Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nghe GS Lê Thi nói về GS Dương Quảng Hàm là niềm tự hào, xen lẫn những cảm xúc nhớ thương sâu sắc của một người con đối với người cha đã khuất. Đôi mắt của vị nữ giáo sư đã ở độ tuổi 80 rưng rưng khi nhớ về lần cuối cùng được gặp cha. Đó là một buổi chiều đông cuối tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, khắp nơi mịt mùng khói lửa. Bà cùng chị em trong Đội Tuyên truyền Úy lạo (truyên truyền và động viên) của Trung đoàn Thủ đô đang tuyên truyền và phát cơm nắm cho đồng bào ở phố Lý Quốc Sư, thì bất ngờ gặp cha mẹ trong đám người đông đúc. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó chỉ đủ để bà vội vàng hỏi thăm và động viên cha mẹ, rồi lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Bà tham gia chiến đấu trong Trung đoàn Thủ đô đến ngày 17-2-1947 mới rút ra khỏi Hà Nội. Bà không ngờ đó là lần cuối cùng bà được gặp người cha thân yêu. Đến cuối năm 1947 bà mới biết tin mẹ bà được đưa đi sơ tán trước, còn cha bị giặc Pháp giết hại trong thành Hà Nội.
Trước khi chiến tranh bùng nổ, mẹ bà muốn chồng – GS Dương Quảng Hàm cùng về tản cư ở Khoái Châu, Hưng Yên, nhưng ông nói rằng: “Chính phủ chưa có lệnh cho Hiệu trưởng tản cư (khi đó ông là Hiệu trưởng trường Bưởi – nay là trường Chu Văn An), mình về quê, nếu Bộ có chỉ thị gì thì biết tìm mình ở đâu?”…
Nói đến đây, GS Lê Thị chợt nghẹn lại, hình ảnh về người cha với những kỷ niệm năm xưa như những thước phim quay chậm ngược về quá khứ, bà kể: Cha tôi học chữ Nho từ hồi nhỏ, khi học xong Cao đẳng tiểu học đúng lúc Pháp mở trường Cao đẳng Sư phạm. Ông cụ thi vào khóa đầu tiên. Năm 1920 ông tốt nghiệp thủ khoa với ghi nhận “Được Ban Giám khảo ngợi khen”, tiểu luận tốt nghiệp của ông với tiêu đề “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”. Sau đó, ông được cử dạy học ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội), lúc đầu dạy Pháp văn, Sử và Việt văn, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc trung học. Ông viết sách giáo khoa về Sử học Việt Nam bằng tiếng Pháp, nhưng tâm huyết của ông dành cho việc nghiên cứu và viết sách về văn học Việt Nam. Cuốn sách đầu tiên ông biên soạn là Quốc văn trích diễn (1925), rồi đến Việt văn giáo khoa thư (1939). Năm 1941 ông biên soạn xong bộ sách cho bậc Trung học gồm Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển, nhưng vì chiến tranh nên mãi tới năm 1944 bộ sách này mới được xuất bản.
Hình ảnh về người cha, nhà sư phạm mẫu mực cứ dần hiển hiện theo lời kể của GS Lê Thi: Sáng sáng đạp xe đạp đến trường dạy học, ông cụ bao giờ cũng mặc comple chỉnh tề, nghiêm túc. Vào lớp, ông mở sổ điểm danh; bàn ghế phải thẳng hàng ngay ngắn ông mới bắt đầu tiết học. Ông nghiêm khắc nhưng cũng thật gần gũi với học sinh. Ông giảng bài với phong thái nhẹ nhàng, ân cần, coi học sinh như con cháu mình. Học sinh thường thắc mắc tại sao thầy giáo Dương Quảng Hàm lúc nào cũng mặc áo cài đủ ba khuy. Ở nhà, gia đình cũng là một lớp học mà cha tôi là thầy giáo. Ngôi nhà số 98A Hàng Bông đã gắn bó với tuổi thơ của anh chị em chúng tôi với những buổi tối, sau khi ăn cơm chiều, tất cả anh chị em tập trung tại phòng học, cha tôi ngồi một bàn riêng ,còn các con ngồi quanh một bàn học lớn. Một điểm tôi đặc biệt ấn tượng về cha mình là ông không bao giờ làm hộ bài cho các con, nếu có vấn đề cần hỏi, có các bài tập khó thì ông cụ lấy ví dụ giảng giải để các con hiểu, gợi ý để các con độc lập suy nghĩ. Học văn thì bày cho cách đọc như thế nào để dễ thuộc, đọc như thế nào cho hay, cho truyền cảm…
Có một lần kết quả học tập không được tốt, GS Lê Thi chỉ sợ bị cha mắng, nhưng trái lại ông chỉ nhẹ nhàng hỏi: các anh chị học giỏi, tại sao con lại học kém? Chỉ cần có thế, bà thấy xấu hổ, cố gắng vươn lên cho bằng anh em, bạn bè mình.
Nghiêm khắc trong việc học hành, dạy dỗ nhưng ông luôn gần gũi, thân mật với các con, GS Lê Thi kể vmột kỷ niệm: Một hôm khi tất cả mấy anh chị em đang ngồi học cùng cha trong phòng, bỗng có con chim bay vào, mấy anh em cùng đuổi bắt, tưởng rằng cha sẽ không cho phép, nhưng rồi ông cũng tham gia đuổi bắt và chính ông bắt được con chim cho các con chơi. Mùa hè mỗi năm, ông đưa cả gia đình đi nghỉ ở Đồ Sơn, Hải Phòng, trong những ngày nghỉ mát ông thường kết hợp dạy các con học tập và phân công các anh chị em kèm cặp lẫn nhau.
Ông cũng là một người chồng mẫu mực, hết lòng vì gia đình. Mặc dù là một trí thức làm nghề dạy học, vợ chỉ là người bán hàng tạp hóa, nhưng chưa bao giờ ông to tiếng với bà, lúc nào ông cũng ân cần, nhẹ nhàng, tình cảm. Tình yêu ông dành cho vợ và các con là tình yêu của một người đàn ông trụ cột, luôn che chở cho mái ấm gia đình. Cũng có lúc bà to tiếng với ông nhưng ông rất hiểu do bà quá vất vả vì phải lo cơm áo cho gia đình, ông luôn thông cảm, chia sẻ với bà. Bởi thế, gia đình lúc nào cũng yên ấm, rộn tiếng cười. Sáng sáng theo thói quen , bà pha một ấm trà nóng cho ông, những lúc rảnh rỗi ông ngồi đọc báo và ngâm thơ cho bà nghe.
GS Lê Thi đã học được ở cha đức tính cần cù, ham học hỏi, lòng nhân ái, giản dị và thẳng thắn. Bà tâm sự: “Mặc dù đã 85 tuổi nhưng hàng ngày tôi vẫn đọc sách, tìm tòi và cắt những bài báo, tài liệu có ích cho mình, thỉnh thoảng viết một số bài cho các Tạp chí Khoa học Xã hội. Sự say mê và chuyên cần đó chính là điều mà tôi đã học được từ cha tôi. Có lẽ, cũng chính từ cách đối xử, dạy dỗ không phân biệt con trai, con gái, từ sự bình đẳng và có trách nhiệm trong nếp sống của cha đối với gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới những định hướng khoa học của tôi sau này…". Từ một Viện trưởng Viện Triết học đến những công trình nghiên cứu về bình đẳng giới, về phụ nữ đơn thân, về phụ nữ nông thôn… khi bà đảm nhiệm vai trò Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ là một chặng đường dài, là tất cả tâm huyết mà GS Lê Thi dành trọn cho cuộc đời làm khoa học của mình.
Nguyễn Thanh Hóa