Kỳ III: Dengue xuất huyết – Cuốn sách đúc kết từ thực tiễn (Kỳ II xuất bản ngày 30-12-2011)

Từ những kết luận đầu tiên…

Trong những năm từ 1971 đến 1973, Giáo sư Bùi Đại được cử  vào chiến trường B2 (chiến trường Nam Bộ) để phổ biến cho Quân y  về tình hình kí sinh trùng Plasmodium Palcifarum kháng thể CHL cả QN và đây cũng chính là lần thứ tư đi chiến trường của ông. Giáo sư Bùi Đại cũng giới thiệu một số kinh nghiệm giải quyết sốt rét kháng thuốc bằng phác đồ phối hợp thuốc có SMP. Đây cũng là thời điểm ông nghiên cứu những yếu tố nguy cơ từ sốt rét thường chuyển thành sốt rét ác tính và chẩn đoán sớm sốt rét ác tính.

Tại đây, GS Bùi Đại đã đi tới đơn vị Quân y một số đoàn Hầu cần (Đoàn 230, 220) nắm tình hình, điều tra nghiên cứu và nghiên cứu hợp tác với các Bệnh viện K71, K23, Đoàn 470. Ngoài ra, ông còn trao đổi kinh nghiệm dùng phác đồ phối hợp thuốc có SMP với các bác sĩ ở chiến trường B2, phổ biến cho B2 tình hình ký sinh trùng Plasmodium Palcifarum đã kháng với thuốc sốt rét thông dụng (CHL, QN). Từ chiến trường trở về (năm 1973), GS Bùi Đại tiếp tục qua B3 (chiến trường Tây Nguyên), B1 (Quân khu V) và B4 (Quân khu Trị Thiên) để phổ biến những kinh nghiệm điều trị sốt rét đã được tổng kết ngoài Bắc và được Cục Quân y chấp thuận đưa vào các văn bản hướng dẫn.

Từ những thực tiễn mà ông đã trực tiếp tìm hiểu, điều trị, công trình nghiên cứu những yếu tố nguy cơ của sốt rét ác tính và chẩn đoán sớm sốt rét ác tính đã đi tới một số kết luận: Thứ nhất, sốt rét ác tính có những quy luật phát triển riêng của nó (ngoài những quy luật chung với sốt rét) như: chủ yếu xuất hiện ở người mới vào vùng sốt rét 6 tháng đầu, ở lứa tuổi trẻ, trong hoàn cảnh đang lao động nặng, sinh hoạt không ổn định, đi dã ngoại… Thứ hai, đưa ra 6 yếu tố nguy cơ của sốt rét ác tính (nguy cơ sốt rét thường chuyển thành sốt rét ác tính): bệnh nhân sốt rét sơ nhiễm, bệnh nhân mới mắc sốt rét, bệnh nhân là người mới vào vùng sốt rét dưới 6 tháng, bệnh nhân sốt rét đang lao động nặng, sinh hoạt không ổn định,… Thứ ba, đã đưa ra 9 tiền chứng của sốt rét ác tính gồm triệu chứng và dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính, giúp phát hiện và can thiệp sớm như: sốt rét chồng cơn, có 2-3 cơn sốt rét trong vòng 24 tiếng, li bì hoặc vật vã, mất ngủ trắng đêm, nhức đầu nặng, mồ hôi vã như tắm, nôn mửa thốc tháo, mật độ kí sinh trùng Plasmodium Palcifarum cao hơn 40.000/1mm3.

GS.TSKH, Thiếu tướng Bùi Đại (bên phải)

tại chiến trường Nam Bộ năm 1974

… đến sự ra đời của Dengue xuất huyết

Lần cuối cùng GS Bùi Đại đi chiến trường là vào tháng 3/1975. Ông theo Đoàn của đồng chí Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và đồng chí Tố Hữu vào B2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đoàn do đồng chí Nguyễn Sỹ Quốc – Cục trưởng Cục Quân y làm trưởng đoàn. Tại đây, ông tham gia chỉ đạo chống sốt rét trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi trận chiến đấu hoặc một chiến dịch dài ngày, sức khỏe bộ đội thường suy giảm và đây chính là thời điểm thuận lợi cho những cơn sốt rét tái phát xuất hiện. Chính vì thế, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở miền Nam bắt đầu bùng phát dịch sốt xuất huyết do Dengue gây ra và kéo dài trong suốt cả năm 1976.

Ngày 2/5/1975 GS Bùi Đại tháp tùng đồng chí Văn Cẩn thăm Bệnh viện Vì Dân, Chợ Rẫy, Chợ Quán và chủ trì đoàn cán bộ đi tiếp quản các cơ sở y tế Ngụy ở 8 tỉnh miền Tây. Cũng trong thời gian này, dịch Dengue xuất huyết đang lan rộng nhanh. GS Bùi Đại được giao nhiệm vụ chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết và được chỉ thị ở lại B2 năm 1976 để tiếp tục chỉ đạo phòng chống Dengue xuất huyết. Kết hợp với nghiên cứu, thu thập tài liệu, ông đã viết tài liệu chuyên khảo về Dengue xuất huyết. Kết quả trong những đợt đi chiến trường, đi thực tế vào vùng dịch đã giúp ông bổ sung thêm nhiều kiến thức từ thực tế để hoàn thành cuốn sách chuyên khảo về sốt Dengue xuất huyết. Nội dung cuốn sách đã đưa ra được nhiều đặc điểm dịch tễ học Dengue xuất huyết; những quy luật phát sinh phát triển dịch này ở Việt Nam; đặc điểm lâm sàng; kinh nghiệm chẩn đoán và tiên lượng các cá thể bệnh từ thể nhẹ không điển hình, thể thông thường điển hình đến các thể nặng và rất nặng. Bên cạnh đó, sách chuyên khảo Dengue xuất huyết cũng giới thiệu những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và những kinh nghiệm điều trị cấp cứu bệnh.

Đến nay cuốn sách chuyên khảo này đã được tái bản lần thứ 3, điều này chứng tỏ giá trị khoa học, giá trị thực tiễn cao của cuốn sách. Đồng thời cũng là kết quả của quá trình học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo, xâm nhập thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm trong nhiều năm ở chiến trường cũng như trong quá trình công tác của người thầy thuốc, nhà khoa học – GS Bùi Đại.

Trình Sỹ Anh Dũng

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam