“Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực tôi đã chọn lựa. Và tôi chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn của mình. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp tôi trưởng thành hơn mà còn tạo điều kiện cho tôi góp phần công sức nhỏ của mình cho xã hội, cho đất nước”, đó là những chia sẻ của GS.TSKH Phùng Văn Lự, một nhà khoa học, một người thầy đầy đam mê, nhiệt huyết với công việc và luôn mang khát khao cống hiến trong từng đề tài, từng công trình nghiên cứu và trong từng bài giảng.
Vượt khó để thành công trong khoa học
GS.TSKH Phùng Văn Lự sinh ngày 8 tháng 12 năm 1942 tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hóa và văn hiến tâm linh của cả nước. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, với ông, đó không phải là sự khó khăn và vất vả nhất của một cậu học trò thời ấy mà chiến tranh khốc liệt mới chính là lý do khiến biết bao người dân vô tội phải gánh chịu hậu quả, là những gia đình ly tán không dám hẹn ngày đoàn tụ vì nước nhà chưa độc lập và thống nhất, là biết bao chàng trai cô gái ra trận rồi mãi mãi không trở về, là những con người đói khổ, lay lắt vì thiếu ăn, thiếu mặc, vì chiến tranh đổ máu, là biết bao em thơ không được tự do vui đùa hay đến trường học chữ. Giữa thời buổi đau thương và khó khăn ấy, cậu bé Phùng Văn Lự ra đời. Đến tuổi đi học, đất nước vẫn đang chìm trong lửa đạn chiến tranh. Lúc ở vùng tạm chiếm, lúc ở vùng tự do nên việc học cũng không được liên tục mà thường xuyên bị gián đoạn. Khó khăn chồng chất đau thương, bố ông mất khi ông mới lên năm tuổi. Mẹ ông một tay vất vả, tảo tần, vừa làm cha, vừa làm mẹ, cố gắng để ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc. Năm 1954, khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, gia đình ông trở lại quê nhà sau thời gian dài sơ tán. Nhưng nhà ông nằm trong vùng không có trường lớp nên ông phải đến nơi khác để trọ học. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ, cậu bé Phùng Văn Lự ngày ấy luôn cố gắng hết mình, nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong học tập để không phụ lòng mẹ và để đạt được ước mơ của mình, mong ngày thành đức đạt tài để cống hiến cho đất nước. Và cuối cùng, không có sự cố gắng nào là không được đền đáp, ông thi đỗ vào khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau 5 năm với nỗ lực, 5 năm với nhiều đêm thức trắng học bài, tháng 12 năm 1966, ông tốt nghiệp ra trường và được giữ lại công tác tại trường Đại học Xây dựng (trường Đại học Xây dựng là cơ sở giáo dục chuyên ngành xây dựng được thành lập năm 1966, tiền thân là khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội).
Mặc dù chưa một ngày được đào tạo về phương pháp sư phạm, nhưng trên cương vị của một giảng viên ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và chỉ sau 2 năm đứng lớp ông được cử làm phó chủ nhiệm bộ môn Vật liệu xây dựng (1968). Tháng 10 năm 1970 đến tháng 10 năm 1974, ông làm Nghiên cứu sinh tại Mactưkhoa (Liên Xô cũ) và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại đây. Từ năm 1974, ông về nước, tiếp tục là cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Xây dựng và kiêm Chủ nhiệm bộ môn Vật liệu xây dựng (1977 – 1985) và sau đó là Phó Chủ nhiệm khoa Vật liệu xây dựng và kỹ thuật vệ sinh (lúc bấy giờ, hai khoa này ghép làm một). Và như còn “duyên” với xứ sở bạch dương, tháng 10 năm 1985, ông trở lại là thực tập sinh cấp II tại Lêningrat (Liên Xô cũ) và sau hơn 2 năm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Luận án tiến sĩ của ông tập trung nghiên cứu chế tạo và sử dụng các loại bê tông tro xỉ nhiệt điện trong điều kiện Việt Nam. Quãng thời gian học tập ở nước ngoài không chỉ tạo điều kiện cho ông tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu kho tàng tri thức khoa học rộng lớn, mới mẻ của thế giới mà còn để lại cho ông nhiều kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Dù đã chuẩn bị rất kỹ trước khi sang Liên Xô về hướng nghiên cứu và đã sẵn sàng “đối mặt” với khối lượng tri thức và công việc rất lớn đang chờ đợi, cũng như nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ của thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè ở nước bạn, ông vẫn phải cố gắng rất nhiều để có thể vượt qua những khó khăn nơi đất khách quê người. Môi trường học tập ở nước ngoài đòi hỏi người nghiên cứu phải chủ động, đam mê, sáng tạo và có chính kiến riêng của mình, Giáo sư hướng dẫn chỉ đóng vai trò hướng dẫn và gợi mở cho người học nên ông cũng phải thay đổi để thích nghi và hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc nghiên cứu của mình.
Lễ phong hàm Giáo sư của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm
(Người đứng thứ 2 từ phải sang trái) cho TSKH.Phùng Văn Lự
(Người đứng thứ 4 từ phải sang trái) tại Văn Miếu Quốc Tử
Giám tháng 4 năm 2002
Bạn bè đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, học viên cao học
và sinh viên đến chúc mừng GS.TSKH Phùng Văn Lự
nhân ngày được phong Giáo sư
Chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình, GS.TSKH Phùng Văn Lự cho biết hướng nghiên cứu của ông là tận dụng phế thải tro xỉ nhiệt điện để chế tạo vật liệu xây dựng. Ông cùng các đồng nghiệp luôn trăn trở về việc Nhà máy nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ thải ra rất nhiều tro xỉ mà chưa biết sử dụng vào việc gì, vừa lãng phí nguyên liệu tốt để tạo ra vật liệu xây dựng, vừa gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, ông đã đi nghiên cứu và sử dụng các tro xỉ này thành vật liệu có ích và đó cũng là đề tài khoa học rất có ý nghĩa thực tiễn, là công trình nghiên cứu mà ông tâm đắc nhất… Năm 1988, ông trở về nước và tiếp tục giảng dạy, kiêm chủ nhiệm bộ môn (1989 – 1999), đồng thời là trưởng phòng quản lý khoa học (1994 – 1999) của trường Đại học Xây dựng. Năm 1991, ông được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 2001 sau quá trình phấn đấu và cống hiến không mệt mỏi, ông được phong hàm Giáo sư.
Năm 1994, ông thành lập Trung tâm khoa học công nghệ về đầu tư và xây dựng, sau chuyển thành Viện khoa học công nghệ về đầu tư và xây dựng và giữ chức danh Viện trưởng. Hướng hoạt động chính của Viện là nghiên cứu ứng dựng và chuyển giao công nghệ chế tạo vật liệu xây dựng; khảo sát thiết kế lập dự toán các công trình xây dựng; tư vấn lập và đánh giá các dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, tư vấn đầu tư xây dựng và giám định chất lượng thiết kế; kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng và kiểm định công trình; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng. Cần cù, say mê nghiên cứu khoa học và chủ động tìm tòi, khám phá những kiến thức, vấn đề khoa học mới, ông không chỉ đạt được những thành công nhất định trong quá trình nghiên cứu khoa học, mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, ông đã đi sâu vào tìm tòi, nghiên cứu những vật liệu mới có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao như bê tông cường độ cao, bê tông chống thấm, bê tông cốt kim, bê tông sử dụng phế thải công nghiệp… Ông đã chủ trì và tham gia 9 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 2 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, có 48 công trình (kể cả đồng tác giả) được công bố chính thức trong các tạp chí, tuyển tập công trình trong và ngoài nước (bằng tiếng Việt, tiếng Nga), trong các Hội thảo và các Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ông còn tham gia một số công trình lao động sản xuất như Nghiên cứu chế tạo giải phân cách bằng bê tông ít cốt thép cho đường Bắc Thăng Long – Nội Bài; Nghiên cứu chế tạo các loại cấp phối bê tông có mác khác nhau, sử dụng các loại phụ gia khác nhau và chịu được áp lực thấm cao cho các hạng mục công trình của nhà máy thủy điện Ialy; Nghiên cứu chế tạo bê tông Polyme dùng cho một số công trình ven biển…
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phùng Văn Lự tham gia
Hội thảo Quốc tế về vật liệu xây dựng do UNIDO tổ chức tại
Athens (Hy Lạp) tháng 06 năm 1991
Nghiên cứu khoa học cũng đã giúp ông thấy mình trưởng thành hơn mỗi ngày, vững vàng và mạnh mẽ, quyết đoán hơn trước những khó khăn và nguyện đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy, ông còn tích cực tham gia công tác tại các Hội đồng khoa học công nghệ. Từ năm 1990 – 1999, ông là Ủy viên Hội đồng khoa học trường Đại học Xây dựng, thường xuyên là ủy viên hội đồng kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Năm 1993 đến năm 1996, ông là Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên trong các Hội đồng Quốc gia (chấm nhiều luận án tiến sĩ), nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành cấp Bộ, cấp Nhà nước. Ông rất tích cực tham gia các hội nghị khoa học Quốc tế.
Người thầy hết mình với sự nghiệp trồng người
Không chỉ là nhà khoa học có nhiều cống hiến với những đề tài và công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, GS.TSKH Phùng Văn Lự còn là một người thầy mẫu mực và có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nói chung và chuyên ngành vật liệu xây dựng nói riêng. Là Phó tiến sĩ loạt đầu tiên của bộ môn (1974), ông luôn ý thực được trách nhiệm mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để thực sự là người giảng viên, người cán bộ đi đầu của bộ môn trong công tác giảng dạy đại học và bồi dưỡng cán bộ sau đại học. Theo ông, một người thầy cần phải cần cù, say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học và thường xuyên trau dồi kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ. Trong mỗi bài giảng, người thầy không phải là người truyền đạt lại tất cả cho người học những kiến thức mà mình lĩnh hội được, cũng không là người áp đặt những ý kiến chủ quan của mình cho người học mà là người gợi mở cho họ lối tư duy riêng và khả năng phát hiện vấn đề để họ có thể phát huy được sự sáng tạo và năng lực của mình. Với phương pháp và quan điểm giảng dạy đó, ông đã hoàn thành tốt công tác giảng dạy môn Vật liệu xây dựng và môn Công nghệ vật liệu cách nhiệt cũng như hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên nhiều khóa học, hướng dẫn nhiều học viên cao học, làm luận văn Thạc sỹ. Ông đã hướng dẫn 9 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ.
Hội tụ nhân Lễ bảo vệ học vị Tiến sĩ kỹ thuật của NCS
Nguyễn Văn Chánh (Người đứng thứ thứ 2 từ trái sang phải)
khoa công trình trường ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh cùng
thầy hướng dẫn GS.TSKH Phùng Văn Lự (Người đứng thứ 4
từ trái qua phải) và PGS.TS Phạm Xuân Hoàng (Người đứngthứ 3 từ trái qua phải)
Ông cũng là Chủ biên hay tác giả của nhiều giáo trình chuyên ngành như Vật liệu xây dựng (Nhà xuất bản Giáo dục, 1993), Bài tập Vật liệu xây dựng (Nhà xuất bản Giáo dục, 1994), Sản phẩm và vật liệu xây dựng (Nhà xuất bản Xây dựng năm 2002….). Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn nhiều sinh viên tốt nghiệp được tuyển về bộ môn công tác và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy cho trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng… Luôn trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chăm lo rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong của người cán bộ, luôn tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, chăm lo trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trẻ, cùng với nhiều đóng góp cho ngành giáo dục và những nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Ngoài công tác chuyên môn, ông còn hoàn thành tốt công tác xã hội: Nhiệm kỳ là phó chủ tịch, 2 nhiệm kỳ là chủ tịch công đoàn trường Đại học Xây dựng, 2 nhiệm kỳ là thường vụ Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội. Do những công hiến của mình, ông đã nhiều năm được bầu là chiến sĩ thi đua, lao động giỏi cấp thành phố, năm 2002 ông được Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2007 được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3, năm 2000 Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp Bằng khen, năm 1997 được Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội cấp Bằng khen. Ông đã nghỉ hưu năm 2003. Tuy nhiên, ông cũng chưa coi đó là lúc đã đến tuổi nghỉ ngơi, nhàn nhã. Ông vẫn còn cùng đồng nghiệp tham gia giảng dạy cho các lớp cao học và đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh ngành vật liệu xây dựng, vẫn giữ vai trò là Viện trưởng Viện khoa học công nghệ về Đầu tư và Xây dựng.
Mỗi ngày qua đi, GS.TSKH Phùng Văn Lự lại cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trong khoa học và luôn cần mẫn trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giảng dạy để xứng đáng với sự tin yêu và kính trọng của mọi người và để có thể cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà.
Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 256 – 265.