Ngăn ban công để nuôi gà
Với những người đã trải qua cuộc sống thời bao cấp, việc nuôi gà ở ban công hay nuôi lợn trong nhà tắm là một bức tranh bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên, dù hậu thế nghe lại thì có thể xem đó là một chuyện đùa được cha ông mình kể cho vui.
Là một bác sĩ chuyên khoa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh, Quân y viện 108, cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội (1950-1957), Lê Văn Tiến có một gia đình êm ấm với vợ (bà Phùng Thúy Nga – một giáo viên trung học) và các con tại một căn phòng nhỏ ở nhà D5, khu tập thể lắp ghép Quỳnh Mai, Hà Nội. Sự chật chội của không gian chưa phải là vấn đề nan giải nhất trong vô vàn sự khó khăn khác. Lương của một bác sĩ và một giáo viên không đủ nuôi cả gia đình mà các công việc làm thêm khác để có thu nhập thì không đơn giản. Bắt chước một số gia đình khác, cô giáo Phùng Thúy Nga cũng nghĩ đến chuyện chăn nuôi gà để tăng thêm thịt, trứng cho gia đình. Trong căn phòng nhỏ đã có 7 con người sinh sống (gồm vợ chồng ông, mẹ ông và 4 người con), có thể nuôi gà ở chỗ nào khi vườn thì không có?
“Thấy một số nhà ngăn ban công ra rào lại để nuôi gà, nhà tôi cũng học làm theo. Hơn 2m2 ban công được rào lại và nuôi mỗi lần cũng được chục con gà. Cho gà ăn các thứ phế phẩm trong nhà, từ rau cỏ đến những thứ gì người ăn thừa ra mà gà có thể ăn được. Ấy vậy mà gia đình cũng khá hơn một chút nhờ vào mấy con gà” – PGS Lê Văn Tiến chia sẻ.
“Nhà đã chật chội, người thì đông, có thêm chục con gà nhiều khi cũng bất tiện, nhất là khi chúng đói mà đòi ăn thì kêu nghe khó chịu. Nhưng nghe lắm rồi cũng quen, thành ra lại vui”.
Ngày đi mổ cho bệnh nhân, đêm về trộn bột làm bánh
Năm 1983, Bác sĩ Lê Văn Tiến mổ thoát vị đĩa đệm cho một bệnh nhân tên là Mùi ở phố Hàng Chiếu. Chẳng biết là cơ may của bệnh nhân hay bác sĩ nhưng sau ca mổ thành công, bà Mùi đến thăm để cảm ơn gia đình ông. Thấy gia đình vị ân nhân của mình nghèo khó quá nên bà tìm cách giúp đỡ. Vốn là con gia đình tiểu tư sản, bà Mùi có cửa hàng làm và bán bánh ở phố Hàng Đường. Để giúp đỡ gia đình bác sĩ Tiến, bà Mùi đến dạy cho vợ con ông nghề làm bánh, sau đó cung cấp nguyên liệu cho gia đình ông và nhận tiêu thụ toàn bộ bánh do gia đình ông làm được để gia đình có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Bác sĩ Lê Văn Tiến nhớ lại:
“Từ hôm học được nghề làm bánh, gia đình tôi rộn ràng hơn. Mọi người trong gia đình, từ mẹ tôi, vợ và con tôi đều tham gia làm bánh. Là bác sĩ, ngày tôi làm việc ở bệnh viện, mổ cho các bệnh nhân, tối tôi về làm nghĩa vụ gia đình, tức là cà bột, trộn bột để vợ con làm bánh. Không khí gia đình luôn rộn ràng vì ai cũng lao động, cũng làm việc”… “Việc làm bánh lúc đó, khó nhất là mua bột mì thì bà Mùi đã cung cấp, gia đình chỉ đi mua củi, than và đường. Vào thời điểm đó, những thứ này không quá khó mua như một số thực phẩm khác như gạo, thịt, cá… Chỉ cần có ít tiền lên chợ Hàng Bè là mua được đường”.
“Trong nền kinh tế bao cấp, không chỉ Việt Nam mà các nước XHCN khác cũng gặp khó khăn”
(BS Lê Văn Tiến cùng GS K.R. Guiozob đang chuẩn bị một bữa cơm, Bungari, 1977-1978).
Hàng đêm, cả nhà quây quần, mỗi người một việc tham gia làm bánh để cải thiện đời sống. Sáng ra ai nấy lại đi làm việc. Riêng vợ ông là giáo viên trường Trung học Nguyễn Công Trứ trên đường đi dạy lại mang bánh lên Hàng Đường giao cho bà Mùi. Công việc vất vả nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình người: “Có lần, do cả gia đình đều mệt nên làm ra một mẻ bánh kém chất lượng. Cả nhà đều lo không biết phải làm sao để giải quyết. Thông báo cho bà Mùi biết, bà Mùi đã bảo vợ chồng tôi cứ đưa lên bà vẫn nhận bánh và sử dụng để làm nhân loại bánh khác. Tuy giải quyết được nhưng cả nhà vẫn được bữa không ăn không ngủ”.
Cuộc ra đi đầy trăn trở
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 quyết định đổi mới đất nước và mở cửa nền kinh tế để phát triển. Đó là một bước ngoặt lịch sử. Tuy nhiên, sự thay đổi diễn ra không thể một sớm một chiều. Đến cuối những năm 1980, đời sống của người dân vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, ảnh hưởng của kinh tế bao cấp vẫn còn nặng nề. Trong thời kỳ khó khăn đó, với chủ trương cử cán bộ Việt Nam đi làm chuyên gia ở nước ngoài, mà chủ yếu là ở các nước châu Phi, một số giảng viên các trường Đại học, các bác sĩ… đã đăng ký để được cử sang Châu Phi làm chuyên gia như là một phương án để giải quyết khó khăn cho cuộc sống gia đình.
Hồi tưởng lại những tháng ngày góp phần xây dựng ngành Vi phẫu thuật Việt Nam
(PGS Lê Văn Tiến bên chiếc máy đốt điện đầu tiên ở Việt Nam do ông mang từ Bungari về năm 1978)
Sau bao nhiêu nỗ lực từ “tăng gia sản xuất nông nghiệp” (nuôi gà ở ban công) đến phát triển thủ công nghiệp (làm bánh vào ban đêm) mà đời sống của một gia đình trí thức vẫn không khá lên được, năm 1989, cùng với một số chủ nhiệm khoa ở Quân y viện 108 như bác sĩ Trần Đức Hòe (đi Angieri), bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản (đi Congo), bác sĩ Nguyễn Thị Mẫu Đơn (đi Congo)… bác sĩ Lê Văn Tiến đăng ký đi chuyên gia châu Phi. Nơi ông đến là đất nước Angola. Và ông làm việc ở đó đến năm 2004 mới về nước.
Lúc đó, là bác sĩ đầu ngành nên đi chuyên gia, ông được trả lương là 100 đô la một tháng. Trừ một số chi phí khác thì vẫn còn gấp nhiều lần so với lương ông đang được hưởng trong nước. Đi chuyên gia đồng nghĩa với việc những khó khăn gia đình được giải quyết dần. Nhưng đó cũng là một nỗi niềm mà ông luôn trăn trở trong lòng. Đã bao năm gắn bó với công việc ở bệnh viện, góp một phần công sức để xây dựng ngành Phẫu thuật thần kinh ở Viện Quân y 108. Nay bỏ tất cả để ra đi… , ông chia sẻ:
“Đó là một quyết định khó khăn. Đứng trước sự lựa chọn đi làm để có kinh tế chăm lo cho gia đình và tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp mà mình tâm huyết quả thật khó lựa chọn. Lúc đó, phẫu thuật thần kinh mà tôi tâm huyết đang lớn mạnh do đưa vào những kỹ thuật vi phẫu vào để khám chữa bệnh. Tôi đã mong mỏi điều này từ những năm còn đi thực tập sinh ở Bungari. Nhưng rồi cuối cùng, thấy vợ con khổ quá nên quyết định ra đi. Đến giờ tôi vẫn trăn trở không biết mình đã quyết định đúng hay không!”.
Tất cả đều trôi vào quá khứ, thời bao cấp cũng vậy, nhưng ký ức của mỗi con người thì vẫn còn nguyên vẹn. Và nó trở thành một phần trong cuộc đời của họ. Như PGS Lê Văn Tiến nói, “ký ức không phải đưa ra để đánh giá mà kể lại để cho thế hệ sau biết rằng thế hệ trước đã kinh qua những tháng ngày như thế”./.
Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam