Kính viễn thị của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1941 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hóa sinh, trường Đại học Dược Hà Nội. 
Năm 1980, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Hungary, Nguyễn Xuân Thắng về nước, công tác tại Bộ môn Hóa sinh, trường Đại học Dược Hà Nội. Ngay tại thời điểm này, mắt ông vẫn tốt và nhìn rõ.  
Ngay từ khi về nước, ông đã có ý định viết một cuốn sách chuyên ngành. Quá trình nghiên cứu và giảng dạy liên tục đã khiến cho mắt ông gặp vấn đề, thường xuyên mỏi mệt, đặc biệt bị mờ khi đọc tài liệu ở cự ly gần. 
Năm 1983, ông lên phòng Y tế của trường Đại học Dược Hà Nội để khám mắt và được kết luận bị viễn thị. Trong giấy khám sức khỏe có ghi chi tiết độ viễn của ông là 2,5. Ông đã cầm giấy khám sức khỏe ra hiệu kính mắt Tràng Tiền để mua kính. Khi đó, những hiệu kính mắt ở nước ta vẫn còn hạn chế về số lượng, không kiêm cả chức năng đo mắt vì thế đòi hỏi người đến mua phải có giấy chứng thực của cơ quan công tác. Mặc dù có nhiều lựa chọn về mẫu mã, nhưng ông đã chọn cho mình một cặp kính vừa túi tiền, với giá khi đó là 5 đồng. Tuy nhiên, khi đó cặp kính không có bao kèm theo.
Cặp kính viễn thị sau đó được ông sử dụng để đọc và biên soạn bài giảng, tài liệu, viết sách trong khoảng thời gian 15 năm. Suốt trong quá trình sử dụng, cặp kính nhiều lần bị hỏng nhưng vì tiết kiệm, ông vẫn tìm mọi cách tự mình sửa lại. Có lần, đang giảng bài cho sinh viên trên lớp thì gọng kính bị long ra làm cho ông gặp nhiều khó khăn. Để sửa chữa, ông đã dùng bật lửa để làm tan chảy lớp nhựa phần tiếp xúc với mắt kính, sau đó đục lỗ, tìm dây đồng nhỏ để nối lại với phần gọng kính.
Đầu những năm 2000, khi đó kinh tế gia đình đã khá hơn trước, ông quyết định mua một cặp kính mới để thay thế. Tuy vậy, ông vẫn quyết định giữ lại cặp kính cũ để làm kỷ niệm. Ngày 19 tháng 8 năm 2014, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đã tìm thấy một bao kính màu đỏ, cẩn thận đặt cặp kính vào và tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.