Để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về xây dựng đất nước sau khi kháng chiến kết thúc, năm 1951, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử 21 người sang Liên Xô học tập. Nguyễn Văn Nhiên là một trong số 21 người đi học đợt đầu tiên đó. Ông tên thật là Nguyễn Văn Tự, sinh năm 1922, trong một gia đình có 9 anh em. Ông là học sinh trường Bonnal, Hải Phòng, sau đó vào học Trường Kỹ nghệ thực hành cũng ở Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia hoạt động cách mạng. Ông đã tự bạch về việc tham gia cách mạng của mình rằng: “… qua thực tế và đời sống khổ cực làm thợ ở nhiều nhà máy thời Pháp và ảnh hưởng của cách mạng đã dẫn tôi tham gia cách mạng tích cực (từ cách mạng tháng 8-1945)” [1]. Trong một lần trốn về nhà để lấy hồ sơ đi hoạt động, ông lấy nhầm hồ sơ của người em ruột tên là Nguyễn Văn Nhiên. Từ đó, Nguyễn Văn Tự trở thành Nguyễn Văn Nhiên (còn người em phải đổi thành Nguyễn Văn Hồng). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Văn Nhiên lần lượt giữ các chức vụ như Chủ tịch Ủy ban Công xưởng nhà máy nước Yên Phụ, Hà Nội, Quản đốc nhà máy Trần Phú (Định Hóa, Thái Nguyên), Quản đốc xưởng giấy An Khê (Tuyên Quang). Trong thời gian này, do cha ông mất sớm, gia đình lại đông anh em, tất cả chỉ trông vào quán hàng nước của mẹ ông, không nuôi nổi các em ăn học nên ông phải đưa người em là Nguyễn Văn Trọng lên Chiến khu chăm nuôi ăn học. Trước khi được gọi đi học ở Liên Xô, ông là cán sự thuộc Ban kiến thiết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tháng 8 – 1951, Đoàn cán bộ học viên Việt Nam đến Mátxcơva và được chia ra học tập 10 ngành khác nhau. Nguyễn Văn Nhiên cùng các ông Phan Lục, Nguyễn Thanh Quế và Văn Tôn được phân công học ngành Mỏ. Trong thời gian học tập, một mặt, các ông được sự quan tâm và đãi ngộ vật chất lẫn tinh thần rất tốt của Đảng và nhân dân Liên Xô. Như sau này ông tâm sự với vợ: “
Những năm học ở Liên Xô được đãi ngộ rất tốt. Học viên Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi rất cao và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập. Tiền trợ cấp tiêu không hết nên để dành mua sách và một phần gửi vào quỹ để gửi về nước phục vụ kháng chiến”[2]. Những lời tâm sự này được bà Hoàng Thị Thìn, vợ ông kể lại.

Năm 1955, ông về nước và được điều về làm Trợ lý Vụ trưởng Vụ kỹ thuật, Bộ Công nghiệp nặng. Đây là thời kỳ miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Công nghiệp nặng được ưu tiên làm đòn bẩy để khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Nhiều xí nghiệp, hầm mỏ được khôi phục và đưa vào hoạt động khai thác để phục vụ sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, số cán bộ kỹ thuật được đào tạo và có chuyên môn vô cùng ít ỏi, chủ yếu vẫn là cán bộ được đào tạo từ thời Pháp. Những người được đào tạo ở Liên Xô như Nguyễn Văn Nhiên là không nhiều. Vậy nên, năm 1956, Nguyễn Văn Nhiên được cử lên Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật.
***
Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khai thác từ thời Pháp thuộc, chủ yếu với hai sản phẩm quan trọng là thiếc và vonfram. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Mỏ thiếc trở nên hoang tàn. Khi hòa bình lập lại trên đất Bắc, Mỏ thiếc gần như không còn hoạt động. Năm 1955, kế hoạch khôi phục và xây dựng lại Mỏ thiếc được Đảng và Chính phủ thông qua và được xem là bước đà để xây dựng ngành Công nghiệp luyện kim màu Việt Nam. Tháng 9 – 1955, những chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến để khảo sát và thiết kế xây dựng Khu mỏ. Ngày 6-10-1956 Khu mỏ chính thức được cắt băng khánh thành thể hiện quyết tâm xây dựng lại đất nước của các cấp lãnh đạo, của những người công nhân, và cũng là biểu tượng thể hiện tình hữu nghị Việt-Xô trong việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng ngành Công nghiệp để phát triển kinh tế.
Quang cảnh khu Mỏ
Một tháng trước khi diễn ra Lễ khánh thành Khu mỏ, tháng 9-1956, ông Nguyễn Văn Nhiên có mặt ở Tĩnh Túc nhận công tác mới. Sự hiện diện của một cán bộ kỹ thuật được đào tạo từ Liên Xô về như ông ở đây có một ý nghĩa vô cùng quan trọng: là cầu nối để tiếp nhận quy trình kỹ thuật từ các chuyên gia Liên Xô, và vận hành, hướng dẫn vận hành cho cán bộ công nhân về sử dụng toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật của Khu mỏ.
Để xây dựng lại Mỏ thiếc Tĩnh Túc cần phải thừa nhận vai trò của các chuyên gia Liên Xô. Giữa một vùng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng thì gay gắt nóng nực, mùa mưa thì lạnh buốt, phần lớn thời gian trong năm đều bao phủ bởi sương mù. Những chuyên gia Liên Xô ở lại đây không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà là hàng năm để sát cánh cùng công nhân xây dựng lại khu mỏ. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn và văn hóa là những rào cản tạo ra khoảng cách cho công việc lẫn đời sống của họ. Phần lớn công nhân không thể giao tiếp và tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia một cách trực tiếp, hay chia sẻ những vấn đề văn hóa. Nguyễn Văn Nhiên, với 5 năm học tập tại Liên Xô và vốn ngôn ngữ, văn hóa đó trở thành cầu nối quan trọng. Một mặt, ông tiếp nhận những tri thức, quy trình kỹ thuật từ các chuyên gia, mặt khác ông còn chia sẻ về văn hóa, cuộc sống với các chuyên gia và các công nhân khác. Bà Thìn kể lại: “
Khi có ông Nhiên về làm việc, các chuyên gia cũng vui vẻ hơn. Ông ấy hay đi cùng các chuyên gia, vừa trao đổi công việc, vừa làm phiên dịch. Các chuyên gia cũng hay mời ông ấy và tôi đi ăn với gia đình họ. Những lúc đó họ nói chuyện bằng tiếng Nga rất thoải mái. Tôi không hiểu gì nhưng thấy họ vui cười thì nghĩ chắc họ rất hợp với nhau”[3].
Khởi đầu của Khu Mỏ thiếc Tĩnh Túc vô cùng khó khăn về nhân lực có trình độ. Với hơn 1100 cán bộ công nhân nhưng “
chỉ có một cán bộ trung cấp kỹ thuật, hai cán bộ trình độ văn hóa cấp 2 và một số thợ cơ khí bậc thấp, còn lại hầu hết là công nhân xây dựng chuyển sang học nghề”[4]. Nguyễn Văn Nhiên là người duy nhất ở đây tiếp nhận quy trình kỹ thuật từ các chuyên gia, trao đổi các phương án kỹ thuật cùng các chuyên gia, sau đó dạy và hướng dẫn lại cho các cán bộ kỹ thuật của ta. Bà Thìn nhớ lại: “
Hàng ngày, ông Nhiên cùng với các cán bộ kỹ thuật ở trong mỏ chạy các loại máy, ông ấy hướng dẫn cho các cán bộ khác từ việc khởi động, vận hành đến xử lý các sự cố. Những ngày nghỉ và buổi tối, ông thường mở các lớp tập huấn cho các quản đốc, trưởng nhóm về việc vận hành các máy móc”[5]. Bên cạnh đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực cho Khu mỏ, Phó Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Nhiên còn đề xuất và cử nhiều cán bộ đi học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để về xây dựng Khu mỏ sau này. Tính đến năm 1963, khi ông rời khỏi Mỏ thiếc thì phần lớn cán bộ kỹ thuật ở mỏ đều do ông đào tạo và cử đi đào tạo về tiếp quản công việc. Đó là một trong những đóng góp lớn của ông cho Mỏ thiếc Tĩnh Túc.
“Mỗi khi ngồi một mình, nhớ ông ấy tôi lại khóc…”
(Bà Hoàng Thị Thìn với những kỹ vật vô giá của chồng. Cao Bằng, tháng 5-2012)
Từ năm 1966, ông cùng gia đình chuyển về Quảng Ninh sinh sống và làm việc. Ông vẫn tiếp tục gắn bó với ngành Mỏ trong việc xây dựng và phát triển các mỏ khai thác than. Ông đã kinh qua các chức vụ Phó Giám đốc Công ty than Cẩm Phả, Phó Giám đốc Công ty than Hòn Gai, sau đó là Giám đốc Mỏ than Đèo Nai. Năm 1976, ông Nguyễn Văn Nhiên qua đời sau một tai biến xuất huyết não. Ông ra đi khi tuổi đời mới bước vào giai đoạn chín của kinh nghiệm và tri thức về kỹ thuật từ bao năm tích lũy.
Cả cuộc đời ông luôn phấn đấu để làm việc và phục vụ đất nước. Cho đến không lâu trước khi mất, ông vẫn tự đánh giá về mình rằng: “
Có ưu điểm: nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao phó. Có quan điểm quần chúng tốt được mọi người yêu mến, luôn giữ vững đoàn kết trong mọi nơi công tác, giữ vững tác phong sinh hoạt khiêm tốn, giản dị, làm đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Có nhược điểm: sức khỏe kém sút, còn nóng nảy và phương pháp công tác chưa được khoa học, cần phải phấn đấu sửa chữa vươn lên”[6].
***
Trong những thành viên của đoàn được cử đi học ở Liên Xô năm 1951, Nguyễn Văn Nhiên là một nhân vật được ít người biết đến. Một phần vì ông qua đời khá sớm, phần khác có thể vì hoạt động, đóng góp của ông đều trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật vào trực tiếp sản xuất, ông lại không tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, di cảo để lại không còn nhiều. Nhưng đó là những đóng góp thầm lặng của một cán bộ kỹ thuật thuộc thế hệ được đào tạo đầu tiên trong sự hợp tác giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa. Ông cũng là một trong những người có đóng góp lớn về việc tiếp nhận và vận hành quy trình kỹ thuật của mỏ thiếc Tĩnh Túc, góp phần đào tạo các cán bộ kỹ thuật ở mỏ.
Phần lớn những tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nhiên đều đã mất mát sau những biến cố lịch sử cũng như những di chuyển chỗ ở của gia đình. Theo vợ và các con của ông kể lại thì ông có thói quen ghi chép công việc rất cẩn thận vào các cuốn sổ và lưu giữ rất kỹ. Những ghi chép bài giảng cũng như nhật ký ông viết hồi học ở Liên Xô cũng được ông lưu giữ đầy đủ. Khi ông mất, phần lớn tài liệu này vẫn được giữ lại. Sau khi chuyển nhà từ Quảng Ninh về Cao Bằng, bà cùng các con cũng mang theo những di cảo của ông. Tuy nhiên, năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, gia đình phải chạy sơ tán. Hầu hết những tài liệu của ông Nhiên bị mất mát trong lần chạy loạn này và một phần do nhiều lần gia đình chuyển nhà.
Những gì còn lại của ông có lẽ là trong ký ức của những người thân. Bà Hoàng Thị Thìn, người phụ nữ Tày đảm đang, người công nhân mỏ trong những ngày đầu xây dựng. Hai ông bà đến với nhau cũng rất tình cờ do sự gán ghép, giới thiệu của lãnh đạo và bạn bè trong khu mỏ. Ông là người thương yêu vợ con, có trách nhiệm với gia đình. “
Cả ngày ông ấy chỉ chăm lo công việc, nhưng mỗi khi ở nhà là ông luôn giúp đỡ, động viên và chia sẻ với tôi. Hai mươi năm sống bên nhau, chưa kịp cãi nhau lấy một lần thì ông ấy đã qua đời. Khi ông ấy mất, tôi khóc hơn một tháng trời. Cứ ngồi một mình là tôi lại khóc. Khi con cái về thì tôi vội lau nước mắt, nuốt nước mắt để chăm sóc con. Tôi sợ con cái thấy tôi khóc thì sẽ buồn và lo lắng”[7]. Lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt phúc hậu, bà Thìn chia sẻ với chúng tôi.
Còn đối với con cái – những người mà thời gian được sống bên cạnh cha mình không nhiều thì trong ký ức của họ, ông là “
một người cha đáng kính, luôn cho con niềm tin trong lòng của những người con, cho dù phần lớn thời gian của ông lại dành cho công việc”[8]. Đối với xã hội, có lẽ Nguyễn Văn Nhiên là một ai đó không nhiều người biết. Nhưng những cống hiến của ông sẽ mãi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của ngành Mỏ nói riêng, ngành Công nghiệp Việt Nam nói chung.
Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Chú thích:
[1], [6]: Lý lịch Đảng viên của ông Nguyễn Văn Nhiên năm 1975.
[2], [3], [5], [7]: Phỏng vấn Bà Hoàng Thị Thìn, vợ ông Nguyễn Văn Nhiên ngày 29/5/2012.
[4]: Lịch sử Đảng bộ mỏ Thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. H-Chính trị quốc gia, 2004. Trang 100.
[8]: Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bình, con trai của ông Nguyễn Văn Nhiên, ngày 30/5/2012.