Đến dự buổi lễ có ông Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế; Ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều đại biểu các Bộ, Ban, Ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam và đông đảo các đồng nghiệp và sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cùng gia đình GS Trần Hữu Tước.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt Ban tổ chức khai mạc buổi lễ, bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn của GS Trần Hữu Tước cho chuyên ngành Tai Mũi Họng nói riêng và ngành Y tế nói chung. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS Trần Hữu Tước không chỉ là thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và ngành Y tế Việt Nam đối với những cống hiến to lớn của Giáo sư mà còn có ý nghĩa nhắc nhở các thể hệ y, bác sĩ hôm nay hãy sống và làm việc theo tấm gương của GS Trần Hữu Tước”. Bà cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tuyên truyền trong đội ngũ các thầy thuốc, cán bộ, viên chức ngành Y tế học tập và làm theo tấm gương của cố GS Trần Hữu Tước, thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Y tế về thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Đinh Thế Huynh – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhớ công lao to lớn của Giáo sư: “Dù ở cương vị nào, GS Trần Hữu Tước luôn thể hiện tinh thần tận tụy, gương mẫu, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí đã để lại cho các thế hệ thầy thuốc và cho chúng ta tấm gương sáng về lòng yêu nước, yêu khoa học, tài năng đức độ và một nhân cách lớn”.
Tổng Hội Y học Việt Nam, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng chia sẻ những suy nghĩ về người đồng nghiệp, người thầy lớn của mình: “Qua cuộc đời và sự nghiệp của GS Trần Hữu Tước – người có công đầu trong xây dựng và phát triển chuyên khoa Tai Mũi Họng, Chủ tịch đầu tiên của Tổng Hội Y học Việt Nam, ta có thể thấy xuyên suốt cả cuộc đời ông là tình yêu đất nước và mong mỏi được phục vụ Tổ quốc và nhân dân, đó cũng là mục tiêu phấn đấu suốt đời của Giáo sư”.
Cả cuộc đời mình, GS Trần Hữu Tước đã đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng, hoàn thiện chuyên ngành Tai Mũi Họng Việt Nam và để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn. Ông đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, say mê khoa học, tài năng, đức độ của một thầy thuốc vì nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Cuộc đời và sự nghiệp của cố GS Trần Hữu Tước
là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ mai sau”.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, ông Đinh Thế Huynh tặng hoa cho gia đình cố GS Trần Hữu Tước
(Bà Trần Tố Dung – con gái của GS Trần Hữu Tước).
Giáo sư Trần Hữu Tước (1913 – 1983) xuất thân trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm 1937, ông tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Paris. Năm 1946, ông là một trong số các trí thức, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phục vụ Tổ quốc.
Gần 50 năm cống hiến cho nền Y học Việt Nam, ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách:
+ Chủ tịch đầu tiên của Tổng Hội Y học Việt Nam;
+ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1955 – 1969);
+ Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng, Đại học Y Hà Nội (1958 – 1969);
+ Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam (1960 – 1969);
+ Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Việt Nam (1969 – 1982);
+ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (1969 – 1982);
+ Chủ nhiệm ngành Tai Mũi Họng Việt Nam (1969 – 1982)
Với những đóng góp của mình vào sự nghiệp y tế cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Bích Phương