Ký ức Điện Biên

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch cuối cùng trong lịch sử Kháng chiến chống Pháp. Đã hơn 50 năm trôi qua, đội ngũ chiến sỹ quân y ở Đội điều trị 4 thời đó một số đã không còn, số còn lại cũng đã ở cái tuổi “U70” và trên 70. Nhưng hàng năm, mỗi lần gặp lại nhau trong các buổi họp mặt truyền thống của Đội, ký ước về những lần phục vụ chiến dịch lớn lại được khơi dậy với tâm trạng hào hùng, phấn khởi. Và trong vô vàn những kỷ niệm, ký ức Điện Biên Phủ bao giờ cũng trỗi dậy, rõ rệt nhất với những điểm “ độc đáo” mà các chiến dịch khác không có.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân (người đứng hàng đầu bên phải) tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân 

tháng 4/1952

Cuộc hành quân dài ngày, cấp tốc và bí mật nhất.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953 Đại đoàn 304 ( gồm C9 và 54 ) từ Thanh Hoá hành quân về Ngọc Lạc, Suối Rút rồi theo đường 41 lên Mộc Châu. Đến Mộc Châu, đơn vị bỏ lại đường 41 rẽ vào một con đường mới làm, từ đó cứ theo hướng Đông đi mãi.

Gần một tháng trời, chúng tôi cứ đi gấp rút, ngày nghỉ trong rừng, đêm tối hành quân, đi mãi trong rừng vắng không biết mình đi đâu, qua những đâu, vượt qua bao nhiêu núi đèo.

Cuộc hành quân càng ngày càng gian khổ hơn, mọi người đã thấm mệt, đôi bàn chân đã phồng dộp trong những đôi dép râu, nhất là những anh chị có gồng gánh, xoong nồi, trang thiết bị kỹ thuật. Cuộc hành quân cấp tốc, gần như vừa đi, vừa chạy, chân bước gấp nhưng miệng vang những câu hò động viên nhau bằng đủ thứ giọng: giọng Bắc, giọng Thanh Hoá, giọng Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đêm 25 tháng 12 đến bến đò Chí Chủ (Phú Thọ), Đại đoàn nhanh chóng qua sông Lô bằng hàng trăm thuyền, mảng của đồng bào địa phương đã chờ sẵn. Đơn vị tiến vào một khu rừng già, không biết thuộc địa phương nào, im ắng trú quân ở đó, sốt ruột đợi lệnh. Sau đó mới biết Đại đoàn được lệnh giấu quân ở một địa điểm quan trọng của tỉnh Phú Thọ để đề phòng âm mưu mạo hiểm của địch đánh ra hậu phương ta.

Và rồi ngày vui cũng đã đến, sau ngày 5 tháng 1 năm 1954 – ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đại đoàn tại khu rừng trú quân và trực tiếp ra lệnh cho Đại đoàn 304: điều động Trung đoàn 57 lên Điện Biên Phủ, Trung đoàn 9 tiếp tục đóng quân tại Phú Thọ.

Trung đoàn 57 lập tức lên đường và bộ phận của Đội điều trị 4 theo sự chỉ huy cũng “vội vã hành quân”. Dọc đường hành quân, bộ phận này được lệnh hành quân gấp để nhận bàn giao một trạm thương binh ở Tuần Giáo. Đến đây lại được lệnh: để lại một bộ phận phụ trách và chăm sóc số thương, bệnh binh đang nằm ở trạm, còn bộ phận phẫu thuật và một số nhân viên tiếp tục hành quân theo Trung đoàn 57 lên Hồng Cúm! Thế là lại chia tách, lại xé nhỏ. Đội điều trị 4 gồm bộ phận buồng mổ và khu trọng thương vội vã hành quân tiếp để đến trung tuần tháng 2 -1954 mới tới được địa điểm phục vụ, đó là ngoại vi vùng cứ điểm Hồng Cúm.

Như vậy, tính từ ngày rời hậu phương Thanh Hoá, Đội điều trị 4 đã hành quân dã ngoại hơn 2 tháng, một kỷ lục cả về thời gian và quãng đường hành quân.

Phẫu thuật tất cả ở dưới lòng đất.

Nơi triển khai hoạt động của Đội điều trị 4 cách Hồng Cúm không xa (khoảng vài ba km đường chim bay), trên một triền núi thoai thoải, quay lưng về phía Hồng Cúm. Đơn vị phân ra làm ba bộ phận: tổ chọn lọc, phân loại và chuẩn bị phẫu thuật. Buồng mổ và khu trung, trọng thương bố trí cách nhau khá xa nhưng được nối với nhau bằng một hào giao liên thông suốt, chiều dài của địa điểm triển khai các bộ phận: một đầu ra thẳng trận địa, một đầu đi về phía sau.

Nơi triển khai các bộ phận chuyên môn là những hầm nằm trong lòng núi, giường nằm của các thương, bệnh binh là những “ hàm ếch” khoét sâu trên những vách hầm hào, mặt giường đất trải lá, lát phên nứa phủ một lớp dù. Tổ chọn lọc là nơi tiếp xúc đầu tiên với thương binh, khám vết thương, phân loại ( nặng, nhẹ) để chuyển đến các bộ phận thích hợp. Thương binh nặng bị sốc cũng sơ bộ hồi sức tại đây. Thương binh cần phẫu thuật được vệ sinh, thay quần áo bẩn, cạo lông tóc (nếu cần thiết), rồi theo nhu cầu chuyển sang bộ phận phẫu thuật hoặc về khu thu dung trung, trọng thương. Khinh thương (bị thương nhẹ – BT) được hướng dẫn đi ngay về thu dung khinh thương do quân y Đại đoàn phụ trách ở ngay mặt trận để nhanh chóng bổ sung quân số.

Bộ phận buồng mổ là một hầm rộng, có lối ra vào hai chiều, cũng khoét sâu trong vách núi, đủ chỗ triển khai hai bàn mổ và một nơi rửa tay của phẫu thuật viên. Nền buồng mổ lúc đầu lót bằng phên nứa, sau thấy có nhược điểm khó làm vệ sinh nên được thay đổi bằng cách trải một lớp dù hoa để dễ giặt phơi và làm vệ sinh. Nhân viên buồng mổ đi chân trần không guốc dép. Buồng mổ được trang bị bằng hai lớp dù: lớp ngoài (sát vách đất) là lớp dù hoa, lớp trong là dù trắng. Trong buồng mổ đặt hai khung bàn mổ: một để đặt thương binh phẫu thuật, một để chuẩn bị cho thương binh ca sau.

Mặt bàn mổ là một mặt chõng, đặt vừa trong khung bàn mổ. Ngay từ ở khu chọn lọc – phân loại sau ca mổ, thương binh lại được chuyển trên mặt chõng này về khu điều trị mới phải chuyển sang giường bệnh. Đèn mổ là hai đèn pha xe đạp, nguồn điện phát ra từ một dynamo xe đạp (12V) nắp trên khung xe và được một y tá hoặc dân công ngồi quay tay. Ánh sáng buồng mổ, ngách rửa tay là mấy chiếc đèn bão (đơn vị có đèn măngsông nhưng thường không đủ mạng đèn nên không sử dụng được thường xuyên).

Khu điều trị cũng là một cái hầm rỗng, những giường thương binh cũng chủ yếu khoét dọc trên vách hào, ngang dọc chằng chịt trong phạm vi khu điều trị.

Như vậy, điều đáng nhớ nhất là tất cả các nơi làm chuyên môn cũng như nơi nằm của thương binh đều ở trong lòng đất và thông ra giao thông hào chiến đấu. Đầu tháng tư bắt đầu mùa mưa ở Điện Biên Phủ, lòng hào giao thông là một lớp bùn nhão, có chỗ có lúc ngập hết lòng bàn chân, việc đi lại khó khăn đã đành nhưng vấn đề đảm bảo vệ sinh trước, trong và sau phẫu thuật rất khó khăn. Một đặc điểm nữa là ở tất cả các nơi triển khai chuyên môn và vách làm giường nằm của thương binh đều được trải lót bằng dù thu nhặt được và chuyển từ mặt trận về. Chỉ phẫu thuật khâu vết mổ cũng là dù sợi nhỏ tháo gỡ ra từ những chiếc dù tiếp tế của quân Pháp mà ta thu được. 

Đây là chiến dịch các thương binh được can thiệp phẫu thuật sớm nhất.

Các thương tích nặng như vết thương bụng, ngực, sọ não, thương tích xương khớp lớn hầu hết được xử trí trong vài ba tiếng đầu sau khi bị thương. Có được thuận lợi này là do thế trận ở Điện Biên Phủ: địch bị ta bao vây trong một thế bất lợi (ở trong lòng chảo), phi pháo của địch bị pháo binh và phòng không của ta khống chế . Các cơ sở cấp cứu phẫu thuật của ta tiếp cận được với tuyến chiến đấu và được hầm hào bảo vệ an toàn.

Đây là thuận lợi rất quan trọng: thương binh được đưa về sớm nên ít xảy ra biến chứng “sốc nặng” (do đau đớn, chảy máu, mất máu kéo dài dọc đường vận chuyển) và tình trạng nhiễm trùng nặng cũng hầu như không gặp, kể cả trong những thương tích nội tạng nặng (vết thương tạng rỗng, hoặc xương khớp lớn: gẫy vỏ xương lớn, dập nát chi).

Một thuận lợi lớn khác nữa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là ngoài trang bị thuốc men được tăng cường hơn nhiều chiến dịch trước, Đội điều trị 4 chúng tôi trong thời gian hoạt động ở Hồng Cúm cũng được tiếp tế khá nhiều thuốc quý như thuốc kháng sinh, huyết thanh khô, huyết thanh chống uốn ván, dụng cụ phẫu thuật, bông băng, bột bó gẫy xương do địch thả dù rơi sang trận đại ta hay do ta lấy được, ngay cả khi dù rơi trong hàng rào thép gai của vị trí địch.

Nhờ những thuận lợi quan trọng trên nên diễn biến sau những phẫu thuật lớn, như phẫu thuật nội tạng bụng, ngực (phẫu thuật cắt đoạn ruột, khâu vết thương gan, khâu vết thương nhu mô phổi, các phế mạc, cắt lọc vết thương xương khớp lớn), phẫu thuật sọ não…, hầu hết đã qua khỏi mặc dù kỹ thuật ngoại khoa, so với các chiến dịch trước không có tiến bộ gì đột xuất. Đáng ghi nhận nhất là, một số ít vết thương đại tràng nhỏ gọn được xử trí sớm đã được mạnh dạn khâu kín kỳ đầu và thận trọng cách ly miệng khâu ra túi phúc mạc cũng diễn biến an toàn, không bục mạc, không sợ rò. Đến thời điểm hiện nay, trong một cuộc họp mặt thường niên của Đội điều trị 4, chúng tôi còn được gặp lại một trong những thương binh đó nay là một đại tá đã nghỉ hưu.

Chiến dịch có nhiều thương binh bị vết thương sọ não nhất.

Rõ ràng cơ cấu thương tích này xuất hiện do trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn bộ đội của ta hoạt động dưới hầm hào, phần dưới cơ thể được che chắn còn phần đầu và ngực bị lộ, lại chưa có mũ sắt bảo vệ. Còn nhớ có đêm phải mổ năm đến bẩy vết thương sọ não liền, kìm gắn xương không kịp hấp phải khử trùng bằng đun sôi kỹ.

Kỹ thuật xử trí lúc đó là cắt lọc, mở rộng lớp da đầu, gặm mở rộng lỗ vỡ xương sọ, nhẹ nhàng bơm rửa ống thương tích trong não bằng huyết thanh ấm cho các dị vật nhỏ, chất não dập nát, cục máu bị dồn ra ngoài. Có hôm huyết thanh tiếp tế không đủ đã phải đun sôi kỹ tuyệt trùng nước muối thường để nguội dùng thay thế. Xquang hồi đó chưa có để tìm thấy mảnh xương, mảnh đạn nhỏ nằm sâu trong não, vì vậy không có cách nào khác là nhẹ nhàng luồn ngón tay theo ống thương tích vào sâu trong vết thương và bằng cảm giác đụng chạm mà xác định vị trí của mảnh xương, mảnh đạn và cũng nhẹ nhàng khều gạt những dị vật đó ra bằng động tác của đầu ngón tay. Đáng ghi nhớ là trước khi chiến dịch mở màn, Cục quân y và Bộ Quốc phòng đã tổ chức một cuộc tập huấn ngắn về xử trí vết thương sọ não ở Đội điều trị 4 cho tất cả các phẫu thuật viên phục vụ tại mặt trận, do Giáo sư Tôn Thất Tùng – cố vấn Ngoại khoa của Bộ Quốc phòng phụ trách. Việc làm đó chứng tỏ: tầm nhìn xa trông rộng của ngành Quân y và Bộ Quốc phòng thời đó.

Trang bị thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ như vậy nhưng thật lạ lùng và khó giải thích: tại sao nhiều vết thương nặng thời đó vẫn qua được mặt tử thần? Không ít đồng chí đã trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Và cho tới những năm 70, ở Bệnh viện chấn thương, chỉnh hình tuyến cuối- Viện 109 ở Vĩnh Yên vẫn thỉnh thoảng gặp lại những thương binh thời Điện Biên Phủ, đã nhiều năm các anh trở về với đồng ruộng đến khám lại tỷ lệ thương tật với những khoảng khuyết sọ bằng lòng bàn tay, với mảng sẹo da đầu, phập phồng theo nhịp đập của mạch máu.

Cứu chữa cho thương binh của quân đội Pháp.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các đơn vị nhanh gọn rút quân. Đội ngũ quân y ở Mường Thanh và Hồng Cúm được giao nhiệm vụ ở lại chăm sóc cho thương binh địch để chờ tổ chức trao trả họ về Hà Nội.

Một số cán bộ của Đội điều trị 4 chúng tôi vào Hồng Cúm tiếp nhận các hầm chứa thương binh địch. Hình ảnh đầu tiên là một khung cảnh “ kinh hoàng” còn ấn tượng mãi nhiều năm sau: các hầm sâu lờ mờ ánh sáng, nồng nặc mùi hôi thối của phân rác, của bông băng đẫm máu mủ của các vết thương nhiễm khuẩn quện lẫn mùi ê-te được tưới vội lên các vết thương để chống ruồi bọ. Thương binh địch nằm trên những giường cánh lắp 2-3 tầng, tất cả thân trần, chỉ mặc trên người một mảnh xilíp. Mặt đất trong hầm là lớp bùn nhão, trong góc các hầm, dưới gầm các giường cáng là đống bông băng, những mảnh bột bó cắt tháo bỏ, những vỏ đồ hộp. Thương binh Pháp đã cả tháng ròng phải sống trong địa ngục này. Tất cả thương binh địch đã reo hò vui mừng vì được “sống lại” vào ngày chúng tôi huy động lực lượng “giải thoát cho họ” lên những lều bạt căng trên mặt đất.

Tôi nhớ mãi buổi tôi mổ cắt chi cho một lính da đen bị biến chứng hoại thư. Đang lúc cưa cái xương đùi vừa to, vừa cứng bằng cái cưa cùn duy nhất của bộ đồ mổ thì nghe xôn xao ở ngoài cửa hầm. Một chiến sĩ báo cáo: một sỹ quan da trắng phản đối vì ta mổ cho lính da đen trước mà không mổ cho sỹ quan của chúng. Khi chúng tôi giải thích: Đây là chính sách nhân đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với quy định người bệnh nặng mổ trước, người nhẹ mổ sau không phân biệt cấp bậc, màu da, lần lượt các trường hợp cần thiết sẽ được mổ hết, thì nổ vang lên tiếng reo hò vui mừng của binh lính địch. Một số lính da đen hét to: chúng tôi tình nguyện dẫn các ông đi thu hồi những hầm thuốc men mà chúng tôi cất giấu. Xin đừng ngạc nhiên về những cuộc giao tiếp với lính Pháp kể trên vì đa số cán bộ, nhân viên quân y chúng tôi thời đó đã là sinh viên phải học bằng tiếng Pháp.

Nhiệm vụ chăm sóc thương binh địch hoàn thành sau gần một tháng. Chúng tôi đã chuyển hết toàn bộ số thương binh địch lên Mường Thanh không để xẩy ra sự cố nào cho đến khi trao trả cho phía Pháp.

Ký ức Điện Biên Phủ của cán bộ, chiến sỹ Đội điều trị 4 chúng tôi tươi sáng, hào hùng như vậy đó. Ký ức ấy chúng tôi lưu giữ mãi và nó sẽ trường tồn trong những kỷ niệm, những bức ảnh mang đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử của dân tộc. 

GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân*

Nguyên Đội trưởng Đội điều trị 4 Đoàn 304

Theo tư liệu hiện đang lưu trữ tại Trung tâm CPD
*Chuyên gia đầu ngành về Chấn thương – Chỉnh hình Quân đội

Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108