán bộ trẻ vừa ra tốt nghiệp từ các trường đại học về làm việc tại Trung tâm. Từ hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị, tiến hành một buổi phỏng vấn, sưu tầm tư liệu và các câu chuyện hiện vật đến việc xử lý từng tư liệu do các nhà khoa học tặng. Những sinh viên mới ra trường còn bỡ ngỡ. Sự bỡ ngỡ thể hiện từ tâm lý e dè khi lần đầu tiếp xúc với một nhà khoa học nổi tiếng mà mình vốn rất ngưỡng mộ đến việc tiến hành nghiên cứu, phỏng vấn, sưu tầm như thế nào, ghi chép ra làm sao, xử lý tư liệu, thông tin thu được như thế nào? Ông đã đi cùng các nghiên cứu viên trẻ để hướng dẫn cách gặp gỡ các nhà khoa học cao tuổi, cách phỏng vấn hay hướng dẫn xử lý các công việc một cách khoa học. Từ sự “cầm tay chỉ việc” rất sát sao của ông, các nghiên cứu viên trẻ đã dần trở thành những người có thể tiến hành các công việc ngày càng thuần thục.
Dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chỉ mới sau 3 năm hoạt động, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả lớn. Triết lý đơn giản của ông: Lịch sử Việt Nam cũng như nền khoa học Việt Nam có thể ví như một tấm thảm có nhiều màu sắcđược tạo thành từ nhiều sợi chỉ khác nhau. Mỗi sợi chỉ mầu sắc khác nhau đều có một vai trò, vị trí riêng và cùng tạo nên tấm thảm đó. Mỗi nhà khoa học là một sợi chỉ trong việc dệt nên bức thảm về lịch sử hình thành, phát triển lĩnh vực khoa học của mình. Từ quan niệm đó Trung tâm đã tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời không những các nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều đóng góp mà còn nghiên cứucả những nhà khoa học ít nổi tiếng hơn hay bình thường. Kết quả làtrong một thời gian ngắn hơn 4 vạn tư liệu của hơn 200 nhà khoa học đã được nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản tại Trung tâm. Trong đó có những tư liệu quý như những cuốn sổ ghi chép của các giáo sư Phạm Đức Dương, Vũ Văn Chuyên, Nguyễn Văn Nhân, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thúc Tùng, Lê Thế Trung, nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu, … đến các bộ sưu tập thư của các giáo sư Văn Tạo, Lê Cao Đài, Lê Sỹ Toàn… hay các sưu tập nhật ký của các giáo sư Nguyễn Tài Thu, Trần Đức Hòe, Phan Trường Thị… rồi các bản thảo công trình khoa học, giấy tờ cá nhận… Các nhà khoa học trong nước và nước ngoài mỗi khi đến thăm kho tư liệu của Trung tâm đều không khỏi ngạc nhiên về những tư liệu đang được lưu giữ theo đúng quy chuẩn ở đây.
Để tăng chất lượng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đưa các phương pháp nghiên cứu nhân học, bảo tàng học mới vào công tác thu thập dữ liệu để tạo ra nhiều nguồn tư liệu về các nhà khoa học. Những buổi phỏng vấn có chủ đề được ghi hình và ghi âm lại làm tư liệu. Mỗi buổi gặp gỡ, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của các nhà khoa học được các nghiên cứu viên thực hiện viết báo cáo điền dã, nhật ký điền dã, ghi chép… để lưu giữ lại. Tính đến hết tháng 10/2011, Trung tâm đã ghi hình lại được gần 9000 phút tư liệu và ghi âm hơn 16000 phút tư liệu các nhà khoa học kể lại những kỷ niệm, những suy nghĩ, trăn trở của họ về cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình. Hàng ngàn trang tư liệu báo cáo điền dã, nhật ký điền dã được lưu giữ lại cùng hàng trăm sổ ghi chép lời kể của các nhà khoa học. Đây là những tài liệu về di sản ký ức vô cùng quan trọng của các nhà khoa học.
Gần vào tuổi thất thập, bận rộn rất nhiều công việc nhưng hàng ngày, ông vẫn đến Trung tâm cùng chia sẻ với các nghiên cứu viên hoặc về cách khai thác một tài liệu quý mới sưu tầm được, hay cách giải quyết một khó khăn gặp phải khi đi phỏng vấn hoặc đưa ra những ý tưởng, phương pháp làm việc mới nhằm đẩy mạnh công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật, tư liệu, thúc đẩy một hướng nghiên cứu mới. Xen lẫn những vào đó là những câu chuyện khêu gợi niềm đam mê của tuổi trẻ.
Những hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày càng được xã hội và giới khoa học đánh giá cao. Đó là kết quả của một tập thể tâm huyết, từ lãnh đạo Công ty MEDLATEC luôn ưu tiên đầu tư tài chính cho Trung tâm, sự cộng tác giúp đỡ của các nhà khoa học, gia đình các nhà khoa học, đến sự năng nổ của các nghiên cứu viên, bảo tàng viên, sự nhiệt tình của các cộng tác viên. PGS.TS Nguyễn Văn Huy là linh hồn của các hoạt động chuyên môn của Trung tâm, uy tín và cách làm việc của ông là niềm tin đối với các nhà khoa học mà Trung tâm triển khai nghiên cứu. Với tâm huyết, khát vọng giữ gìn di sản các nhà khoa học qua việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của họ, ông đã làm việc không mệt mỏi, cống hiến sức lực và trí tuệ mở đường cho một công việc hoàn toàn mới mẻ nhưng đầy tính nhân văn. Và ông luôn hy vọng, trong những năm tới, Việt Nam sẽ có một bảo tàng về các nhà khoa học , di sản các nhà khoa học sẽ được trân trọng và phát huy các giá trị của nó, xã hội sẽ hiểu, ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lưu trữ cá nhân, lưu trữ gia đình, lưu trữ ngoài công lập trong đó có lưu trữ về các nhà khoa học..
Bùi Minh Hào