Kiên định một con đường

Bạn đồng hành thân thiết

Tháng 6-1957, chàng trai Đinh Thế Lộc và người bạn thân thiết Nguyễn Hữu Cơ cùng tốt nghiệp phổ thông[1] và ước mong được vào đại học lấy tấm bằng kỹ sư, rạng danh gia đình, dòng tộc. Vốn xuất thân “chân lấm tay bùn”, tận mắt chứng kiến những vất vả của người nông dân, lại có bạn thân cùng chí hướng là Nguyễn Hữu Cơ nên cả hai nhất tâm vào học ngành Nông nghiệp, để mai này có thể giúp ích cho quê hương.

Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đành tạm gác hoài bão, để lo chuyện “cơm áo gạo tiền”. Lúc đó, ông đứng giữa hai lựa chọn: Nộp đơn tham gia khóa bồi dưỡng (6 tháng) của Ty Giáo dục Hà Tĩnh, để trở thành giáo viên tiểu học, rồi xây dựng gia đình, an cư lạc nghiệp và sống “an phận thủ thường”; Hoặc thi tuyển làm giáo viên dạy bổ túc văn hóa theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Sau khi đắn đo, Đinh Thế Lộc cùng bạn Cơ quyết định thi vào làm giáo viên trong quân đội và cùng trúng tuyển. Đinh Thế Lộc và Nguyễn Hữu Cơ lại cùng được phân công về dạy tại trường Bổ túc văn hóa Quân khu 4, đóng ở Bàu Trò (nằm bên bờ biển Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình). Vừa tham gia giảng dạy trong quân ngũ, ông và bạn Cơ vừa cố gắng tiết kiệm, dành dụm tiền, tiếp tục nuôi nguyện vọng thi vào học ngành Nông nghiệp   

Tháng 6-1959, sau gần 2 năm công tác, hai người xin thôi dạy ở trường Bổ túc văn hóa Quân khu 4, hẹn nhau ở thị xã Vinh[2] để lên Hà Nội thi đại học. Như đã thống nhất, hai người cùng nộp đơn thi vào khoa Trồng trọt, Học viện Nông lâm[3]. Ba ngày trước kỳ thi, đôi bạn lên xe xuất phát từ Vinh lúc 5 giờ sáng. Lúc đó, ô tô khách rất ít và đường xá khó khăn nên mặc dù xuất phát sớm, nhưng đến 7 giờ tối, hai người mới đến bến xe Kim Liên[4], Hà Nội. Lần đầu đến Hà Nội, hai chàng thanh niên vội tìm nhà trọ và quán ăn gần bến xe để lót dạ, nghỉ ngơi, vì mệt quá nên sau bữa tối, hai người lăn ra ngủ, chẳng kịp cảm nhận phố phường thủ đô về đêm.

Sáng sớm hôm sau, Đinh Thế Lộc cùng bạn Cơ cuốc bộ đến Học viện Nông lâm (lúc đó đóng tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) để làm thủ tục, nhận số báo danh và phòng thi, rồi rủ nhau đi tìm chỗ trọ quanh khu vực trường nghỉ lại. Phó giáo sư Đinh Thế Lộc nhớ lại: Mặc dù lúc đó tỷ lệ chọi vào các khoa trong Học viện khá cao như khoa Trồng trọt là 1/15, khoa Cơ khí là 1/30, nhưng chúng tôi vẫn tự tin vào khả năng của bản thân và hoàn thành tốt bài thi[5].

Hai người tạm chia tay nhau, trong thời gian chờ kết quả thi. Bạn Nguyễn Hữu Cơ về nhà họ hàng ở nội thành, còn Đinh Thế Lộc tìm đến một người quen cùng quê đang làm việc ở bến phà Đen ven sông Hồng để xin bốc vác thuê kiếm thêm thu nhập. Mặc dù xuất thân con nhà nông, quen lao động từ nhỏ và sức khỏe tương đối tốt nhưng công việc bốc vác nặng nhọc tại bến phà Đen vẫn khiến ông rất mệt mỏi. Sau này, PGS.TS Đinh Thế Lộc chia sẻ: Ngày đi bốc vác, tối về mệt mỏi nên cứ ăn xong là lăn ra ngủ mê mệt. Phải cả tuần sau đó tôi mới bắt đầu quen việc[6].

Trong thời gian làm ở bến phà Đen, tình cờ một lần, Đinh Thế Lộc đến chơi nhà chú họ Đinh Thọ Bảy tại làng Tư Đình (Gia Lâm, Hà Nội). Qua trò chuyện, ông được chú Bảy thuyết phục về sống cùng gia đình chú. Lúc đó chú Bảy khuyên tôi bỏ nghề bốc vác, về làm nghề xe đay với mọi người trong làng, vừa đủ ăn mà công việc không quá nặng nhọc[7] – PGS.TS Đinh Thế Lộc nhớ lại.

Sau khoảng nửa tháng ở Tư Đình, ông quay lại Học viện Nông lâm xem kết quả thi và mừng rỡ khi cả mình và bạn Cơ đều đỗ đại học. Tình cờ một số bạn cùng lớp thời phổ thông với Đinh Thế Lộc, hiện đang học năm thứ 2 tại Học viện Nông lâm ngang qua nhận ra bạn cũ. Họ vui vẻ chúc mừng ông đã vượt qua kỳ thi tuyển, và khi biết hoàn cảnh khó khăn của Đinh Thế Lộc, lại biết ông trước đây tham gia đội tuyển bóng đá chân giày tỉnh Hà Tĩnh, nên các bạn có ý định giới thiệu ông đến gặp Phó Giám đốc Học viện Nông lâm lúc đó là thầy Nguyễn Đăng[8] (nguyên Tư lệnh Quân khu 9, cũng là người ham mê bóng đá). Nhưng do thầy Đăng đi vắng, nên mọi người đưa ông đến gặp thầy Hải, người Nam bộ, đang làm việc ở bộ phận chọn tạo giống lúa do thầy Lương Định Của[9] phụ trách. Thầy Hải nhìn diện mạo tân sinh viên Lộc và vui vẻ nói: Cầu thủ bóng đá hả? Em ở lại đây làm công nhật với thầy. Việc làm không có gì phức tạp, hàng ngày chỉ việc đo đếm các giống lúa ở các thí nghiệm, ghi chép lại. Điều cần thiết là phải cẩn thận, chính xác. Thôi không phải gặp thầy Đăng nữa, thầy nhận em làm việc, chiều hết giờ ra sân đá bóng với thầy[10]. Vì đang trong dịp sinh viên nghỉ hè nên ông được thầy Hải sắp xếp ở ngay trong ký túc xá của Học viện. Sau hơn 1 tháng làm việc, tân sinh viên Đinh Thế Lộc đã dành dụm được một ít tiền để tiêu dùng cho thời gian đầu sinh viên, khi chưa được nhận học bổng.

Suốt thời sinh viên, ông và bạn Cơ gắn bó, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Sau này ra trường, ông Cơ được phân công công tác giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân và làm việc đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, hai người vẫn thường liên lạc, gặp mặt nhau trong những dịp họp lớp cũ.

PGS.TS Đinh Thế Lộc

Thời sinh viên sôi nổi

Vào đầu tháng 10-1959, sinh viên khóa 4 (trong đó có Đinh Thế Lộc) của Học viện Nông lâm được triệu tập đến Học viện tại địa điểm mới ở Trại Bông thuộc xã Quang Trung I[11], Gia Lâm, Hà Nội. Đây là cơ sở mới của Học viện, mới được xây dựng bằng tranh tre nứa lá gồm các giảng đường, phòng thí nghiệm thực tập, các khu nhà ở cho sinh viên và cán bộ giảng dạy. Sau ngày tập trung, các tân sinh viên học chính trị (khoảng 1 tuần) và tham gia lao động xây dựng Học viện (khoảng 1 tháng).

Tháng 11-1959, sau lễ khai giảng, Đinh Thế Lộc chính thức  bước vào năm học thứ nhất. Ông chia sẻ: Thời khóa biểu khi đó học 6 ngày/tuần, nhưng chỉ lên lớp 5 ngày, còn 1 ngày đi lao động sản xuất tại trại thí nghiệm thực tập của Học viện. Một năm có 9 tháng lên lớp học, 2 tháng đi lao động phục vụ sản xuất, 1 tháng nghỉ hè và nghỉ Tết Âm lịch[12].

Đồ dùng sinh hoạt của ông lúc đó chỉ có hai bộ quần áo bộ đội, một bộ quần áo nâu, một bộ cánh (quần xanh, áo trắng), một chiếc áo bông hàng năm phải nhuộm lại vỏ cho mới, một đôi dép cao su, một mũ cối bộ đội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ông vẫn quyết tâm học tốt. Những ngày chủ nhật, nghỉ lễ, ông cũng ít khi đi chơi mà tập trung ôn bài và thường sang trại thực tập thí nghiệm của Học viên kiếm việc làm, khi thì đào mương, bẻ ngô, khi lại đi thu hoạch lạc… để có thêm tiền chi tiêu cho sinh hoạt, học tập.

Buổi tối, sau giờ ăn, ông cùng các bạn tập trung tại phòng tự học, chăm chỉ ôn bài. Ông chia sẻ: Lúc đó, giờ giấc sinh hoạt của cán bộ và sinh viên đều phải tuân thủ theo hiệu lệnh kẻng. Mỗi tối tự học từ 19h30, đến 21 giờ nghỉ giải lao rồi vào học tiếp đến 22h30 kết thúc, rồi về phòng nghỉ[13]. Nhờ thông minh và chăm chỉ, ông luôn đạt kết quả cao trong học tập, được phân công kèm cặp thêm kiến thức cho một số bạn học cùng lớp vốn là cán bộ cử đi học hoặc bộ đội xuất ngũ.

Theo tiêu chuẩn của Học viện bấy giờ, sinh viên được cấp 15kg gạo/tháng, nhưng phần lớn đều không đủ no. Những ngày lao động bên trại thí nghiệm thực tập của Học viện, ông tranh thủ ”mót” được củ khoai, bắp ngô… để ăn độn cùng với cơm tối.  

Đinh Thế Lộc tích cực tham gia hoạt động trong đội bóng đá của Học viện Nông lâm. Cứ đều đặn 17 giờ hàng ngày, ông lại xách giầy ra sân tập. Lúc đó, ở trong lớp, ông và bạn Bùi Xuân Sơn (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa chính) là hai người ham mê bóng đá nhất và vì thế mà chơi rất thân với nhau. Học viện cũng ưu ái cho các sinh viên tham gia đội bóng đá được thêm tiêu chuẩn ăn uống trong những lần tập trung chuẩn bị cho thi đấu giải. Liên tục 3 mùa giải bóng đá của các khối trường đại học miền Bắc Việt Nam (1961-1962, 1962-1963, 1963-1964), đội bóng đá Học viện Nông lâm đều vô địch. Đinh Thế Lộc  rất tự hào vì ông tham gia cả ba mùa giải. Vừa học tập, vừa tranh thủ làm thêm, nhưng ông cũng chỉ dành dụm đủ tiền về quê trong dịp hè năm thứ 3, để thăm mẹ và các em. Còn các đợt nghỉ hè và lễ tết khác, ông đều phải ở lại Học viện.

Đinh Thế Lộc nhớ nhất là những ngày Tết âm lịch, Học viện tăng thêm tiêu chuẩn các bữa ăn cho sinh viên không có điều kiện về quê. Ngày 30 Tết nào cũng vậy, ăn tất niên xong, đến 19 giờ tối là ông và các bạn (chủ yếu là quê Nghệ An và Hà Tĩnh) lại rủ nhau cuốc bộ vào nội thành đón giao thừa, hòa vào dòng người dạo quanh hồ Hoàn Kiếm để ngắm cảnh và hái lộc. Khi thời khắc giao thừa đến, ông và mọi người dạo qua Nhà thờ Hà Nội và lang thang phố cổ suốt đêm. Khi đồng hồ điểm 7 giờ sáng mùng 1 Tết, ông và các bạn lại cuốc bộ trở về Học viện, suốt ngày chỉ ở ký túc xá, chứ không dám vào nhà người quen, vì muốn tránh những sự kiêng kỵ trong ngày Tết. Phó giáo sư Đinh Thế Lộc nhớ lại: Mỗi dịp lễ tết. mặc dù đã trưởng thành nhưng tôi vẫn cảm thấy tủi thân và nhớ nhà[14]. Thường, đến mùng 3 Tết, một số bạn về quê đã trở lại Học viện, mang theo những món quà ngày Tết như bánh chưng, khoanh giò, gói kẹo… Mọi người lại tập trung liên hoan và trò chuyện rất vui vẻ.

Bước vào năm học cuối (1963), sinh viên Đinh Thế Lộc được phân công thực hiện khóa luận tốt nghiệp với đề tài Thời vụ bông mùa miền núi tại tỉnh Hòa Bình, do thầy Vũ Công Hậu[15] (lúc đó là chủ nhiệm khoa Trồng trọt) hướng dẫn, đồng thời ông lên đường đi thực tập tại trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh Hòa Bình[16]

Đối với Đinh Thế Lộc, thời gian 6 tháng thực tập trong mùa hè oi bức của miền núi tỉnh Hòa Bình cũng nhiều gian truân. Hàng ngày, ông phải dậy sớm, cuốc bộ lên đồi, tập trung quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bông, đồng thời ghi chép số liệu đầy đủ. Đến ngày cuối thu hoạch thí nghiệm, không may gặp trận mưa dông, ông ngấm nước mưa, nên bị sốt cao phải nhập viện. Mấy ngày nằm viện tỉnh Hòa Bình, ông bị mê man, không ăn uống được. Bác sĩ kết luận rằng ông bị bệnh “thương hàn nhập lý”. Nằm viện hơn nửa tháng, không bà con, bạn bè thân thích, nên ông cũng rất buồn. Vì thế, khi thấy đỡ mệt, ông đã xin xuất viện, chuẩn bị hành lý trở về Hà Nội. Lúc đó, ông được bác sĩ cho biết: Cũng may cho anh, bệnh ấy nếu đầu lưỡi chuyển sang màu đen thì vô phương cứu chữa[17].

Tháng 7-1963, ông đã trình bày, bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng khoa học của Học viện Nông lâm, được đánh giá xuất sắc và đạt điểm tối đa. Ông chia sẻ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi đã hoàn thành tốt các kỳ học trong niềm vui và tự hào của bản thân và gia đình[18]. Nhờ thành tích học tốt, nên sau khi tốt nghiệp, Đinh Thế Lộc được lãnh đạo Học viện Nông Lâm đề nghị với Bộ Nông nghiệp giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tuy nhiên, do thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng đi vắng, thủ tục giữ lại trường chưa hoàn tất, nên ban đầu, tổ chức quyết định phân công ông về Sở Nông nghiệp Hà Nội. Thầy Đăng đi công tác về đã đặt lại vấn đề với Sở Nông nghiệp và UBND thành phố Hà Nội, xin ông trở lại Học viện công tác.

Cuối năm 1963, ông chính thức trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Nông nghiệp[19], được phân công về làm việc tại bộ môn Giống cây lương thực (khoa Trồng trọt) và gắn bó với trường đến khi có quyết định nghỉ hưu (tháng 1-2000).Vậy là,cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, PGS.TS Đinh Thế Lộc đã gắn bó với khoa học nông nghiệp, con đường mà ông nguyện ước, kiên định từ thời trai trẻ.  

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


(*) PGS.TS Đinh Thế Lộc chuyên  ngành Nông nghiệp, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). 

[1] Lúc đó ông Đinh Thế Lộc tốt nghiệp trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) còn ông Nguyễn Hữu Co tốt nghiệp trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An).

[2] Nay là thành phố Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An.

[3] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1958-1963.

[4] Một bến xe cũ của Hà Nội, mở cuối những năm 20, hiện tại đã ngừng hoạt động.

[5] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[8] Sau này có thời gian giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

[9] Nhà nông học, nhà tạo giống cây trồng, người có đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam

[10] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[11] Nay là thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

[12] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[13] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[14] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[15] Sau này là GS Vũ Công Hậu, có thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

[16] Nay là trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình.

[17] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[18] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Đinh Thế Lộc, 18-11-2018, tài liệu đã dẫn.

[19] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1963-1967.