Không sống hoài, sống phí

Sau tất cả những ồn ã, bon chen ngoài kia của cuộc sống, ông vẫn tâm niệm và răn dạy các thế hệ học trò của mình phải sống tận tâm, làm tận lực, làm thế nào để không sống hoài, sống phí. 

Được phân công viết chân dung về NGND, PGS.TS Trương Biên là một thử thách khá lớn với tôi, bởi trong bể thông tin trên Internet, những dòng viết về ông chỉ vỏn vẹn lý lịch trích ngang. Những thông tin ấy không đủ để giúp tôi hình dung về một con người được coi là người thầy của công nghệ khoan thăm dò tại Việt Nam.

Nhà giáo nhân dân Trương Biên

Tìm đến gặp ông tại Khu tập thể Dầu khí trên con đường không lúc nào ngớt ồn ã tiếng xe cộ, trong một căn nhà tập thể nhỏ nhắn, giản dị và yên tĩnh, NGND Trương Biên mở đầu cuộc trò chuyện bằng nụ cười hiền lành và câu hỏi: “Bạn muốn biết gì?”. Khi biết được mục đích chuyến thăm của tôi là để lật lại những trang cuộc đời của mình, ông thoáng trầm ngâm. Sau đó, vẫn giữ nụ cười hiền, ông nói tất cả đã là quá khứ, chẳng có gì nhiều nhặn để nói và khéo léo từ chối rằng: “Đó là quãng thời gian mà ai ở thế hệ tôi cũng sống hết mình, làm hết mình và sẵn sàng đến bất cứ đâu, làm bất cứ công việc nào Tổ quốc yêu cầu”.

Nói xong ông tiếp tục im lặng quan sát tôi. Lúc này, tôi chợt nghĩ, có lẽ mình đã quá đường đột khi xin gặp và đặt cho ông một yêu cầu không nên với một người ở vào cái tuổi không muốn nói về bản thân hay những thành tích sáng chói kia.

Trước khi đến gặp ông, tôi đã hình dung trong đầu hình ảnh một ông giáo nghiêm nghị, một con người cứng như thép với đôi mục kỉnh dày và tia nhìn sắc bén. Bởi ông không phải một người giáo viên bình thường, đó là người đã đào tạo biết bao thế hệ kỹ sư khoan, trong đó không ít người đã nắm giữ vị trí quan trọng trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, không ít người đã đem vinh quang cho ngành Dầu khí nước nhà và nâng tầm Việt Nam trên bản đồ dầu khí quốc tế.

Thế nhưng, có lẽ không muốn làm khó một đứa trò nhỏ, ông thủng thẳng kể cho tôi câu chuyện cuộc đời bằng chất giọng Quảng Nam khó nghe nhưng đặc biệt. Ông sinh năm 1931 tại Quảng Nam, từ thuở nhỏ cho đến khi thanh niên, cậu bé Trương Biên cũng trải đủ những gian khổ, khắc nghiệt của cuộc Chiến tranh chống Pháp. Năm 1950-1951 là thời điểm Pháp đánh phá ác liệt chiến dịch Thu Đông, chàng thanh niên Trương Biên đang làm thư ký cho ông Nguyễn Duy Trinh (Bí thư Liên khu ủy 5, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ). Tận mắt nhìn thấy cảnh bom đạn tang tóc, thậm chí chứng kiến bom rơi trúng văn phòng Liên khu ủy 5, người chết vô số, có người không đủ tay chân, có người phạt ngang lưng, có người chỉ còn sót ngón tay… cậu thanh niên Trương Biên ước mơ được học y, được đủ sức cứu người.

Thế nhưng cuộc đời vốn đặt cho con người những ngã rẽ bất ngờ, đến cuối năm 1951, ông được cấp trên cử đi học tại Trung học bình dân. Thời bấy giờ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang là Hiệu trưởng danh dự và trực tiếp lên lớp giảng bài học đầu tiên “Trung với nước, hiếu với dân” cho tất cả học viên và giáo viên toàn trường. Trường đã đào tạo hàng nghìn cán bộ, công nông cung cấp cho sự nghiệp cách mạng của các tỉnh miền Nam Trung Bộ trong thời kỳ đầu kháng chiến và cho cả nước sau này. Lực lượng học sinh của trường được trưng dụng và cử tới khắp các chiến trường B, Chiến trường C và cả chiến trường Campuchia.

Cũng như bao bạn bè khác trong trường, trong khóa, chàng thanh niên Trương Biên cũng ôm mộng được ra chiến trường, được cống hiến sức lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được tự mình cầm súng bảo vệ quê hương, đất nước. Thế nhưng một lần nữa, số phận lại để anh lỗi hẹn với bạn bè. Ngay khi chuẩn bị ra chiến trường, lãnh đạo Liên khu 5 ra chỉ thị yêu cầu ông ở lại hậu phương và tiếp tục làm việc tại văn phòng Liên khu. Nhìn chúng bạn vai đeo balô, tay mang súng trường, ông tự nhủ mình càng phải cố gắng hơn, cống hiến hơn nữa khi ở hậu phương, để các bạn yên lòng chiến đấu nơi tiền tuyến.

Năm 1954, ông theo đoàn tập kết ra Bắc và làm việc tại Văn phòng Thủ tướng, Ban Dân tộc Trung ương. Năm 1956, ông theo học Trường Bổ túc Công nông khóa 1 cùng những bạn đồng môn như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Hồ Sĩ Thoảng… Sau đó, ông được chuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa, Khoa Luyện kim. Thế nhưng, ngay khi vừa có quyết định làm việc tại Công ty Than Hòn Gai sau khi tốt nghiệp, ông lại được đưa đi học tiếp tại Trường Địa chất Thăm dò Mátxcơva để phục vụ cho công tác giảng dạy sau này.

Năm 1962, sau khi được cấp bằng kỹ sư mỏ, chuyên ngành thăm dò, ông trở về giảng dạy và giữ vị trí Tổ phó Bộ môn tại Trường ĐH Bách khoa. Và đến khi Trường Bách khoa tách thành nhiều trường nhỏ, ông chính thức gắn bó với ngôi trường ĐH Mỏ – Địa chất cho tới khi về hưu. Tới năm 1977, Bộ Giáo dục Trung học chuyên nghiệp có quyết định thành lập Khoa Dầu khí tại Trường Mỏ – Địa chất với mục tiêu đào tạo những sinh viên chuyên ngành Dầu khí, phục vụ cho công cuộc tìm dầu, làm giàu cho Tổ quốc.

Nói đến đây, ánh mắt ông ánh lên sự hào hứng như đang sống lại giai đoạn khó khăn nhưng đầy hứng khởi đó. Ông bảo, ấy là khi nước ta vừa giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà, chúng ta còn nhận được tin vui từ những nghiên cứu của các công ty dầu khí quốc tế để lại, đó là tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Trước đó, chúng ta cũng đã phát hiện khí tại Tiền Hải, Thái Bình, mặc dù trữ lượng không lớn, khó có thể khai thác thương mại, nhưng nó đã trở thành niềm tự hào đối với những người đi tìm dầu. Vì thế, việc thành lập một ngành chuyên đào tạo các kỹ sư dầu khí là điều tất yếu và gấp rút phải thực hiện để tăng cường nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí thời điểm đó và cả sau này.

Ông kể: “Trong những năm học tập bên Nga, tận mắt chứng kiến những thay đổi bước ngoặt từ dầu khí, sau đó lại nhận thức được Việt Nam có dầu, Thái Bình có dấu hiệu khí, chúng tôi đều hiểu rằng thăm dò khai thác phải đi trước một bước. Từ khi chúng tôi họp để kiến nghị và được phê duyệt, cho phép thành lập ngành, chuyển đổi các khoa liên quan như địa chất, địa vật lý… rất nhanh. Bởi đây là khâu vô cùng quan trọng, hỗ trợ rất lớn cho ngành Dầu khí sau này, mang lại “vàng đen” cho đất nước”.

Sau khi Khoa Dầu khí chính thức được thành lập, NGND Trương Biên được bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa và đã tham gia đào tạo nhiều lứa kỹ sư ngành khoan thăm dò khai thác dầu khí, trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học. Trong đó có rất nhiều người đã trở thành lãnh đạo tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo các tổng công ty nòng cốt, các nhà khoa học công tác tại các viện nghiên cứu và các nhà giáo ưu tú.

 Nói đến đây, ông ra dấu cho tôi chờ một chút và bước nhanh vào phòng trong. Một lúc sau, ông mang ra một chồng sổ chép tay đã cũ, giấy đã ngả vàng và những nét mực cũng đã mờ phai. Ông hào hứng chỉ cho tôi tên của từng sinh viên dầu khí những khóa đầu tiên, những thay đổi trong môn học, điểm thi, nề nếp sinh hoạt… và kể cả tên cha mẹ, hoàn cảnh gia đình, những biến cố của từng sinh viên được ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ. Ông bảo: “Trưởng khoa của ngày xưa không chỉ lo công tác chung, mà còn quan tâm đến hoàn cảnh, lực học của từng sinh viên. Nói gì thì nói, cha mẹ đã giao phó các bạn cho nhà trường dạy dỗ, dìu dắt, những thầy giáo như chúng tôi phải có trách nhiệm chăm sóc tận tâm đến từng sinh viên. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sự cố gắng để xứng đáng với sự tin tưởng của phụ huynh”.

Mỏ Bạch Hỏ

Lật giở từng trang giấy đã ngả màu thời gian, ông hào hứng chỉ cho tôi tên của từng sinh viên, từng điểm thi, ai lưu ban, ai lười học, ai hay nghịch phá… ông đều nhớ cả. Ông bảo những năm 1978, cả nước ai cũng đói, cũng nghèo, cũng thiếu thốn, ăn bữa nay lo bữa mai, sinh viên và giáo viên trường mỏ may mắn có trợ cấp nhưng cũng không no bụng hơn là bao. Ai cũng quen thuộc với hai món nước mắm “đại dương” và canh “toàn quốc”, thầy giáo thì có thêm khúc sắn luộc và chén chè bồm, bụng đói mà tinh thần cứ phơi phới, vẫn tin tưởng vào tương lai dầu khí nước nhà.

Để sinh viên không đứt bữa, không gián đoạn việc học, Hiệu trưởng Trường Mỏ và ông đã chạy khắp nơi xin lương thực, thực phẩm cho học trò. Có lần mang cả chiếc xe công vụ com-măng-ca chỉ được dùng trong những dịp công tác, chuyến đi quan trọng chạy từ Bắc Thái sang Hải Phòng để xin cá, mỗi con chỉ vỏn vẹn… 2 đốt ngón tay, vậy mà mang về cho sinh viên, ai cũng mừng ứa nước mắt.

Chiến tranh biên giới 1979 nổ ra, thanh niên sinh viên lại gác bút nghiên để cầm súng, sinh viên của ông cũng có nhiều người được gọi tên. Ông vẫn nhớ như in trường hợp sinh viên Phạm Xuân Dương (khóa 22, chuyên ngành Khoan khai thác) cũng là một trong những người được gọi ra chiến trường. Trong lễ tiễn quân, ông nắm chặt tay Dương và dặn dò: “Các em hãy yên tâm, vững vàng làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Khi trở về từ quân ngũ, dù chỉ còn 1 người thì tôi cũng mở lớp cho các em tiếp tục việc học, tiếp tục công cuộc tìm dầu”.

Tìm hiểu sâu về sự nghiệp mới hiểu tại sao các học trò lại tôn kính gọi ông bằng cái tên “Người thầy của công nghệ khoan”. Gắn bó với Trường Mỏ – Địa chất từ khi thành lập cho tới nay, ông đã góp phần cùng với nhà trường đào tạo hơn 2.000 học viên cao học và gần 300 nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành kỹ sư khoan thăm dò khai thác dầu khí và địa chất… Những năm thôi làm công tác quản lý do tuổi cao, ông vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng dạy cho các lớp đào tạo ngắn hạn của Tập đoàn Dầu khí. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia thành lập và giữ cương vị Chủ tịch Hội Công nghệ Khoan khai thác Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Khoan nhiều khóa. Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Hội Công nghệ Khoan khai thác Việt Nam tháng 10-2015, ông được bầu làm Chủ tịch danh dự, Cố vấn Trung ương Hội.

Mặc dù đã lui về “ở ẩn”, nhưng ông vẫn nghiên cứu và suy ngẫm về những vấn đề thời sự của ngành Dầu khí. Khi tôi ngỏ ý hỏi về các thành tựu về khoan khai thác của ngành, ông trầm ngâm lắm. Ông bảo đến thời điểm này, có hai công trình được nhắc đến nhiều nhất và là niềm tự hào của người dầu khí, đó là mỏ Bạch Hổ với “kỳ tích” tìm dầu ở tầng đá móng và mỏ Nam Côn Sơn. Đặc biệt, những người gắn liền với “kỳ tích” tìm dầu ở tầng đá móng và vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lại chính là sinh viên, nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn. Vừa là người hướng dẫn, truyền thụ kiến thức; vừa là người nằm trong hội đồng xét giải thưởng, bản thân ông rất tự hào vì có những học trò đóng góp nhiều cho đất nước.

Tình yêu với công nghệ khoan khai thác của ông đã lan sang cả những người con khi cả hai con trai đều theo ngành Dầu khí. Ông sôi nổi hẳn lên khi đưa tôi xem bức ảnh chụp cùng con trai thứ hai – anh Trương Hoài Nam – khi anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu lựa chọn vữa trám cho các giếng khoan dầu khí trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cao bể Nam Côn Sơn”. Ông nói đề tài chỉ là một nghiên cứu nhỏ về kỹ thuật dầu khí trong điều kiện thực tế của một bể Nam Côn Sơn, thế nhưng điều khiến ông vui mừng và tự hào chính là bởi con trai đã nghiên cứu, tìm tòi và được các nhà khoa học “chấp nhận”, ứng dụng nghiên cứu này vào thực tiễn.

Là người ham đọc sách, ông xem sách là bạn, là thầy, là kiến thức, coi đó là nhu cầu như cơm ăn, nước uống hằng ngày, không thể thiếu. Ông bảo: “Kỹ sư mới ra trường bây giờ chỉ như người lái xe, đào tạo như một công nhân, làm lâu quen việc sẽ trở nên lành nghề. Chúng ta thiếu người nghiên cứu quá, thiếu những người đam mê sáng tạo, mò mẫm. Bây giờ cũng không đọc, không tìm hiểu, không cập nhật thì làm sao dạy được học trò?”.

Ông quan niệm chữ “tâm” đáng giá hơn chữ “tài” nhưng chữ “tài” cũng rất quan trọng. Muốn có tài phải thường xuyên học hỏi, bồi bổ kiến thức để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Có thể nói cuộc đời ông là cuộc đời của một nhà giáo, nhà nghiên cứu suốt đời làm việc với nỗ lực cao, như lời ông nói:  “Các nguyên tử cacbon, sau một quá trình chịu áp suất và nhiệt độ cực cao thì biến đổi thành kim cương”.

Đối với ông, nhà giáo là một nghề cao quý, nó đòi hỏi người thầy không những có kiến thức, hiểu biết mà còn là một người chuẩn mực trong học tập và sinh hoạt để làm gương cho học sinh. Có như vậy, ngoài việc truyền thụ kiến thức, người thầy mới có thể dạy học trò cách đối nhân xử thế, cách sống, lý tưởng ở đời. Ông mỉm cười: “Đối với học trò, đối với đồng nghiệp, mình hãy làm hết mình, giúp đỡ hết lòng, đừng mong được báo đáp. Chỉ cần mỗi người đều nỗ lực cống hiến sẽ tạo ra một xã hội văn minh và phát triển”.

Có một câu chuyện khiến ông nhớ mãi, đó là khi ông đang đi trên đường Kim Liên, một người đàn ông đi ngang qua và bất ngờ lại gần ông và dè dặt hỏi: “Em chào thầy, em xin lỗi thầy có phải là thầy Biên không ạ?”. Hóa ra đó không phải là một sinh viên được ông trực tiếp giảng dạy, mà chỉ là một học viên nơi ông tới thỉnh giảng. Ông bảo bất ngờ lắm, bởi sinh viên được ông dạy dỗ nhớ thầy đã đành, cả những người chỉ được gặp chốc lát cũng khó quên được hình ảnh ông giáo già tận tụy với công việc, với học trò. Thậm chí, nhiều người chỉ được đọc sách của ông, đọc những bài nghiên cứu của ông, khi được gặp đều gọi ông một tiếng “thầy”. Nhớ lại những “học trò đặc biệt” của mình, thầy Trương Biên nở nụ cười hiền: “Nhờ tình cảm của những học trò, đồng nghiệp, tôi sống trong cuộc đời này, đến ngày hôm nay không thấy thiếu, không thấy đói bao giờ”.

“Cho” nhiều hơn “nhận” là đặc tính của ông. Đã cùng phục vụ 6 đời hiệu trưởng nhưng ai cũng quý mến, trân trọng bởi ông chỉ lấy giảng dạy và nghiên cứu làm mục đích. Ông có phong cách ung dung, không ham muốn quyền hành, địa vị, lấy sự cống hiến cho đời làm trọng. Khi tôi dè dặt hỏi về những điều còn dang dở, những điều còn tiếc nuối trong cuộc đời, ông chỉ yên lặng nhìn tôi, môi hé cười, mắt khẽ nheo lại.

Đột nhiên tôi cảm thấy mình quá nông nổi, bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm như ông, nhiều điều còn nhớ, nhưng nhiều điều cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng, dưới tầng tầng lớp lớp những mảng ký ức phủ bụi mờ. Đúng lúc tôi định lên tiếng cảm ơn thì ông bật cười, tiếng cười vẫn sang sảng và âm vang lắm: “Bạn hỏi tôi có hối hận gì không à? Khi sống đến độ tuổi này, tôi có thể khẳng định với bạn là “không”. Bởi trong suốt cuộc đời này, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi được đứng trên bục giảng đào tạo học trò, tôi đã cống hiến hết mình, tận tâm, tận lực và không phí hoài”.

Trong khuôn khổ bài này, thật khó khắc họa được chân dung một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ kỹ sư dầu khí, một người vẫn đau đáu, ngẫm nghĩ về công cuộc tìm dầu đầy gian khó. Nhưng đối với một người trẻ tuổi đời, non tuổi nghề như tôi, ông mãi mãi là một tượng đài khó có thể với tới được. Trong ký ức của mình, tôi vẫn còn cảm thấy cái bắt tay nóng ấm, đầy tình cảm của thầy đối với một đứa học trò non dại cùng lời dặn dò: “Mình còn trẻ, còn sức lực và trí tuệ thì càng phải học, càng phải nghiên cứu. Phải nhớ rằng, ta ngừng học thì không khác gì kết thúc cuộc sống”.


Vương Tâm

Nguồn: Năng lượng Mới 497/http://petrotimes.vn