Lần đầu tiên, kỹ sư Đường Hồng Dật được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào năm 1959, khi ông được tham dự buổi nói chuyện của phi công vũ trụ Liên Xô Gherman Titop tại Câu lạc bộ Báo chí quốc tế[1] trong chuyến sang thăm Việt Nam. Buổi nói chuyện diễn ra ngoài trời, giữa sân là một bục diễn đàn cao gần 2m. Đúng 8 giờ sáng, Bác Hồ cùng phi công Titốp và một số cán bộ khác bước lên diễn đàn. Bác xuất hiện mộc mạc, giản dị trong bộ quần áo đại cán, với vầng trán cao, đôi mắt sáng ngời.
Trong buổi nói chuyện, nhà du hành Titốp nói về chuyến bay lên vũ trụ, về cảm giác khi ở trạng thái không trọng lượng, rồi sự xúc động của ông trước vẻ đẹp của mặt trăng khi quan sát từ tàu vũ trụ. Ông Titốp nói bằng tiếng Nga, bên cạnh là người phiên dịch. PGS.TS Đường Hồng Dật nhớ, khi người phiên dịch nói “ông Titốp rất thích vẻ đẹp kiều diễm của mặt trăng”, sau đó Bác Hồ đã dịch (прекрасная луна – tức mặt trăng kiều diễm) là “vẻ đẹp kiều diễm của chị Hằng”. Theo ông, Bác sửa như vậy vừa phù hợp lại vừa nói đúng ý, đúng cảm xúc của người quan sát lúc đó. Bác đã rất tinh tế trong khi nghe và nắm bắt ý nghĩ, cảm xúc của người khác. Điều này giúp con người hiểu nhau hơn, giúp người nghe không những chỉ lĩnh hội được ý nghĩa của câu nói, mà còn thấy được tình cảm mà người phát biểu muốn truyền đạt [2].
Lần thứ hai, kỹ sư Đường Hồng Dật được gặp Bác Hồ cũng trong năm 1959, dịp Bác về thăm Học viện Nông lâm (đóng tại Trâu Quỳ, Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) khi ông đang là cán bộ giảng dạy tại đây. PGS.TS Đường Hồng Dật còn nhớ, vào một buổi sáng khi ông đang ở ngoài ruộng tiến hành đo đếm, quan sát quá trình sinh trưởng của cây lúa thì thấy một đoàn xe dừng lại bên đường, đoàn người xuống xe, đi men theo con đường nhỏ ra ruộng. Đoàn người đi tới gần ruộng nơi ông đang làm thí nghiệm, ông nhận ra người đi đầu là Bác Hồ. Ông reo lên và vội vàng:
– Cháu kính chào Bác ạ!
Bác ôn tồn hỏi:
– Chú đang làm gì đấy?.
– Thưa Bác, cháu đang làm thí nghiệm với cây lúa ạ – ông trả lời.
Bác vui vẻ, tiếp tục đi theo bờ ruộng, Đường Hồng Dật đi theo Bác. Bác đi đến guồng nước và ngồi lên một bên, quay lại nói với ông:
– Chú ngồi lên bên kia guồng nước với Bác để xem nó hoạt động có tốt không?
Đường Hồng Dật ngồi lên phía bên kia guồng từ từ đạp lên bàn đạp cùng với Bác để guồng quay, đưa nước vào ruộng. Bác cười: “Guồng nước làm việc tốt”. Rồi Bác tiếp tục đến gần chiếc máy cấy lúa, đây là chiếc máy đầu tiên do Khoa cơ khí của Học viện chế tạo và đang đặt tựa vào bờ ruộng. Bác lại gần và hỏi:
– Đây là máy gì?
Ông trả lời:
– Thưa Bác, chiếc máy cấy lúa do nhà trường chế tạo, hiện đang thử nghiệm ạ.
Bác nói:
– Chú xuống ruộng, giới thiệu máy và cấy thử cho Bác xem.
Kỹ sư Đường Hồng Dật liền xắn quần bước xuống ruộng và giới thiệu về các ô để xếp các cây mạ chờ cấy xuống ruộng, về trục quay dây chuyền làm chuyển động dãy cặp cây lúa… Giới thiệu xong các bộ phận chính của máy, Đường Hồng Dật đi ra phía sau, cầm lấy càng máy và bước lùi, cấy xuống ruộng mấy hàng lúa cho Bác xem. Sau một lúc đứng xem Bác nói: Bây giờ Bác phải đi. Cán bộ, sinh viên đang tập trung trong hội trường chờ Bác. Bác chúc các chú thành công.
Nói xong, đoàn xe di chuyển về phía hội trường của Học viện. Đường Hồng Dật cũng nhanh chóng lấy xe đạp phóng về phía hội trường. Thay quần áo tươm tất, đến nơi ông thấy Bác đang khoan thai nói chuyện với cán bộ và sinh viên của Học viện. Bác căn dặn nhiều điều, riêng ông nhớ mãi đến sau này một số điều mà ông coi là phương châm hành động trong cuộc sống cũng như công việc. Bác nói: Đối với nông nghiệp, làm thí nghiệm cần chú ý hai điều: một là, chưa biết kết quả thế nào đã khua chuông, đánh trống là không được; hai là không được nản chí khi thất bại mà cần nghiên cứu kỹ để tìm ra nguyên nhân. Người làm thầy thì cần dạy thật tốt, là sinh viên cần chăm chỉ học hành. Đoàn kết luôn là sức mạnh thành công, trong nhà trường cần có sự đoàn kết giữa thầy với thầy, thầy với cán bộ, thầy với trò, trò với trò… Ngoài học tập chuyên môn, các cháu cũng phải học tập chính trị. Kiến thức rất quan trọng, nhưng kiến thức mà không có chính trị thì như người không có linh hồn. Mỗi một thành công, tiến bộ của các cháu là góp phần xây dựng đất nước. Chúng ta quyết tâm, mỗi người phải làm tốt nhiệm vụ mình được giao [3].
Những lời dặn của Bác được kỹ sư Đường Hồng Dật luôn ghi nhớ trong lòng.
Mười năm sau, vào một ngày hè năm 1969, khi Đường Hồng Dật là Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp một lần nữa ông được gặp Bác. Nhưng ông cũng không thể ngờ rằng, đây là lần cuối cùng, ông được gặp và nghe giọng nói của Người. Một buổi chiều, ông đang làm việc ở văn phòng thì chuông điện. Đầu dây người gọi là ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác. Ông Kỳ đề nghị: Vườn bưởi của Bác ở Phủ Chủ tịch bị sâu phá, đồng chí vào giúp trừ sâu cho cây bưởi. Nếu không có gì trở ngại, sáng mai đúng 9 giờ tôi đợi anh ở cổng Phủ Chủ tịch, phía đường Hoàng Hoa Thám.
Sáng hôm sau, Đường Hồng Dật một mình đạp xe đến Phủ Chủ tịch, đến nơi đã thấy ông Vũ Kỳ đứng đợi. Bước qua cánh cửa mở rộng, đi bộ được chừng hơn 100m, nhìn sang bên phải ông thấy Bác Hồ đang ngồi bên bàn làm việc dưới giàn hoa. Ông cùng ông Vũ Kỳ đến báo cáo với Bác đến để xem và giúp trừ sâu cho các cây bưởi trong vườn. Bác gật đầu rồi ngẩng lên nói: Chú vào giúp trừ sâu cho cây bưởi phải không? Chú cố gắng giúp các chú công nhân trừ sâu cho tốt, để Bác có bưởi liên hoan với các cháu thiếu nhi Tết Trung thu sắp đến. Ông vui vẻ nhận “lệnh” rồi lặng lẽ đi theo ông Vũ Kỳ, men theo hồ nuôi cá, ra vườn bưởi.
Ông Vũ Kỳ chỉ cho Đường Hồng Dật một số cây bưởi có lá đang bị vàng, rồi quay vào làm việc. Ông đến gần các cây bưởi,và đi một vòng quan sát toàn bộ khu vườn khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi vào gặp ông Vũ Kỳ thông báo về tình hình sâu bệnh. Lúc này, các cây bưởi có lá bị vàng là do sâu xanh và sâu vẽ bùa gây hại. Đó là các loài sâu thường gặp trên các loài cây có múi ở nước ta. Phòng trừ các loài sâu này không khó. Một số cây có bị rệp muội và bọ phấn gây hại, nhưng mật độ các loài sâu này không cao.
Trước khi ra về, Đường Hồng Dật trao đổi lại với ông Vũ Kỳ một cách chi tiết về cách trừ sâu cho bưởi, làm sao để có hiệu quả nhưng lại không ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác. Cẩn thận hơn, ông hẹn với ông Vũ Kỳ “Tôi sẽ ghi lại những việc làm này, sáng mai cho cán bộ kỹ thuật mang vào cho anh và đề nghị anh giới thiệu cán bộ kỹ thuật làm việc với các người làm vườn [4]”.
Ông Vũ Kỳ nói lời cảm ơn và tiễn Đường Hồng Dật ra về. Khi đi qua chỗ Bác ngồi làm việc hồi sáng, ông không thấy Bác ngồi ở đó nữa. Ông đứng lặng một lúc, chưa muốn đi, cố hình dung lại để lưu giữ hình ảnh của Bác. Ông Vũ Kỳ như hiểu được tình cảm của ông nên cũng đứng lại và không thúc giục.
Trên đường đạp xe về cơ quan, hình ảnh Bác ngồi ung dung làm việc dưới giàn hoa trong vườn Phủ Chủ tịch luôn xuất hiện trong tâm trí của người kỹ sư trẻ. Buổi gặp gỡ để lại trong ông ấn tượng đẹp về một con người, như một ông ông tiên ung dung tự tại giữa khung cảnh thiên nhiên.
Nguyễn Thị Loan
________________________
[1] Trên đường Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội