Kỳ II: Tiếp tục sáng tạo trong gian lao (Kỳ I xuất bản ngày 9-12-2011)

Từ những khó khăn ban đầu

Năm 1968, GS Bùi Đại được cử vào B5 đường 9 đón 5E (gồm E1, E2, E3, E7 và E8) từ chiến trường Trị Thiên ra để dưỡng thương, điều trị sốt rét vì sau mỗi chiến dịch, tỷ lệ mắc sốt rét thường chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này được Tổng Cục Hậu cần và Cục Quân y đặt ra là phải nhanh chóng điều trị sốt rét, giúp bộ đội khỏi bệnh, đủ sức khỏe trở lại chiến trường. Trong đợt đi chiến trường lần thứ 3 này, ông tiếp tục phát hiện ra một phương pháp điều trị mới, đáp ứng được đòi hỏi của chiến trường lúc bấy giờ, đó là phối hợp 3 loại thuốc sốt rét, gồm QN + SMP + PYR, CHL + SMP + PYR, SMP + CHL + QN và PYR + CHL + QN và chỉ dùng 1 đợt ngắn 3 ngày.

Trong 5E lùi về hậu phương dưỡng thương thì 2E ra trước là E3 và E8 được xác đinh có nguy cơ sốt rét ác tính tăng cao. Chỉ trong vòng 1 tháng đã có tới 84 ca sốt rét ác tính, tỷ lệ sốt rét ác tính trên quân số là 1,8%, đây là một tỷ lệ tương đối cao. Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính vượt qua 27,3% và đây cũng là một tỷ lệ cao, gấp 3-4 lần so với ngày nay. Đây quả là những thách thức không nhỏ đối với GS Bùi Đại và đồng nghiệp của ông trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thiếu thốn trăm bề.

GS.TSKH, Thiếu tướng Bùi Đại đang cùng đồng nghiệp quan sát ký sinh trùng sốt rét

Một sáng tạo mới trong điều trị

Mặc dù công tác nghiên cứu điều trị gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong tình thế cấp bách đó, GS Bùi Đại đã đưa ra phương pháp điều trị phục hồi nhanh sốt rét bằng phác đồ 3 ngày. Song song với việc điều trị, ông cũng đã thâm nhập, điều tra nguyên nhân chuyển hóa từ sốt rét thông thường thành sốt rét ác tính và đã đề ra 6 biện pháp ngăn ngừa, hạn chế sốt rét ác tính cũng như việc chỉ đạo cho 3E hành quân ra sau gồm E1, E2, và E7 những lưu ý sau:

Thứ nhất, dọc đường chuyển quân, không mang theo bệnh nhân bị sốt rét, cần đưa vào trạm thu quy, bởi vì mang bệnh binh bị sốt rét  theo đơn vị sẽ dễ dẫn đến biến chứng thành sốt rét ác tính.

Thứ hai, không để bệnh nhân sốt rét nằm lâu qúa 5 ngày tại đơn vị, cần phải cho đi bệnh xá hoặc bệnh viện ngay. Bởi vì, khi cơn sốt kéo dài quá 5 ngày, tiềm năng chuyển thành ác tính là rất lớn.

Thứ ba, không để bệnh nhân đang sốt, mới gai sốt hoặc vừa qua khỏi sốt phải gùi gạo, mang vũ khí hoặc một số việc nặng nhọc khác vì sốt rét ác thường phát ra ở những bệnh nhân sốt rét mà phải lao động nặng.

Thứ tư, huấn luyện cho chiến sĩ biết tự chẩn đoán sốt rét và tự điều trị sớm trên dọc đường hành quân, vì sốt sốt rét ác tính dễ bùng phát ở những bệnh nhân được can thiệp điều trị muộn.

Thứ năm, cần trang bị thuốc sốt rét cho mỗi cá nhân, túi thuốc cá nhân và trang bị thuốc chống sốt rét ác tính cho đơn vị điều trị sơ bộ trước khi chuyển đến bệnh xá, bệnh viện.

Cuối cùng, đặc biệt chú ý đến các tân binh chưa có tiền sử bị sốt rét, nếu những tân binh này bị sốt rét sơ nhiễm lần đầu hoặc những bệnh nhân lên cơn sốt nặng trên 400 với các triệu chứng như: nhức đầu nặng, nôn mửa, li bì hoặc vật vã cần phải điều trị lập tức ở đơn vị rồi cho đi viện ngay và cần có hộ tống cùng điều trị bổ sung ngay dọc đường.

Những thành quả đáng mừng

Sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng GS Bùi Đại cùng đồng nghiệp cũng đã gặt hái được một số thành công đáng khích lệ, giúp bộ đội ta  lành bệnh, phục hồi sức khỏe. Việc sử dụng phương pháp phối hợp 3 loại thuốc sốt rét trong đợt ngắn 3 ngày đã giảm được tỷ lệ sốt rét và tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính (so sánh giữa nhóm ra sau E1, E2, E7 với nhóm ra trước E3, E8).

So sánh% sốt rét ác tính (SRAT)

Số SRAT trong 1 tháng

Tỷ lệ SRAT trên quân số

Số tử vong vì SRAT

Tỷ lệ tử vong do SRAT

                  E3, E8

84

1,8%

23

27,3%

               E1, E2, E7

26

0,92%

4

15,4%

Với  phác đồ điều trị như trên, GS Bùi Đại cùng đồng nghiệp đã làm giảm được tỷ lệ tái phát sốt rét xuống còn 3,2%, rút số ngày điều trị xuống còn 16 ngày. Cách dùng thuốc trong 3 ngày còn được đưa vào chỉ thị của Cục Quân y để áp dụng cho những trường hợp cần giải quyết khẩn trương do nhu cầu và cho những ca bệnh nhân sốt rét dai dẳng. Kết quả với toàn bộ 5E sau 3 ngày điều trị, tỷ lệ kí sinh trùng giảm xuống còn 10%, tỷ lệ sốt giảm xuống còn 0,2% .

Bên cạnh đó, GS Bùi Đại cũng đã đề xuất được một mô hình biện pháp ngăn ngừa sốt rét thường chuyển thành sốt rét ác tính. Kết quả của những công trình nghiên cứu đó giúp ông rút ra một số kết luận cơ bản như: Sốt rét ác tính ngoài những đặc điểm chung với sốt rét thông thường thì còn có một số đặc điểm dịch tễ riêng như chủ yếu xuất hiện ở người mới vào vùng sốt rét 6 tháng đầu, ở lứa tuổi trẻ, trong hoàn cảnh đang lao động nặng, sinh hoạt không ổn định,… Về chuyên môn, ông đưa ra nhận xét: hai phác đồ QN + SMP + PYR, CHL + SMP + PYR tốt hơn so với hai phác đồ SMP + CHL + QN, PYR + CHL + QN.

(Còn tiếp)

Trình Sỹ Anh Dũng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam