Ông Huỳnh Quang Đại sinh ngày 15-2-1915 tại xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê ông là một vùng đất thanh bình, với cây cầu Cổ Lâu bắc qua con sông Thu Bồn êm ả, thơ mộng. Ông là người con thứ 6 trong gia đình 8 anh chị em. Bố ông là cụ Huỳnh Quang Tế và mẹ là cụ Nguyễn Thị Mầu. Ngày đó, gia đình ông có một xưởng dệt khá uy tín ở Điện Bàn; công việc chủ yếu là trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và bán cho khách hàng tại chỗ hoặc đưa vào Sài Gòn.
Năm 1921, ông Huỳnh Quang Đại theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ ở một trường tư ngay tại xã Điện Phong. Đến tháng 9 – 1927 ông học lớp ba, lớp nhì, lớp nhất ở trường Sơ đẳng (cấp I) tại Hội An (Quảng Nam) và đến năm 1930 thì ông học trường Sơ Cao đẳng (cấp II) ở Quy Nhơn. Sau khi kết thúc cấp II, đến năm 1934, vì gia đình có điều kiện nên ông Huỳnh Quang Đại được ra Hà Nội học tại nhiều trường học nổi tiếng như trường Tư thục Thăng Long, rồi sau đó vào học trường Bưởi, Hà Nội (Tú tài phần thứ nhất) và trường Trung học Khải Định, Huế (Tú tài phần 2). Khoảng những năm 1938-1944 ông học tại trường Đại học Y Đông Dương, sau khi tập sự (12 tháng) ngành Dược tại Bệnh viện Huế, ông tốt nghiệp Dược sĩ hạng nhất vào tháng 6 -1944.
Sau khi tốt nghiệp Dược sĩ, ông Huỳnh Quang Đại trở về Quảng Nam – Đà Nẵng lập nghiệp. Cuối năm 1944, ông đã tạo dựng, mở một hiệu thuốc Tây rất lớn ở Hội An. Thời gian này, ông Huỳnh Quang Đại kinh doanh khá phát đạt, mỗi lần chuyển thuốc từ Sài Gòn ra Đà Nẵng là 2 toa tàu đầy thuốc. Ông kiểm soát gần như hoàn toàn thị trường thuốc Tây ở tỉnh miền Trung này. Đến 1945, ông Huỳnh Quang Đại trở ra Hà Nội, tại đây ông mở hiệu thuốc Tocontap ở phố Bà Triệu. Vào thời đó, đây được xem là một trong những hiệu thuốc lớn nhất Hà Nội, ông trở thành một trong hai người giàu có nhất trong giới kinh doanh thuốc tây (người kia là ông Lý Sáng – Hoa kiều).
Ông Huỳnh Quang Đại và ba người con tại Mai Sơn (Bắc Giang) năm 1947
Những ngày tháng sống ở Hà Nội, ông Huỳnh Quang Đại cùng vợ con có một cuộc sống giàu có, sung túc tại một biệt thự ở phố Thiền Quang: gia đình có xe hơi sử dụng, có người đưa đón, có máy hút bụi trong nhà, người giúp việc nội trợ, người gác cổng và có khoảng 20 nhân viên chuyên bán thuốc dưới quyền ông. Ở Hà Nội được một thời gian, gia đình ông Huỳnh Quang Đại có dự định sang Pháp sinh sống. Tuy nhiên, khi được biết về cách mạng, nhận thức được sự nghiệp của dân tộc, ông đã từ bỏ ý định rời bỏ Tổ quốc và quyết tâm đi theo kháng chiến, bỏ lại sau lưng tất cả gia sản của gia đình mình. Từ ngày đó, ngôi nhà ông Huỳnh Quang Đại trở thành nơi hoạt động bí mật, nơi gặp gỡ liên lạc của bộ đội ta nhưng đã lọt vào tầm ngắm của địch. Ông Huỳnh Quang Hồ (con trai thứ 2) nhớ lại lời cha mình và kể lại: “Năm 1946 bắt đầu chiến tranh, bố tôi đã mắc kẹt trên trần nhà 3 ngày liền vì giặc đến quá nhanh ông không kịp trở tay. Vừa mới bước chân vào nhà thì giặc Pháp đã ập tới, bố tôi cùng một số người giúp việc phải trốn trên trần nhà”.
Đến ngày thứ tư, lợi dụng lúc những tên lính gác ngủ gật, ông và những người giúp việc đã tuột xuống theo đường ống khói. Đoàn người bơi qua hồ Thiền Quang (Hồ Ha-le), rồi theo ống cống thông qua hồ Bảy Mẫu, qua đường Đại Cồ Việt, sau đó lên Quốc Oai (Hà Tây cũ). Tại đây, đoàn người bắt được liên lạc với cách mạng và được quân đội hướng dẫn lên Tuyên Quang. Trong khi đó, vợ và 3 người con của ông chạy trước lên Tuyên Quang thì bắt được liên lạc với ông Huỳnh Quang Đại, cả gia đình được đoàn tụ, họ tiếp tục đi lên Bắc Cạn và ở lại đây khoảng 2 tháng. Khi giặc nhảy dù xuống Bắc Cạn thì gia đình cùng mọi người phải đốt hết mọi cơ sở theo quân đội luồn rừng, sau 3 ngày thì lên đến xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Trong khoảng thời gian ở Việt Bắc, ông Huỳnh Quang Đại phụ trách toàn bộ ngành Dược thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Ông lên Việt Bắc cuối năm 1946, thì một năm sau ông được kết nạp Đảng và được cử làm Giám đốc Nha Quân dược Việt Bắc, ông giữ vị trí này cho đến khi đi học ở Liên Xô năm 1951.
Ông Huỳnh Quang Đại (ở giữa) cùng đồng nghiệp
trước khi vượt qua Sông Lô (Tuyên Quang) năm 1948
Nơi gia đình ông Huỳnh Quang Đại sinh sống là địa điểm đặt trụ sở Cục Quân y (do ông Vũ Văn Cẩn phụ trách), Nha Quân dược (do ông Huỳnh Quang Đại phụ trách), ngoài ra còn có gia đình ông Trương Công Quyền, ông Đỗ Tất Lợi, ông Đỗ Xuân Hợp, ông Vũ Công Thiết – Cục phó Cục Quân y, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Dược. Nhà ông Đại nằm trên một quả đồi ở sát Nha Quân dược, cách Cục Quân y khoảng 7 km, cách xưởng sản xuất thuốc 2km (qua một cánh đồng, con suối,). Đây là khu dân cư của người dân tộc, gần đường mòn nhưng người thưa thớt, mỗi nhà cách nhau rất xa. Đường đất nhầy nhụa sau mỗi cơn mưa, nghèo nàn, kinh tế tự cung tự cấp.
Ngoài đồng lương của ông Huỳnh Quang Đại, vợ ông – bà Nguyễn Thị Thìn, phải tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà,… Ngày còn ở Hà Nội, bà có một cuộc sống như bà hoàng, có kẻ hầu người hạ, xe hơi đưa đón, khi thì xích lô phục vụ tận nơi. “Mẹ tôi như một bà chủ, quý phái, được học trường Tây” – ông Huỳnh Quang Hồ nói. Ngày đó là vậy, nhưng khi lên Việt Bắc cuộc sống trái ngược hoàn toàn, mọi thứ phải tự túc, cuộc sống khổ cực thiếu thốn trăm bề đến. “Cái dép cũng không có phải đi chân đất, mặc quần nâu, không có áo rét” – ông Huỳnh Quang Hồ nhớ lại thời ở Việt Bắc cùng bố mẹ.
Mặc dù cuộc sống gian khổ hơn rất nhiều nhưng ông Huỳnh Quang Đại không hề phàn nàn bất cứ điều gì. Ông sống đơn giản, không cầu kỳ. Trong đơn vị, ông sinh hoạt cùng bộ đội mặc dù ông vẫn có tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp như việc bộ đội ăn cơm với muối vừng được gói bằng lá còn ông có tiêu chuẩn đựng cơm trong ống nứa.
Ở Nha Quân dược ông có trách nhiệm đảm bảo thuốc men cho toàn bộ Quân đội, ông phụ trách các đoàn xe chuyển thuốc đến các tỉnh. Một lần đoàn xe qua bến Bình Ca thuộc sông Lô (Tuyên Quang), có một xe bị hỏng, cả đoàn bị tắc giữa cầu. Ông lo lắng, đến mức nổi nóng và định rút súng ra để thúc đẩy việc sửa chữa thật nhanh chóng. Rất may mắn, cuối cùng cũng thông được đoàn xe thuốc, xe vừa đi được nửa tiếng thì bom đánh sập cầu. Lúc đầu mọi người nghĩ ông Đại quá nóng nẩy, nhưng sau này họ cũng hiểu việc làm của ông Huỳnh Quang Đại lúc đó rất quyết đoán, kịp thời, chỉ chậm một lát nữa cả đoàn xe và người sẽ bị thiệt hại.
“Năm 1951, cách khoảng một tháng trước lúc bố tôi được cử đi học, có một người cán bộ đến báo cho mẹ tôi rằng ông sắp phải đi công tác xa. Lúc đầu gia đình không hề biết là đi Liên Xô, đến khoảng nửa năm sau mới biết rằng cụ được cử đi học ở bên đó” – ông Huỳnh Quang Hồ kể. Một năm sau (1952) ông mới gửi thư về cho gia đình thông báo tình hình nhưng không cho biết ngày về.
Đầu năm 1955, ông Huỳnh Quang Đại về nước với tấm bằng xuất sắc và trong khoảng thời gian từ 3-1955 đến 12-1956 ông làm Trưởng phòng Dược chính, Cục Quân y ở Hà Nội, tham gia giảng dạy ở trường Đại học Y Dược Hà Nội và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Y Dược Hà Nội. Khi về công tác tại đây, ông Huỳnh Quang Đại là một thầy giáo mô phạm, thẳng thắn. Có lần, một sinh viên – con gái của một vị lãnh đạo cao cấp bỏ học không xin phép, ông dứt khoát yêu cầu phải làm kiểm điểm, từ đó sinh viên này không dám tự tiện bỏ học nữa.
Đối với con cái, ông theo dõi tình hình học tập của các con qua những người bạn, nhưng không bao giờ nói cho các con biết, tránh cho các con ỷ lại, dựa dẫm. “Năm 1961 lúc tôi còn đang học Khoa Xây dựng Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bố thường bí mật theo dõi quá trình học tập của tôi rất sát sao qua ông Nguyễn Thanh Dạn – người bạn, người đồng chí trong quân đội và cũng là Chủ nhiệm khoa lúc bấy giờ”, ông Huỳnh Quang Hồ kể. “Bố là người tình cảm, chia sẻ cả công việc nhà với con dâu. Ông không bao giờ để con cái phải suy nghĩ điều gì cả. Khi bị bệnh, phải cưa chân nhưng ông không muốn làm phiền đến con cái, vẫn tự mình làm các công việc cá nhân”, cô Nguyễn Thị Kim Ngôn nói về bố chồng.
Ông Huỳnh Quang Đại tại trường Đại học Dược khoa, khoảng những năm 1967-1979
Có lẽ, đối với ông Huỳnh Quang Hồ thì cha mình là một người thực sự đặc biệt khi ông tự hào chia sẻ: “Đối với vợ, bố tôi có một tình cảm hết sức quý trọng. Đối với con cháu, ông thương yêu, luôn luôn động viên con cháu học hành đến nơi đến chốn, không bao giờ đánh mắng. Không bao giờ cụ ép buộc con cái, để cho các con tự lựa chọn ngành nghề của mình. Đối với mọi người xung quanh, ông đối xử công bằng, không hề đòi hỏi quyền lợi cho mình, nhà nước cho gì thì cụ nhận như thế”.
Trước đây và sau này nữa, biết rằng đi theo cách mạng sẽ lắm gian nan kể cả đối với bản thân và gia đình, vậy nhưng ông Huỳnh Quang Đại đã bước đi không do dự, trung thành một cách tuyệt đối với cách mạng. Lúc sinh thời, đôi khi nhìn vào cảnh sống lam lũ của gia đình, bà Thìn vẫn thầm trách chồng, bà nói “Các con đang sướng thế, ba đi kháng chiến thì má vất vả hơn. Ngày xưa như bà hoàng, tiền tiêu không phải nghĩ, giờ phải làm vất vả sớm tối mới có ăn”. Hay như “Nếu ông không đi kháng chiến thì con cái đã học hành đến nới đến chốn, cuộc sống đầy đủ sung sướng hơn”. Biết những trách cứ của vợ, ông Huỳnh Quang Đại chỉ nhẹ nhàng động viên: “Bà xem con cái nhà mình có kém ai đâu, cũng có công việc làm, cũng được đi học nước ngoài”.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Huỳnh Quang Đại bây giờ và sau này sẽ mãi là một tấm gương sáng cho con cháu cũng như những thế hệ trẻ bây giờ, như người con trai cả Huỳnh Quang Bùi đã tâm sự: “Tôi không tiếc gì cho cụ bởi con đường mà cụ đã chọn. Tôi thực sự tự hào về cụ, cụ có một cuộc đời trong sáng khi dấn thân theo cách mạng. Rất nhiều người bạn đã hỏi ông về những hy sinh đó, và cụ vẫn luôn khẳng định rằng bản thân không tiếc bất cứ một điều gì”.
Trình Sỹ Anh Dũng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam