Cuối năm 1972, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cử giảng viên Trần Huy Oánh hướng dẫn một nhóm sinh viên gồm Nguyễn Văn Chư, Vũ Tấn Bá, Ca Lê Thắng đi thực tập, rèn luyện, trải nghiệm cuộc sống trên một địa bàn trải dọc tuyến Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh). Mục tiêu của chuyến thực tập, trên tinh thần “vừa hồng vừa chuyên” để ghi lại cuộc sống sinh hoạt của bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những dụng cụ thiết thân của người họa sĩ thời chiến như cặp vẽ, màu, bút, tăng, võng, màn, mũ, quần áo, thuốc men, đồ ăn dọc đường (gạo, nước mắm cô đặc, vừng)…
Họa sĩ Trần Huy Oánh (thứ nhất, bên phải) và học trò chuẩn bị lên đường. Cổng trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, năm 1972
Vào một buổi chiều đẹp trời tháng 10-1972, tại khuôn viên trường Đại học Mỹ Thuật, thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh lên đường vào miền bom đạn. Đoàn vinh dự được Hiệu trưởng Trần Đình Thọ cùng nhiều sinh viên, đồng nghiệp đến tiễn và rất may mắn thầy trò được đi nhờ đoàn xe Com măng của Bộ Quốc phòng chở nhu yếu phẩm vào Bộ Tư lệnh 559 (Quảng Bình). Để phòng bất trắc có thể xảy ra trên đường, giảng viên Trần Huy Oánh phân mỗi học trò ngồi một xe, cạnh người lái. Chiến sĩ lái xe chỉ tuổi độ mười chín đôi mươi, vừa trải qua một khóa huấn luyện và nhận nhiệm vụ vào chiến trường. Họ có sự hăng hái của tuổi trẻ, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế nên vừa ra phố gặp đám đông đã xảy ra va chạm vào một bà cụ với quang gánh trên vai, may mắn mà không sao. Đêm xuống, trời tối như bưng mà xe chỉ được bật đèn gầm, vậy mà đoàn xe vẫn phăng phăng vào chiến trường. Đường đất gồ ghề, khúc khuỷu, nhiều đoạn lầy lội, trong đêm tối lái xe chủ yếu đi bằng cảm giác, tinh thần, và nghị lực[1] – PGS Trần Huy Oánh nhớ lại.
Đoàn xe phải đi lấn ngày lấn đêm[2] liên tục để kịp vào cung cấp nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Sau hành trình dài không ngủ, khi đến gần thành phố Vinh đường đẹp êm ái hơn thì họa sĩ Trần Huy Oánh và lái xe ngủ gật lúc nào không hay. Trong tích tắc, anh tài xế mất lái đâm vào rặng phi lao, cả hai giật mình tỉnh dậy mới biết xe đang bị lật nghiêng. Cú va chạm vào gốc cây làm anh tài xế đạp lên đầu ông, còn ông thì đang trong tư thế ngồi xổm trên cánh cửa kính xe. Ông tâm sự: May là hôm ấy trời mưa nên cánh cửa xe được lắp lại, nếu tháo ra như mọi ngày cho mát thì tôi đã bị bật ra ngoài, có thể đã gãy tay, chân hoặc thương vong nặng. Lúc đó tôi lo lắng và thầm nghĩ liệu đây có phải là điềm gở, mới đi được vài ngày mà đã xảy ra nhiều sự cố, nếu đi hết chặng đường dài trong bom đạn thì còn điều gì nữa xảy ra[3]? Điều đó nhắc ông luôn phải đề phòng và nhanh nhạy xử trí các tình huống có thể xảy ra để bảo vệ an toàn cho cả đoàn.
Hành trình này đoàn phải vượt qua nhiều đoạn đường cầu phà bị đánh phá ác liệt, dữ dội nhất là ở cầu Bùng (Nghệ An), phà Long Đại (Quảng Bình), khe Giao, khe Ring… Vừa đi qua Nghệ An thì đoàn hết lương thực, do xe hay phải dừng lại chờ thông đường, sửa cầu, sửa phà. Đoàn phải vào một đơn vị bộ đội địa phương đề xuất hỗ trợ gạo. Khi thầy trò Trần Huy Oánh tới cầu Bùng xe lại phải dừng do cầu đã bị phá hỏng. Trong đêm tối, sinh viên Vũ Tấn Bá đã phát hiện ra một hầm chữ A còn sót lại, có kê mấy tấm ván bên dưới bì bõm nước, nhưng thầy trò cũng có chỗ nghỉ ngơi. Vì mệt nên ai cũng ngủ say, sáng tỉnh dậy mới thấy rõ quang cảnh xung quanh đã bị tàn phá tan hoang. Khó khăn là vậy, thầy trò tiếp tục theo đoàn xe lên đường, trải qua nhiều điểm đánh phá ác liệt sau một tháng ba ngày đoàn mới vào đến Bộ Tư lệnh 559 đóng ở Quảng Bình. Tại đây, họa sĩ Trần Huy Oánh gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, Đại tá Quang Vân, nhà văn Thao. Thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh ở đó khoảng một tháng, vừa đi vẽ, vừa chờ đơn vị bố trí phương tiện và hướng dẫn những điều cần thiết khi vào sâu hơn trong chiến trường.
Bộ Tư lệnh cử một đồng chí lái xe Com măng ca (xe không kính) đưa đoàn của họa sĩ Trần Huy Oánh lên đến Trung đoàn 13 vận tải ở sâu trong rừng Trường Sơn. Đi đến giữa rừng đoàn họa sĩ xuống xe để sáng hôm sau tự tìm đường vào đơn vị. Giữa đêm tối, họ đành tìm gò đá cao rải nylon ra nằm. Đây là lần đầu tiên đoàn ngủ lại trong rừng, nhìn lên trời chỉ thấy ánh trăng và sao len lỏi qua khe lá. Đêm đó, họ ngủ không yên giấc vì những lần máy bay AC130 của Mỹ bay ầm ì làm lay động cả không gian khu rừng. Hôm sau, vượt qua vài cái dốc đến Trung đoàn 13, thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh nghỉ lại một ngày rồi tiếp tục lên đường. Họ theo đoàn xe của bộ đội đi thẳng mất nhiều ngày nhiều đêm mới đến trạm chỉ huy giao thông A10 (lái xe gọi là “bếp quay đầu”). Trạm A10 là nơi nhận nhu yếu phẩm để phân phát cho khắp các chiến trường miền
Ngày nắng, xe chạy trên đường bụi mù mịt, đúng như miêu tả trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật: Không có kính, ừ thì có bụi\ Bụi phun tóc trắng như người già. Nhưng khi trời mưa thì đường bùn lầy lội đến đầu gối. Đêm xuống, bốn thầy trò thường xuyên phải ngủ ở giữa rừng, một lần họa sĩ Trần Huy Oánh đang thiu ngủ bỗng ngứa ran, ngồi dậy gãi ông mới biết mình buộc giây võng vào đúng cây có tổ kiến, nên đang đêm phải dậy mắc lại. Có những đêm ngủ rừng cũng rất thú vị, nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá rì rào, tiếng vượn hú, chim hót… tôi thấy yên bình giữa bom đạn và cũng thật lãng mạn[5], PGS Trần Huy Oánh kể.
Hành trình phía trước của đoàn còn phải trải qua rất nhiều vùng trọng điểm đánh phá ác liệt: đường 9 Nam Lào, cao nguyên Boloven, sông Bạc, sông Sê Công, sông Sê San… Trong suốt hành trình, những vật bất ly thân như tăng, võng, cặp vẽ, bút, giấy, bi đông, dao… luôn được họa sĩ Trần Huy Oánh và sinh viên trong đoàn gìn giữ, và nghĩ rằng “người còn thì vật phải còn”. Tháng giêng năm 1973, thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh đến Sư bộ 470, nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Campuchia. Đoàn đi thuyền qua ngã ba sông Sê San và Sê Công rồi ra sông Mê Kông qua thị trấn Siêng Pạng (Stung Treng), Campuchia để đến Binh trạm 53. Sau một hồi loay hoay tìm đường trong rừng, hoàng hôn lại đang dần buông xuống, họa sĩ Trần Huy Oánh nảy ra cách có thể cứu nguy cả đoàn trong tình cảnh cấp bách này, là tìm cắt đường dây liên lạc mắc trên cây, rồi chờ bộ đội của ta đến nối lại. Quả nhiên, khoảng nửa tiếng sau có một anh bộ đội đến sửa, ông đã chuẩn bị sẵn lời xin lỗi, sau khi xuất trình giấy tờ đoàn được đưa về Binh trạm 53. Phó giáo sư Trần Huy Oánh tâm sự: Dù biết biện pháp này là nguy hiểm, làm ảnh hưởng thông tin liên lạc ở chiến trường, nhưng rơi vào trường hợp bất đắc dĩ buộc tôi phải làm liều như thế. Đây cũng là khả năng phản ứng của sự tồn tại giữa rừng sâu[6]. Ở Binh trạm 53, đoàn được dự cái Tết cổ truyền đầu tiên trong rừng Tây Nam Trường Sơn cùng bộ đội. Đơn vị sắm sửa khá đầy đủ: bánh chưng, dưa hành, bánh nướng, bánh quy, giò chả… Những ngày sau đó, binh trạm giới thiệu đoàn đến một đơn vị đóng quân ở phía Tây sông Mê Kông để tìm hiểu và vẽ về đơn vị này.
Tình hình khi đó rất căng thẳng, quân Pol Pot luôn tìm cơ hội diệt bộ đội ta nếu đi lẻ hoặc mang theo súng. Binh trạm cử một chiến sĩ dẫn đoàn thầy trò Trần Huy Oánh đi thuyền của dân đến phía Tây sông Mê Kông, khi lên bờ họ không thấy đường đi mà chỉ có cây cối um tùm. Họ cứ đạp rừng đi tiếp, nửa tiếng sau thấy xa xa có một ngôi chùa và mấy nhà sư đang quét lá. Họa sĩ Trần Huy Oánh biết một vài câu Campuchia nên đã vào hỏi đường đến đơn vị quân đội Việt
Tạm biệt sư đoàn 470, ngày 4-3-1973, ông cùng học trò đi vẽ về Binh trạm, về đội điều trị ở ngầm Sê Sụ, đèo 32 và dốc 30. Họa sĩ Trần Huy Oánh nhớ nhất lần dừng chân ký họa cánh rừng cây cối bị cháy xém, trơ trụi, mặt đất xỉn vàng do Mỹ rải chất dioxin hủy diệt. Khi ông đang mải miết bên giá vẽ thì gặp một đoàn xe vận tải từ đường phía Tây Trường Sơn về Kom Tum, ông vội viết vài dòng thư ngắn, nhờ anh em đoàn xe gửi đến ông bạn họa sĩ người Ba Na công tác ở đó.
Trưa hôm sau, trên đường về Binh trạm 37 họa sĩ Oánh thấy một anh bộ đội gầy gò, đội mũ tai bèo tiến về phía mình và nhoẻn miệng cười. Rồi ông nhận ra là cháu Điểm (cháu họ gọi ông bằng cậu). Thế là anh Điểm xin đơn vị cho thầy trò Trần Huy Oánh về Kon Tum. Trên đường sang Kon Tum, vượt qua một cánh rừng già mở ra trước mắt ông là khoảng trời mênh mông của cao nguyên Pleiku dưới bóng chiều hôm, ông thốt lên: Trời, sao mà đẹp quá[10]. Cậu cháu trai nói: Cháu chẳng thấy đẹp gì cả, khổ bỏ mẹ[11]. Họa sĩ Trần Huy Oánh bảo: Anh Điểm là người lính, ngày đêm sống trên mảnh đất đó, trải qua bom đạn, nên thấy khổ là đúng[12]. Ở đơn vị của cháu thiếu thốn nên hàng ngày chỉ có cơm muối vừng, thi thoảng có cá khô để ăn là rất quý. Thời gian này, thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh đi vẽ ở xã Diễn Bình, Đắc Tô, thị xã Tân Cảnh, chợ Tân Cảnh, bản Đắc Rao.
Nhớ lần đi vẽ ở xã Diên Bình trên đường 14, đoàn góp gạo ăn cùng cán bộ ủy ban xã. Vì chiến tranh thiếu thốn, không có gạo nên họ chỉ có sắn để ăn, suất gạo của đoàn được nấu chung, khi xới ra thấy mỗi miếng sắn cõng khoảng chục hạt cơm. Hết gạo, họa sĩ Trần Huy Oánh đến tỉnh ủy xin gaọ cho đoàn. Rồi tỉnh ủy cử anh cán bộ tuyên huấn dẫn sinh viên xuống trạm hộ sinh vay được 3 lon gạo. Trước khó khăn, họa sĩ Trần Huy Oánh giao cho sinh viên Vũ Tấn Bá đem theo giấy tờ của đoàn đến Bộ Tư lệnh quân khu IV xin cấp gạo và thực phẩm. Khi về, anh Bá vác theo 50kg gạo cùng đường sữa theo tiêu chuẩn. Trước khi chuyển đi địa điểm khác đoàn chỉ giữ lại vài cân để đi đường, phần còn lại phân chia cho ủy ban xã, trạm xá và anh cán bộ tuyên huấn khoảng 3 kg. Khi nhận được gạo, anh tuyên huấn vui mừng và cảm động rưng rưng nước mắt vì 8 tháng rồi con chưa có gạo để ăn[13], họa sĩ Trần Huy Oánh tâm sự.
Tháng 6-1973, họa sĩ Trần Huy Oánh cùng học trò chuyển về Binh trạm 14 đóng quân ở vùng trọng điểm ATP[14] được các đồng chí trong đơn vị tiếp đón nồng nhiệt. Binh trạm Trưởng và các đồng chí trong ban tuyên huấn nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn đến các vùng trọng điểm để vẽ những hoạt động của bộ đội, thanh niên xung phong. Rồi đoàn chia nhau đi vẽ ở các khu vực như đường 20, khu vực ATP. Đây là nút giao thông quan trọng, có nhiều khúc cua gấp, nhiều ngầm, suối, vực sâu, núi cao nên bị địch đánh phá thường xuyên. Thầy trò Trần Huy Oánh vẽ cảnh: bộ đội mở đường trên núi cao; bộ đội mở đường kín dưới tán lá cây rừng; sinh hoạt của bộ đội trong hang động; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hoạt động của các trạm quân y tiền phương… Khi các đồng chí trong binh trạm biết họa sĩ Trần Huy Oánh là một trong hai tác giả của bức tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, binh trạm Trưởng đã đề nghị ông vẽ lại, phóng to phục vụ cho lễ mừng công của đơn vị. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn tây, trên vải bạt, và được treo giữa rừng trong lễ mừng công, góp phần cổ vũ tinh thần của bộ đội và thanh niên xung phong của Binh trạm.
Cuối tháng 7-1973, kết thúc đợt thực tập thầy trò họa sĩ Trần Huy Oánh trở về Bộ Tư lệnh 559. Tại đây đoàn tổ chức triển lãm tranh kí họa và báo cáo với ban lãnh đạo về chuyến đi. Sau đó, họ lên đường trở về Hà Nội. Phó giáo sư Trần Huy Oánh chia sẻ: Mỗi chuyến đi là một lần được trải nghiệm thực tế, những bức ký họa đã ghi lại được hoạt động, khoảnh khắc sôi động đầy gian khó và anh dũng của bộ đội, thanh niên xung phong trên dọc tuyến đường Trường Sơn. Đây là dịp trải nghiệm, đi vẽ trong chiến trường mà không thể có lần khác[15]. Đến nay, mỗi bức ký họa không chỉ thể hiện giá trị nghệ thuật, mà còn là những minh chứng lịch sử đã làm rung động hàng triệu con tim. Đúng như họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt
Tạ Thị Anh
*PGS Trần Huy Oánh, chuyên ngành Hội họa, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
[1] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] “Lấn ngày lấn đêm” là để tranh thủ thời gian máy bay C130 của Mỹ không bay đi giám sát và ném bom trên tuyến đường vận tải.
[3] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu đã dẫn.
[4] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu đã dẫn.
[5] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu đã dẫn.
[6] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu đã dẫn.
[7] Họa sĩ Trần Huy Oánh, Ký họa thời chiến, tr.236, Nxb Mỹ thuật, năm 2017.
[8] Ghi âm phỏng vấn PGS Trần Huy Oánh ngày 22-5-2018, tài liệu đã dẫn.