Kỳ nghỉ đáng nhớ trong đời học sinh





Sau hai ngày (13 & 14-1-2018) trải nghiệm cùng học sinh trong tour Bắc Giang – Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương chủ nhiệm lớp 10 Tin, trường THPT Chuyên Bắc Giang cho biết: "Đến Công viên, tôi không chỉ ấn tượng bởi khung cảnh hùng vĩ của núi non vùng Tây bắc, mà còn bởi tình cảm ấm áp, tận tình chu đáo của nhân viên nơi đây. Đặc biệt, điều tâm đắc nhất chính là được mục sở thị các kỉ vật, di sản của nhà khoa học Việt Nam. Trong thời gian tới, tôi và các em mong muốn trở lại đây sớm nhất để được sống lại không khí hai ngày ngắn ngủi nhưng đáng nhớ trong đời học sinh vừa qua".

Ngoài những danh thắng của Hòa Bình như Động không đáy, đền Bồng Lai, Thủy điện Hòa Bình, thì Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là địa điểm ấn tượng nhất trong chuyến đi đầy thú vị này.

Hiện diện trong nhiều bức ảnh chụp của đoàn học sinh lớp 10 Chuyên Tin Bắc Giang là
lá cờ của lớp, các em đã cẩn thận mang đi để ghi dấu trong tất cả những bức ảnh tập thể

Cùng GS.TS Nguyễn Anh Trí, người sáng lập Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam,
các em học sinh xếp thành chữ "IT" để thể hiện cho đặc trưng của lớp.

Mục sở thị di sản của các nhà khoa học Việt Nam 

Em Trần Thị Thanh Huyền chia sẻ: Lần đầu tiên đến nơi này, em đã bị choáng ngợp bởi một không gian với những kỉ vật sống động. Ở nơi này em đã được biết tới những tài liệu, những hiện vật của những nhà khoa học mà em chưa hề biết tới. Em cảm ơn chân thành đến GS.TS Nguyễn Anh Trí đã tạo ra nơi này để bọn em có thể đến đây và trải nghiệm. Cảm ơn các anh chị hướng dẫn viên nhiệt tình để chúng em thực sự được "Thẳm sâu trong từng kỷ vật”.

 Các cô cùng học sinh lắng nghe giới thiệu chung về Công viên, để chuẩn bị lên thăm

triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật". ThS Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đích thân là hướng dẫn viên chính

Không những có thể hiểu hơn về lịch sử của đất nước, các em còn được biết về
điều kiện sống và câu chuyện học tập, lập thân, lập nghiệp, nghiên cứu và cống hiến
của nhiều nhà khoa học có kỷ vật trong triển lãm này

Các em rất thú vị với chiếc xe đạp của PGS.TS Thái Quý

Thú vị biết bao khi chúng tôi được chứng kiến đủ mọi cung bậc cảm xúc của các em học sinh lớp 10 Tin của trường THPT Chuyên Bắc khi tham quan triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”: Xúc động với câu chuyện đôi dép và sự vượt khó của PGS.TS Lý Hòa (Vật lý); Thú vị trước câu chuyện tình yêu của PGS Phạm Văn Hoàn (Toán học) hay thư gửi con gái của GS Bùi Phan Kỳ (Quân sự); Khâm phục trước cuốn khóa luận viết tay dày hơn 200 trang, chữ rõ ràng, nắn nót của nhà khoa học nông nghiệp Trần Duy Quý; hay tò mò với bộ dụng cụ tự chế để mổ cho sinh vật nhỏ của GS Vũ Quang Côn (Sinh học); rồi hào hứng với chiếc máy bay không người lái của GS Trần Vĩnh Diệu (Hóa học).

Gần nhau hơn thông qua trải nghiệm 

Bên cạnh tham quan triển lãm di sản của các nhà khoa học, các em học sinh đã được chơi hết mình với các trò teambuilding (chuyền chanh bằng thìa, kéo co, đạp vịt…). Dưới ánh lửa bập bùng của đêm lửa trại, cái buốt lạnh của xứ sở cam đã bị xua tan. Các em học sinh tay trong tay cùng hát vang “Nối vòng tay lớn”, rồi nhảy sạp và cùng nhau chúc mừng sinh nhật cho 9 bạn có sinh nhật trong Quý I.

Những gương mặt đầy căng thẳng và quyết tâm của các em trong trò chơi kéo co

Cùng bên nhau quanh lửa trại…

… và hát chúc mừng sinh nhật các bạn

Tiết mục đặc biệt là nướng gà (đã chuẩn bị sẵn từ nhà) ngay bằng than hồng của lửa trại. Hơn 22h30 mới kết thúc buổi tối vui vẻ trong tiếng cười ròn giã của các em.

Ươm mầm ước mơ 

Gần cuối giờ về, đoàn đã gặp GS.TS Nguyễn Anh Trí, người sáng lập của Công viên. Các em thân thương gọi GS.TS Nguyễn Anh Trí bằng "bác". Làm việc nhiều với các bạn trẻ qua các hoạt động hiến máu, lại đầy kinh nghiệm lôi cuốn nên GS Nguyễn Anh Trí đã thu hút ngay các bạn học sinh trẻ tuổi.

 GS.TS Nguyễn Anh Trí đang kể chuyện và động viên các em. Bạn trai mặc áo trắng đứng gần GS Nguyễn Anh Trí là chủ nhân của câu nói bất hủ, sẽ được ghi vào lịch sử của Công viên. GS Nguyễn Anh Trí nói: "Sau này trở thành nhà khoa học, cháu quay lại đây nhắc bác nhé. Bác sẽ thưởng lớn. Nếu bác không còn thì có chị Hạnh đây!" – vừa nói GS Nguyễn Anh Trí vừa chỉ vào ThS Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

GS Nguyễn Anh Trí giới thiệu mấy cây kơ nia đang trồng trước nhà S1
(nhà lưu trữ di sản các nhà khoa học) cho cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương

Có một em trai (tên Nguyễn Giang Nam) tuyên bố: 50 năm nữa em sẽ ghi tên ở Công viên này!. Cả đám bạn xúm vào trêu nhưng GS.TS Nguyễn Anh Trí vỗ vai em trai, động viên các em dám mơ ước, dám khẳng định mình và hi vọng sẽ gặp lại các em trong đội ngũ những nhà khoa học được lưu giữ ở đây. Đặc biệt, em Giang Nam với câu nói bất hủ sẽ được thưởng lớn khi thành danh.

Chia tay trong lưu luyến và lại bắt đầu lên kế hoạch cho tour thứ hai, các em đã bàn cùng cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương sẽ trở lại làm bộ ảnh tốt nghiệp, rồi bao nhiêu kế hoạch sau này đưa bạn gái đến chụp ảnh cưới, đưa gia đình đến chơi,…

Hi vọng rằng CHIA TAY ĐỂ SẼ SỚM GẶP LẠI!

 Trần Bích Hạnh