Năm 1951, Đoàn văn công nhân dân trung ương được thành lập ở bến Canh Nông, Tuyên Quang và Trần Bảng là một trong những thành viên đầu tiên của đoàn. Công việc của đoàn phần lớn là biểu diễn cho các chiến sĩ và bà con nhân dân. Với chủ trương của Đảng là phục hồi vốn cổ dân tộc nên cuối năm 1951, đoàn tập trung học thêm về hát chèo dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam. Cũng từ đó Trần Bảng bắt đầu say mê với những tác phẩm chèo như Súy Vân, Đào Liễu, Trầm tình…
GS.NSND Trần Bảng giới thiệu với nghiên cứu viên cuốn sách “Trần Bảng – tác phẩm chọn lọc” , do NXB Sân khấu phát hành năm 2005
Cuối năm 1952, trong chuyến đi thực tế ở Bắc Giang, Trần Bảng đã chứng kiến một câu chuyện rất xúc động và ông đã nảy ra ý định làm một vở chèo dựa trên câu chuyện có thật đó. Được sự ủng hộ của đoàn văn công và các nghệ sĩ chèo, ông đã cùng với nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương viết đề cương dựng vở “Chị Trầm”. Bất ngờ là năm 1953, khi về An toàn khu duyệt tiết mục để chuẩn bị cho một cuộc họp cấp cao thì vở “Chị Trầm” được chọn để biểu diễn. Đêm công diễn ở An toàn khu có sự tham dự của Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vở diễn kết thúc, tuy là tác phẩm ngắn, mộc mạc nhưng Bác Hồ dành nhiều lời khen ngợi và trực tiếp thưởng kẹo cho từng nghệ sĩ của đoàn. Ngày hôm sau, đồng chí Trường Chinh đã đến thăm đoàn chèo và nói về ưu khuyết điểm của tác phẩm, ông vinh dự được Bác Hồ mời dùng cơm cùng với bác sĩ Trần Hữu Tước, anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Sau bữa cơm thân mật, Bác khen ông còn trẻ mà đã biết yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc và ân cần căn dặn “Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt là phải học các nghệ nhân để hiểu sâu và nắm vững nghề chèo” [1].
Đối với GS.NSND Trần Bảng, tác phẩm đầu tay “Chị Trầm” chưa thật sự hay, còn nhiều điểm thiếu sót nhưng những lời động viên, căn dặn của Bác Hồ đã giúp ông một lần nữa quyết tâm gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống.
Bích Phương
[1] Buổi làm việc với GS Trần Bảng, ngày 24-9-2014.