Ký ức thời trai tráng của “Vua quân y địch hậu”

Hồi ấy, Đỗ Doãn Đại là một sinh viên y khoa, nhưng ông đã chiến đấu, rong ruổi ở nhiều tỉnh của miền Bắc và trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm. Ông từng được Cục trưởng Quân y Vũ Văn Cẩn và các bạn đồng nghiệp gọi là “Vua quân y địch hậu”.

Ông sinh năm 1926 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Vào khoảng năm 1944, khi ở trọ tại số 45 phố Jacquin (nay là phố Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) cùng với một số bạn như Nguyễn Lập, Vũ Đức Minh, Nguyễn Đăng Lễ, Nguyễn Quế, Tô Xuân Chiêu… để chuẩn bị thi tú tài, Đỗ Doãn Đại đã được gặp gỡ, nghe ông Vũ Văn Cẩn, Hoàng Đạo Thúy, Dương Đức Hiền… bàn chuyện làm cách mạng. Chính họ là những người đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc giác ngộ cách mạng của ông. Rồi từ đó, ông thường xuyên tham gia các hoạt động bí mật trong phong trào hướng đạo sinh, truyền bá quốc ngữ, làm từ thiện ở Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp tú tài năm ấy, Đỗ Doãn Đại thi đỗ trường Đại học Y khoa, nhưng vẫn tiếp tục những hoạt động yêu nước. Khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, vì hoàn cảnh, sinh viên Đỗ Doãn Đại bỏ dở chuyện học hành và dành toàn bộ thời gian để tham gia các phong trào của Việt Minh.

Nhớ lại những ngày diễn ra Cách mạng tháng Tám, PGS Đỗ Doãn Đại  kể: “Lúc đó tôi chả coi tính mạng là gì, tham gia phá kho thóc Nhật, rồi chia cho dân nghèo, làm thanh niên xung phong tuyên truyền khắp nơi từ Hải Dương đến Hưng Yên. Dạo ấy, mặc dù không bị cận thị nhưng tôi vẫn thủ đôi kính để khi lên diễn thuyết trước quần chúng thì đeo vào nguỵ trang, mục đích là làm cho mật thám khó nhận ra mình. Tôi đạp xe khắp nơi làm nhiệm vụ đó. Có một số anh bạn cùng hoạt động với tôi bị Nhật bắt. Sau đó, tôi với anh Nguyễn Giáp[1] là hai thanh niên cao lớn xung phong đi cướp chính quyền ở Hưng Yên. Sau khi giành được chính quyền, tôi được cử làm Phó Chủ tịch thị xã Hưng Yên. Nhưng chỉ làm một thời gian tôi xin vào bộ đội và xung phong Nam tiến. Anh Nguyễn Giáp gia nhập quân đội trước tôi, đoàn tôi đi sau nên khi vào đến Bình Định đã là ngày 6-3 rồi, tức là Hiệp định Sơ bộ giữa ta và Pháp được ký kết. Tôi quay trở lại ra Bắc, nghe nói cần lắm những người làm về ngành y nên tôi tham gia hoạt động trong ngành quân y, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Vũ Văn Cẩn”[2].

PGS Đỗ Doãn Đại

Tháng 9-1946, ông Đỗ Doãn Đại cùng với ông Lê Bội Hoàn được Cục trưởng Vũ Văn Cẩn giao cho một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là mang thư và thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế lên Phú Thọ gặp bác sĩ Phạm Gia Lăng[3] – người phụ trách về quân y ở đó, để trao đổi và động viên tinh thần anh em. Tiếp tục  nhiệm vụ đó, chiến sĩ quân y Đỗ Doãn Đại theo đường xe lửa vào Huế để gặp BS Trần Tấn Lập.

Khi những cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam không thể ngăn cản được tham vọng quay trở lại miền Bắc của Pháp thì tất cả đều sẵn sàng cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Tháng 11-1946, Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, đây là nơi diễn ra những hoạt động quân sự ác liệt đầu tiên của Pháp ở miền Bắc kể từ sau Cách mạng tháng Tám. Những hoạt động đó tỏ rõ tham vọng xâm lược Việt Nam lần thứ hai một cách quyết liệt hơn. Trong tình hình ấy, các ông Đỗ Doãn Đại, Nguyễn Ấu Thực, Lê Ngọc Hồ, Bùi Thiện Sự được Cục Quân y cử xuống mặt trận Hải Phòng, Kiến An để phục vụ công tác cứu chữa thương binh. Ở mặt trận này có Quân y viện Bách Phương, huyện An Lão, tỉnh Kiến An do bác sĩ Nguyễn Văn Tín phụ trách và Quân y viện An Dương, huyện Kim Thành, tỉnh Kiến An do bác sĩ Đặng Đình Huấn[4] phụ trách. Bốn người cùng xuống Hải Phòng được cử về làm việc với bác sĩ Đặng Đình Huấn, chỉ có mình ông Đỗ Doãn Đại ở lại với bác sĩ Nguyễn Văn Tín[5] để tăng cường thêm lực lượng cấp cứu, phẫu thuật cho thương binh và nhân dân địa phương.

Điều đặc biệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp là sinh viên trường Đại học Y vừa học, vừa đi chiến dịch. Thời gian học trên lớp ít hơn thời gian đi chiến dịch… Ấy vậy mà đa số họ đã trưởng thành lên nhiều từ những kiến thức trong sách vở, từ những người thầy và nhất là từ thực tiễn tham gia chiến dịch. Cuối năm 1947, Cục Quân y, mà cụ thể là Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã chủ trương vừa sử dụng, vừa tăng cường bồi dưỡng năng lực của cán bộ quân y nên đã cho những người đang học dở trường Y như Đỗ Doãn Đại, Nguyễn Ấu Thực… trở về trường Đại học Y ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang để nhập học. Trước đó, ngày 6-10-1947, trường Đại học Y được khai giảng trở lại giữa không gian núi rừng Việt Bắc. Trong buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng trường Đại học Y – GS Hồ Đắc Di đã nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện này: “Nó xác nhận quyết tâm không gì lay chuyển của Chính phủ muốn giữ nguyên nhiệm vụ thiêng liêng và cổ truyền của trường đại học là đào tạo những người có văn hóa và có học thức, nghĩa là những cán bộ kỹ thuật và những con người tự do”[6].

PGS Đỗ Doãn Đại nhớ về ngày trở lại trường Y: “Bốn anh em ở mặt trận Hải Phòng, Kiến An lên Chiêm Hóa vào cuối năm 1947. Chúng tôi gặp anh Tùng[7], cụ Di[8], cụ Nguỵ Như Kontum[9], các cụ đều ở làng Ải. Trước đó đã có nhóm lên trước nhóm tôi, thường gọi là nhóm Xung phong, gồm có những anh như Phạm Văn Phúc, Nguyễn Bửu Triều, Vũ Tam Hoán… khoảng chục người[10]. Nhóm xung phong ở gần cụ Di hơn, ở bên kia sông, còn chúng tôi ở bên này sông, thường gọi là nhóm Duyên hải, trong đó có Hoàng Tích Tộ, Đặng Trung Kỷ, Trịnh Kim Ảnh, cùng lứa với tôi cả đấy…”[11].

Những ngày ở trường Đại học Y tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, việc học diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Do rất thiếu tài liệu, sinh viên phải truyền tay nhau những tài liệu để chép tay, đi chiến dịch thì mang theo để vừa học, vừa làm. Thế hệ như  sinh viên Đỗ Doãn Đại chủ yếu là tự học, coi tài liệu như không khí để thở. Ông kể: “Lứa lớp chúng tôi là đọc sách, chép tay như cái máy chép. Vớ được quyển nào là chia nhau chép, kể cả những cái sơ đẳng là về triệu chứng học cũng chép, bệnh học cũng chép, ngoại khoa cũng chép. Anh nào cũng có vài ba tập chép tay trên giấy rất dầy, bỏ vào balo mang đi chiến dịch. Lứa chúng tôi là tự học, tự học bằng sự kiên trì của mình, vớ được tài liệu nào là sướng lắm. Dạo đó buồn cười lắm! Mỗi lần tập trung về trường thì học độ 10-15 bài rồi thi. Mà khi thi thì cũng chỉ có anh Tùng, cụ Di kiểm tra. Thi là đỗ thôi! Sau khi tập trung, lên lớp, thi, rồi trường lại giả về nơi công tác của mình. Tôi còn nhớ anh Nguyễn Xuân Ty lên trường chả kịp học hành gì, nhưng trước ngày trở về đơn vị, anh ấy nai nịt, súng ống đầy đủ và thưa với cụ Di: “con vừa ở mặt trận về thi rồi phải đi ngay”. Thi xong, chúng tôi chơi chán 1-2 ngày rồi lại về đơn vị”[12].

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, sinh viên Đỗ Doãn Đại còn được theo học những lớp chuyên khoa tại các trạm phẫu thuật lưu động ở tiền phương. Như ông được học về phẫu thuật do bác sĩ Nguyễn Hữu phụ trách hay theo học về tai mũi họng do bác sĩ Trần Hữu Tước giảng dạy ở Hà Nam… Những kiến thức do bác sĩ Nguyễn Hữu truyền dạy trở thành những thứ quý giá để Đỗ Doãn Đại phục vụ chữa trị cho thương binh và đồng bào ở các vùng địch hậu.

Khoảng giữa năm 1948, sau một thời gian học ở Chiêm Hóa, sinh viên Đỗ Doãn Đại được phân công về phục vụ chiến đấu tại vùng địch hậu ở các tỉnh của Liên khu 3. Cuối năm 1949, khi thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng và đánh rộng ra khắp đồng bằng Bắc bộ, trong những cuộc vây ráp bắt bớ, có cả một số bác sĩ quân y bị bắt, có người không chịu được sự khốc liệt nên đã rời đơn vị, dinh tê… Lúc ấy, Đỗ Doãn Đại được Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn và ông Nhữ Thế Bảo phụ trách Quân y Liên khu 3 cử sang vùng địch hậu ở Khu Tả ngạn sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương phục vụ chiến đấu. Lúc đầu, ông công tác ở Trung đoàn 64, sau đó làm Trưởng ban Quân y Trung đoàn 42 thay bác sĩ phụ trách mới dinh tê vào thành. Ở đây, ông phục vụ quân dân y thuộc đủ các chuyên khoa như nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt… Ông kể: “Trung đoàn tôi ở vùng địch hậu, không đóng cố định ở đâu, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Kiến An, Hải Phòng, Hải Dương… Địch gọi là trung đoàn ma, tức là lúc ẩn lúc hiện, không biết ở đâu mà lần. Lúc đó vào địch hậu buồn cười lắm. Tôi đi vào, anh em đi ra nói muốn chết hay sao mà đi vào. Nhưng tại sao tôi vào? Vì lúc đó cả Khu 3 cóhai đảng viên quân y là tôi và anh Nhữ Thế Bảo, chúng tôi rất thân nhau. Anh Bảo nói rằng chỉ có  hai đảng viên, chả có nhẽ để quân y trống, một người phải vào vùng địch hậu. Tôi nói với anh ấy rằng: “anh lớn tuổi, có vợ con rồi, tôi thì thân cô thế cô, thế là tôi vào”. Vào trong vùng địch hậu thì khổ lắm! Trong một trận chiến, bộ đội ta bắt được tên quan ba bị thương nặng ở vai. Lúc đó anh Nguyễn Như Khiết là Trung đoàn trưởng nói với tôi rằng làm thế nào chữa cho tay quan ba này. Tôi bảo chữa tay chân thì dễ quá, cầm chắc phần sống. Phía trên bầu trời, máy bay lồng lộn tìm của người họ, ở phía dưới mình mặc quần đùi, đội nón lá mổ cho tù binh. Vì tôi học với ông Nguyễn Hữu nên rất giỏi gây tê tại chỗ, khi mổ, tay quan ba Pháp vẫn tỉnh táo. Khi thấy máy bay, hắn nói máy bay đang tìm hắn. Chúng tôi giỏi tiếng Pháp, trao đổi với hắn khiến hắn rất ngạc nhiên. Ở trung đoàn ma mà lại có vài người nói được tiếng Pháp. Chúng tôi mong muốn cứu sống tay này, rồi thả nó về để nó nói tốt về Chính phủ ta, nhưng chiến dịch diễn ra ác liệt quá, hắn ta bị bắn chết”[13].

Khi thành lập Quân khu Tả ngạn sông Hồng (1952), ông Đỗ Doãn Đại được cử làm Chủ nhiệm quân y Quân khu này, Chính ủy là ông Đỗ Mười, Phó chính ủy là ông Nguyễn Khai, Tư lệnh trưởng là ông Đặng Tính. Đến lúc này, chiến sĩ quân y Đỗ Doãn Đại đã hoạt động trong vùng địch suốt gần 4 năm, thông thuộc mọi đường đi lối lại, đặc biệt ông luôn hoàn thành tốt việc chữa chạy, phẫu thuật cứu chữa thương binh và nhân dân trong mọi hoàn cảnh…chính vì vậy ông được mệnh danh là “Vua quân y địch hậu”.

Là thành viên của trung đoàn ma, lại là Chủ nhiệm Quân y, PGS Đỗ Doãn Đại nhớ lại: “ Khi lính Pháp đi càn phải xuống hầm ẩn nấp, tôi là người hay ngồi ở cửa hầm để trấn an tinh thần anh em, và cũng đề phòng ai đó không vững tinh thần có thể bật nắp hầm lên, vì phía trên, lính Pháp lịch kịch truy lùng. Khi đêm tối chúng tôi lên thở rồi lại xuống, có khi ở dưới hầm đến 4-5 ngày. Kinh nghiệm ẩn nấp dưới hầm thì nhiều lắm, mà nhất là kinh nghiệm chịu đói, có hộp sữa mà không thể nào mở được nắp. Lúc đó tôi viết nhiều kinh nghiệm ở hầm, kinh nghiệm đào hầm, kinh nghiệm cất giấu thương binh trong vùng địch hậu, kinh nghiệm vận chuyển thương binh ra vùng tự do… hay những kinh nghiệm phẫu thuật mắt, ngực, bụng… Trong đời, tôi chưa bao giờ chịu cắt chân, tay của ai mà không cần thiết bắt buộc phải cắt. Anh em vẫn nói đùa rằng trong tay nải của anh Đại có đủ mọi thứ, thuốc tê, dụng cụ phẫu thuật… Có cái tay nải, tôi đi khắp nơi, đi đâu cũng được, chỗ nào cũng có thể mổ được. Anh Cẩn mệnh danh tôi là “Vua quân y địch hậu” cũng lẽ đó…”[14].

Sinh viên y khoa Đỗ Doãn Đại cùng đồng nghiệp – đồng đội thời kỳ ấy như Vi Huyền Trác, Nguyễn Văn Nhân, Lê Ngọc Mô, Bùi Thiện Sự, Nguyễn Ấu Thực, Phạm Khuê… đều có những đóng góp nhất định cho công tác cứu chữa thương binh ở các đội điều trị, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Sau chiến thắng, Đỗ Doãn Đại và một số sinh viên khác tập trung về Lang Quán, Tuyên Quang để tiếp tục học thêm một thời gian rồi thi tốt nghiệp. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, con người được rèn rũa trong hoàn cảnh khốc liệt càng trở nên dạn dày và bản lĩnh hơn. Có lẽ vì thế mà những sinh viên y khoa thời ấy, trong đó có Đỗ Doãn Đại, đã là những bác sĩ thực thụ trước khi trải qua kỳ thi tốt nghiệp để nhận tấm bằng bác sĩ. Sau này, bác sĩ Đỗ Doãn Đại đảm đương nhiều chức vụ như Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với ông, cuộc đời không có gì phải hối hận, vì ông đã sống, đã cống hiến một cách vô tư, nhiệt thành, đầy trách nhiệm như thế.

PGS Đỗ Doãn Đại đã trải qua thời trai trẻ của mình trong chiến tranh gian khổ, nhưng đẹp đẽ, trong sáng vô ngần! Nhớ về những tháng ngày ấy, là nhớ về một “Vua quân y địch hậu” đầy bản lĩnh, kiên cường!

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Ông Nguyễn Giáp về sau có thời gian làm đại sứ ở Nhật Bản, và từng là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.

[2] Phỏng vấn PGS Đỗ Doãn Đại ngày 1-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Bác sĩ Phạm Gia Lăng là bố của ông Phạm Gia Khánh – Trung tướng quân y và ông Phạm Gia Khiêm – nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

[4] BS Đặng Đình Huấn sau công tác ở Viện Quân y 103.

[5] BS Nguyễn Văn Tín sau này có thời gian làm Thứ trưởng Bộ Y tế.

[6] Những bài phát biểu của Giáo sư Hồ Đắc Di (giai đoạn 1945-1954), trường Đại học Y Hà Nội, 1995, tr.5.

[7] GS Tôn Thất Tùng, sau là Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế.

[8] GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

[9] GS Ngụy Như Kontum, sau là Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[10] Đến nay nhóm này chỉ còn lại các ông Nguyễn Bửu Triều, Phạm Văn Phúc.

[11] [12][13][14]Phỏng vấn PGS Đỗ Doãn Đại ngày 1-8-2016, tài liệu đã dẫn.