Vào đại học – gian truân và may mắn
PGS.TS Lê Tùng Châu[1] sinh năm 1935 tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh – một trong 8 vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học ở Quảng Bình. Từ khi 12 tuổi Lê Tùng Châu đã cùng bạn bè đi bộ vượt quãng đường khoảng 100km lên vùng tự do Tuyên Hóa để theo học ở trường trung học Phan Bội Châu. Năm 1952, sau khi tốt nghiệp trường này, ông xin vào học tại trường phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Tháng 12-1954, Lê Tùng Châu tốt nghiệp phổ thông giữa lúc Hà Nội đã giải phóng, nhiều trường đại học được mở ra. Cũng như nhiều bạn bè cùng lứa, ông nuôi hy vọng và quyết tâm ra Thủ đô học tập.
Hiểu được nguyện vọng của con nên mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ ông vẫn cố gắng lo cho con cái học hành. Trước đó, mẹ ông đã vay mượn của anh em họ hàng được vài hũ thóc, dự định sẽ bán đi, lấy tiền cho Lê Tùng Châu ra Hà Nội. Nhưng đến ngày ông tốt nghiệp, nhà xảy ra chuyện. Cải cách ruộng đất về xã Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), gia đình ông bị quy kết phú nông, vì thế số thóc vay mượn từ trước phải nộp ra hết. Khó khăn càng chồng chất thêm khi bố ông (tên là Lê Văn Bân) lúc đó đang ốm, phải nằm viện ở Đồng Hới, Quảng Bình. Nhà neo người, ông phải phụ giúp mẹ lo việc gia đình.
Từ sau khi biết mình có thể không được đi Hà Nội, Lê Tùng Châu đâm ra chán nản, cả ngày ở nhà, chỉ thỉnh thoảng xuống Đồng Hới thăm bố nằm viện. Trong thời gian nằm viện, thương các con, cụ Bân đôi khi đem chuyện gia cảnh chia sẻ với các bệnh nhân khác. May thay có người bạn cùng phòng thông cảm, đã cho cụ Bân mượn tạm 30 đồng để lo việc học hành cho con.
Một sáng, Lê Tùng Châu đang ở nhà thì bố ông nhắn gọi vào viện và bảo: "Đây, giờ bố mượn được 30 đồng, có đi Hà Nội thì chuẩn bị để đi"[2]. Lúc đó, ông rất vui mừng, vội về nhà chuẩn bị đồ đạc để lên đường.
Với hành trang giản đơn chỉ có vài bộ quần áo và số tiền bố cho, chàng thanh niên Lê Tùng Châu lang thang dọc bến xe Quảng Bình. Thời điểm này, nhiều bạn bè cùng lớp phổ thông với ông đã ra đến Hà Nội. Trong khi đang mải miết nghĩ cách mua vé để ra Thủ đô sớm nhất có thể, Lê Tùng Châu tình cờ gặp một người tên Duân, lớn tuổi hơn ông, thuộc diện cán bộ, cũng chuẩn bị ra Hà Nội để nộp đơn vào học trường Đại học Nhân dân (khi đó đóng tại khu vực Cung văn hóa Việt – Xô, Hà Nội bây giờ). Mừng quá, ông bắt chuyện và xin đồng hành. Về sau, khi đều đã ra công tác, cả hai người vẫn thường xuyên liên lạc, và đến thăm nhau. Ông Duân là một người tháo vát, vừa lo cho gia đình 4,5 đứa con, vừa đi dạy ở trường và mở lớp dạy thêm tại nhà.
Với 30 đồng vốn bố cho tiền độ đường, vé xe ô tô ra Hà Nội đã hết một nửa. Ngày đó, đường xá gập ghềnh, khó đi, nhất là từ Quảng Bình qua Vinh đến Nam Định có nhiều đoạn quanh co. Ngồi trên xe lắc lư theo đường xá phía trước, mông lung nghĩ về tương lai, Lê Tùng Châu chợt nhớ đến những câu thơ trong bài “Phá đường” của Tố Hữu:
Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi
Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ.
Sang ngày thứ 3 thì xe đến Hà Nội, ông và người bạn đồng hành lang thang trên các tuyến phố để tìm chỗ nghỉ chân. Hà Nội ngày đó với nhiều ngõ ngách, đường xá đông đúc những dòng xe cộ, thật khá lạ lẫm đối với hai người Quảng Bình trẻ tuổi. Tình cờ khi đi ngang qua phố Tràng Tiền để ra bờ hồ Hoàn Kiếm, Lê Tùng Châu đã gặp lại hai người bạn học cũ tại trường phổ thông Phan Đình Phùng là Hoàng Trọng Yêm[3] và Dương Viết Á[4] đang xách nồi cơm đi ngang đường.
Qua trò chuyện, biết Lê Tùng Châu đang cần tìm chỗ tá túc đợi nộp đơn thi, hai người bạn cũ đã rủ ông về ở cùng tại khu nhà tạm trong ngõ 49 Tràng Tiền. Sau khi tạm ổn định về sinh hoạt, Lê Tùng Châu đến trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội để nộp đơn thi. Cũng như một số bạn bè khác, ông lựa chọn vào học trường Dược bởi vì có chế độ học bổng cho sinh viên ở nội trú ngay từ năm đầu tiên. Ngoài trợ cấp ăn uống, sinh viên trường Dược còn được trợ cấp về giấy bút và đồ dùng học tập.
Đầu năm 1955, Lê Tùng Châu tham gia kỳ thi vào trường Đại học Dược Hà Nội. Phòng thi của ông khi đó có thầy Trương Công Quyền và thầy Đỗ Tất Lợi cùng coi thi. Trong thời gian đợi kết quả, ông thường ra phố thuê các bộ tiểu thuyết của Trung Quốc như Tam Quốc, Thủy Hử… về đọc.
Có giấy báo nhập học, tháng 3-1955, Lê Tùng Châu đến nhận lớp và nhận phân công đi thực tập. Một chặng đường phấn đấu mới đã mở ra, chàng sinh viên Lê Tùng Châu đón nhận với tâm lý thoải mái, phơi phới niềm tin.
Những năm tháng học tập
Lúc bấy giờ, theo quy định, sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học Y Dược khoa phải đi thực tập (thường kéo dài trong năm thứ nhất), hoặc tại khoa Dược của một bệnh viện, hoặc nhà thuốc tư nhân. Bản thân Lê Tùng Châu được phân công về thực tập tại khoa Dược của Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức). Trong thời gian thực tập, ông được một dược sĩ hạng nhất tên là Hoan và một dược tá trưởng tên Thìn hướng dẫn. Công việc chính của ông trong thời gian thực tập là rửa các dụng cụ y tế và sắp xếp các kho thuốc, pha chế thuốc theo đơn, bắt đầu được quan sát tham dự các buổi khám chữa bệnh của bác sĩ… Các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7, ông đến tập sự tại bệnh viện, thời gian buổi chiều tập trung với bạn bè để học các môn cơ bản về Dược liệu, chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Mặc dù còn bỡ ngỡ với những công việc mới nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của tập thể cán bộ bệnh viện, đặc biệt là 2 người hướng dẫn và sự cố gắng cá nhân, Lê Tùng Châu đã hoàn thành xuất sắc kỳ thực tập theo quy định.
Từ năm thứ 2, ông bắt đầu được học các môn Đại cương về Dược như Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Dược liệu, Động thực vật, Bào chế, Ký sinh trường… theo chương trình của Pháp. Ngày đó chưa có giáo trình chính thức, các thầy cô thường phải tự dịch các tài liệu nước ngoài để giảng dạy cho sinh viên. Bản thân Lê Tùng Châu thích học môn hóa, đặc biệt về hóa hữu cơ và dược liệu liên quan đến hóa thực vật. Khi đi sâu vào Hóa hữu cơ, ông mới nhận thấy thực vật, đặc biệt là phân loại thực vật rất quan trọng. Bên cạnh đó, Lê Tùng Châu cũng bắt đầu tiếp cận với nghiên cứu khoa học thông qua việc được tham gia làm thí nghiệm cùng thầy cô như đo nồng độ PH với thầy Nguyễn Xuân Tiến, GS Đỗ Tất Lợi. Đặc biệt, thầy Tiến có thành lập những nhóm sinh viên làm nghiên cứu, nên ngoài giờ học, ông và bạn bè có thể đến phòng thí nghiệm để học hỏi thêm.
Trong hoàn cảnh trường Đại học Y Dược thiếu giáo viên giảng dạy, một người thầy phải cùng lúc giảng nhiều môn như thầy Vũ Văn Chuyên, chuyên ngành thực vật học, nhưng phải dạy nhiều môn về Dược liệu. Sau này, trường phải mời thêm một số giáo viên từ các trường khác về dạy như GS Nguyễn Hoán bên trường Đại học Tổng hợp, nhưng về cơ bản vẫn thiếu giảng viên. Nhiều sinh viên xuất sắc sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Bản thân ông cũng được nhiều lớp đàn anh chị giảng dạy như bà Vũ Thị Phan[5] và bà Đoàn Thị Nhu[6] (dạy thực tập vật lý)
PGS.TS Lê Tùng Châu (thứ 2, hàng thứ 3 từ trái) cùng tập thể lớp trong buổi lễ tốt nghiệp
tại trường Đại học Y dược khoa Hà Nội, 1960
Trên lớp, Lê Tùng Châu luôn cố gắng để ý, noi gương và học hỏi các thầy cô. Ông đặc biệt ấn tượng với GS Đặng Văn Ngữ với phong cách ăn mặc chỉnh chu. Giờ lên lớp, GS Ngữ luôn chỉnh tề với bộ comple, đeo cravat. Lúc bấy giờ, ông có suy nghĩ rằng việc ăn mặc chỉnh chu đó của thầy không chỉ thể hiện phong cách nghề thầy giáo, tôn trọng nghề nghiệp, mà còn thể hiện thái độ tôn trọng học sinh của mình. Ông cũng rất ấn tượng với GS Trương Công Quyền – một người thầy có chuyên môn sư phạm rất tốt. Bài giảng của thầy Quyền thường ngắn gọn, xâu chuỗi các vấn đề một cách logic nên học sinh tiếp thu nhanh và ghi chép được đầy đủ kiến thức. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, GS Quyền còn mở rộng những câu chuyện có liên quan đến bài học để nhắc nhở sinh viên cố gắng học tập.
Cuộc sống thời sinh viên
Thời gian đầu khi vào học, Lê Tùng Châu vẫn ở lại căn nhà trong ngõ 49 Tràng Tiền vì trường Đại học Y Dược chưa bố trí được ký túc xá cho sinh viên. Trong căn phòng nền gạch hơn 10 m2, lúc đông nhất, có khoảng 10 người cùng sinh hoạt, ông tìm được cho mình 1 góc, rải manh chiếu để nằm nghỉ. Những khi trời lạnh, ông phải cùng bạn bè đi xin rơm về làm đệm, rồi rải chiếu lên trên để nằm cho ấm.
Thời kỳ này, Lê Tùng Châu cố gắng chi tiêu sinh hoạt một cách tiết kiệm nhất có thể. Bữa cơm hàng ngày đạm bạc với món ăn chính là mắm khô, mua ngoài chợ. Sống cùng trong căn nhà còn có một người chuyên bán cafe và bánh mì pate buổi sáng. Vì thế, thỉnh thoảng, nhóm sinh viên lại nhờ được nồi và lò đun than quả bàng của người bán bánh mì để luộc bắp cải và nấu canh. Sinh hoạt đơn sơ là vậy nhưng tình cảm giữa mọi người rất gắn kết. Có những đêm ông và bạn bè thức trắng đêm để trò chuyện về học tập, công việc, về tình cảm của người con xa quê và động viên nhau cùng cố gắng.
Bắt đầu từ tháng 5-1955, theo sắp xếp của trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông lần lượt chuyển về ở tại gian nhà 2 tầng cũ tại Hàng Bột (sau này trở thành khu đất của xí nghiệp Dược 1), sau đó chuyển đến ở khu Đông Dương học xá, cuối cùng về ở tại khu ký túc xá mới của trường tại phố Lò Đúc, Hà Nội – ký túc xá chung của sinh viên trường Đại học Y, Dược, Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ. Để tiện sinh hoạt và học tập, ông và một số bạn bè thân thiết như Hà Huy Kế, Trần Mạnh Bình, Phan Quốc Kinh, Phạm Kim Mãn…. đã xin ở cùng phòng trên những chiếc giường tầng.
Cuộc sống từ đây bắt đầu đi vào khuôn khổ và ổn định. Ngày đó, sinh viên nội trú có chế độ ăn uống trong bếp ăn tập thể của ký túc xá. Món ăn phổ biến nhất trong các bữa cơm là đậu nhồi thịt, cà chua nhồi thịt. Mặc dù cơ sở vật chất còn đơn sơ nhưng ký túc xá của trường cũng cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên sinh hoạt. Có lần Lê Tùng Châu bị đau dạ dày, phải đi khám, được bác sĩ cấp thuốc và ghi rõ trong đơn kèm theo nên ăn xôi. Ông đã đưa đơn khám cho nhà bếp ký túc và được tạo điều kiện ăn uống, nhờ đó mà bệnh tình thuyên giảm.
Hàng ngày đến trường, Lê Tùng Châu thường đi bộ cùng bạn bè, dọc đường mua khoai (giá 2 xu/củ), để ăn sáng (kể nể). Hàng tháng, ông được nhận học bổng hơn 40 đồng để chi tiêu và lo học phí. Vào dịp nghỉ hè, trong khi một số bạn bè nội thành có thể tranh thủ nghỉ ngơi thì Lê Tùng Châu lại không thể về quê vì nhà quá xa. Hè 2 năm đầu đại học, để có tiền trang trải sinh hoạt trong những tháng hè không được nhận học bổng, ông đã cùng với một số bạn bè trong ký túc đi tìm việc làm thêm tại một công ty sản xuất vật liệu Y tế của tư nhân nằm sát cạnh Bệnh viện Phủ Doãn. Tại đây, Lê Tùng Châu nhận làm nhiều việc từ các vật dụng y tế, gạc y tế, lấy vải thưa làm thành băng y tế, làm bông y tế, từ bông loại thường chuyển sang làm bông thấm nước… Sau khi được khoán sản phẩm, ông tự thuê xe ba gác để vận chuyển hóa chất và vật liệu về phòng ký túc xá để làm việc. Tại đây, mọi người phân công nhau làm việc, tiến hành ngâm thuốc tẩy vải, vật liệu sau khi tẩy được đem ra những ao hồ ở gần chợ Bạch Mai để giặt lại cho hết phần xút tẩy, sau đó đem phơi thành phẩm.
Thời gian học tập, làm việc cùng với nhau đã khiến cho tình cảm của các thành viên trong lớp Dược thêm gắn kết. Ngoài thời gian trên lớp, Lê Tùng Châu và các bạn cũng rủ nhau đi dã ngoại thăm thú cảnh vật nhiều nơi như đi chơi chùa Thầy, chùa Trầm…
Những mùa hè sau, ông vẫn tiếp tục nhận làm thêm, nhưng chuyển sang sản xuất các hợp chất hóa học theo yêu cầu như sunfat sắt, sunfit để tẩy trắng, bảo quản. Để có nguyên liệu sản xuất, ông thường tìm kiếm phôi sắt bỏ đi ở các khu cơ khí ở ga Hà Nội, xin và thuê ba gác chở về. Hồi đó trong lớp ông cũng có nhiều người tham gia làm thêm, vừa lấy tiền trang trải cuộc sống, vừa có điều kiện thực hành, đặc biệt có thể học hỏi được kỹ năng của nhau. Ngoài công việc làm thêm tại công ty Y vật liệu này, ông còn đi dạy bổ túc văn hóa buổi tối.
Năm 1960, Lê Tùng Châu tốt nghiệp trường Đại học Y dược khoa Hà Nội. và được phân công về làm việc tại phòng kiểm nghiệm Hóa học (tiền thân của Viện Dược liệu được thành lập năm 1961) cùng 2 người bạn cùng lớp là Phạm Kim Mãn và Nguyễn Thị Châu Hải (sau này là vợ GS Phạm Văn Phúc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn- lúc đó đã là vợ?). Suốt trong thời gian công tác tại viện Dược liệu, Lê Tùng Châu vẫn thường xuyên liên hệ và cộng tác với nhiều bạn bè cùng khóa là giảng viên tại trường như GS.TS Trần Mạnh Bình, PGS.TSKH Trần Công Khánh, PGS.TS Phạm Gia Huệ… Đối với ông, mái trường Đại học Dược là nơi đã chắp cánh cho những ước mơ, là nền tảng cho những thành công sau này trong bước đường công tác và nghiên cứu.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên bước chân vào trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội, nay đã về hưu, nhưng PGS.TS Lê Tùng Châu luôn giữ liên lạc với bạn bè cùng lớp. Hàng năm, ông cùng với bạn bè sinh viên cũ vẫn tổ chức họp lớp tại trường Đại học Dược Hà Nội, đó là dịp mọi người cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên – một thời thanh niên sôi nổi. Đó là những ký ức đẹp sẽ vẫn tiếp tục là người bạn đồng hành với ông trong những năm tháng cuộc đời.
Phạm Ngọc Hải
____________________