Ký ức lần đầu đến Tây Nguyên

 Háo hức chờ đợi một chuyến đi

Phó giáo sư Nguyễn Hải Quân đến với ngành Chăn nuôi là một cơ duyên, như ông chia sẻ: Năm 1959, tôi thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vì bị lao phổi nên tôi phải nghỉ học giữa chừng. Sau đó, tôi xin chuyển sang trường Đại học Y Hà Nội, song không được chấp nhận. Cuối cùng, tôi nộp đơn vào Học viện Nông lâm (1961) thì được

nhận[1]. Và rồi, qua những bài giảng, những chuyến đi thực tế, chàng sinh viên Nguyễn Hải Quân càng cảm thấy yêu thích và gắn bó với lĩnh vực này.

Sau khi tốt nghiệp đại học (1965), Nguyễn Hải Quân được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Di truyền giống, khoa Chăn nuôi thú y. Lúc bấy giờ, ngoài giảng dạy, ông còn hăng hái trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông từng đi khảo sát, điều tra giống tại các địa phương và tham gia thực hiện một số đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, như: Điều tra giống lợn Lang Hồng (Hà Bắc), Khảo sát và nâng cao khả năng sinh sản của lợn Móng Cái (Hải Phòng), Lai kinh tế lợn Đại Bạch x lợn Móng Cái, nuôi theo hướng nạc và tạo giống mới… Tuy vậy, ông vẫn mong muốn có cơ hội đi thực tế ở những tỉnh thành xa hơn, không phải chỉ trong phạm vi miền Bắc.

Sau khi đất nước thống nhất (1975), mặc dù là vùng có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng – an ninh nhưng cơ sở vật chất của Tây Nguyên còn nghèo nàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vả lại, kết quả điều tra và nghiên cứu toàn diện về vùng này hầu như không đáng kể. Vì vậy, Đảng và Nhà nước quyết định thực hiện Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên trong thời gian 5 năm (1976-1980)[2] nhằm xác định các luận cứ khoa học quan trọng, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên. Chương trình này do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo thực hiện và giao cho PTS Nguyễn Văn Chiển – Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam làm chủ nhiệm. Một trong số 17 đề tài khoa học của chương trình này là “Điều tra tổng hợp về tiềm năng nông nghiệp vùng lãnh thổ Tây Nguyên” do PGS Cao Liêm[3] chủ trì.

Lúc bấy giờ, PGS Cao Liêm lựa chọn khoảng 20 cán bộ, giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội để tham gia đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp ở Tây Nguyên, như: Trần Đức Hạnh, Nguyễn Hải Quân, Trần Thị Tú Ngà, Võ Trọng Hốt… và nhiều sinh viên khóa 17 vừa tốt nghiệp, sinh viên khóa 18 thực tập để làm khóa luận tốt nghiệp. PGS Nguyễn Hải Quân chia sẻ: Được đi công tác ở Tây Nguyên là vinh dự đối với mỗi cán bộ, giảng viên[4]. Bởi thế, ông cảm thấy rất hào hứng với chuyến công tác Tây Nguyên lần đầu tiên của mình.

Tây Nguyên và những kỷ niệm

Đầu năm 1978, giảng viên Nguyễn Hải Quân cùng đồng nghiệp, học trò trong đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp do PGS Cao Liêm làm trưởng đoàn lên tàu vào Tây Nguyên. Hành trang ông mang theo là vài bộ quần áo, máy ảnh, sổ ghi chép, tập giấy giới thiệu của Viện Khoa học Việt Nam và một số tài liệu chuyên môn cần thiết. Ông nhớ lại: Mặc dù các đồng chí lãnh đạo đã khuyến cáo mỗi cán bộ nên chuẩn bị cơm nắm nhưng tôi chỉ kịp mua bánh mì trước khi xuất phát từ ga Hà Nội[5].

Đoàn đi tàu tới Bình Định, rồi di chuyển bằng ô tô vào tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Lần đầu tiên đến Tây Nguyên, ông Quân cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm, xen lẫn nhiều cảm xúc. Ông chia sẻ: Địa hình rừng núi ở Tây Nguyên gập ghềnh, uốn lượn khiến tôi hơi hoang mang, có lúc tôi tưởng mình bị nhảy ra khỏi xe ô tô[6]. Sau khi tập kết tại Gia Lai – Kon Tum, đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp phân chia thành các nhóm nhỏ và phân công cho mỗi giảng viên phụ trách một nhóm sinh viên để thực hiện nhiệm vụ tại 3 tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Giảng viên Nguyễn Hải Quân được giao phụ trách khoảng 10 sinh viên, tiến hành điều tra, tổng hợp số liệu và đánh giá tình hình chăn nuôi gia súc ở một số địa phương của 3 tỉnh này.

       Giảng viên Nguyễn Hải Quân (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng nghiệp tại Tây Nguyên (1978)

Ở lại Gia Lai – Kon Tum ít ngày, ông Quân di chuyển vào Đắc Lắc. Tại đây, nhóm công tác được sắp xếp ăn ở tại khách sạn Thắng Lợi, thị xã Buôn Ma Thuột. Trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, ông đến gặp lãnh đạo Ty Nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc, xuất trình giấy giới thiệu cũng như đề nghị họ hỗ trợ trong quá trình làm việc. PGS Nguyễn Hải Quân cho biết: Lúc bấy giờ, cán bộ miền Bắc vào Tây Nguyên được nhân dân địa phương rất quý mến, nể trọng. Đó là một thuận lợi đối với chúng tôi[7].

Tuy nhiên, trong quá trình công tác, đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp cũng phải đối mặt với không ít trở ngại, như ông kể lại: Xe ba gác là phương tiện di chuyển khá phổ biến, nhưng để đi tới từng thôn, bản thì chúng tôi phải đi bộ 3-4km[8]. Đường hẹp mà hoang vu với những bụi cây lau rậm rạp khiến ai nấy đều lo lắng sẽ gặp phải các loài thú dữ như cáo, hổ, rắn… Khi trời mưa, đất dính và đường trơn khiến việc đi lại rất khó khăn.

Ông Quân nhớ những cơn gió thổi bọ chó bay vào người, gây ngứa rất khó chịu, đúng như dân gian thường nói: “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Mỗi lần như vậy, ông lại phải giũ sạch quần áo, rồi cho vào nồi nước đun sôi để diệt sạch. Khí hậu nắng nóng và gió khô còn khiến con người dễ mệt mỏi vì bị thiếu nước. Một thành viên trong đoàn bị ốm, phải vào điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, điều kiện ăn uống của cán bộ cũng rất thiếu thốn: Chúng tôi hiếm khi có bữa ăn sáng. Các loại thức ăn không phải lúc nào cũng có sẵn, nếu muốn ăn cá, chúng tôi phải đặt trước với quán cơm[9].

Không chỉ gặp trở ngại về điều kiện sinh hoạt, đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp còn phải đối mặt với sự nguy hiểm do những hoạt động của tổ chức FULRO. Tại Đắc Lắc, đã có những trường hợp bị lực lượng này bắt giữ, đánh đập, giết hại… Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo các cán bộ không nên đi một mình, không nên đi vào buổi trưa và buổi tối. Anh em trong đoàn thường đi cùng nhau hoặc có cán bộ của Ty Nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc đi cùng. Tuy nhiên, trong những trường hợp bắt buộc vì yêu cầu công việc, tôi vẫn phải đi một mình. May mắn là chúng tôi không gặp phải lực lượng này[10]  – ông tâm sự. 

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng các thành viên trong đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp ở Tây Nguyên không nản chí. Ông Nguyễn Hải Quân hăng hái đi tới nhiều hộ dân ở các huyện của tỉnh Đắc Lắc, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Eakmat, Trại giống số 1 Đắc Lắc… để tiến hành điều tra. Ông nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền và người dân địa phương. Ông nhớ lại: hôm nào mình muốn quan sát con lợn đực, mình dặn trước thì người dân sẽ không đưa lợn đi phối giống. Với lợn nái mới đẻ, mặc dù có sự kiêng kỵ nhưng họ vẫn tạo điều kiện cho 1-2 cán bộ vào tận chuồng quan sát[11]. Những ngày trời mưa, không thể đi điều tra thực tế, ông lại tập trung nghiên cứu tài liệu hoặc tổng hợp số liệu đã thu thập được.

Một phần nhiệm vụ quan trọng khác của đoàn điều tra khảo sát là chụp ảnh, quan sát bề ngoài, rồi tiến hành mổ để đo đạc kích thước, trọng lượng của các bộ phận như: dài thân, vòng ngực, vòng ống, cao vai, cao khum, trọng lượng thịt xẻ… Ông Quân cho biết: quy định mổ tối thiểu là 3 con/một loại gia súc. Tôi đã giết, mổ hàng trăm con vật trong đợt điều tra này[12]. Nhóm điều tra phải mua gia súc của các hộ dân hoặc nhận từ các trại giống của tỉnh để giết mổ tại chuồng và tiến hành đo đạc, nghiên cứu. Sau đó, số thịt gia súc này được bán lại cho người dân sử dụng, nhưng do nhu cầu tiêu thụ thịt không nhiều nên nhiều khi phải bán rẻ hoặc cho không.

Trong thời gian ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Hải Quân chụp được khoảng 100 bức ảnh theo yêu cầu điều tra về bò, trâu, lợn. Đây là tài liệu quý giúp ông thực hiện bản báo cáo số liệu nói riêng và phục vụ công tác điều tra cơ bản nông nghiệp ở vùng này nói chung. Trong bản báo cáo của mình, ông Quân không chỉ tổng hợp số lượng, đánh giá đặc điểm sinh học, chất lượng thịt của vật nuôi mà còn tiến hành so sánh khả năng phát triển của từng loại giống ở các địa phương khác nhau. Chẳng hạn, khi nhận xét về đàn heo ở huyện Krong Pak (tỉnh Đắc Lắc), ông viết: toàn huyện có 20 xã thì 9 xã có chăn nuôi sinh sản phát triển, đặc biệt là 3 xã Hòa An, Ea Kwăng và Hòa Tiến, hay nếu đem so với lợn Eden được nuôi ở Phú Sơn (Vĩnh Phú) thì lợn Eden ở Đắc Lắc chỉ đạt 60%[13].

 Một trang bản thảo Báo cáo điều tra giống gia súc ở Tây Nguyên

của giảng viên Nguyễn Hải Quân, năm 1978

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò trực tiếp chỉ đạo Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên từng nhiều lần khẳng định: Tiềm năng chăn nuôi của vùng Tây Nguyên rất lớn nhưng hiện nay thì rất yếu[14]. Theo PGS Nguyễn Hải Quân, thực tế đó xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu: một là, phương thức chăn nuôi của người dân còn lạc hậu; hai là, phương pháp chọn giống, phối giống còn hạn chế. Ông cho biết thêm: Người dân vẫn chăn thả gia súc tự do, thường lấy gông đeo vào cổ lợn để chúng không chui vào vườn phá hoại cây cối. Chúng tôi phải vận động, hướng dẫn họ xây dựng chuồng trại thông qua khẩu hiệu “tích cực chống, xóa bỏ gông cùm cho lợn”[15]. Bên cạnh đó, ông còn tham gia tổ chức các buổi tập huấn cho bà con nông dân về cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho các loại vật nuôi.

Lưu luyến lúc rời xa và bồi hồi trở lại

Cuối năm 1978, giảng viên Nguyễn Hải Quân nhận được thông báo của trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội về việc cử ông đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, khi ông đang công tác tại Tây Nguyên. Ông được nhà trường tạo điều kiện vào thăm chị gái Nguyễn Thị Minh Tự tại TP. Hồ Chí Minh. Ông thổ lộ: Chị Tự là chị em cùng cha khác mẹ với tôi. Sau khi đất nước thống nhất (1975), chị mới có cơ hội ra Hà Nội tìm cha và gia đình tôi, rồi trở lại miền Nam. Lần thứ hai gặp lại này, hai chị em đều vỡ òa sung sướng[16].

Sau đó, ông phải bàn giao phần công việc còn dang dở cho các thành viên khác trong đoàn. Ông bảo: Đang lúc lòng tràn đầy nhiệt huyết mà phải về Hà Nội, tôi cảm thấy khá hụt hẫng, nhưng được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài là một vinh dự[17]. Trong buổi chia tay, người dân địa phương biếu ông một sọt chôm chôm, không quên gửi lời cảm ơn và nhắn nhủ ông trở lại với họ vào một ngày nào đó, khiến ông vô cùng xúc động. Ông trở lại Hà Nội và đem theo ký ức về chuyến đi Tây Nguyên lần đầu tiên của mình. Ông nhớ những buổi làm việc hăng say, những bữa cơm thân mật cùng người dân địa phương, thậm chí cả cảm giác được thưởng thức sầu riêng sau bữa liên hoan tại gia đình một cán bộ của Ty Nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc.

Chuyến công tác ở Tây Nguyên của giảng viên Nguyễn Hải Quân không dài nhưng kết quả mà ông thu thập được đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành đề tài “Điều tra tổng hợp về tiềm năng nông nghiệp vùng lãnh thổ Tây Nguyên” (1976-1980) của đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp. Ông khẳng định: Kết quả điều tra giống gia súc là cơ sở khoa học để đánh giá tiềm năng chăn nuôi, giúp các cấp chính quyền định hướng phát triển ngành này cho bà con Tây Nguyên[18].

Đối với PGS Nguyễn Hải Quân, mảnh đất và con người Tây Nguyên mang lại cho ông cảm giác mới lạ mà gần gũi, khác hẳn với những vùng đất mà ông đã từng đặt chân tới. Bởi vậy, ông cảm thấy tiếc vì không thể tiếp tục đồng hành cùng đồng nghiệp, càng tiếc hơn khi “bỏ lỡ” hội nghị tổng kết và nghiệm thu các báo cáo khoa học của Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (1976-1980). Song, những kỷ niệm bình dị trong thời gian công tác ở Tây Nguyên năm 1978 vẫn còn in đậm trong ký ức của ông. Sau khi bảo vệ luận án PTS và tiếp tục về công tác tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (1985), PTS Nguyễn Hải Quân rất trân trọng cơ hội được trở lại mảnh đất này. Mỗi lần trường Đại học Tây Nguyên gửi thư mời ông vào giảng dạy, ông báo cáo Ban Giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội và luôn được nhà trường ủng hộ. Ông cho biết: Tôi thường sử dụng những số liệu và hình ảnh vật nuôi đã thu thập được trong chuyến điều tra cơ bản nông nghiệp để mỗi bài giảng trở nên sinh động hơn[19]. Ngoài ra, ông còn tham gia thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học theo sự hợp tác giữa trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội với các địa phương, cơ quan chuyên môn của vùng này.  

Tây Nguyên trong những lần trở lại sau này của PGS Nguyễn Hải Quân đã có nhiều đổi khác so với ngày đầu tiên ông đặt chân tới. Mỗi lần trở lại, mỗi sự đổi thay lại khiến ông thêm bồi hồi khi nhớ về những tháng ngày công tác cùng đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp ở Tây Nguyên năm 1978. Tiếc rằng, sau một lần bị tai biến (2008), ông không còn nhớ rõ nhiều chi tiết. Cho dù có thể phần nào “nhớ nhớ, quên quên”, nhưng chuyến đi ấy luôn là phần ký ức sâu đậm trong cuộc đời ông.

Nguyễn Thị Hợp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


* PGS.TS Nguyễn Hải Quân, chuyên ngành Chăn nuôi, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Di truyền giống, khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. 

[1] Ghi âm đặt vấn đề PGS.TS Nguyễn Hải Quân, ngày 16-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Chương trình thực sự được tiến hành trong 3 năm (1978-1980).

[3] Nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý ruộng đất, trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội.

[4] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Hải Quân, ngày 28-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] [6][7] [8][9][10][11][12][15][18] [19]Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Hải Quân, ngày 28-7-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] PGS.TS Nguyễn Hải Quân, bản thảo Báo cáo điều gia giống gia súc ở Tây Nguyên (1978), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[14] Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Các báo cáo khoa học của Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (1976-1980), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[16] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Hải Quân, ngày 10-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[17] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Hải Quân, ngày 10-8-2016, tài liệu đã dẫn.