Buổi lễ kỷ niệm có sự tham gia của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; nhà văn hóa Hữu Ngọc, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới; ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: nhà thơ Trần Việt Phương, nguyên Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; đại diện các Bộ, ban ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam….
Nhà sử học Lê Tư Lành sinh năm 1914 trong một gia đình có truyền thống Nho học giàu lòng yêu nước tại xã Lam Cầu (nay là xã Tiên Tân), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngay từ thời kỳ những năm 1938-1945, ông đã tham gia giảng dạy tại trường trung học Gia Long, Văn Lang (Hà Nội) và sớm hòa mình vào dòng thác cách mạng. Ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, là ủy viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban (1957-1960).
Từ năm 1960, Lê Tư Lành chuyển sang làm chuyên viên Bộ Văn hóa, công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, cán bộ nghiên cứu tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tham gia giảng dạy tại lớp Hán Nôm đầu tiên dưới chế độ mới (1965-1968).
Với vốn Hán học tinh thông, phong phú và hiểu biết rộng rãi trên nhiều lĩnh vực lịch sử- văn hóa Việt Nam và phương Đông, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật công phu và nghiêm túc như "Sơ thảo Lịch sử Quốc hội Việt Nam", "Vương quốc Chiêm Thành" (lược dịch từ tác phẩm "Le Royaume du Champa" của học giả M.Georges Maspéro), và nhiều bài khảo cứu "Tìm hiểu tấm bia thời Trần nói về công chúa Phụng Dương, vợ Trần Quang Khải”, “Những sai sót trong bài văn bia Chiêu Lăng chép trong Hoàng Việt văn tuyển”, “Vụ án Hương Cảng”… được đăng tải trên các Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Khảo cổ học, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Báo Nhân dân….Ông còn là dịch giả một số tác phẩm văn học cổ điển Pháp, như “Vonte, tuyển tập truyện…”. Những khảo cứu tư liệu tỉ mỉ, thận trọng của ông đã cung cấp cho các nhà khoa học những văn bản tư liệu đáng tin cậy trong khai thác sử dụng.
Tại buổi lễ, các học trò, đồng nghiệp có dịp ôn lại và trân trọng những đóng góp của nhà nghiên cứu Lê Tư Lành, một tri thức thuộc thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà giáo mẫu mực, đức độ và là tấm gương về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, một nhà nghiên cứu cần mẫn và khách quan. Đúng như lời khẳng định của GS.VS Phan Huy Lê: "Dù ở trên cương vị nào, ông cũng luôn hoạt động say sưa, mẫn cán, được đông đảo đồng nghiệp, học trò và nhân dân kính trọng ngợi ca".
Một vài hình ảnh buổi lễ kỷ niệm:
TS Lê Đăng Doanh, con trai nhà nghiên cứu Lê Tư Lành giới thiệu các đại biểu tham dự buổi Lễ
GS Phan Huy Lê phát biểu Khai mạc Lễ kỷ niệm
"Dân làng Lão Cầu chúng tôi vô cùng biết ơn cụ Lê Tư Lành"-
Ông Đoàn Hùng Tiến, đại diện Hội đồng hương Lão Cầu tại Hà Nội chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi Lễ
Nguyễn Thị Hiên