Chúng tôi gặp BS Nguyễn Ngọc Hàm vào một ngày cuối tháng 3-2015. Khi liên hệ qua điện thoại, chúng tôi hỏi địa chỉ và được ông chỉ dẫn: Các cậu cứ đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển ở thành phố Uông Bí hỏi thì ai cũng biết, chứ hình như nhà tôi cũng không có số. Tạt vào một cửa hàng ven đường, chúng tôi hỏi nhà bác sĩ Hàm, họ tận tình hướng dẫn. Đi thêm đoạn nữa, chúng tôi hỏi tiếp một người khác, người này hỏi lại rằng có phải bác sĩ Hàm trước làm Giám đốc bệnh viện không, rồi cũng chỉ dẫn tận tình. Nhiều người dân ở Uông Bí còn quen gọi Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển là “Bệnh viện ông Hàm”.
Khi làm việc với chúng tôi, BS Nguyễn Ngọc Hàm tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một khẩu súng tự chế. Báng súng bằng gỗ, nòng súng làm từ chiếc ti ô tô. Loại súng này thường gọi là súng hoa cải, bắn bằng đạn ghém tự chế. Ông cho biết, ông thường lấy chì từ những bình ắc quy cũ, đem nấu chảy rồi nhỏ giọt thành từng viên hay mảnh nhỏ, đó là đạn ghém. Đặc biệt, thân súng có khắc chữ DH 2-73, được giải thích như sau: D nghĩa là Hoàng Văn Duệ – người làm ra khẩu súng này, H là Nguyễn Ngọc Hàm,còn 2-73 là tháng 2-1973, thời điểm khẩu súng ra đời. BS Nguyễn Ngọc Hàm đã từng nói với các con rằng, khi nào ông về với tổ tiên thì hãy đặt khẩu súng này lên bàn thờ, bên cạnh di ảnh của ông. Nhưng cuối cùng, nghe chúng tôi thuyết phục, ông đã tặng nó cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để làm hiện vật “kể” về những bác sĩ cùng làm việc tại bệnh viện trong thời gian khó mà ngày nay ít người tưởng tượng nổi.
Tháng 12-1960, lớp sinh viên khóa 1954 – 1960 của trường Đại học Y Hà Nội tốt nghiệp, có 65 người được ở lại Thủ đô công tác, Nguyễn Ngọc Hàm được phân công ra Hải Ninh. Hơn 30 năm sau, khi lớp này họp mặt tại Hà Nội, GS.TS Đỗ Nguyên Phương – khi ấy là Bộ trưởng Y tế, “tiết lộ” bảng điểm của các thành viên trong lớp, mới biết Nguyễn Ngọc Hàm thuộc nhóm 6 người có điểm trung bình cao nhất trong suốt 6 năm học Y. Nhưng ông đã không được trường giữ lại để giảng dạy, cũng không được làm bác sĩ điều trị ở Hà Nội. Bởi lẽ, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Ngọc Hàm sống ở Hà Nội, lại còn học trường Tây – Albert Sarraut, nên việc ông được phân công đi tỉnh xa công tác là điều dễ hiểu ở thời đó. Đối với ông, công tác ở đâu cũng được, ông sẵn sàng chấp nhận mọi sự phân công. Cùng đi Hải Ninh với BS Nguyễn Ngọc Hàm, còn có người bạn cùng lớp Y 54-60 là Nguyễn Mạnh Cường – bác sĩ tai mũi họng, người Hà Nội và cũng từng là học sinh trong thành.
Nhận được quyết định, hai bác sĩ trẻ bắt đầu tìm hiểu về tỉnh Hải Ninh. Chưa bao giờ hai người nghe thấy địa danh này, qua tra cứu thì biết đó là một vùng đất biên giới, phía bắc giáp Trung Quốc, phía nam giáp khu Hồng Quảng, phía đông giáp vịnh Bắc bộ, phía tây giáp hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Tỉnh lị của Hải Ninh là Móng Cái.
Ngày mùng 6 Tết năm 1961, hai bác sĩ vừa mới ra trường – Nguyễn Ngọc Hàm và Nguyễn Mạnh Cường có mặt ở Móng Cái để nhận công tác. Cả hai đều thất vọng trước hiện trạng tồi tệ của bệnh viện, đến nỗi BS Hàm đã ví như mình vừa mới từ thiên đường rơi xuống mặt đất. Nếu như ở Hà Nội, ông được làm việc và học tập bên cạnh những chuyên gia hàng đầu như các giáo sư Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Dương Quang, Đặng Văn Chung…, thì ra Hải Ninh ông phải tự mình xoay sở để hành nghề. Ở Bệnh viện Hải Ninh lúc đó, tất cả dụng cụ y tế của bệnh viện để cả trong một chiếc nồi dùng để nấu nước gội đầu, mà cũng chỉ có chừng một vốc tay gồm dao, kéo, kim khâu…, tất cả đều đã cùn và lâu ngày không sử dụng. Không có găng tay mổ, không có thuốc gây mê, không có nước tiệt trùng… Cả bệnh viện chỉ có một bác sĩ nhưng giữ chức Trưởng ty, có vài y sĩ, còn lại là y tá người dân tộc được đào tạo nhanh trong vài tháng để ra làm việc, thậm chí họ còn không biết tiêm tĩnh mạch. Trước tình hình ấy, BS Hàm phải tìm cách khắc phục khó khăn và mở các lớp đào tạo cho y tá theo kiểu cầm tay chỉ việc…
Tháng 10-1963, tỉnh Hải Ninh sáp nhập với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Bệnh viện Hải Ninh đổi tên là Bệnh viện Móng Cái, kể từ đó BS Nguyễn Ngọc Hàm được phân công làm Phó giám đốc bệnh viện. Những khó khăn dần được khắc phục, BS Hàm được nhân dân mến mộ bởi năng lực và sự nhiệt tình không biết mệt mỏi. Chính ông đã góp phần to lớn để xây dựng Bệnh viện Móng Cái trở thành một bệnh viện thật sự.
BS Nguyễn Ngọc Hàm và đồng bào dân tộc thiểu số ở Móng Cái, 1978
Những năm 1961-1965 là thời gian miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nông nghiệp được xác định có vai trò quan trọng đặc biệt. Nhân dân miền Bắc, ai ai cũng hứng khởi thi đua lao động sản xuất với tinh thần “một người làm việc bằng hai”. BS Nguyễn Ngọc Hàm cũng làm việc hết mình. Ông thường nói đùa rằng chủ nghĩa xã hội có nghĩa là 200%. Từ Trưởng ty Y tế cho đến các y sĩ, bác sĩ đều hầu như không được nghỉ cuối tuần, bởi chủ nhật là ngày tham gia lao động chân tay, tăng gia sản xuất. Gần Ty Y tế có một trại phong, xung quanh có hàng mẫu đất bỏ hoang vì dân địa phương sợ bị lây bệnh. Các cán bộ y tế thì biết rằng bệnh này không lây, nên cứ chủ nhật hàng tuần tất cả lại rồng rắn nhau ra đây làm ruộng, trồng trọt. Là người Hà Nội nhưng hai bác sĩ trẻ cũng sẵn sàng làm mọi việc: cuốc đất, gánh đất, trồng khoai, trồng sắn… Ở Móng Cái, người Hoa thường đào hố sâu xuống lòng đất, gọi là hố phân sầu, hố này chứa đủ thứ, kể cả phân người và phân gia súc, được ủ rồi dùng để bón cây. Vì hay phải mổ cho bệnh nhân nên BS Hàm được anh em miễn việc bón phân. Nhưng BS Nguyễn Mạnh Cường vẫn phải làm như những người khác. BS Hàm kể lại: Họ nói rằng tôi chỉ phải gánh đất, trồng cây, không phải bón phân, bón phân tay bẩn, về mổ mất vệ sinh, vì không có găng tay. Cậu BS Cường thấy vậy bảo: “Ông khỏe như vâm, chỉ vì ngoại khoa mà được miễn làm phân!”. Rồi cậu ấy thỏ thẻ báo cáo với bí thư chi bộ, lấy lý do biết kéo violon để xin miễn bốc phân. Ông Phó ty là bí thư, ông ấy chẳng cần hiểu violon gì cả. Mấy cậu y sĩ, y tá là cán bộ kháng chiến về thì cười bảo: “Thôi, BS Cường kéo nhị tây nhị ta làm gì, lao động một tí cho nó khỏe!”. Cuối cùng nó không được miễn và cứ ấm ức tôi[1].
Cuộc sống ở Móng Cái cũng khó khăn trong sự nghèo khó chung của nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, và còn kéo dài về sau cho đến hết thời kỳ bao cấp. Nhưng cái sự kham khổ ấy đôi khi không làm cho người ta oán thán, thậm chí lại nhớ về nó như một điều gì đó đặc biệt và thú vị. BS Hàm cũng vậy, ông vui vẻ kể: Bữa ăn tập thể ở bệnh viện bao giờ cũng được 2 bát cơm, một ít rau, khi thì mấy con cá duội, có hôm được 2 miếng thịt mỏng “như lá lúa”, và thường có một ít canh hay nước luộc rau. Như thế còn là khá, vì nhiều khi cơm phải độn thêm khoai, sắn, thậm chí đã mốc xanh, mốc vàng. Suất ăn ngày ấy không làm cho hai bác sĩ trẻ no được. Với mức lương mỗi tháng hơn 70 đồng, hai bác sĩ có đủ tiền để ra ngoài ăn thêm. Nhưng việc đi ăn cũng không phải là dễ dàng, bởi sống trong một tập thể thì không thể cứ thích là làm, vì thế phải nhìn trước ngó sau, phải lén lút. Buổi tối, sau khi xong việc, hai bác sĩ Hà Nội nháy nhau ra hàng phở gần đó. Phở trâu, thường mỗi người ăn một bát, chưa đủ thì gọi thêm đĩa phở xào. Con gái ông chủ quán phở bị giun chui cuống mật và đã được BS Hàm mổ cho, nên bát phở của BS Hàm được ưu ái nhiều thịt trâu hơn. Ông kể không vòng vo gì cả: Mỗi người ăn một bát phở rồi mà lại thêm một đĩa phở xào nữa thì hơi nhiều. Cậu Cường đề nghị, mỗi người ăn một bát phở trâu, và mua một đĩa phở xào rồi chia đôi. Chúng tôi bằng tuổi nhau, cậu ấy bảo: “…tớ ăn chung thì tớ thiệt, răng tớ hỏng, răng ông khỏe, có miếng nào ngon ông ăn hết rồi!”. Cậu Cường vẫn khôi hài như vậy. Rồi vừa cười vừa nói: “Từ nay trở đi vẫn ăn chung, chẳng lẽ bác sĩ lại chia nhau đĩa phở, nhìn bần tiện lắm…!”. Sống như thế hàng năm trời, không thì đói lắm.
Trong công việc, BS Nguyễn Ngọc Hàm quay như chong chóng, không có ngày nghỉ, ban ngày làm chưa xong thì tranh thủ làm cả vào ban đêm. Thường ban ngày ông mổ, điều trị cho bệnh nhân, hoặc xuống các địa phương tuyên truyền về y tế cộng đồng, hoặc xử lý các ca cấp cứu thông thường, còn buổi tối dạy bổ túc văn hóa. Tuy được đào tạo chuyên khoa về phẫu thuật bụng, nhưng ở Hải Ninh việc gì ông cũng phải làm, cho nên phải biết tất: nhi khoa, nội khoa, lây, lao, sản… Những huyện mà BS Hàm hay đặt chân tới là Ba Chẽ, Bình Liêu, Hà Cối, Tiên Yên, Đình Lập…, tuần nào cũng phải đi. Mỗi lần đi như vậy, ông đưa theo một cán bộ xét nghiệm và một y tá gây mê; đi bằng chiếc xe hồng thập tự cũ từ thời Pháp do Đặng Văn Sinh lái, chạy tối đa chỉ được 40km/h. Nhiều lần người lái xe đề nghị dừng lại nghỉ bên cạnh một cánh rừng cách trung tâm thị xã Móng Cái khoảng 30 cây số, để anh ta đi thăm người thân, và BS Hàm đều vui vẻ đồng ý. Nhưng nhiều lần quá nên sinh nghi, mà thấy anh ta lần nào cũng mang theo chiếc túi vải đựng những thứ gì đó. Khi BS Hàm tỏ ý thắc mắc thì được cô y tá đi cùng cho biết, bác tài xế không thăm người nhà, mà tranh thủ vào rừng bắn chim cu đất để về cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Kể lại chuyện lén đi săn của người lái xe, BS Nguyễn Ngọc Hàm cho biết: Đấy là khu vực người Hoa sinh sống. Chỗ ấy có cánh rừng rất nhiều chim cu gáy đất, to gấp rưỡi chim cu gáy bình thường. Ông tài xế Sinh có khẩu súng từ thời Pháp, có thể tháo ra được và cho vào túi. Khi thấy ông ấy khệ nệ xách cái túi nâu ra, cô Hải y tá nói rằng trong cái túi ấy thế nào cũng có chim. Mấy đứa trẻ giằng xem cái túi, ông ấy không thể giấu được nữa nên chia cho mỗi người một con, tôi là thủ trưởng nên được biếu 2 con. Ngồi cạnh anh ta trên buồng lái, tôi hỏi: “Hoá ra anh vào đây bắn chim à?”. “Báo cáo anh, đói quá, mỗi lần qua đây thì tranh thủ vào kiếm ít thịt cho vợ con ăn” – ông ấy trả lời. Nhà ông ta đông con lắm. Ông ấy là lái xe chở đá từ thời Pháp, khi cách mạng lên, Tây chạy, ông ta kiếm được khẩu súng. Đang thời thiếu đói mà được cho con chim ngon thì quý lắm!.
Sau đó, khi BS Hàm ngỏ ý tìm mua một khẩu súng, tài xế Đặng Văn Sinh giới thiệu đến gặp ông Hoàng Văn Duệ, một thợ cơ khí giỏi về máy móc. BS Hàm có uy tín rộng ở Hải Ninh, được nhiều người quý trọng và ông Duệ cũng rất nể: Ông Duệ nói rằng nếu tôi thích thì ông ấy làm tặng một khẩu. Nguồn gốc của việc đi săn và sử dụng súng là từ đó. Rồi BS Hàm tâm sự thêm: Nhờ có khẩu súng này mà những đứa con của tôi mới lớn được như ngày hôm nay. Đi săn là một thú vui, nhưng cái chính là để kiếm một ít thịt nuôi con, vì thời gian ấy đói lắm. Tất nhiên, những khẩu súng tự chế đều có giấy phép sử dụng, và việc đi săn chỉ là tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chứ không phải lúc nào cũng đi. BS Nguyễn Ngọc Hàm và ông Hoàng Văn Duệ trở nên thân thiết với nhau. Hai người hay đi săn cùng nhau, nhưng ông Duệ bắn giỏi hơn. Mối quan hệ giữa hai người được duy trì suốt từ đó cho đến khi ông Duệ qua đời, cách đây chỉ mới vài năm.
Đó là khẩu súng đầu tiên BS Nguyễn Ngọc Hàm sử dụng, vào năm 1963. Nòng súng làm từ một chiếc xà beng của người Dao ở Móng Cái. Do thép không tốt nên chỉ sau một thời gian nòng súng đã bị phồng do áp lực của đạn. Vì vậy, tháng 2-1973, ông Duệ lại tự tay làm cho BS Hàm khẩu súng khác, có khắc lên đó mấy chữ và số: DH 2-73, để kỷ niệm tình bạn giữa hai người cũng như đánh dấu thời gian ra đời của khẩu súng.
Khẩu súng của BS Nguyễn Ngọc Hàm
Khẩu súng thứ hai này gắn bó nhiều với BS Nguyễn Ngọc Hàm và có cả kỷ niệm săn bắn cùng những người bạn của ông, trong đó có BS Phạm Hoàng Phiệt[2], BS Tôn Thất Bách[3] và các chuyên gia Thụy Điển ở Uông Bí. Sau khi có khẩu súng này, có lần GS Tôn Thất Tùng viết thư cho BS Nguyễn Ngọc Hàm với ý định gửi BS Phạm Hoàng Phiệt[4] xuống Móng Cái nghỉ một thời gian để bớt buồn phiền vì chuyện gia đình. BS Hàm vui mừng đón tiếp BS Phiệt, người bạn thân cùng lớp thời đại học. Nhưng vào những năm 1970 ấy cuộc sống vật chất rất khó khăn, lo cho gia đình đã chật vật rồi, huống chi phải lo cho thêm cả bạn. Ông đã nhờ Tỉnh ủy Quảng Ninh can thiệp để bạn mình được ở nhà khách Công đoàn, đồng thời được hỗ trợ một ít sinh hoạt phí. Trong những ngày BS Phiệt ở lại Móng Cái, thỉnh thoảng BS Hàm dẫn bạn đi săn. Một lần, đi đến nơi, ông đưa cho BS Phiệt khẩu súng của mình cùng với một số đạn và dạy cách lắp đạn, còn ông và mấy người nữa đi xua đuổi cho chim bay đến một chỗ, dặn bạn trước rằng khi nào thấy chim đến chỗ đó thì bắn. Nhưng rồi như ông kể: Chim bay về đông rồi mà không thấy cậu ta nổ súng. Bạn tôi hỏi sao không thấy anh Phiệt bắn nhỉ. Tôi chạy đến, vẫn thấy Phiệt ngồi dưới gốc cây, khẩu súng vác vai. Tôi hỏi sao không bắn thì cậu ta trả lời: “Từ bé đến giờ tao chưa bắn bao giờ, sợ súng giật!”. Tôi bực mình đuổi nó ra ngoài.
Nhân kể về ông bạn, BS Phạm Hoàng Phiệt và khẩu súng hoa cải của mình, BS Nguyễn Ngọc Hàm nhớ đến khẩu súng của thầy – GS Tôn Thất Tùng. Ông hỏi chúng tôi có nhìn thấy khẩu súng treo ở bàn thờ của GS Tôn Thất Tùng không. Đến nhà GS Tùng đã nhiều lần, chúng tôi có biết khẩu súng ấy, nó vẫn được treo ở một vị trí trang trọng trong phòng thờ, chính là phòng làm việc của GS Tùng trước kia. BS Hàm kể những điều có thể ít người biết: Khẩu súng ấy là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho GS Tôn Thất Tùng. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, trường ĐH Y khoa đóng ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, thầy Tùng được Đại tướng tặng một khẩu súng của Pháp. Mà thầy có biết đi săn đâu. Một lần thầy vác súng đi ngang qua cánh đồng, gần về đến nhà, thấy có “con chim” to màu trắng ở trước mặt độ chừng hơn chục thước, thầy giơ súng ngắm bắn. Thầy sung sướng mang “con chim” ấy về ném giữa sân, dự định hôm ấy sẽ khao cả nhà. Thấy thế, cụ Hồ Đắc Di chạy từ trong nhà ra, giãy nảy: “Mày bắn chết con ngan của tao rồi!”. Ở Việt Bắc hay khi về Hà Nội thì gia đình cụ Di và thầy Tùng bao giờ cũng ở cùng nhau mà. Chuyện này do chính thầy Tùng kể với chúng tôi.
Chuyến đi săn với PGS Tôn Thất Bách – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội và các chuyên gia y tế Thụy Điển hồi những năm 1990 cũng không thể quên được. Hôm ấy là mùng 6 Tết. BS Hàm vẫn nhớ tất cả: Chúng tôi đi săn ở một cái hồ rộng, dưới ấy có rất nhiều vịt trời và két. Tôi hạ cái thuyền bằng nhôm xuống nước và đưa cho Tôn Thất Bách một khẩu bán tự động của Mỹ cùng 5 viên đạn ghém. Chuyên gia Thuỵ Điển đứng trên bờ bảo phải cẩn thận, vì sợ thuyền có thể đắm hoặc gây tiếng động khiến chim bay mất. Tôi gọi Bách mà cậu ta không nghe, cứ thế chèo thuyền sang bên kia hồ. Chuyên gia Thụy Điển săn rất giỏi, họ có 4-5 khẩu súng và đã sẵn sàng. Đáng lẽ bố trí xong, chỉ cần nổ một loạt súng là có thể kiếm mười mấy con chim. Đột nhiên, nghe bên kia hồ một tiếng súng. Trời ơi, vịt trời, két bay đi hết!. Tôi chạy sang bên kia bờ hồ. Bách vẫn ở dưới thuyền. Lúc ấy tôi thực sự cáu: “Mày làm cái gì đấy? Mày làm hỏng cả rồi, chim bay cả rồi!”. Bách hồn nhiên trả lời: “Em trông thấy con kỳ đà ở vách đá, em bắn rơi tòm xuống đây”. Bách mặc quần bò lội xuống, ướt hết, chẳng thấy con kỳ đà nào cả. Tôi đi săn cũng chưa thấy con kỳ đà nào. Lần ấy coi như thất bại, các vị khách Thụy Điển có vẻ khá thất vọng. Cuối cùng, phải cho người đi chợ mua gà về nướng để chiêu đãi khách.
Số phận khẩu súng của BS Nguyễn Ngọc Hàm có liên quan đến sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Từ năm 1978, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã khá căng thẳng. Cuối năm đó, BS Hàm được cử sang Pháp để bồi dưỡng chuyên môn về phẫu thuật. Tháng 2-1979, Trung Quốc đưa quân ồ ạt đánh sang Việt Nam, chiến tranh biên giới bùng nổ, Móng Cái cũng bị bắn phá khá nhiều. BS Hàm ở Pháp mà như ngồi trên đống lửa vì lo cho gia đình, thậm chí ông nói với người bạn cũng đang tu nghiệp cùng ở Pháp là BS Nguyễn Bửu Triều[5] rằng có khi phải xin về nước. Trước khi ông sang Pháp, Huyện ủy Hải Ninh14 đã động viên cứ yên tâm đi học, nếu có chuyện gì xảy ra huyện sẽ đảm bảo an toàn cho gia đình ông. Và đúng như vậy, khi xảy ra chiến sự, vợ con ông được đưa đến nơi an toàn.
Trong lúc loạn lạc ấy, vẫn có người nghĩ tới khẩu súng săn của BS Nguyễn Ngọc Hàm. Ông kể lại: Khi họ đến giúp đỡ vợ con tôi sơ tán thì chỉ mang cái gì có thể mang đi được, không mang bát đĩa, giường và các đồ đạc nặng khác. Tại sao lại mang khẩu súng? Vì cậu bạn nhận nhiệm vụ giúp đỡ gia đình tôi tên là Thiệp – cán bộ phụ trách hợp tác xã vận tải thuyền ở Móng Cái. Cậu ấy đưa xe bò nhưng lắp ngựa kéo của hợp tác xã đến và xếp đồ đạc lên để chở đi. Vợ tôi có cái vali, túi xách cũng cho lên đấy. Tất nhiên là vợ mình và mấy đứa con có ai nghĩ đến khẩu súng đâu. Bạn tôi cũng là dân đi săn, thấy khẩu súng để ở đầu giường tôi nên nói với vợ tôi: “Phải mang cái này đi, để khi nào anh ấy về còn đi săn”. Sau đó đồ đạc được chuyển xuống thuyền của hợp tác xã Tháng Tám. Khẩu súng là dụng cụ quan trọng đặc biệt với mình, để khác với các gia đình khác là tôi vẫn có miếng thịt cho trẻ con ăn. Nếu không phải thằng bạn mình thì chắc chắn khẩu súng ấy bị vứt lại rồi. Giờ ông Thiệp vẫn sống, nhưng yếu lắm rồi.
Như trên đã nói, BS Nguyễn Ngọc Hàm bắt đầu dùng súng săn từ khi còn làm ở Bệnh viện Móng Cái. Sau khi chuyển sang Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển ở Uông Bí, ông vẫn đi săn khi rảnh rỗi, săn ngày hay đêm cũng tùy vào tập tính sinh hoạt của các loài động vật, nhưng thường hay săn vào lúc tờ mờ sáng. Những con vật ông hay gặp khi đi săn là vịt trời, két, gà gô, chim cu, gà rừng, cầy… Ông thường săn bắn trên núi Yên Tử hoặc ở khu vực đồi và rừng phía sau bệnh viện. Có lần ông bắn được 7 con gà gô, đủ thức ăn cho gia đình trong cả một tuần. Trong những năm nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề, khẩu súng hoa cải của ông không chỉ là dụng cụ để giải khuây, mà còn rất hữu ích và thiết thực, đem lại nguồn thịt rừng để cải thiện những bữa ăn. Nói như ông, nếu không có khẩu súng này thì các con của ông không được như bây giờ. Mãi tới năm 2005, khi sức khỏe đã yếu và chân bị đau, BS Nguyễn Ngọc Hàm mới dừng thú vui săn bắn.
Kể về khẩu súng hoa cải cũng là dịp BS Nguyễn Ngọc Hàm nói về một thời gian khó nhưng đầy tự hào của ông, nó gắn với những năm tháng ông phải vượt qua mọi khó khăn để cống hiến hết mình cho ngành y tế ở Móng Cái và Uông Bí, Quảng Ninh, để rồi không chỉ được Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, mà còn được nhân dân gắn tên ông với bệnh viện nơi ông công tác: “Bệnh viện ông Hàm”. Không chỉ riêng ông, mà chúng tôi cũng coi khẩu súng này là một kỷ vật vô giá, bởi nó đã tham dự vào một phần cuộc đời đáng nể phục của người Anh hùng áo trắng thầm lặng – BS Nguyễn Ngọc Hàm.
Nguyễn Thanh Hóa
__________________________
[1]. Phỏng vấn BS Nguyễn Ngọc Hàm ngày 29-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, tất cả những lời kể của BS Hàm đều trích từ nguồn tài liệu phỏng vấn này.
[2]. BS Phạm Hoàng Phiệt sau này là Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
[3]. PGS. BS Tôn Thất Bách (1946-2004), con trai GS Tôn Thất Tùng, là Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức.
[4]. GS Tôn Thất Tùng (1912-1982), sinh thời làm Giám đốc lâu năm ở Bệnh viện Việt – Đức, là thầy của BS Nguyễn Ngọc Hàm và BS Phạm Hoàng Phiệt. BS Phạm Hoàng Phiệt thời kỳ này công tác ở Bệnh viện Việt – Đức. Ông từng là sinh viên nội trú ở đây, giỏi về chuyên môn nên được GS Tôn Thất Tùng quý mến và rất quan tâm.
[5]. BS Nguyễn Bửu Triều về sau là Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, trường ĐH Y Hà Nội.
14. Từ khi thành lập tỉnh Quảng Ninh (1963), Hải Ninh là một huyện của Quảng Ninh và Móng Cái là huyện lị.