Ngay từ khi còn học trung học, Trần Mạnh Bình luôn tự đặt ra những câu hỏi: Khi nào thì hai chất hóa học có thể phản ứng với nhau? trong cơ thể con người thì các chất chuyển hóa như thế nào? thuốc có nguồn gốc thảo mộc thì trong thuốc có chứa những chất gì, làm thế nào để xác định được công thức hóa học, cấu trúc hóa học của những chất dùng làm thuốc?…
Năm 1954, sau khi tốt nghiệp cấp III trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Trần Mạnh Bình cùng bạn ra Hà Nội thi đại học. Trần Mạnh Bình tìm đến trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội ở số 13 Lê Thánh Tông với ý định tìm hiểu và chọn ban để thi. Trần Mạnh Bình cảm thấy choáng ngợp khi đứng trước “tòa nhà cao, rộng” và lo lắng không biết có thi đỗ được không? Trần Mạnh Bình quyết định nộp đơn thi và đã trúng tuyển vào lớp tập sự Dược của trường Đại học Y Dược, đúng như nguyện vọng. Cho dù mới chỉ là bước khởi đầu để chàng trai trẻ thực hiện hoài bão của mình nhưng Trần Mạnh Bình vẫn cảm thấy rất vui. Và quả thật, niềm vui ấy có cơ sở.
Những ngày tập sự bổ ích
Sau khi trúng tuyển, các học viên tập sự được trường giới thiệu đến các xí nghiệp Dược phẩm, nhà thuốc hoặc khoa Dược của bệnh viện để làm quen với công việc sau này. Trần Mạnh Bình cùng khoảng 10 học viên khác được phân công tập sự tại khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, do Dược sỹ Lương Tấn Thành làm Trưởng khoa. GS Trần Mạnh Bình vẫn không quên ấn tượng về ngày đầu tiên đến khoa Dược và cả những ngày sau đó khi được tận tay thực hành các thí nghiệm tưởng chừng đơn giản nhưng rất hữu ích. Ông kể: “Ngày đầu tiên đến Khoa Dược, Dược sĩ Lương Tấn Thành giới thiệu các cán bộ công nhân viên trong khoa để chúng tôi được làm quen với công việc, nhiệm vụ cụ thể của Khoa[1]. Chúng tôi được học cách điều chế nước cất 1 lần, nước cất 2 lần, bào chế thuốc theo đơn. Ngoài ra sinh viên còn được Dược sĩ Thành giảng dạy về công thức, tác dụng và liều lượng của thuốc, cũng như bước đầu làm quen với một số kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa giúp chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, mỗi tuần có khoảng 3 buổi sáng hoặc chiều, chúng tôi được lên giảng đường Đại học Y Dược ở 13 Lê Thánh Tông để nghe các thầy giáo giảng về thuốc, hoặc đến Bộ môn Dược liệu để tìm hiểu một số thuốc dưới dạng bào chế hoặc nhận dạng một số dược liệu thực vật” [2]. Kết thúc một năm tập sự, tất cả các học viên phải trải qua một kỳ thi thực hành với các nội dung như nhận biết các thuốc, một số cây thuốc, phương pháp bào chế thuốc…Việc thi này bên cạnh việc kiểm tra kiến thức còn nhằm mục đích xem học viên có thực sự thích thú và đam mê trước khi chính thực vào học năm thứ nhất Ban Dược, trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội.
Những ngày đáng nhớ của một sinh viên trường thuốc
Những ngày tháng học tập để trở thành một Dược sĩ tương lai của Trần Mạnh Bình bắt đầu khi ông hoàn thành khóa học tập sự, với biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Đã 60 năm trôi qua, nhưng GS Trần Mạnh Bình không quên từng môn học tại Ban Dược với hai năm đầu học các môn cơ sở và những năm tiếp theo học các môn liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt không quên tên từng thầy cô đã dạy. Với ông, các thầy cô là những nhà sư phạm giỏi về chuyên môn, mẫu mực và đáng kính như GS Trương Công Quyền, GS Đặng Văn Ngữ, GS Đỗ Tất Lợi, GS Vũ Văn Chuyên… Các thầy để lại trong ông những ấn tượng rất sâu sắc về sự uyên bác, tâm huyết, phương pháp sư phạm, sự tài hoa, các thao tác chuẩn mực trong phòng thí nghiệm, sự tận tụy trong giảng dạy, hết lòng vì sinh viên.
Những ngày tháng được học thầy Đặng Văn Ngữ luôn để lại trong ông nhiều kỷ niệm: “Năm 1957, thầy Đặng Văn Ngữ dạy chúng tôi môn ký sinh trùng. Thầy cho phép chúng tôi đến bộ môn của thầy vào các buổi tối để thầy dạy một số kỹ thuật về nghiên cứu các kháng sinh trong phòng thí nghiệm. Thầy hướng dẫn tận tình, các thao tác khi thực hiện các thí nghiệm của thầy rất điêu luyện và rất đẹp. Chúng tôi phải làm một việc là rửa sạch các dụng cụ thí nghiệm và sấy khô. Thầy đã kể cho chúng tôi nghe về phòng thí nghiệm, về những ngày học tập và nghiên cứu ở bên Nhật và tôi rất ấn tượng. Tất cả những việc đó mang tính giáo dục cao, động viên chúng tôi học tập và có hoài bão trong khoa học[3]“.
Với GS Đỗ Tất Lợi, Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu – một người thầy hết lòng vì sinh viên được học trò Trần Mạnh Bình phác họa: “Khi chúng tôi chuyển từ ký túc Việt Nam học xá về ký túc xá ở phố Lò Đúc, nhà thầy Lợi ở phố Hàng Chuối gần đó, nên cứ thứ 7, chủ nhật, thầy sang thăm chúng tôi, thầy quan tâm tới tình hình học tập và trao đổi nhiều vấn đề khác.Thầy rất chân tình, yêu thương, quan tâm đến chúng tôi, trong học tập, chuyên môn, nhắc nhở chúng tôi học phải gắn liền với sản xuất. Đồng thời, từ thực tiễn nghiên cứu của mình, thầy còn truyền đạt cho chúng tôi kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu chiết xuất, phân lập các chất, dùng các chất làm khan thì phải làm sao để các chất làm khan đó không nằm trong chất mình cần”[4].
GS.TS Trần Mạnh Bình
Để hỗ trợ cho việc tra cứu các tài liệu trên thư viện của trường, phục vụ cho việc học chuyên môn, khoảng năm thứ 3, sinh viên trong khóa bắt đầu học tiếng Nga, tiếng Nga trở nên thiết yếu, bởi lúc đó sách tài liệu tiếng Nga rất nhiều. Ngoài những buổi học tiếng Nga chính khóa do thầy Văn Lăng dạy, Trần Mạnh Bình cùng các bạn tổ chức các lớp học riêng theo hình thức học nhóm, với cách học vui để có thể nhớ được cách biến đổi rất phức tạp của 6 cách trong tiếng Nga, đại loại như: “À như thế đủ rồi nhé” “Kho cá thu kho tôm he”…
Kết thúc mỗi môn học, sinh viên phải trải qua kỳ thi hết môn, bằng hình thức thi vấn đáp hoặc thi viết dù đó là môn lý thuyết hay thực hành. Do chương trình học khá nặng nên nhiều khi phải thi dồn dập, có lúc thức khuya buồn ngủ quá, Trần Mạnh Bình cùng các bạn chung nhau mua một cốc café và chia nhau mỗi người một hớp để có thể tỉnh táo ôn thi tiếp. Trong các môn thi, GS Trần Mạnh Bình nhớ nhất hôm thi môn Dược liệu, khi trả bài “đụng” một cây có chứa thành phần nguyên liệu để làm sôcôla, thầy Đỗ Tất Lợi hỏi: “Em đã ăn sôcôla bao giờ chưa? Trần Mạnh Bình chân thành trả lời thầy: “Thưa thầy, em chưa ăn sôcôla bao giờ!”. Thầy không tin câu trả lời và nói cho Trần Mạnh Bình biết: “Em đã ăn nhưng không biết đó thôi“. Khi thi môn Hóa dược, GS Trương Công Quyền cũng hỏi Trần Mạnh Bình một câu tương tự về một loại thuốc xem ông đã dùng bao giờ chưa? Ông trả lời chưa bao giờ dùng. Bởi từ khi nhỏ đến lớn, loại thuốc ông dùng nhiều nhất là Quinin, nhất là những ngày còn học ở vùng kháng chiến, do bị sốt rét, ông phải uống thuốc Quinin đến mức bị vàng da, vàng mắt. Sau về học tại Hà Nội, một thời gian sau ông mới khỏi bệnh.
Ngoài việc học chuyên môn, mỗi tuần 2 buổi Trần Mạnh Bình xung phong đi dạy bình dân học vụ cho các bà, các chị bán hàng ở chợ Mơ và dạy cho công nhân thu dọn vệ sinh (nay là công nhân môi trường) ở gần phố Nguyễn Du. Ông nhớ có một lần (năm 1958) khi đang trên đường Lý Thường Kiệt từ trường Đại học Y Dược về ký túc xá, bất ngờ có một chị công nhân thu dọn vệ sinh gọi tên ông để hỏi về thuốc men, vì trong nhà có người ốm. Trần Mạnh Bình lúc đầu hơi ngạc nhiên vì không biết tại sao, sau đó nhớ ra chị là một học sinh trong lớp bình dân học vụ mà ông đã từng dạy trước kia. Năm 1958, trường tổ chức cho sinh viên đi tham gia lao động, một số về Hải Dương, số khác thì ra ngoại thành Hà Nội. Trần Mạnh Bình cùng một nhóm sinh viên đã về từng gia đình nông dân ở ngoại thành Hà Nội, cùng đi gặt lúa, phơi lúa, xay lúa… Ấn tượng trong ông là những cụ già, những người nông dân chất phác, các cháu bé rất dễ gần gũi, chan hòa. Ngoài ra, sinh viên Y Dược còn tham gia xây dựng Công viên Thống nhất, xây dựng đường Thanh niên, xây dựng khu Cao – Xà – Lá (nhà máy cao su – xà phòng – thuốc lá). Được tham gia những hoạt động ngoại khóa, làm việc cùng những người lao động, Trần Mạnh Bình càng hiểu thêm về thực tế đời sống xã hội, qua những trải nghiệm đó ông thấy mình trưởng thành hơn.
Năm 1959, sinh viên Trần Mạnh Bình được phân công về Bộ môn Hóa dược-Hữu cơ để học sâu thêm chuyên khoa này. Do thiếu cán bộ giảng dạy, dù chưa tốt nghiệp nhưng ông đã được giao nhiệm vụ hướng dẫn thực tập Hóa hữu cơ cho sinh viên Dược năm thứ hai và sinh viên Y năm thứ nhất. Năm 1960, Trần Mạnh Bình tốt nghiệp và cùng các sinh viên khác tham dự buổi Lễ tốt nghiệp, được tổ chức trọng thể tại giảng đường lớn (nay là giảng đường Ngụy Như Kon Tum), với sự có mặt của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, các thầy cô và chuyên gia nước ngoài.
Ký ức về những ngày tháng tập sự, học hành và tham gia lao động ở “trường thuốc” luôn là những kỷ niệm đẹp trong chặng đầu tiên của con đường khoa học mà GS Trần Mạnh Bình theo đuổi và nguyện cống hiến hết mình.
Hoàng Liêm
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam