Kỷ niệm với Hoàng thân Souphanouvong

Số phận và duyên gặp gỡ

Một ngày mùa đông tháng Chạp năm Bính Ngọ (dương lịch là khoảng tháng 2-1907), trong căn nhà nhỏ của gia đình lao động nghèo ở làng Thế Lại Thượng[1], Huế, một bé trai kháu khỉnh đã chào đời. Họ hàng hay tin đều đến chúc mừng, cha cậu bé tên là Trần Bá Liêm, một người hay chữ Nho nhưng con đường thi cử lận đận, không đỗ đạt. Trước gia cảnh ngày càng túng quẫn nên ông Liêm phải làm nghề thợ sơn mưu sinh. Cậu con trai được cha đặt tên là Trần Đăng Khoa với hi vọng sau này có thể đỗ đạt làm quan, vinh quy bái tổ.

Từ nhỏ, Trần Đăng Khoa được cha mẹ cho đi học chữ Hán ở trường làng. Vốn thông minh và sáng dạ, cậu học thuộc bài rất nhanh. Tuy nhiên, thời kỳ này chế độ phong kiến ngày càng suy vi, phong trào kháng chiến chống Pháp bị đàn áp dữ dội. Năm 1916, Trần Đăng Khoa 10 tuổi thường nghe các bậc cao niên trong làng bàn tán xôn xao chuyện vua Duy Tân xuất thành cùng Trần Cao Vân chống Pháp. Khởi nghĩa thất bại, Trần Cao Vân và nhiều người khác bị chém, vua Duy Tân bị đóng cũi mang về đồn Mang Cá, Huế. Ngày 3-11, vua bị đày sang đảo Réunion, Pháp. Cùng thời gian này, vì phẫn uất trước cuộc sống đương thời, ông Trần Bá Liêm đã quyên sinh trong túi áo có tờ giấy viết 7 chữ: “Ninh thọ tử bất binh thọ nhục” – tức thà chịu chết chứ không chịu nhục.

Sau khi cha mất, gánh nặng gia đình đè lên vai mẹ là bà Nguyễn Thị Liên. Để nuôi con ăn học, bà Liên làm đủ các nghề kiếm sống. Thương mẹ, Trần Đăng Khoa chỉ biết cố gắng học tập cho tốt. Một lần, Trần Đăng Khoa đi chơi ngang qua trường Đông Ba, thấy bạn bè học tập rất vui vẻ chứ không bị ràng buộc và nghiêm khắc như trường làng nên cậu quyết tâm về làm đơn xin nhập học lớp Nhất[2]. Khi được nhận vào trường Đông Ba, cậu vừa vui vừa lo vì học phí nơi đây cao hơn trường làng. Đó là một khó khăn cho mẹ, nhưng mẹ vui lòng chịu[3]. Để có tiền ăn học, Trần Đăng Khoa phải vừa học vừa đi dạy kèm cho con các gia đình khá giả gần trường để trang trải học phí. Sau nhiều cố gắng, năm 1925, Trần Đăng Khoa tốt nghiệp tú tài ở trường Quốc học Huế (niên khóa 1922-1925) và thi đỗ trường Cao đẳng Công chính Hà Nội. Trước khi ra Hà Nội học, Trần Đăng Khoa và bạn cùng lớp là Bửu Dưỡng, con ông Trình Ưng là quan lại cao cấp trong triều đình Huế mang đơn lên trình Phủ doãn Thừa Thiên xin xác nhận hoàn cảnh và hỗ trợ học bổng. Nhưng, quan Phủ doãn chỉ duyệt cho Bửu Dưỡng được học bổng toàn phần, còn Trần Đăng Khoa không được xác nhận với lý do không biết hoàn cảnh gia đình thế nào, dù đơn đã được Lý trưởng xác nhận là nhà nghèo.

Trần Đăng Khoa ra Hà Nội học tại trường Cao đẳng Công chính vào khoảng tháng 8-1925. Lúc này bầu không khí yêu nước của sinh viên và thanh niên diễn ra rất sôi nổi. Trong đó, sự kiện lớn nhất là việc đấu tranh đòi tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Ông bị mật thám Pháp bắt tại ga Bắc Trạm, Thượng Hải, khoảng tháng 6-1925, khi từ Hàng Châu về Quảng Châu, Trung Quốc để cùng các nhà cách mạng Việt Nam dựng bia cho liệt sĩ Phạm Hồng Thái nhân giỗ đầu. Sau đó Pháp bí mật đưa Phan Bội Châu về giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ngày 28-7, Varenne[4] được Chính phủ Pháp cử sang làm Toàn quyền Đông Dương, sinh viên các trường kéo đi biểu tình qua các phố hô vang khẩu hiệu

Vive le socialiste Varenne

Grâce pour Phan Bội Châu

A bas le colonialisme à la trique

                                                 Tạm dịch là:

Chủ nghĩa xã hội muôn năm – Varenne

Ân xá Phan Bội Châu

Đả đảo chủ nghĩa thực dân

Tháng 11-1925, đêm xét xử Phan Bội Châu ở tòa đại hình Hà Nội, Trần Đăng Khoa cùng đông đảo sinh viên, nhân dân các nơi đến tham dự. Trước áp lực của quần chúng và nhằm xoa dịu dư luận xã hội, Toàn quyền Varenne đã ra lệnh ân xá Phan Bội Châu và đưa về an trí ở Huế.

Tinh thần yêu nước lúc đó còn len lỏi mạnh mẽ vào nhiều thế hệ sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ bí mật tham gia các tổ chức yêu nước và hoạt động trong phong trào chống Pháp. Trong lớp Trần Đăng Khoa có một bạn là Phó Đức Chính[5], quê Việt Trì, Phú Thọ – một người hiền lành, chất phác luôn cởi mở với các bạn bè. Trần Đăng Khoa cũng ấn tưởng với bạn Chính bởi tác phong đĩnh đạc, chỉnh tề, mỗi lần lên lớp thường mặc áo the, đầu đóng khăn xếp. Do ở cùng phòng trong ký túc của trường nên hai người khá thân thiết, thường rủ nhau đi dạo phố hoặc lên thư viện đọc sách. Một đêm hè năm 1928, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, hai người rủ nhau đi dạo phố cổ lần cuối trước khi chia tay thì Phó Đức Chính tâm sự với Trần Đăng Khoa về tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Năm 1930, Trần Đăng Khoa đang công tác ở Phòng Kỹ thuật, Khu Công chính Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thì nghe tin khởi nghĩa Yên Bái[6] thất bại, Phó Đức Chính bị bắt và kết án tử hình. Ông rất xúc động và thương tiếc bạn: Nghĩ đến mình không làm gì được cũng hổ thẹn[7].

Từ những biến cố trong cuộc đời đã hun đúc cho kỹ sư Trần Đăng Khoa lòng nhiệt huyết với cách mạng, tích cực ủng hộ các phong trào: Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, Câu lạc bộ Thể dục thể thao… Ông tâm sự: Về chính trị thì không biết gì. Ghét Pháp nhưng cũng gờm Pháp. Muốn làm lợi cho dân nhưng không biết đi với dân, thiếu thầy thiếu bạn[8]. Chính vì lẽ đó, ông chỉ biết tập trung vào làm chuyên môn với các Thiết kế và nghiên cứu nhiều công trình như hồ nước Cam Ly, Đà Lạt; Thủy Thiện, Bình Định; Thủy điện Ankroet, Đà Lạt; dự án cảng Cam Ranh, các công trình bảo vệ bờ biển, Xây dựng hệ thống cung cấp nước trong nhiều thành phố từ Quảng Ngãi vào Phan Thiết, Bình Thuận[9]. Ông tâm niệm phải làm cho bằng được những công trình kiến thiết có lợi cho nước nhà, làm một cách độc lập, không cần dựa vào Pháp. Sau này nước nhà độc lập, người Việt Nam sẽ tự điều khiển cho được cơ quan công chính và đẩy mạnh xây dựng trong các lĩnh vực.

Tình bạn đáng quý

Trong hoàn cảnh lúc đó, ông đã gặp được người bạn cùng chí hướng -Hoàng thân Souphanouvong. Hoàng thân Souphanouvong sinh năm 1909, là con trai của Hoàng thân Bounkhong của Vương quốc Lào. Năm 11 tuổi, Souphanouvong sang Hà Nội học ở trường Albert Sarraut. Năm 1930, Souphanouvong cùng thái tử Savang Vatthana[10]và Hoàng thân Souvanna Phouma[11] sang Pháp du học. Năm 1937, Hoàng thân Souphanouvong tốt nghiệp trường Quốc gia cầu đường Paris và được phân sang Việt Nam đảm nhiệm chức Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang. Dấu ấn các công trình thủy lợi do Hoàng thân Souphanouvong thiết kế trên đất Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay như tháp nước Phan Thiết, Bình Thuận; đập Bái Thượng ở Thanh Hóa…

Ban đầu, kỹ sư Trần Đăng Khoa và Hoàng thân Souphanouvong chỉ là đồng nghiệp cùng làm trong một công sở. Do chính sách chia rẽ của Pháp nên ông Souphanouvong có ấn tượng không tốt về người Việt. Một lần, ông Khoa đến phòng làm việc của Hoàng thân trao đổi về kiến thức chuyên môn về xây dựng các công trình thủy lợi, cầu đường. Thấy trên giá sách có cuốn Le Laos – Francais (Lào – Pháp), ông Khoa ngỏ ý mượn về đọc. Lúc đầu ông Souphanouvong lưỡng lự, sau nể ông Khoa nên cho mượn. Tác giả cuốn sách là người Pháp, nội dung viết không khách quan về người Việt và người Lào, thậm chí còn nói xấu. Trong cuốn sách, ông Souphanouvong còn viết thêm một câu “C’est bien Annamite” (tạm dịch: « Đúng là người An Nam »). Ông Khoa nhận thấy phải thay đổi cách suy nghĩ của vị Hoàng thân này.

Ảnh cưới Hoàng thân Souphanouvong và bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, khoảng năm 1938

Khoảng năm 1938, Hoàng thân Souphanouvong lập gia đình với bà Nguyễn Thị Kỳ Nam. Đám cưới được tổ chức ở một khách sạn tại Nha Trang với sự tham dự đầy đủ của quan chức Pháp nhưng vắng bóng quan lại Việt Nam dù đã gửi thiệp mời rất trang trọng. Sự việc này khiến ông Souphanouvong rất tức giận. Sau ông Khoa đã phân tích cho ông Souphanouvong về âm mưu của Pháp nhằm cản trở người Việt thân thiết với người Lào. Đồng thời khuyên ông Souphanouvong đấu tranh để Pháp phải cho tổ chức một đám cưới mang phong cách Lào. Kết quả người Pháp phải nhượng bộ và một đám cưới theo truyền thống được tổ chức ở khách sạn Nhà Ga, Nha Trang với sự tham dự đông đảo của bạn bè người Việt.

Từ đây, tình bạn hai ông Trần Đăng Khoa và Souphanouvong ngày càng thân thiết. PGS Trần Thị Hoàng Ba – con gái kỹ sư Trần Đăng Khoa nhớ lại: Khi đó tôi 11 tuổi (sinh năm 1929) thường được cha mẹ dẫn đến nhà ông Souphanouvong ăn cơm vào dịp cuối tuần. Thông thường, trong các bữa ăn sẽ có một món Lào, một món Việt hoặc một món Pháp, một món Việt. Hoàng thân có đặc điểm là rất thích ăn cay. Mỗi bữa phải để cả đĩa ớt tươi trên bàn và hoàng thân cầm 2-3 quả ăn một lúc[12].

Một hôm Quan Án sát Khánh Hòa Nguyễn Tiến Lãng đến chơi nhà ông Souphanouvong nhưng không gặp. Hôm sau đến công sở, ông Souphanouvong hỏi kỹ sư Trần Đăng Khoa có nên đến nhà Quan Án thăm đáp lễ không ? Ông Khoa khuyên là không cần thiết. Mấy hôm sau, ông Lãng gặp Hoàng thân nói rằng mấy hôm trước có đến nhà chơi nhưng không gặp. Hoàng thân chỉ đáp lại: Ah oui (À vâng), khiến Quan Lãng bị phen bẽ bàng. Có lần ông Khoa và Hoàng thân đi chèo thuyền qua sông Cái, Nha Trang. Ông Souphanouvong liền nhảy xuống sông bơi lội nhưng không may bị chuột rút. Thấy tiếng kêu cứu, ông Khoa vội bơi đến để đưa vào bờ. Sau lần thoát chết đó, tình cảm hai người càng thêm thân thiết. Có lần ông Khoa đến nhà ông Souphanouvong ăn cơm, Hoàng thân thường nói với các con rằng: Đây là người đã cứu cha[13].

Bộ trưởng Trần Đăng Khoa (đứng thứ 2 từ trái) cùng Trung ương Đảng và Bác Hồ ở ATK Sơn Dương,

Tuyên Quang (1948-1950)

Năm 1945, Hoàng thân Souphanouvong ra Hà Nội gặp Bác Hồ và được Người khuyên trở về Lào xây dựng lực lượng cách mạng chống Pháp. Ông Trần Đăng Khoa được mời ra Hà Nội và tham gia Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng Bộ giao Giao thông công chính. Tháng 12-1946, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Theo PGS Trần Thị Hoàng Ba: Dù bận công việc khác nhau nhưng tình bạn hai ông vẫn rất khăng khít, thường gửi thư trao đổi[14]. Tháng 3-1951, Hoàng thân Souphanouvong lên Việt Bắc tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt cũng tranh thủ đến thăm ông Trần Đăng Khoa đang sống ở thôn Móc Dòm, xã Tuân Lộ, Sơn Dương, Tuyên Quang. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông Trần Đăng Khoa tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi – Kiến trúc (1955-1958), Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (1958-1960), Phó Chủ tịch Quốc hội (1960-1981). Bên đất nước Lào, Hoàng thân Souphanouvong tiếp tục lãnh đạo Chính phủ kháng chiến và lực lượng Pathet Lào chống lại Chính phủ thân Mỹ. Năm 1975, Quân đội Pathet Lào giành chiến thắng, lập ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Hoàng thân Souphanouvong làm Chủ tịch.

Trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, tình bạn hai ông vẫn bền chặt. Tháng 10-1982, khi ở tuổi 75, ông Trần Đăng Khoa vẫn làm thơ rồi tự dịch sang tiếng Pháp gửi tặng Hoàng thân Souphanouvong. Qua những vần thơ, ông muốn cùng Hoàng thân ôn lại kỷ niệm và ước mơ một thời sống và làm việc ở Nha Trang.

Ước mơ thuở nọ, nhớ Nha Trang!

Hiện thực ngày ngay hiện rõ ràng

Cách mạng long trời và chuyển đất

Cho xuân, xuân mãi rạng giang san

           Ông cũng là dịch giả bản tiếng Pháp:

Nos rêves d’Au trefois- Ô beau Nha Trang

  Se réalisent aujourd’hui dán la réalité vivante

La Révolution fait trembler le Ciel et la Terre

                    Pour que le Printemps s’eternise et embellisse monts et rivieres.

Ngô Văn Hiển

__________________________

* Trần Đăng Khoa (1907-1989), nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (1958-1960), Phó Chủ tịch Quốc hội (1960-1981)

[1] Nay thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

[2] Theo chương trình giáo dục thời Pháp thuộc, tham khảo thêm nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/06/17/thi-cu-va-giao-duc-viet-nam-thoi-phap-thuoc-p1/.

[3] Hồi ký của KS Trần Đăng Khoa, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 16.

[4] Alexandre Varenne (1870 – 1947) là một nhà báo và chính trị gia người Pháp. Ông là người sáng lập tờ báo La Montagne. Toàn quyền Đông Dương từ năm 1925 đến năm 1928.

[5] Phó Đức Chính (1907-1930), nhà cách mạng Việt Nam, một trong những người sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng.

[7] Hồi ký của KS Trần Đăng Khoa, tr. 18, đã dẫn.

[8] Hồi ký của KS Trần Đăng Khoa, tr. 20, đã dẫn.

[9] Hồi ký của KS Trần Đăng Khoa, tr. 19, đã dẫn.

[10] Savang Vatthana (1907-1984), Quốc vương cuối cùng của Lào giai đoạn (1959-1975).

[11] Souvanna Phouma (1901-1984), Thủ tướng Lào nhiều lần (1951-1952, 1956 – 1958, 1960 và 1962 – 1975.

[12] Tài liệu ghi âm PGS Trần Thị Hoàng Ba ngày 17-5-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[13] Tài liệu ghi âm PGS Trần Thị Hoàng Ba ngày 17-5-2021, đã dẫn.

[14] Tài liệu ghi âm PGS Trần Thị Hoàng Ba ngày 17-5-2021, đã dẫn.