Kính hiển vi quang học của GS.TS Nguyễn Thị Hiền

Giáo sư, tiến s Nguyễn Thị Hiền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Năm 1962, Nguyễn Thị Hiền thi vào khoa Hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học (1966), sinh viên Nguyễn Thị Hiền nhận bằng giỏi và được giữ lại công tác ở Bộ môn Công nghiệp lên men (khi ấy mới thành lập)- nay là Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm). Năm 1967, GS Nguyễn Thị Hiền cùng hai cộng sự là Phó giáo sư Quản Văn Thịnh (nay đã mất) và Phó giáo sư Nguyễn Đình Thưởng cùng nhau xây dựng Bộ môn Công nghiệp lên men. Bộ môn chỉ phát triển cao hơn từ khi Nguyễn Thị Hiền hoàn thành luận án Tiến sĩ ở Đại học Hóa kỹ thuật- Praha- Tiệp Khắc và trở về nước (1977) truyền đạt kinh nghiệm nghiên cứu, trang bị dụng cụ thí nghiệm, mở rộng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Bà đã mang các kinh nghiệm lĩnh hội được trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc để đóng góp cho sự phát triển của Bộ môn: viết giáo trình tiếng Anh chuyên ngành, xây dựng phòng thí nghiệm.

Năm 1989, Nguyễn Thị Hiền nhận thấy cần thiết mua chiếc kính hiển vi quang học để tiến hành thí nghiệm ở nhà nên bà đã ra phố Tràng Tiền                                                                                                                                        mua chiếc kính với giá khoảng hơn 3 triệu đồng. Bà mua kính này với mục đích sử dụng soi chủng nấm men trong bia, rượu chủng nấm mốc trong sản xuất nước chấm, chủng vi sinh vật nhiễm tạp trong quá trình nghiên cứu. Trong thời gian này bà thường hợp tác với một số nhà máy bia nên có kính hiển vi tại nhà tiện lợi hơn khi cần kiểm tra chất lượng một số chủng nấm men.

Ngoài thời gian lên lớp bà đã tham gia nhiều đề tài có tính thực tiễn cao về các lĩnh vực: Tuyển chọn chủng nấm men, nghiên cứu Enzyme từ hạt nảy mầm để sản xuất bột dinh dưỡng, bánh đa thuốc bắc dân gian; nghiên cứu tuyển chọn chủng nấm men bia thóc tẻ thay thế trong công nghệ bia, tạo ra nhiều loại bia có chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu bia hơi, bia chai cho nhân dân với giá rẻ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người uống, bia từ chủng nấm men thuần chủng và quy trình ổn định (năm 1990). Đến nay, ở các công ty bia Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nha Trang, Quảng Bình, Hà Nội vẫn ứng dụng công nghệ này của bà. Năm 1993, bà nghiên cứu và ứng dụng Enzyme từ hạt nảy mầm từ vi sinh vật. Năm 2009, bà nghiên cứu tạo ra một số loại nước uống và bột dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em trên cơ sở sử dụng nguyên liệu trong nước và nguồn Enzyme khác nhau. Đề tài ứng dụng nước hoa quả, bột đạm bổ dưỡng làm thức ăn cho trẻ em, nước quả, vang quả có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ngành công nghệ lên men rất phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của con người. Bà cho biết, mỗi đề tài tiến hành nghiên cứu về nấm men và chọn ra vi sinh vật lên men thuần khiết sau đó nuôi cấy vi khuẩn đó để làm chủng phát triển lâu dài sử dụng cho quá trình lên men. Công nghệ ngày càng có hiệu suất cao, rút ngắn thời gian lên men và đảm bảo an toàn. Khoảng 5 năm gần đây bà không còn sử dụng chiếc kính hiển vi này vì có nhiều loại kính hiển vi hiện đại, độ chính xác cao hơn.

Năm 2003, Giáo sư Nguyễn Thị Hiền nghỉ hưu, nhưng bà vẫn tham gia giảng dạy ở Bộ môn Công nghệ thực phẩm lên men, đến nay đã được 10 năm. Khi các giảng viên ở Bộ môn đã có chuyên môn cao và phát triển, bà an tâm hơn. Hiện nay bà vẫn tham gia tư vấn, đóng góp các ý kiến cho Bộ môn và trường về chiến lược đào tạo, xây dựng và phát triển ngành, đồng thời hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Bà tư vấn viết giáo trình cho trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, trường Công nghệ Hưng Yên. Ngoài ra, Giáo sư Hiền vẫn tham gia giảng dạy cho trường Đại học Phương Đông, không chỉ các môn Công nghệ bia nước giải khát, Công nghệ rượu cồn, rượu vang, mà cả tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Pháp. Bà là Hội phó Hội dinh dưỡng Việt Nam và tham gia viết bài cho các báo của Viện Dinh dưỡng, Hội An toàn vệ sinh thực phẩm.

Kính hiển vi quang học có 9 bộ phận : Thị kính; Giá điều chỉnh vật kính; Vật kính; Giá vi chỉnh; Giá đặt mẫu vật; Hệ thống đèn, gương…; Hệ thống khẩu độ, và các thấu kính hội tụ để hội tụ và tạo ra chùm sáng song song chiếu qua mẫu vật; Vi chỉnh cho phép dịch chuyển mẫu vật theo chiều ngang để quan sát các phần khác nhau theo ý muốn.