Từ Kí ức Điện Biên…
“Ký ức Điện Biên” được GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân viết ngày 1-3-2004 sau 50 năm khi ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian đã trôi qua nhưng những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch vẫn theo ông, bởi vậy ngay trang đầu ông viết: “Trong vô vàn kỷ niệm ấy, ký ức Điện Biên Phủ bao giờ cũng trỗi dậy rõ nét nhất với những điểm “độc đáo” mà tất cả các chiến dịch trước không có”. “Ký ức Điện Biên” được viết tay, 9 trang trên giấy A4 và đăng trên tạp chí Y học Quân sự số 2-Số chuyên đề Quân y phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2004. Qua những trang viết này thế hệ trẻ thấy được quá trình vượt khó khăn để trưởng thành trong nghề ngiệp và hình thành lối sống đẹp của thế hệ cha anh đồng thời giáo dục tư tưởng, y đức, xây dựng hoài bão, ước mơ cho thế hệ sau.
GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân sinh năm 1924 tại Hà Nội. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi đang học Đại học Y Hà Nội (1945-1950). Tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông đã làm y sỹ và giữ vai trò Đội trưởng của Đội điều trị 4 (ĐT4) Đại đoàn 304. Nếu như các chiến sỹ khác cầm súng thì ông lại cầm dao mổ, hàng trăm hàng nghìn ca phẫu thuật được ông thực hiện thành công trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp để cứu sống các thương bệnh binh.
Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm nhưng đó cũng là cơ hội để ông có dịp thực hành những kiến thức đã học và tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Ông phải đối mặt với “cuộc hành quân dài ngày, cấp tốc, bí mật nhất”, nhiều loại thương tích nhất: vết thương sọ não, vết thương nội tạng, bụng, ngực… , sự thiếu thốn về trang thiết bị y tế trong phẫu thuật cho thương bệnh binh, ông viết:“Nơi triển khai các bộ phận chuyên môn là những hầm khoét sâu trong lòng núi, giường nằm của bệnh nhân là những “hầm ếch” khoét sâu trên những vách hầm hào, mặt giường trải lá, lát phên nứa phủ một lớp dù" và "Nhân viên buồng mổ đi chân trần không guốc dép”, “mặt bàn mổ là một mặt chõng”, “ ánh sáng buồng mổ…là mấy chiếc đèn bão”…
“Ký ức Điện Biên”
Nhưng điều đó không thể ngăn người Y sỹ trẻ Nguyễn Văn Nhân cứu chữa cho các thương bệnh binh. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó sức sáng tạo của những người lính được phát huy: “Đèn mổ là 2 đèn pha xe đạp, nguồn điện phát ra từ một đynamô xe đạp (12 volts) lắp trên một khung xe và được một y tá hoặc dân công ngồi quay tay” và “chỉ phẫu thuật (khâu vết mổ) cũng là chỉ dù do…quân đội Pháp tiếp tế!”. Hàng trăm hàng nghìn ca phẫu thuật cho thương bệnh binh đã được thực hiện trong điều kiện đó và sự thành công của các ca mổ này chính bản thân Giáo sư cũng không thể tưởng tượng: “Trang thiết bị thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ như vậy…nhưng thật lạ lùng và khó giải thích ….tại sao nhiều thương binh nặng thời đó vẫn…qua được mặt: Tử thần!”. Có lẽ các thương bệnh binh được cứu sống là nhờ sự tận tuỵ, lòng nhân ái, tận tâm của Y sỹ Nguyễn Văn Nhân nói riêng và các đồng chí trong ĐT4 nói chung.
…..Đến Bức thư cảm ơn của chiến sỹ Trần Quốc Hanh
“Kính gửi anh Nguyễn Văn Nhân, Giáo sư, người chiến sỹ quân y đáng kính, ân nhân của tôi” là lời mở đầu bức thư của người thương binh Trần Quốc Hanh – một trong hàng trăm hàng nghìn bệnh nhân được Giáo sư cứu sống trong chiến dịch Điên Biên Phủ. Bức thư được viết tháng 8-1993 sau Chiến dịch Điện Phủ 39 năm, một thời gian đủ để người ta quên đi nhiều thứ nhưng… hình ảnh y sỹ Nguyễn Văn Nhân vừa có tâm vừa có tài thì thương binh Trần Quốc Hanh không thể quên!
Bức thư của thương binh Trần Quốc Hanh
Chiến sỹ Trần Quốc Hanh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và bị thương nặng như anh viết:“ Cán sự chính trị tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, một thương binh với 6 lỗ thủng ở ruột non, ruột già dò viên đạn trung liên của địch xuyên qua trong trận đánh ở Hồng Cúm Điện Biên Phủ được anh và anh Xu (phụ mổ) cứu sống ngày 26-4-1954”. Nhờ Y sỹ Nguyễn Văn Nhân phẫu thuật mà anh mới kéo dài cuộc sống và có gia đình nhỏ cho đến bây giờ. Anh rất xúc động và biết ơn:“Tôi và gia đình tôi không thể có nếu không có tài năng và tấm lòng của anh và các anh chị trong đội phẫu thuật ngày đó”. Cứu người là trách nhiệm của một Y sỹ nhưng sự hết lòng vì bệnh nhân thì không phải ai cũng có. Bởi vậy mà hình ảnh người Y sỹ ngày đó vẫn in đậm trong lòng bệnh nhân Trần Quốc Hanh và trở thành một hình tượng đẹp về phẩm chất của người lính Cụ Hồ:“Tôi muốn nói thêm…, từ đó đến nay, những hình ảnh, ấn tượng về sự hi sinh tận tuỵ, tinh thần nhân ái hết lòng vì thương bệnh binh, vì đồng đội của anh…giúp tôi đứng vững được những thử thách cũng như cám dỗ muôn màu muôn vẻ của cuộc sống chiến đấu gian khổ, khó khăn, phức tạp vừa qua, để giữ lấy nhân cách và phẩm chất của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Vì vậy người bệnh nhân ấy luôn cố gắng học tập và noi gương Y sỹ Nguyễn Văn Nhân cả trong thời chiến và thời bình. Bức thư rất đặc biệt bởi nó được viết ra từ một bệnh nhân với tình cảm sâu lắng chất chứa gần 40 năm!
Bức thư cũng là niềm tự hào của Giáo sư Nguyễn Văn Nhân và ĐT4 nên Giáo sư đã ép plastic và ghi ở góc trái bức thư: “Xin gửi lại anh chị em ĐT4-f304 một tấm lòng của một trong trăm nghìn bệnh nhân của chúng ta hồi đó! Chắc chắn, anh chị em cũng như tôi, ghi nhận cử chỉ này như một niềm vui lớn của mỗi chúng ta”.
Mười một năm sau khi bức thư được gửi đi, niềm mong mỏi được gặp lại ân nhân của người thương binh ấy đã được toại nguyện. Bức ảnh được chụp năm 2004 ghi lại niềm vui sau 50 năm xa cách nay được tái ngộ giữa người y sỹ Nguyễn Văn Nhân và người thương binh Trần Quốc Hanh với nụ cười rạng rỡ!
GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (bên phải) và thương binh Trần Quốc Hanh
“Ký ức Điện Biên” do GS Nguyễn Văn Nhân viết và Bức thư của bệnh nhân Trần Quốc Hanh gửi cho Giáo sư cùng bức ảnh chụp chung hai người là những hiện vật minh chứng cho cái tâm, cái tài trong nghề nghiệp và phẩm chất tốt đẹp trong lối sống người lính cụ Hồ của GS Nguyễn Văn Nhân. Đó là những kỉ vật quý giá được Giáo sư giữ gìn cẩn thận, rồi tặng lại cho Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt
Lê Thị Hoài Thu