Chúng tôi có dịp phỏng vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí [1] ngay sau khi ông trở về từ Hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ III tại Đà Lạt và ít lâu sau album CD2 “Ca khúc Nguyễn Anh Trí” của ông được phát hành.
GS.TS Nguyễn Anh Trí kể vui: trong giờ giải lao tại hội nghị, một đồng nghiệp nữ người Đà Lạt đã trình bày ca khúc “Tiếng gọi mẹ ơi” do ông sáng tác và suốt mấy ngày hội nghị, nhiều đồng nghiệp, cả khách quốc tế gặp ông đều thắc mắc chung một câu hỏi: ông lấy thời gian đâu để làm thơ, sáng tác nhạc trong khi vừa làm quản lý, vừa làm khoa học đã vô cùng bận rộn. Ông chia sẻ cùng chúng tôi câu trả lời: “Đó là vì tôi yêu cuộc sống, tôi thấy rõ trách nhiệm với mỗi việc mình làm, làm gì cũng phải làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết quãng thời gian tu nghiệp ở Nhật (1993-1994) đã giúp ông tiếp thu được nhiều bài học, trong đó có những kinh nghiệm hữu ích về cách tổ chức làm việc khoa học. “Tôi ý thức được trong mọi việc phải tổ chức hết sức khoa học, từ việc học tập, nghiên cứu khoa học, đào tạo huấn luyện đến cách tổ chức làm việc hệ thống và tổ chức công việc cá nhân. Muốn thành công rất cần thiết khoa học hóa trong tất cả mọi việc” [2]. Nhờ cách tổ chức khoa học đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã góp phần xây dựng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương từ một viện nhỏ với 150 nhân lực, phát triển thành Viện đầu ngành của cả nước với 780 cán bộ nhân viên cùng đội ngũ y bác sĩ vững vàng trong chuyên môn và tác nghiệp; từ chỗ chưa đầy 200 bệnh nhân nay lên đến 1000 người; từ chỗ tiếp nhận 30.000 đơn vị máu hiện nay đạt 240.000 đơn vị máu, đặc biệt có những thành công mang tính đỉnh cao như phong trào hiến máu nhân đạo với Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ… Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng là đơn vị tiên phong áp dụng những phác đồ chẩn đoán và điều trị mới nhất trên thế giới vào Việt Nam, nhất là về vấn đề tế bào gốc.
“Lĩnh vực y tế nói chung và chuyên ngành huyết học nói riêng là niềm đam mê của tôi” – GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết
Nhiều lần tiếp xúc với GS.TS Nguyễn Anh Trí nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông gấp gáp, tất bật mặc dù rất bận rộn. Ông tâm sự, “với cách tổ chức công việc khoa học, mọi việc với tôi đều được giải quyết rất bình thường, nhẹ nhàng”. Bên cạnh công tác quản lý, đến nay GS.TS Nguyễn Anh Trí đã xuất bản 16 đầu sách, công bố 280 bài báo, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, hướng dẫn 20 Thạc sĩ, 30 Tiến sĩ và còn xuất bản hai tập thơ [3], album nhạc.
Ông chia sẻ: ngoài những năm học Đại học, rồi học nội trú tại trường Y Hà Nội và hơn một năm tu nghiệp tại Nhật, là thời gian ông học tập trung, còn những khóa học khác, thời gian ông đi học không nhiều, nhưng với phương châm không ngừng học hỏi nên ông tự học từ thực tiễn, từ các thầy, đồng nghiệp, bạn bè và học trò. Với ông, “trường thực tiễn là trường phong phú và giá trị nhất”[4].
Trần Bích Hạnh
—————————
[1] Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. [2] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí, 28-4-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. [3] “Mẹ và những miền quê mẹ” (2012), “Sống mãi với thu vàng” (2014). [4] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Anh Trí, 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.