Kỷ niệm từ những chuyến đi

Từ một cậu bé ham chơi, hiếu kỳ…

 Trần Ngọc Ân sinh năm 1937, lớn lên tại Hà Nội, xuất thân từ gia đình làm nghề buôn bán. Bố mẹ ông có cửa hiệu kính mắt, thường xuyên buôn bán trao đổi với những công ty của nước ngoài (bố của ông biết tiếng Pháp nên có thể giao dịch với các hãng buôn của Pháp). Việc buôn bán ngày càng phát triển nên kinh tế của gia đình ông cũng vào bậc khá giả so với những người dân trong thành lúc bấy giờ. Nhờ vậy, dù gia đình đông con, nhưng cả 9 anh em  đều được bố mẹ nuôi ăn học.

Thuở nhỏ, Trần Ngọc Ân là cậu bé ham chơi, nghịch ngợm và hiếu kỳ. Ông thường hay rong chơi khắp các phố phường Hà Nội. Có lần, do sự hiếu kỳ ông một mình bơi ra giữa hồ Gươm để  leo lên Tháp Rùa.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, cậu bé hiếu kỳ ấy đã theo  chân đoàn mittinh đến trước cửa Nhà Hát Lớn thành phố. Cũng chính trong các cuộc du ngoạn phố phường nên Trần Ngọc Ân đã được chứng kiến những hành xử, thái độ của lính Nhật, quân đội Tưởng Giới Thạch ở Hà Nội… Có lẽ, những hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí của cậu bé 9 tuổi, để đến bây giờ, dù đã ở tuổi ngoại thất thập nhưng những câu chuyện đó vẫn được hồi tưởng lại một cách nguyên vẹn.

 Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đang học Tiểu học (trường ở Hàng Vôi, nay là trường Nguyễn Hữu Huân) Trần Ngọc Ân phải cùng gia đình rời xa Hà Nội. Chín năm kháng chiến cũng là quãng thời gian của những chuyến đi và rồi để lại biết bao kỷ niệm đẹp đẽ trong ký ức của Trần Ngọc Ân.

 Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, ông cùng gia đình phải di chuyển đến nhiều nơi: “ Suốt 9 năm đi tản cư, học ở nơi tản cư, mỗi năm học 1 trường, có khi 1 năm học 2 trường. Tôi tốt nghiệp Tiểu học tại Kim Sơn – Phát Diệm (Ninh Bình) và học Trung học ở Thanh Hóa, khu III”. GS Trần Ngọc Ân nhớ lại.

Và ông cũng không quên chia sẻ về những khó khăn mà ông và những người bạn học đã trải qua:

Thời gian đó, chúng tôi phải học ban đêm, buổi tối đeo chiếc bàn nhỏ trên lưng, xách đèn dầu tự tạo và học đến 9-10 giờ. Tôi và các bạn chia nhau thổi cơm, hàng ngày phải lên rừng đốn củi, chặt giang để bán lấy tiền đóng học, mua gạo. Thức ăn chủ yếu là tự kiếm bằng việc bắt cua, bắt ốc..Tôi và anh Hiệu (tức GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – NCV) tự mua bông về kéo sợi để dệt bấc đèn dầu bán lấy tiền..”

Tuy nhiên, sự di chuyển đến nhiều trường, nhiều địa điểm cũng tạo cơ hội để ông được làm quen với nhiều bạn học : “Vì học nhiều nơi nên quan hệ bạn bè rất rộng. Những người bạn học trong kháng chiến cùng với tôi sau này đều là những người có đóng góp cho xã hội: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục), GS Nguyễn Quang Hà (nguyên Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp), GS Bùi Gia Tường (nghệ sĩ biểu diễn violoncell)”.  

Và chính từ những ngày tháng di tản đầy khó khăn, vất vả ấy đã cho ông nhiều sự trải nghiệm thú vị: “Thời gian đó, chúng tôi trọ học ở nhà dân, được thâm nhập cuộc sống nông thôn nên cũng biết đi gặt, đập lúa, đổ ải, tát nước.. Tính tôi hay tò mò nên việc gì cũng muốn tìm hiểu và muốn thử làm”.

Khó khăn là thế, thiếu thốn là vậy, nhưng ông và các bạn vẫn say mê học tập. Thời cuộc chiến tranh, bom rơi đạn nổ nên tài liệu để học hầu như không có, chủ yếu học qua bài giảng của thầy, nhưng các ông đều chăm chỉ học tập. Thời gian học trên lớp không nhiều, nhưng với niềm ham học hỏi, tự tìm hiểu, nghiên cứu nên các ông có tầm hiểu rộng và hiểu sâu

Đến chàng sinh viên trường Y…

Năm 1954, cuộc Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Thủ đô hoàn toàn giải phóng, gia đình Trần Ngọc Ân cùng với nhiều gia đình khác từ vùng kháng chiến háo hức quay  trở về Hà Nội. Trần Ngọc Ân cũng trở về Thủ đô – nơi ông đã sinh ra và lớn lên.

 Để đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, Nhà nước đã thành lập nên một số trường Đại học tại Hà Nội. Mang trong mình khát vọng học tập để trở thành người có kiến thức, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, nên năm 1954, sau khi tốt nghiệp lớp 9, chàng trai đất Hà thành – Trần Ngọc Ân đã đăng ký thi vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Và ông trở thành một trong những sinh viên khóa đầu tiên của trường Y sau kháng chiến (1954-1960). Vì là khóa đầu tiên sau kháng chiến nên các ông được  « sở hữu » rất nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập và thực hành. Các ông được học tập và rèn luyện y đức trực tiếp từ những người thầy là những cây đại thụ của nền Y học Việt Nam : GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Đặng Văn Ngữ…Điều kiện học tập phong phú, thư viện đầy đủ tài liệu sách vở, sẵn sàng cho việc tra cứu. Về thực hành chuyên môn, có nhiều xác chết (thời gian đó chủ yếu là xác của những người ăn mày vô thừa nhận hay những đứa trẻ xấu số bị chết sau sinh mà bố mẹ chúng bỏ lại) để trực tiếp thực hành việc mổ xác… Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với chàng sinh viên Trần Ngọc Ân chính là những chuyến đi thực tế về các miền quê. “Đó là  những kỷ niệm rất hay, đồng thời là nét khác biệt giữa khóa Y của chúng tôi với các khóa Y trước đó và sau này” – GS Trần Ngọc Ân chia sẻ.

 Những năm 1954- 1960, cả miền Bắc hăng say thực hiện công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, mọi miền quê đều rộn ràng không khí thi đua xây dựng cuộc sống mới. Phong trào xây dựng hợp tác xã, làm ăn tập thể đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia trên nhiều phương diện: người nông dân hăng hái cấy cày, người công nhân tăng cường sản xuất, người nghệ sĩ miệt mài sáng tác về cuộc sống mới… Để giúp sinh viên tìm hiểu thêm về cuộc sống mới, hiểu và gần gũi với người dân lao động, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về những chủ trương của Đảng, các trường đại học tổ chức cho các sinh viên đi thực tế. Trường Đại học Y Hà Nội cũng tổ chức công tác này thường niên.

GS Trần Ngọc Ân kể lại: “Năm 1955, khi đang là sinh viên tôi cùng bạn bè được nhà trường cho về Hải Dương để vận động nông dân vào Hợp tác xã. Xuất thân từ một gia đình buôn bán, mặc dù không hiểu nhiều về những khái niệm “cấy dày, cấy thưa” nhưng tôi vẫn tích cực vận động nông dân vào Hợp tác xã theo chủ trương chung của Đảng và được ở cùng nhà dân, được ăn cơm gạo mới và cũng tập gặt, tập gánh như biết bao người nông dân khác. Những tháng ngày được sống cùng với những gia đình công nhân vùng mỏ Quảng Ninh, được xách đèn, xách cặp lồng cùng họ đi vào mỏ, do vậy tôi được biết thế nào là khai thác mỏ than. Rồi cả những lần đi chống lụt, chống dịch sốt rét, và đi tuyển quân ở Bắc Cạn…”

Được đi đến nhiều nơi, sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, GS Trần Ngọc Ân cảm thấy gần gũi hơn với những người dân lao động, với cuộc sống và sinh hoạt ở nông thôn. Và điều ông tâm đắc nhất chính là: “những chuyến đi đó đã làm cho vốn sống của ông thêm phong phú, nhờ đó ông có thể hiểu hơn về nhiều  ngành nghề khác nhau”.