Năm 1976, tốt nghiệp trường Cấp 3 Giao Thủy (Nam Định) với thành tích tốt, ông Lê Huy Hàm được cử sang trường Đại học Tổng hợp Kishinov, Liên Xô học tập. Năm 1982, hoàn thành chương trình đại học, ông được phân công về Viện Khoa học Việt Nam[1]. Sau một năm công tác, ông quay trở lại trường Kishinov làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1986. Ngay sau đó, ông trở về Trung tâm Sinh thái tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học Việt Nam tiếp tục làm việc. Khoảng 3 năm sau, Trung tâm vẫn chưa có phòng chuyên môn riêng cho công tác chọn tạo giống cây trồng. Lúc này, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tâm Di truyền Nông nghiệp do cố TS Phan Phải sáng lập chuyển thành Viện Di truyền Nông nghiệp. Ông Lê Huy Hàm nhận thấy định hướng của Viện là nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng trong thực tiễn rất phù hợp với sở thích của bản thân nên xin chuyển công tác sang đó và được chấp thuận.
Tại Viện Di truyền, PTS Lê Huy Hàm được sắp xếp làm việc ở bộ môn Nuôi cấy mô tế bào. Ông nhớ lại: Tôi học ngành công nghệ sinh học ở Liên Xô, chịu ảnh hưởng của Học thuyết Lyssenko – Mitchourine, nó không quan tâm nhiều đến công nghệ tế bào, sinh học phân tử. Bởi vậy, tôi chưa từng làm về nuôi cấy mô, tôi phải tự học hỏi từ các đồng nghiệp[2]. Những năm đầu, ông cùng đồng nghiệp tham gia thử nghiệm phương pháp nuôi cấy mô tế bào với cây bạch đàn: Tôi được các tiền bối như Nguyễn Văn Uyển[3], Lê Thị Muội[4] chỉ bảo kiến thức cơ bản về di truyền học, nuôi cấy mô… và các kỹ thuật viên hướng dẫn thêm các thao tác, kỹ năng làm thí nghiệm. Đó là những hành trang đầu tiên của ông trên con đường tìm hiểu, sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào trong nhân giống cây trồng.
GS.TS Lê Huy Hàm, 2022
Theo GS Lê Huy Hàm, đầu những năm 90, kinh tế đất nước còn khó khăn, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hoa quả là khoảng 100 triệu USD (hiện nay con số này đã đạt 4 tỷ USD). Qua nghiên cứu tài liệu và những chuyến công tác ở các địa phương, ông nhận thấy cây chuối là cây có tiềm năng xuất khẩu lớn, nên tập trung phát triển. Đảo Đài Loan thuộc vĩ độ tương đương với miền Bắc Việt Nam, rất phù hợp để phát triển chuối và đã xuất khẩu sang nhiều nước. Thậm chí, họ đã thành lập Viện Nghiên cứu Chuối nhằm đẩy mạnh sự phát triển của loại cây này. Bởi vậy, ông nghĩ rằng miền Bắc Việt Nam cũng có thể phát triển chuối trên diện rộng vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu.
Khảo sát tại một số tỉnh ven sông Hồng như Hưng Yên, Hà Tây (nay là Hà Nội), ông thấy chủ nhân của những vườn chuối lớn đều nhân giống theo phương pháp truyền thống là đào cây chuối con ở những khu vườn khác nhau về trồng trên mảnh vườn của mình. Ông cho biết: Trung bình 1ha cần khoảng 500 cây giống. Vì vậy, nếu vườn rộng 1 sào, 1 mẫu hay 1 ha thì có thể làm theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, với diện tích 10ha hoặc 100ha thì không thể làm như vậy được. Đồng thời, nếu thu gom cây chuối con từ nhiều vườn khác nhau về chung một chỗ cũng vô tình tập hợp nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, nếu muốn xuất khẩu chuối thì cần có sự đồng đều về thời gian thu hoạch và chất lượng quả. Đây là điều mà chủ vườn không thể thực hiện được nếu thu gom cây chuối con từ nhiều vườn.
GS Lê Huy Hàm băn khoăn tìm lời giải cho bài toán này. Ông trao đổi với một số đồng nghiệp thì được họ gợi ý tách củ chuối thành 4-8 phần rồi đem giâm nhằm tạo thành nhiều cây chuối con hơn. Phương pháp này khá hiệu quả khi nhân giống nhưng số lượng cây con thu được vẫn không đáng kể, GS Lê Huy Hàm chia sẻ. Bởi vậy, ông thường xuyên lên thư viện của Viện Khoa học Việt Nam để tìm đọc tài liệu nước ngoài, chủ yếu là tiếng Nga liên quan đến nhân giống cây trồng. May mắn, ông tìm thấy tài liệu đăng phần tóm tắt những đóng góp chính của các công trình khoa học trên khắp thế giới. Qua đó, ông xác định có thể tiến hành nhân giống chuối theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Từ môi trường nuôi cấy cơ bản, ông chọn thêm các dưỡng chất, vitamin cần bổ sung rồi bắt tay vào thực hiện ngay. Ông tự tách thân cây chuối, lấy đỉnh sinh trưởng để nuôi cấy. Trong vô số các giống chuối, ông lựa chọn giống chuối Tiêu để nhân giống bởi quả vừa ngon vừa đẹp, dễ xuất khẩu. Ông nhớ lại: Phải tách thật khéo, làm sao để đỉnh sinh trưởng không bị xước, tránh nhiễm trùng khi nuôi cấy. Tôi tự mua ống nghiệm, pha chế môi trường nuôi cấy và nuôi nó trong chiếc tủ vô trùng bằng gỗ tự chế duy nhất của phòng thí nghiệm Nuôi cấy mô. Thật may mắn, sau 3 tuần, những “cây chuối” đầu tiên từ phương pháp nuôi cấy mô tế bào của tôi đã ra đời. Vô cùng háo hức, tôi tiếp tục nhân giống và thành công.
Khoảng cuối năm 1991, ông Lê Huy Hàm báo cáo kết quả nghiên cứu của mình với trưởng bộ môn Nuôi cấy mô tế bào là ông Đỗ Năng Vịnh[5]. Ông Vịnh đã đề nghị Ủy ban Khoa học Nhà nước[6] cho bộ môn thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô tế bào”. Đề tài được phê duyệt thực hiện trong hai năm (1992-1993) do ông Vịnh làm chủ nhiệm đề tài và ông Hàm là nghiên cứu viên chính. Ngoài ra, đề tài có sự hỗ trợ của một số đồng nghiệp trong bộ môn: Hà Phương Thúy, Trần Bích Lan, Phạm Thị Lý Thu, Đàm Trọng Lương…
Bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, một đỉnh sinh trưởng có thể nhân thành 5 cây chuối con, từ một cây chuối con lại tiếp tục nhân thành 5 cây… cứ làm theo cấp số nhân như vậy nhóm sẽ tạo ra được số lượng cây giống như mong muốn. Bên cạnh việc nhân giống trong phòng thí nghiệm, nhóm triển khai trồng thử nghiệm cây chuối con ngay tại vườn của Viện và gửi tặng một số người dân quanh vùng. GS Lê Huy Hàm chia sẻ: Nhiều người vẫn quen với hình ảnh cây chuối ngoài vườn nay khó mà hình dung được cây chuối nhỏ xíu trong ống nghiệm sau có thể sinh trưởng bình thường và cho quả được. Bởi vậy, dân chúng nhiều nơi vì tò mò mà đến Viện thăm cây rồi xin giống. Có người chăm sóc tốt, cây chuối cho buồng nặng tới 20-30kg. Sau, nhiều lãnh đạo phòng Nông nghiệp ở các địa phương cũng đến đề nghị chúng tôi chuyển giao giống chuối.
Quy trình nhân giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào
(Nguồn: Internet)
Năm 1993, nhóm tổng hợp những kết quả đã thu được để viết báo cáo, chuẩn bị nghiệm thu đề tài. Thuở đó, để chụp được một bức ảnh màu không dễ dàng, chủ yếu là ảnh đen trắng. Tôi dùng chiếc máy ảnh cơ của bộ môn, chụp các mẫu chuối trong phòng thí nghiệm và tại vườn rồi tự rửa, đưa vào báo cáo. Thật tiếc là ảnh và các tài liệu liên quan đã thất lạc qua các lần tôi chuyển nhà, GS Hàm cho biết. Bên cạnh việc nộp báo cáo, trình bày kết quả nghiên cứu, nhóm còn mời các thành viên trong Hội đồng đến thăm vườn của Viện, vườn của một số hộ gia đình xung quanh. Vì vậy, Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm, góp phần nhân giống chuối một cách nhanh chóng, cây sinh trưởng đồng đều và sạch bệnh. Năm 1997, GS Trần Thế Tục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả trung ương đề nghị ông sang giúp họ nhân giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô. Theo ông được biết, hiện nay (2022), Viện Rau quả vẫn sử dụng phương pháp này.
Dù sản phẩm nghiên cứu đã hoàn thiện nhưng thời điểm đó chưa có công ty, doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ và phát triển nên kết quả của công trình chưa có tác động lớn đến việc mở rộng việc canh tác và xuất khẩu chuối, GS Lê Huy Hàm nói trong sự tiếc nuối. Vì vậy, ông luôn tự nhủ rằng làm nghiên cứu tốt thôi chưa đủ mà còn cần gắn với thực tiễn, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Về sau, khi cùng đồng nghiệp phát triển công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào trên nhiều cây trồng khác như mía, hoa, cây cảnh, cây lâm nghiệp, cây dược liệu… ông luôn chú trọng công tác chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp.
Lợi Lê
* GS.TS Lê Huy Hàm, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, nay là trưởng khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[1] Nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Lê Huy Hàm, 17-1-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả phần dẫn lời GS Lê Huy Hàm trong bài viết đều trích từ nguồn này.
[3] Ông Nguyễn Văn Uyển sau trở thành Phó giáo sư – tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới.
[4] Bà Lê Thị Muội sau trở thành Phó giáo sư – tiến sĩ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học.
[5] Ông Đỗ Năng Vịnh sau trở thành Giáo sư – tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp.
[6] Nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.