GS Nguyễn Tụ, sinh ngày 4-11-1928 tại Việt Trì, Phú Thọ. Ông nguyên là Phó Giám đốc Học viện Quân y. Ông được biết đến là một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y học quân sự như: Nghiên cứu bảo đảm quân y cho các hình thức chiến thuật; Tổ chức đảm bảo quân y cho các hình thức chiến dịch trong chiến tranh…
GS Nguyễn Tụ trong buổi làm việc, ngày 30-9-2014
Từ cuối năm 1965 đến tháng 7-1976, bác sĩ Nguyễn Tụ công tác và chiến đấu tại Tây Nguyên với vai trò là Chủ nhiệm quân y chiến trường B3. Ấn tượng đầu tiên khi ông vào Tây Nguyên đó là tình trạng sốt rét và thiếu thốn lương thực do tình hình chiến sự và địa hình rừng núi của vùng đất này.
Trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Tụ cùng với các đồng nghiệp đã xây dựng mạng lưới hệ thống tổ chức quân y Tây Nguyên để có thể cứu chữa kịp thời cho thương binh, bệnh binh đảm bảo theo tuyến, từ cấp tiểu đội lên đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn rồi đến sư đoàn theo từng khu vực.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, bác sĩ Nguyễn Tụ cùng với bác sĩ Lê Cao Đài và các đồng nghiệp khác vẫn tổ chức nghiên cứu khoa học. Các ông đã cho ra đời tập “Nội san Quân y Tây Nguyên” và các tài liệu phổ biến kinh nghiệm xử trí vết thương; phổ biến quy định về cấp cứu nội khoa ở chiến trường… Với hàng trăm cán bộ quân y vào chiến trường, chủ yếu là những y, bác sĩ có trình độ của Viện Quân y 103, Viện Quân y 108, nên ngay từ cuối năm 1970, với vai trò là Chủ nhiệm quân y chiến trường B3, ông đã đề nghị với Tư lệnh Mặt trận Hoàng Minh Thảo cho thành lập Hội đồng Y học quân sự Tây Nguyên. Với sự ra đời của Hội đồng Y học và cuốn Nội san Quân y được xuất bản đều đặn mỗi quý, các đồng nghiệp đã có cơ hội giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học ngay tại chiến trường và trao đổi các thông tin hữu ích phục vụ chuyên môn.
Trong ký ức của GS Nguyễn Tụ, Tây Nguyên đã từng là một chiến trường ác liệt, nhiều hi sinh nhưng chứa đựng nhiều kỉ niệm về tình người, tình đồng chí.
Nguyễn Thúy Tiềm