Sáng tạo và cống hiến là hai sợi chỉ xuyên suốt hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam kể từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bằng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn cùng niềm đam mê nghiên cứu, các nhà khoa học đã không ngừng sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc và làm giàu cho đất nước.
Không gian trưng bày bằng ngôn ngữ bảo tàng.
Thông qua 14 công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến” kể về sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam.
Với các thủ pháp bảo tàng, kể chuyện bằng hiện vật và tiếng nói của các nhân chứng lịch sử, trưng bày phần nào diễn giải một phần bức tranh khoa học Việt Nam kể từ sau năm 1945 với những thành tựu tiêu biểu. Nó cũng đồng thời vén bức màn lịch sử, lý giải các nguyên nhân thành công của các nhà khoa học.
Phòng trưng bày được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau của các nhà khoa học nhận
Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Một chiếc kính hiển vi, một chiếc máy đánh chữ, những chiếc máy ảnh… hay những bức thư, cuốn sổ ghi chép, nhật ký… đều ẩn chứa những câu chuyện về không gian lịch sử xã hội ở những thời điểm khác nhau. Giữa núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đến thời kỳ bao cấp đầy khó khăn hay những năm đất nước đổi mới… các nhà khoa học vẫn miệt mài nghiên cứu, tận tụy cống hiến hết mình cho khoa học, cho Tổ quốc.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ngày càng một ác liệt, nhu cầu về nhân lực, vật lực ngày càng lớn thì bác sĩ Đặng Văn Ngữ từ Nhật trở về nước theo tiếng gọi của lương tâm. Trong hành trang về nước của ông, thứ quan trọng nhất là các giống nấm kháng sinh để làm penicillin và streptomycin.
Nhưng trong những năm tháng khó khăn ấy, dụng cụ và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu cũng là một trong những cản trở lớn để ông thực hiện những dự định. Vào Tết nguyên đán năm 1950, ngôi chùa Yên Thành được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được 2 thanh niên giúp việc – là những người chưa hề biết đến những chiếc ống nghiệm hay giống nấm là gì, nhưng lòng nhiệt thành của họ thì rất lớn. Chính trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn ấy, những ống kháng sinh đầu tiên đã được bào chế thành công.
Sau này ông kể lại: “Chúng tôi không ngồi đợi có đầy đủ phương tiện mới nghiên cứu. Không có bàn, chúng tôi bầy mễ làm việc. Cân chính xác thiếu, chúng tôi đo bằng lối so thể tích. Ống tre thay cho eprouvette, đĩa là boite de Pétri, cylinder chỉ là những ống sậy. Cứ như thế, chúng tôi cọc cạch làm việc cho tới khi phi cơ oanh tạc Cát Văn. Phòng thí nghiệm không còn điện đàng hoàng như trước nữa. Mỗi lúc muốn làm bột penicillin chúng tôi phải bê dụng cụ đến tận Cát Văn và chính trong những khó khăn chật vật như thế, ba lọ penicillin bột đã ra đời, mỗi lọ chừng hai vạn đơn vị”[1].
Việc chế tạo ra penicillin dạng bột được chính chủ nhân của nó coi như một “trò xiếc thí nghiệm tài tình”. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm sao có thể sản xuất được thật nhiều penicillin, đáp ứng nhu cầu kháng khuẩn của các thương bệnh binh ngoài mặt trận? Làm sao để bất kỳ một cơ sở y tế nào cũng có thể sản xuất được Penicillin, phổ biến nó một cách rộng rãi, thông dụng nhất.
Khu vực triển lãm về BS Đặng Văn Ngữ.
Câu hỏi ấy lặp đi lặp lại trong suy nghĩ và cả giấc ngủ của bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Tại Việt Bắc, ông nhận ra rằng, việc sản xuất Penicillin kết tinh (bột) là một công việc đòi hỏi thời gian lâu dài, do vậy, nó không thể thỏa mãn được nhu cầu cấp thiết của quân đội và nhân dân.
Sau quá trình nghiên cứu, ông và các giáo sư của trường Y đều nhận thấy nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh nếu dùng nó để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng. Xác định như vậy, ông đã quyết tâm và dành toàn bộ tâm trí để sản xuất nước lọc Penicillin.
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, việc sản xuất nước lọc penicillin không thể tiến hành ở một cơ sở hay một phòng thí nghiệm. Nó cần được phân tán thành nhiều tổ sản xuất, gắn liền với các đơn vị của bộ đội. Theo GS Đặng Văn Ngữ thì: “Sự phân tán tổ chức sẽ giải quyết được vấn đề chuyển vận nguyên liệu chế tạo và người sử dụng không cần tìm thuốc ở đâu xa; nó sẽ xuất hiện hằng ngày bên cạnh bệnh nhân và thường xuyên nó chờ đợi người y sĩ tới sử dụng nó”.
Các lớp học điều chế nước lọc Penicillin được thành lập, thu hút các dược sĩ, bác sĩ, sinh viên y dược, dược tá… Nước thân cây ngô có chứa glucose được nấu lên rồi cấy nấm bằng giống của phòng thí nghiệm được thực hiện đều đặn. Việc lấy nước từ thân cây ngô cũng là một sự sáng tạo, bắt nguồn từ hoàn cảnh của cuộc kháng chiến. Cây ngô rất sẵn trong nhân dân, nước từ thân cây ngô là môi trường lý tưởng để nuôi cấy nấm penicillin. Thời gian huấn luyện kéo dài khoảng hai tuần là một người có thể nắm rõ các quy trình của việc nuôi cấy và sản xuất nước lọc Penicillin. Song song với việc huấn luyện trực tiếp, Tập san Penicillin được phát hành hàng tháng, cũng là một công cụ hữu hiệu để phổ biến kiến thức của phòng thí nghiệm của trường Đại học Y với các cơ sở ở địa phương.
Khách tham quan được sống lại một thời hào hùng của BS Đặng Văn Ngữ tại khu vực trưng bày.
GS Đặng Văn Ngữ đánh giá: “Một tổ sản xuất Penicillin thiết lập ở một thôn là một bó đuốc khoa học đã nhóm cháy ở đấy, và người nông dân mộc mạc hồn nhiên sẽ được trông thấy cũng như rồi đây sẽ tự tay mình chế tạo lấy cái thứ thuốc thần diệu của y học hiện đại”.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày một căng thẳng, quốc tế quan tâm đến diễn biến chiến sự cuộc chiến ở Việt Nam nhiều hơn là để ý đến những thành tựu khoa học. Nhưng đúng vào năm 1962, cộng đồng y học thế giới phải sửng sốt và ngạc nhiên khi bác sĩ Tôn Thất Tùng sáng ra phương pháp cắt gan khô mang tên mình. GS Malléguy, nhà khoa học người Pháp đã nhận xét: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai tinh hoa trong lịch sử của mình: một là đã nghiên cứu đầu tiên về cơ cấu các mạch máu trong gan, hai là lần đầu tiên đã cắt gan có kế hoạch”[2].
Với niềm say mê nghiên cứu, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã nắm vững hệ thống mạch máu tưới cho gan, từ đó sáng tạo ra phương pháp cắt gan mới. Theo đó, tất cả các mạch máu và ống mật trong gan được buộc lại trước khi cắt thuỳ gan bị tổn thương hoặc bị ung thư, do đó không gây chảy máu trong khi mổ. Thời gian mổ có thể chỉ mất 6 phút, trong khi theo phương pháp truyền thống cần 3-4 giờ. Phương pháp cắt gan của ông được giới thiệu trong sách y học ở Pháp, Mỹ và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Góc trưng bày về GS Tôn Thất Tùng.
Phương pháp Tôn Thất Tùng trở thành một phương pháp kinh điển, được ứng dụng và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Sức sống của nó vô cùng mãnh liệt, mặc dù chịu nhiều sự công kích thiếu trong sáng của một số nhà khoa học. Đến năm 1974, tại một hội nghị khoa học ở Paris, Pháp, chủ tọa hội nghị là GS Via – chuyên gia có tiếng về gan, tuyên bố: “Phương pháp (cắt gan) của Việt Nam từ nay đã trở thành một phương pháp kinh điển thứ 2 và cần áp dụng vào việc mổ các gan vỡ do chấn thương và các ca khó của gan”.
Chỉ bằng chiếc ống nghe, dựa chủ yếu vào các triệu chứng lâm sàng chính xác, phối hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng đơn giản mà bác sĩ Đặng Văn Chung có thể chẩn đoán đúng nhiều bệnh phức tạp. Các phát hiện đầu tiên của ông về bệnh goutte, tim to, hạ đường huyết do u tụy, những tiêu chuẩn hẹp van hai lá có chỉ định mổ tách van, sử dụng chất chiết từ lá trúc đào để điều trị bệnh suy tim… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Không gian dành cho các bác sĩ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam.
Các công trình như Giải đáp bệnh tim mạch (1962), Điều trị học (2 tập, 1970), Bệnh học nội khoa (2 tập, 1973), Bệnh cao huyết áp (1982)… trở thành tài liệu gối đầu giường không thể thiếu được đối với các sinh viên, y bác sĩ theo chuyên ngành nội khoa.
Trong khi đó, ở một lĩnh vực chuyên sâu khác của y học, bác sĩ Vũ Công Hoè trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu bài bản về giải phẫu bệnh. Ông đã dành cả đời miệt mài nghiên cứu bên những xác chết và kính hiển vi.
Chiếc ống nghe của BS Đặng Văn Chung từng dùng để chẩn đoán nhiều căn bệnh.
Những nghiên cứu của ông về đặc điểm bệnh tật và tử vong không những trở thành tài liệu gối đầu giường cho chuyên ngành giải phẫu bệnh, mà còn là cơ sở khoa học cho Bộ Y tế hoạch định chiến lược và chính sách y tế. Thành tựu về “cân đo các phủ tạng bình thường và bệnh lý qua khám nghiệm tử thi” có giá trị như những hằng số hình thái, sinh lý của người Việt Nam.
Với ông, giải phẫu bệnh “là nghệ thuật làm cho người chết nói lên tiếng nói cuối cùng phục vụ người sống… Đằng sau cánh cửa tàn nhẫn khép lại cuộc đời của một con người vẫn có thể hé mở một chân trời mới của khoa học… Đằng sau mỗi tiêu bản, phiến đồ là cả một gánh nặng về sinh mạng của con người”.
Ở lĩnh vực lý thuyết về toán học, vật lý hay cơ học, thế giới cũng phải nhắc đến tên các nhà khoa học Việt Nam với thái độ ngạc nhiên và cảm phục. Năm 1964, tại Hà Nội, nhà toán học trẻ Hoàng Tuỵ đã sáng tạo ra “nhát cắt Tuỵ” để giải bài toán quy hoạch lõm, khiến các nhà toán học quốc tế ngạc nhiên vì không thể lý giải tại sao trong hoàn cảnh thiếu thốn, có chiến tranh như vậy mà vẫn có những công trình lý thuyết có giá trị ra đời.
GS Nguyễn Anh Trí (áo nâu) cùng đoàn đại biểu của Vụ khoa học Tự nhiên, Xã hội và Nhân văn tham quan trưng bày.
Trước đó, mặc dù bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ về hàm thực, nhưng thấy khó ứng dụng vào thực tiễn, Hoàng Tụy đã chọn cho mình một hướng nghiên cứu mới: vận trù học. Đó là bộ môn toán học nghiên cứu các phương pháp tiến hành công việc sao cho hiệu quả nhất. Thuật ngữ “vận trù học” hồi đó còn xa lạ ở Việt Nam, chính ông là người đã đưa từ này vào từ vựng tiếng Việt. Công trình nghiên cứu về quy hoạch lõm năm 1964 đã trở thành kinh điển, và là công trình mở đầu cho một hướng nghiên cứu mới trong vận trù học.
Ngày nay khi nhắc đến GS Hoàng Tụy là người ta nhắc đến quy hoạch lõm, và nhắc đến quy hoạch lõm thì phải nhắc đến ông. Thuật ngữ khoa học thế giới về ngành này đã có thêm một từ mới “nhát cắt Tụy”. Theo GS.TS Trần Vũ Thiệu thì “Nhát cắt Tụy” đã tạo ra cách tiếp cận đầu tiên có hệ thống với đầy đủ các kỹ thuật và các bước tính toán cụ thể để giải bài toán quy hoạch lõm. Nó có tác dụng thúc đẩy nghiên cứu ở trong và ngoài nước về các phương pháp, kỹ thuật giải quy hoạch lõm nói riêng và góp phần phát triển, hoàn thiện lý thuyết tối ưu toàn cục nói chung.
Là cha đẻ của ngành tối ưu toàn cục, GS Hoàng Tụy trở thành ‘người dẫn đường và đưa ngành này ngày một phát triển mạnh mẽ hơn sau hơn nửa thế kỷ, bằng những ý tưởng mới và táo bạo’ (Hiroshi Konno và Takahito Kuno, tạp chí Journal of Global Optimization, 1999).
Vụ trưởng Lê Quang Thành cùng đoàn đại biểu Vụ khoa học Tự nhiên, Xã hội và Nhân văn tham quan trưng bày.
Trong khi đó, ở nơi sơ tán tại núi rừng Việt Bắc, nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo vẫn biết cách tạo ra sự khác biệt mang tầm quốc tế. Dù đót rét, khó khăn đủ thứ, đặc biệt là thiếu thông tin khoa học, ông vẫn miệt mài nghiên cứu về kích động tham số trong các hệ phi tuyến. Sau đó, những nghiên cứu này được ông viết thành luận án tiến sĩ và bảo vệ tại Ba Lan, chỉ sau 3 tháng làm thực tập sinh cao cấp ở đây.
Công trình “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” là kết quả lao động kiên trì của GS.TSKH Nguyễn Văn Đạo từ năm 1960 đến 2000, tập hợp 107 nghiên cứu của ông, trong đó có 42 bài đăng ở các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, hai cuốn sách in ở Hà Lan và Ukraina. Nó chứa đựng hàng loạt ý tưởng mới có giá trị khoa học cao, cống hiến to lớn cho sự phát triển của cơ học và toán ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết dao động ở cuối thế kỷ XX. Nó cũng đặt nền móng cho sự hình thành một trường phái nghiên cứu về dao động phi tuyến ở Việt Nam.
Cách đó hàng vạn cây số, ở xứ sở bạch dương, tại Viện nghiên cứu Đubna, giữa rất nhiều các nhà khoa học nổi tiếng của Liên Xô, Nguyễn Đình Tứ vẫn khiến giới vật lý quốc tế nhắc đến tên mình. Không kể là ngày hay đêm, ông luôn có mặt ở phòng thí nghiệm để “săn hạt”. Cụm công trình “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm” là kết quả của niềm đam mê và sự kiên trì của nhà vật lý Nguyễn Đình Tứ trong suốt nhiều năm.
Thành công nổi bật của những nghiên cứu này là bằng thực nghiệm phát hiện ra phản hạt hyperon sigma âm mà thế giới chưa tìm thấy, qua đó đóng góp to lớn vào việc xây dựng phổ các hạt cơ bản, đồng thời minh chứng cho việc sử dụng hiệu quả các máy gia tốc năng lượng cao trong nghiên cứu vật lý cơ bản. “Phương pháp vũ trụ” có tác dụng phân tích quá trình tập hợp các sự kiện riêng lẻ được nghiên cứu – một trong những thành tựu của GS Nguyễn Đình Tứ – được phát triển ở Liên Xô, Mỹ và một số nước khác.
Thiên nhiên bí hiểm và diệu kỳ luôn là mảnh đất màu mỡ để các nhà khoa học khám phá và sáng tạo. Với tinh thần tự tôn dân tộc và muốn phát huy những giá trị truyền thống của cha ông để lại, Đỗ Tất Lợi đã quyết tâm theo học dược ở trường Đại học Y Đông Dương.
Nếu GS Tôn Thất Tùng được thế giới nhắc đến với phương pháp cắt gan khô, thì GS Đỗ Tất Lợi khiến quốc tế nhắc đến mình bởi một bộ sách đồ sộ mà trước đó ở Việt Nam chưa ai làm được. Trong công trình “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, ông đã công bố tính năng, công hiệu của những loại dược liệu, những vị thuốc dân tộc trong tập hợp 750 loài cây và vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật. Ông chiết xuất tinh chất nhiều cây thuốc dân gian để sát trùng, điều trị bệnh thông thường như nhược cơ, vết thương lở loét; ông còn điều chế “ký ninh đen” chữa sốt rét, nghiên cứu Nerioline từ cây trúc đào để làm thuốc chữa bệnh tim.
Chỉ với công trình này, hội đồng khoa học của Viện Hàn lâm khoa học đã đặc cách xét học vị Tiến sĩ khoa học cho dược sĩ Đỗ Tất Lợi mà không cần trải qua một quá trình nghiên cứu, làm luận án. Các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu rất kỹ bộ sách này và có nhận xét xác đáng: “Trong rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà Đỗ Tất Lợi giới thiệu là lần đầu tiên được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học”[3].
Bộ sách dày công nghiên cứu của GS Đỗ Tất Lợi về các cây thuốc của Việt Nam.
Trên khắp các cánh rừng nhiệt đới từ Bắc chí Nam đều in đậm dấu chân của nhà lâm nghiệp học Thái Văn Trừng. Mặc dù đã theo học trường Y được 2 năm nhưng Thái Văn Trừng vẫn quyết định chuyển sang học về lâm nghiệp. Năm 1963, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô. Trong công trình “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam”, ông dựa trên quan điểm sinh thái phát sinh để phân loại kiểu rừng nhiệt đới vô cùng phức tạp ở Việt Nam, phát minh lý thuyết về quy luật phát sinh quần thể thực vật rừng nhiệt đới; xây dựng mô hình phục hồi các hệ sinh thái rừng nhiệt đới bị phá hủy bởi chiến tranh hóa học.
Đây là công trình đột phá trong ba lĩnh vực: lâm sinh, sinh thái rừng, địa thực vật, xuất sắc về cả lý thuyết và thực tiễn.
Nói về những đóng góp của GS Thái Văn Trừng cho khoa học lâm nghiệp, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung khẳng định: “Ở Việt Nam, bảng phân loại thảm thực vật rừng của GS Thái Văn Trừng đã được các nhà lâm nghiệp hưởng ứng, áp dụng và coi như tài liệu chủ yếu để tham khảo, so sánh, đối chiếu mỗi khi có các công trình khoa học hoặc đề án lớn về kiểm kê rừng, nghiên cứu bảo tồn hoặc phát triển các hệ sinh thái rừng”.
Nếu GS Thái Văn Trừng được coi là cây đại thụ của khoa học lâm nghiệp ở Việt Nam thì GS Đào Văn Tiến được coi là bậc thầy của các nhà sinh vật học, đặc biệt là trong lĩnh vực động vật học. “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam (1957-1980)” gồm 9 công trình của GS Đào Văn Tiến, nổi bật là: Khảo sát thú miền Bắc Việt Nam (1969), Động vật học có xương sống (1971), Hỏi đáp về động vật (1973), cùng hơn 90 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong và ngoài nước.
Thành tựu nghiên cứu trong gần 25 năm của ông đã góp phần tìm hiểu nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật. Qua những công trình này, lần đầu tiên GS Đào Văn Tiến nêu ra các từ khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật (ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột) để sử dụng ở Việt Nam.
Ngày nay, chúng ta được thừa hưởng những thành tựu khoa học nghiên cứu về đất, địa chất nhưng nhiều người ngoài ngành không biết rằng để có được thực hiện trong rất nhiều năm, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Trong quá trình ấy, nhiều người đã hi sinh bởi họng súng của quân thù, hoặc trong quá trình thực địa, khảo sát. Nhiều người mất khi công trình khoa học tập thể chưa được vinh danh. Công trình “Điều tra – Phân loại – Lập bản đồ đất Việt Nam” được thực hiện trong suốt 40 năm (1956-1996) với sự tham gia của GS.TS Lê Duy Thước và nhiều nhà khoa học khác. Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam tỉ lệ 1/1.000.000 (1958) là công trình khoa học đầu tiên làm nền tảng để tiếp tục điều tra, phân loại, lập bản đồ đất. Năm 1977, lần đầu tiên Bản đồ đất toàn Việt Nam thống nhất tỉ lệ 1/1.000.000 hoàn thành. Đây là bản đồ đất quốc gia chính thức, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Rất gần với công việc của các nhà khoa học đất là các nhà địa chất Việt Nam. Cụm công trình “Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” của các kỹ sư Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Trần Phú Thành, TS Lê Văn Trảo và cộng sự, xuất bản năm 1981 và 1988. Cụm công trình có giá trị khoa học cao, làm cho bức tranh về lịch sử hình thành và phát triển địa chất của vỏ trái đất trên lãnh thổ nước ta thêm sinh động và đầy đủ.
Sự phân chia và thể hiện các tạo thành magma là cơ sở quan trọng để dự báo quy luật phân bố khoáng sản; thông tin về vị trí, loại hình, chất lượng, quy mô và nguồn gốc khoáng sản được phản ánh đầy đủ, giúp ích cho việc phát triển khai khoáng.
Đó là thành quả từ sự âm thầm nỗ lực và tinh thần không chùn bước của các nhà khoa học vượt qua biết bao gian khó, hiểm nguy. Như tâm sự của KS Nguyễn Xuân Bao: “Chúng tôi ra đi lúc ấy lòng tràn đầy lạc quan, khí thế hăm hở hướng về phía trước… Rồi từ đấy chúng tôi bắt đầu những tháng ngày “đội mũ tai bèo, đêm nằm võng” như các chiến sĩ giải phóng, nhưng thực ra là những nhà địa chất đi B”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng đất miền Trung quanh năm thiếu lương thực, Trương Đình Dụ luôn đau đáu với nỗi niềm của người dân nơi đây. Làm sao có đủ nước khi mùa hạn đến và làm sao ngăn được nước mặn lúc triều lên. Quyết tâm học và theo ngành thuỷ lợi cũng xuất phát từ lý do ấy. Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, ông trở thành người đứng đầu nhóm nghiên cứu về Cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan”.
Đây là bước đột phá về công nghệ xây dựng các công trình ngăn sông. Bằng sự sáng tạo, dám vượt khỏi tư duy lối mòn, họ đã tìm ra nguyên lý mới xây đập ngăn sông, ngăn mặn có nhiều ưu thế hơn so với cách làm cũ: giảm 40% chi phí xây dựng, không cần thay đổi dòng chảy, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân trong vùng. Từ năm 1996 đến nay, công nghệ này được ứng dụng xây dựng hàng trăm công trình trên cả nước, tiêu biểu như: đập Thảo Long ở Huế, công trình sông Dinh ở Ninh Thuận, đập Hiền Lương ở Quảng Ngãi, hệ thống Cái Lớn – Cái Bé ở Kiên Giang.
GS Trần Bảng và không gian trưng bày về chèo tại triển lãm.
Trong trưng bày này, công chúng sẽ bắt gặp một công trình có đặc điểm khác biệt với phần còn lại. Nội dung ấy tập trung về chèo và một nhà khoa học đã dành cả đời sống chết, vui buồn với chèo. Cuốn sách “Trần Bảng – Đạo diễn Chèo” xuất bản năm 2006 và tái bản năm 2015, tổng kết hơn 60 năm GS Trần Bảng say mê, tâm huyết trong nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về nghệ thuật chèo.
Cuốn sách chứa đựng hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh về nghệ thuật chèo, các mô hình nhân vật, các nguyên tắc tự sự, ước lệ, điều độ sân khấu chèo, các lối diễn…, là cẩm nang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo. Theo NSND Thanh Ngoan, cuốn sách giúp diễn viên hiểu thêm về kỹ thuật diễn chèo, người nghiên cứu rõ hơn về quá trình tạo dựng một tác phẩm chèo, đạo diễn có định hướng chuẩn để xây dựng những vở chèo không bị lệch sang loại hình nghệ thuật khác.
Những mảng màu khác nhau của 14 công trình khoa học đã phác hoạ một phần bức tranh khoa học Việt Nam. Sự sáng tạo và cống hiến là điểm chung dễ nhận thấy của các nhà khoa học. Dù ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào họ cũng luôn vượt lên hoàn cảnh, đối mặt với thực tiễn để đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm rạng danh nền khoa học nước nhà.
——–
[1] Đặng Văn Ngữ – Một trí tuệ Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014, tr.52
[2] Báo Phẫu thuật Lyon, 1964.
[3] Tạp chí Tài nguyên thực vật, Liên Xô, 1967.
– Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến” khai mạc ngày 29/8/2020. Trưng bày do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. – Trưng bày mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ. Địa điểm: Tòa nhà Quyển sách mở, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, huyện Cao Phong, Hòa Bình. |
Từ Sơn
Nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-sang-tao-va-cong-hien-c7a771451.html?fbclid=IwAR180NCfR1WEo9I5IfHcsdaowdHlAtKNPGivihM9iStXllZKyJSNd_hgPWI