Kỷ niệm chương của PGS.TS Đinh Văn Niệm

 

PGS.TS Đinh Văn Niệm sinh ngày 8-2-1942 tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Điện tử viễn thông, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Cơ sở kỹ thuật vô tuyến, Học viện Kỹ thuật quân sự. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông Đinh Văn Niệm được phân về Phân hiệu II Đại học Bách khoa Hà Nội công tác. Năm 1971, khi đang sơ tán cùng trường ở Vĩnh Phúc thì ông nhận được thông báo của Cục Cán bộ về Hà Nội học ngoại ngữ để chuẩn bị thi tuyển nghiên cứu sinh. Đầu tiên, ông đi học bồi dưỡng toán ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Sau chuyển về trạm 66 đường Phan Đình Phùng rồi làng Chuông (nay thuộc Hà Nội) học toán thêm khoảng nửa năm. Sau ông về huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để học tiếng Nga trong khoảng một năm. Cuối cùng, ông thi đỗ trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đồng thời, trong thời gian này ông Đinh Văn Niệm còn chuẩn bị đề cương chi tiết đề tài luận án Truyền sóng vô tuyến điện. Đề cương của ông được Bộ Đại học gửi sang trường ĐH Tổng hợp quốc gia Kiev để duyệt nhưng ông không rõ vì sao họ không nhận ông sang làm nghiên cứu sinh. Vì vậy, ông Niệm quyết định từ Hà Nội trở lại Vĩnh Phúc và không nghĩ đến việc đi nghiên cứu sinh nữa. Một thời gian sau, ông nhận được thông tin Cộng hòa dân chủ Đức đồng ý nhận ông sang làm nghiên cứu sinh. Thuở đó, Học viện Kỹ thuật quân sự có 8 người thi nghiên cứu cứu sinh gồm các ông: Đinh Văn Niệm, Nguyễn Văn Hợi, Phan Văn Chạy, Cường, Xuân Anh và Toàn… đều đỗ. Trong đó, có ông Niệm và ông Chạy được cử sang Đức.

Năm 1974, tàu chở đoàn nghiên cứu sinh khởi hành từ Hà Nội sang Bắc Kinh, Mãn Châu Lý (Trung Quốc), vòng qua hồ Baican sang Moskva (Liên Xô), qua Ba Lan rồi sang Đức. Hai tuần sau, đoàn sang tới Đức và được sắp xếp ở tại thành phố Leipzig để học tiếng. PGS Niệm cho biết: Cô giáo dạy ngoại ngữ của chúng tôi nói rằng: Học ngoại ngữ giống như học bơi vậy, cứ ném xuống nước rồi phải tự vẫy vùng thì mới học được. Bởi vậy, các ông luôn phát huy tinh thần tự học của mình. Ban đầu, các giáo viên sử dụng hình ảnh để dạy từ mới rồi dần dần dạy thêm ngữ pháp. Sau khoảng sáu tháng, nghiên cứu sinh được phân về các trường chuyên môn.

Thuở đó, biết ông Đinh Văn Niệm từng tốt nghiệp ngành Vật lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nên có một vị giáo sư ở trường ĐH Tổng hợp Halle nhận hướng dẫn. Vị giáo sư này dự định cho ông nghiên cứu về một loại vật liệu mới. Tuy nhiên, khi ông Niệm báo cáo Đại sứ quán Việt Nam về việc thực hiện đề tài này thì họ không đồng ý. Họ nói rằng ông được cử đi để nghiên cứu về vấn đề siêu cao tần trong điện tử. Qua việc tìm hiểu, ông Niệm biết GS Kummer, trường ĐH Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau là người chuyên nghiên cứu về siêu cao tần nên liên hệ nhờ hướng dẫn. Được sự đồng ý của GS Kummer, ông chuyển về bộ môn Kỹ thuật siêu cao tần, khoa Kỹ thuật thông tin (nay là khoa Điện tử viễn thông) của trường Ilmenau học tập.

Sau khi thảo luận với GS Kummer, NCS Đinh Văn Niệm quyết định lựa chọn đề tài: Đo các thông số điện của vật liệu điện tử trong dải tần siêu cao bằng phương pháp cộng hưởng điện môi. Ngay sau đó, ông bắt tay vào thực hiện luận án. Bên cạnh thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm, ông còn thường xuyên tham dự các lớp học do GS Kummer giảng để trau dồi kiến thức chuyên môn. Một thời gian ngắn sau ông đề xuất với GS Kummer dùng phương pháp tính kích thước hữu dụng của vật liệu điện tử thay vì phương pháp cộng hưởng điện môi và được chấp thuận. Tuy nhiên, khoảng nửa năm sau, ông Niệm vô tình đọc được một bài báo trình bày kết quả về sử dụng phương pháp tính kích thước hữu dụng của vật liệu để đo các thông số điện của vật liệu điện tử. Lúc này, ông mới biết hướng mình nghiên cứu đã có người thực hiện, bởi vậy, ông quyết định sử dụng phương pháp cộng hưởng điện môi. Từ việc này ông nhận thấy rằng vấn đề quan trọng nhất khi làm nghiên cứu sinh nói riêng và làm khoa học nói chung là cần tìm hiểu thật kỹ lịch sử nghiên cứu vấn đề.

Thời gian này, ông Đinh Văn Niệm nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người hướng dẫn. Giáo sư Kummer thường xuyên hỏi về công việc mà ông đang thực hiện và sẵn sàng giúp đỡ nếu cần. Khi mới sang, ông Kummer giao cho hai học trò của mình là TS Fröhlich và TS Berg nhiệm vụ giúp đỡ ông Niệm thực hiện luận án. Sau này khi đã trở về Việt Nam, GS Kummer vẫn thường xuyên gửi sách, tài liệu cho ông Niệm.

Cuộc sống của các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đức khá thoải mái. Mỗi tháng ông được lĩnh học bổng 500 Mac và được sắp xếp ở trong ký túc xá của trường. Bữa sáng và trưa ông đều ăn ở cantin của trường còn tối nấu cơm ở ký túc. Theo như PGS Niệm chia sẻ: Ở cantin luôn có sẵn trứng luộc, bánh mì, sữa, xúc xích…mình ăn được bao nhiêu thì lấy từng đó. Nhờ vậy, ông có thể yên tâm học tập và nghiên cứu.

Năm 1978 ông hoàn thành luận án. Ngày 14-12-1978, ông Đinh Văn Niệm bảo vệ luận án và được Hội đồng đánh giá tốt. Ông tâm sự: Truyền thống của bộ môn là sau khi các nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, bộ môn sẽ tổ chức một buổi liên hoan để chúc mừng. Hôm đó, trong bộ môn có tôi và một NCS người Nga cùng bảo vệ nên buổi lễ chức mừng được tổ chức chung. Tại buổi lễ, trước khi liên hoan, đại diện bộ môn trao tặng cho hai NCS mỗi người một chiếc kỷ niệm chương do bộ môn đặt xưởng làm riêng cho các tân phó tiến sĩ. Trên mặt tấm kỷ niệm chương có khắc tên của bộ môn và tên của nghiên cứu sinh. Phần dây đeo của kỷ niệm chương dài 35,5cm gồm các vòng tròn nhỏ bằng sắt có đường kính 2cm móc lại với nhau. Với PGS Đinh Văn Niệm, kỷ niệm chương vừa là sự ghi nhận của bộ môn cho những cố gắng của ông, vừa là kỷ vật về thời gian học tập ở nơi xứ người nên ông vô cùng trân trọng.  

Lê Thị Lợi