PGS.TS Nguyễn Văn Khải hẹn nghiên cứu viên của Bảo tàng đến làm việc vào cuối giờ chiều. Vì biến chứng của một lần tai biến nên ông nhớ nhớ quên quên, nói chuyện khó khăn. Thỉnh thoảng ông lại ôm đầu để cố nhớ lại các sự kiện, câu chuyện.
PGS.TS Nguyễn Văn Khải rất hào hứng khi chia sẻ về giáo dục dù tai biến để lại cho ông nhiều di chứng |
Nhớ nhớ quên quên là vậy, nhưng khi nói chuyện về giáo dục, ông lại trở nên minh mẫn lạ thường. Vì nói chuyện khó khăn nên ông lao đi tìm hộp xốp úp ngược lại rồi dùng cán búa và bút bi đâm mạnh vào đáy hộp để nghiên cứu viên thấy kết quả chiếc bút có đầu nhọn đâm thủng thùng xốp, còn cán búa lại làm vỡ thùng xốp. Xong rồi ông lại đi tìm dao, thớt và bộ chày cối. Ông nói: khi băm thịt ta dùng dao và thớt còn khi cần làm nát cua ta lại dùng chày và thớt. Tất cả đều là khoa học, các em có biết không? Rồi ông tự nhiên lưu loát hơn: Các em có biết tại sao học sinh bây giờ cận thị nhiều không, vì các cháu phải ngồi học trên ghế quá nhiều. Ông thổ lộ: người ta vẫn hay gọi tôi là TS Khải, Khải tên lửa hay ông già ozone…, nhưng suy cho cùng tôi cũng là một người thầy và ước mơ lớn nhất của tôi là làm thế nào để các cháu học sinh thích học. Ƭôi đã đi dạy rất nhiều nơi và thấy giáo dục cần đi sâu vào cái gốc, các vật dụng trong ρhòng thí nghiệm cũng như ví dụ thí nghiệm ở nội dung sách giáo khoa cần nhiều hơn, đa dạng hơn. Hồi còn dạy học, tôi thường cho các em tự làm thí nghiệm trước ở nhà với những dụng cụ tự chế. Khi được tự tay làm, các em sẽ nhớ rất lâu. Khi lên lớp, tôi hay lấy những ví dụ từ chính cuộc sống đời thường để giải thích cho học trò hiểu những nguyên lý trong khoa học. Tôi quan niệm cuộc sống chính là khoa học và khoa học cũng từ cuộc sống mà ra. Tôi chỉ muốn vận dụng kiến thức khoa học để giúp đỡ học sinh và người dân.
Cuộc trò chuyện của thầy trò kéo dài từ cuối giờ chiều đến khi trời tối vẫn chưa kết thúc. PGS.TS Nguyễn Văn Khải dù có thể nhớ quên về ai đó trong cuộc sống nhưng thẳm sâu trong ông vẫn đau đáu về những vấn đề khoa học nên khi nhắc đến nó ông như được trở về những ngày nhiệt huyết của tuổi trẻ, miệt mài giảng giải quên thời gian.
Hoàng Thị Kim Phượng