Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Thầy giáo Hoàng Ngọc Hiến

Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của thầy giáo Hoàng Ngọc Hiến

Trong khuôn viên của ngôi trường đã gắn liền với sự nghiệp trồng người của Người thầy Hoàng Ngọc Hiến, có khá đông các học trò cũ đều là những nhà văn thành danh đến tề tựu. Hơn 30 năm kể từ khi khoá I của Đại học Viết văn Nguyễn Du khai giảng đã có nhiều lớp sinh viên được giáo sư giảng dạy. Người thầy giáo đó không chỉ truyền đạt kiến thức sâu, rộng mà còn để lại nhân cách lớn đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Trở về ngôi trường nơi chắp cánh văn chương cho cuộc đời mỗi con người và được gặp lại người thầy kính mến, nhiều học trò cũ mà giờ đây đầu hai thứ tóc như Hữu Thỉnh, Trần Nhương, Đào Thắng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh… đã rưng rưng kể lại những kỷ niệm với thầy. Những bó hoa, những lời chúc mừng và trên hết là thành quả mà chính các thế hệ học trò gặt hái được trong hơn mấy chục năm qua là món quà có ý nghĩa nhất dành cho người thầy bước sang tuổi tám mươi như Hoàng Ngọc Hiến. Đó hẳn là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của tất cả những ai từng đứng trên bục giảng.

Ngoài giảng dạy, Thầy Hoàng Ngọc Hiến còn nghiên cứu khoa học nhân văn, dịch thuật. Các công trình của ông, gần nửa thế kỉ qua, luôn được xã hội đón nhận rộng rãi và đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống học thuật Việt Nam. Trong tư cách nhà phê bình văn học, với nhãn quan, ông khởi xướng và bàn bạc thấu đáo nhiều vấn đề cấp thiết của văn học thời đổi mới. Trong tư cách dịch giả, ông là người dịch và thẩm bình trọn vẹn thơ Maiacovski, dịch Các phạm trù văn hóa trung cổ của A. JA. Gurevich. Thời gian gần đây, ông tiếp tục bỏ công sức ra dịch các tác phẩm của Francois Jullien – triết gia đương đại Pháp, cùng với việc nghiên cứu, giới thiệu minh triết, đặt nền móng khoa học minh triết ở nước ta. Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì: “khi dịch và giới thiệu nhà triết học hiện đại Pháp này, đúng như Francois Jullien nhận xét: Hoàng Ngọc Hiến “đã phải làm công việc sáng tạo ra ngôn ngữ, và công việc dịch thuật tự nó đã là một sự cách tân trong tư tưởng”. Cố gắng của Hoàng Ngọc Hiến không phải vô bổ, nó góp phần làm phong phú thêm cho bạn đọc Việt Nam, giúp cho họ hoà nhập được với nhiều luồng tư tưởng của thế giới bên ngoài trong khi đất nước đang từng bước đổi mới, hiện đại hoá, sánh vai cùng năm châu bốn bể”.

Đánh giá về con người Hoàng Ngọc Hiến, nhà lý luận phê bình Trần Đình Sử cho rằng: ”Đối với tôi, anh Hiến là một tấm gương sáng về học tập, một tấm gương không có tuổi”.

Hà Anh

Nguồn: vanhocquenha.vn/view.asp