PGS.TS Nguyễn Tấn Anh sinh năm 1934 tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Thời phổ thông, chỉ vì kê khai nhầm thành phần xuất thân địa chủ mà ông gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập và công tác sau này. Tốt nghiệp khóa I, Học viện Nông lâm[1], Nguyễn Tấn Anh được giữ lại công tác giảng dạy tại khoa Chăn nuôi – thú y. Trong suốt thời gian công tác tại trường (1961-1963), sau đó là cán bộ Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (1964-1974), và Viện Chăn nuôi (1969-1995), mặc dù không được cử đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng Nguyễn Tấn Anh vẫn nỗ lực phấn đấu với suy nghĩ "làm việc hết mình và trung thực để không hổ thẹn với lương tâm người làm khoa học".
Năm 1984, ông đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ về thụ tinh nhân tạo gia súc. Năm 1991, ông được phong hàm Phó giáo sư chuyên ngành Chăn nuôi. Năm 2000, đề tài "Nghiên cứu lợn lai có năng suất và chất lượng cao ở Việt Nam" – công trình khoa học tập thể có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Tấn Anh được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của ông.
PGS.TS Nguyễn Tấn Anh làm việc bên máy vi tính
Đến nay, mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng PGS.TS Nguyễn Tấn Anh vẫn tiếp tục tham gia làm Ủy viên Ban biên tập Tạp chí khoa học kỹ thuật chăn nuôi của Hội Chăn nuôi. Do yêu cầu công việc phải liên tục cập nhật tri thức mới, ông vừa tự tìm tòi, vừa nhờ đến sự giúp đỡ của các cán bộ trẻ để học cách sử dụng vi tính tra cứu thông tin. Ông tâm sự: "Từ khi còn công tác đến nay, tôi luôn tâm niệm khi nào còn sức, còn trí, thì sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của ngành Chăn nuôi".
Phạm Ngọc Hải
[1] Đây là tên gọi trước kia của Học viện Nông nghiệp Việt