Không kịp nữa rồi!





Chúng tôi nhớ bài học nhập môn khi trở thành sinh viên khoa Lịch sử, được thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Hải Kế nhắc về truyền thống 50 năm của khoa, về những cây đại thụ Lâm – Lê – Tấn – Vượng. Chúng tôi lúc nào cũng mong đến các sự kiện đặc biệt của khoa để được gặp những người thầy lớn ấy.

GS.NGND Phan Huy Lê trao đổi ý kiến về triển lãm

GS.NGND Phan Huy Lê trao đổi ý kiến cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy
về triển lãm "Khát vọng học hỏi và sáng tạo" tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Năm 2008, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập, có một số ý kiến trái chiều. Nhưng với nhãn quan của người làm sử, GS Phan Huy Lê đã đồng hành cùng Trung tâm từ những ngày đầu gian nan trong vai trò Ủy viên Hội đồng cố vấn. Tôi, với tư cách là nghiên cứu viên Trung tâm, đã có đôi lần được trò chuyện cùng Thầy tại nhà riêng. Dù mỗi lần chỉ khoảng một giờ đồng hồ nhưng Thầy luôn quan tâm đến tình hình hoạt động của Trung tâm và gợi mở cho chúng tôi bao điều thú vị.

Còn nhớ năm 2014, Trung tâm tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của vợ chồng PGS Lê Văn Sáu – PGS Bùi Thị Kim Quỳ, GS Phan Huy Lê đã không giấu nổi niềm xúc động khi đến tham dự buổi lễ. Thầy hẹn: "Vài năm nữa khi nghỉ các hoạt động chuyên môn, Thầy sẽ dành nhiều thời gian hơn để làm việc với nghiên cứu viên, bởi cả cuộc đời Thầy thì có rất nhiều câu chuyện".

GS.NGND Phan Huy Lê phát biểu tại Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của vợ chồng PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ, ngày 23-8-2014

GS.NGND Phan Huy Lê phát biểu tại Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của vợ chồng PGS Lê Văn Sáu và PGS Bùi Thị Kim Quỳ, ngày 23-8-2014

Mỗi lần gặp Thầy, chúng tôi lại thấy tóc Thầy bạc thêm, thấy những nếp nhăn nơi khóe mắt, thấy Thầy vẫn miệt mài bên bàn làm việc. Điều đó có nghĩa là Thầy đang chạy đua với thời gian, với bao tâm huyết còn dang dở. Thầy Vũ Dương Ninh cho biết: “Sau chuyến đi Trường Sa đầu tháng 6 mới đây, thầy Lê vui lắm. Thầy muốn cố gắng viết một quyển trong bộ Quốc sử, để làm mẫu cho các học trò”.

Giờ đây, đâu còn kịp nữa, cho những dự định của cả Thầy và chúng tôi! Mở máy tính, trên các trang tin tức, trang cá nhân, đâu đâu cũng thấy hình ảnh Thầy, với những cảm xúc thật khó diễn tả thành lời. Chẳng ai tin, nhưng Thầy đã yên nghỉ! Thầy đi, khoảng trời sử học trống vắng. Thầy đi, chỉ còn lại khoảng trống chẳng thể khỏa lấp trong lòng đồng nghiệp, học trò và những người yêu sử.

Buồn tiếc, hụt hẫng và thương nhớ!

Nguyễn Thị Hiên