Tôi xa quê, xa mẹ lúc 9 tuổi, xa cha, xa anh khi 16 tuổi, được Nhà nước nuôi dạy trở thành giáo viên. Nghĩ lại quãng đời được lớn lên, tôi mãi mãi biết ơn gia đình, cha mẹ, anh chị đã nuôi dạy tôi thủa ấu thơ, biết ơn đất nước, nhân dân nước ta và nước bạn, biết ơn Đảng, Chính phủ đã tạo điều kiện cho tôi được ăn học, được dạy bảo nên người.
Tôi được đi học ở Trung Quốc năm 1953 là do chủ trương của Đảng trong “Thông tư của Ban Bí thư ngày 22 tháng 12 năm 1952: Chọn con cán bộ nhà nghèo đưa ra nuôi dạy ở nước ngoài”[1] do đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư ký. Mục đích của thông tư ghi rõ: Trung ương quyết định chọn một ngàn con em cán bộ nghèo cho ra nước ngoài ăn học cốt để đỡ bớt một phần gánh nặng gia đình cho cán bộ, để họ được yên tâm tích cực công tác; đồng thời cũng để đào tạo những thanh niên tốt để sau này phục vụ đắc lực cho nhân dân” . Tôi là một trong 100 em của liên khu IV được Trung ương phân phối trong Thông tư của Ban Bí thư.
Sinh viên Nguyễn Nghĩa Trọng đang học tại ký túc xá, Khu học xá Trung ương, Trung Quốc, 1953-1954.
Tôi nhận được giấy triệu tập đi học khi cha và anh đi chỉnh huấn không ở nhà. Chị dâu bán thóc (lương giáo viên được quy ra thóc) đưa cho tôi ít tiền ra Lam Kiều, huyện Can Lộc tập trung đi học với hai bộ quần áo nâu (một dài, một ngắn do anh em tôi tự cắt, khâu tay) một tấm nilong màu cánh gián vừa gói quần áo vừa che khi có mưa và một ruột tượng đựng gạo, một ống thức ăn muối sả cùng giấy triệu tập. Ở Lam Kiều tôi cùng anh Cù Huy Chử (em ông Cù Huy Cận – nhà thơ, Thứ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng chính phủ), chị Trần Thị Lý (con cụ Trần Hậu Toàn – Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh) và nhiều anh chị em khác ròng rã cả tháng trời đi bộ qua Nghệ An ra Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn đến Mục Nam Quan theo kiểu đêm đi ngày nghỉ để tránh máy bay và đảm bảo bí mật. Chúng tôi đi qua vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh (Liên khu IV), vùng địch vừa bắn phá, chiến hào, công sự còn ngổn ngang ở Đồng Giao – Ninh Bình, vùng giáp ranh định ở Trung Hà khi vượt sông Hồng sang Phú Thọ. Ở Hòa Bình chúng tôi phải vượt dốc Cun khi nhóm 6 thanh niên trong đó có tôi phải cáng chị Thanh vượt qua đèo núi cao, thường có hổ rình vồ người. Sáu anh em chúng tôi, hai người cầm đuốc đi trước đi sau, bốn người còn lại thay nhau cáng chị Thanh sưng chân đi suốt quãng đường 30 km. Tại Hòa Bình, chúng tôi được ở nhà sàn, tôi cùng anh Cù Huy Chử nằm cạnh nhau, co ro trong cái rét buốt miền sơn cước. Anh Chử có một tấm ga khổ 80cm x 1.8m. Tôi không có chăn phải nằm sát bạn nhờ hơi ấm của tấm vải hẹp mà không dám kéo vì sợ bạn lạnh. Đường đi phải vòng vèo vừa tránh địch vừa giữ bí mật, có lúc đoàn chúng tôi lạc đường khi xuyên qua nhiều vùng quê xa lạ. Lên đến Mục Nam Quan chúng tôi được ô tô của Trung Quốc chở sang Bằng Tường để lên tàu hỏa đi Nam Ninh đến khu học xá lúc này đã được xây dựng đẹp đẽ khang trang chứ không còn ở trong Tâm Hư – một làng người dân tộc Choang nghèo nàn, lạc hậu – cơ sở đầu tiên của khu học xá năm 1950-1952.
Từ trong kháng chiến gian khổ được đến Khu học xá vừa xây dựng như một thành phố nhỏ, cảm tưởng đầu tiên của tôi là choáng ngợp. Ở đây có hàng loạt nhà hai tầng, có đại lễ đường, có thư viện, nhà thí nghiệm 3- 4 tầng, có vườn hoa, điện sáng trưng, nước máy nhà tắm, có loa phóng thanh, câu lạc bộ, sân thể thao bóng chuyển, bóng đá, có 6 nhà ăn rộng rãi, bàn ăn vuông cho 4 người có đủ bát, đĩa bỏ trong hộc bàn cho từng cá nhân. Lớp học rộng rãi cho khoảng 30-40 học sinh, hai người một bàn có hộc riêng để sách vở tài liệu… Vừa mới đến chỗ giường nằm của mình, mỗi người đã có sẵn ga trải giường, chiếu, gối, khăn mặt, xà phòng, bản chải đánh răng, kem, ca. Tất cả đều mới tinh, thơm phức. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc tuy còn khó khăn (vì hàng ngày tôi vẫn thấy người địa phương nghèo đói vào dọn khu vệ sinh, nhà tắm, thu dọn khu nhà ăn, đem đi thức ăn thừa, trồng cây, tưới vườn hoa, vườn rau. Nhưng họ đã tạo những điều kiện vật chất tốt nhất cho “Nam Ninh dục tài học hiệu” theo thỏa thuận của Chủ tịch Mao Trạch Đông với Bác Hồ của chúng ta thời ấy, khi ta đã khai thông biên giới (1950). Khu học xá còn được một đại đội lính và công an Trung Quốc canh gác cẩn mật. Khi nào các lớp học sinh đi chơi, cắm trại, tham quan đều có bộ đội Trung Quốc bảo vệ.
Sau ngày kiểm tra văn hóa, tôi được phân vào học ban Văn – Chính (văn và chính trị) của Sư phạm Trung cấp khoa học xã hội chia làm hai ban Văn – Chính và Sử – Địa. Ở buổi đọc danh sách phân ban, rất nhiều anh chị xin chuyển từ ban Sử – Địa sang Văn – Chính. Riêng tôi (có lẽ là duy nhất) giơ tay xin thầy cho chuyển sang Ban Sử-Địa vì tôi sợ học chính trị. Cùng kiểm tra văn hóa trước khi phân lớp, tôi thấy rất nhiều anh chị đã là cán bộ kháng chiến, giáo viên làm bài rất dài trong khi tôi chỉ viết được hơn một trang. Tôi nghĩ mình làm sao có thể học được văn chính trị với các anh chị lớn tuổi đã là cán bộ, giáo viên ấy – nguyện vọng của tôi đã được chấp thuận. Thế là tôi được về lớp học 1G Sử – Địa cùng anh Hoàng Triều Ân, anh Nông Văn Hoàn… Học hơn nửa năm, trường sáp nhập hai ban Văn- Chính và Sử- Địa. Chúng tôi được học đầy đủ các môn với số giờ giống nhau, được học các thầy cô vốn là những trí thức nổi tiếng như thầy Hoàng Như Mai, thầy Đinh Gia Khánh, thầy Nguyễn Lân, thầy Lê Bá Thảo, thầy Nguyễn Dược, thầy Hà Thế Ngữ, thầy Lương Thanh Tường, thầy Văn Tân, cô Nguyễn Thị Nhu, Ba Khang, thầy Phấn… Các thầy cô là những tấm gương mẫu mực, dạy dỗ chúng tôi tận tình chu đáo từ việc nhỏ đến việc lớn. Một lần tôi được thầy Lê Bá Thảo gọi kiểm tra Địa lý. Tôi trả lời đầy đủ câu hỏi của thầy. Thầy nhận xét tôi trả lời đúng và được 5 điểm (Thời đó trường cho điểm theo 5 bậc như cách cho điểm của Liên Xô) nhưng thầy nói chỉ cho 4 điểm vì tôi chưa biết cầm phấn viết bảng. Thầy bảo khi cầm phấn viết bảng, nên bẻ đôi viên phấn, miết vào góc bảng xem phấn có mềm, không có sạn để viết trên bảng khỏi có tiếng kèn kẹt (phấn tôi viết có tiếng kèn kẹt). Lời dặn sư phạm ấy tôi vẫn nhớ thực hiện suốt cả đời dạy học. Lớp tôi do thầy Hà Thế Ngữ làm chủ nhiệm. Thầy chụp ảnh cùng nhóm học tập của tôi, có các anh Trịnh Khắc Để, Nguyễn Xuân Sách người quê Thanh Hóa. Học ở khu học xá mỗi chúng tôi đều có sổ tu dưỡng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thầy Ngữ đọc sổ tu dưỡng của tôi và ghi những lời nhận xét của thầy, khuyên tôi rèn luyện sức khỏe vì lúc ấy tôi gầy yếu, nhỏ bé. Tôi không bao giờ quên lời dạy của cô Nguyễn Thị Nhu dạy giáo dục học. Theo quy định của trường thì bài kiểm tra một tiết sẽ được trả kết quả sau hai tuần. Chúng tôi kiểm tra 45 phút đầu tuần nhưng cuối tuần đã được cô Nhu trả kết quả. Cô nói với cả lớp rằng tâm lý của người học khi được kiểm tra bao giờ cũng mong biết sớm kết quả bài làm của mình, nay tôi đã chấm xong, trả sớm để các anh chị đỡ mong. Quả là cô hiểu rất đúng tâm lý học trò.
Nguyễn Nghĩa Trọng (thứ nhất, hàng ngồi) cùng phân đoàn Thanh niên cứu quốc ở khu học xá cùng các thầy, 1953-1956.
Ở khu học xá, các anh chị lớn tuổi thường là cán bộ, giáo viên đi học cùng học, ăn ở, sinh hoạt với các lứa học sinh phổ thông ít tuổi. Có nhiều anh chị đã là đảng viên. Mỗi lớp chia nhiều tổ, mỗi tổ có nhiều nhóm ba người giúp nhau học tập, tu dưỡng. Sinh hoạt tập thể rất có nề nếp. Sáng sớm khi loa phóng thanh vang bài nhạc thể dục là toàn trường có mặt ở sân tập các động tác rèn luyện thân thể. Vệ sinh buổi sáng xong mỗi người được một ca sữa đậu nành, một bánh màn thầu hay cháo quẩy. Buổi sáng lên lớp, chiều tôi tự học ở lớp. Từ 16h đến 18h chơi bóng, tập xà, chạy nhảy. Hàng tuần đều sinh hoạt tổ, nhóm. Mọi hoạt động, học tập đều có nền nếp, ăn uống đầy đủ, mọi người đều mạnh khỏe, tươi trẻ.
Tôi lớn lên cả hình thể lẫn tinh thần, học đạt loại khá trong lớp. Còn nhỏ tuổi, cùng học với các anh lớn hơn, nhiều lúc tôi hay tranh luận, hiếu thắng. Kỷ niệm sâu sắc trong đời đi học là vào dịp kiểm điểm cuối năm tôi được các anh, các bạn phê bình sâu sắc cái tính chủ quan, hiếu thắng, thường quá tự tin, có biểu hiện tự phụ, thiếu khiêm tốn. Tôi đã khóc rất lâu trong buổi kiểm điểm ấy. Buổi kiểm điểm giúp tôi thấy rõ khuyết điểm của mình, luôn nhắc nhở tôi ra sức tu dưỡng, học tập, lắng nghe, khiêm nhường. Sự dạy bảo chu đáo của thầy cô, sự giúp đỡ thân ái của bạn bè, sự nuôi dưỡng đầy đủ của nhân dân nước bạn (và sau này hai lần tôi được đi học làm phó tiến sĩ và tiến sĩ ở Liên Xô) cùng sự chăm chút, dạy dỗ của gia đình, nhất là của cha mẹ đã giúp tôi ngày một khôn lớn, trưởng thành từ một thanh niên non nớt dại khờ trở thành một thầy giáo, một đảng viên cộng sản, một cán bộ hết lòng vì sự nghiệp chung của cách mạng, làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm dạy học hoặc công tác Đảng.
Ghi lại vài trang về chặng đường xa gia đình bước vào quá trình học tập, rèn luyện trở thành giáo viên, thành công dân, cán bộ rồi trở thành nhà khoa học ở lĩnh vực văn chương và chính trị, là nhà thơ, tôi muốn nói ở đây một lần nữa lòng biết ơn với đất nước, nhân dân, với lịch sử, với Đảng, Chính phủ với rất nhiều thầy cô, bạn bè, đồng chí, đồng bào, học sinh, sinh viên và gia đình lớn, nhỏ, vợ và con cháu.
[1] Đảng Cộng Sản Việt Nam – văn kiện, tập 13, 2000. Trang 384-388. Trích từ cuốn Đảng Cộng Sản Việt Nam với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. H- Đại học Sư phạm Hà Nội do Phan Ngọc Liên làm Chủ biên.
PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng