Khoảng tháng 10-1948, ngay khi mới bắt đầu bước vào năm học thứ hai, tôi được trường Đại học Y khoa kháng chiến (lúc đó đã chuyển từ huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về triển khai giảng dạy tại xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cử đi thực tập tại Trung đoàn 308 đang đóng quân ở khu vực Phúc Trìu, tỉnh Thái Nguyên. Từ Trung đoàn 308, tôi được cử xuống công tác ở Đội giải phẫu lưu động 2 (nay gọi là Đội phẫu thuật), lúc này đang triển khai ở gần Giang Tiên, ven quốc lộ 3, trên đường từ thị xã Thái Nguyên lên Bắc Cạn, theo sát phục vụ Tiểu đoàn bộ binh 35 của Trung đoàn.
Năm đó, Đại đoàn bộ binh 308 chưa được thành lập. Quân y Trung đoàn có 1 bệnh xá và 2 đội giải phẫu lưu động, đội 1 và đội 2. Đội giải phẫu lưu động 2 được tổ chức gồm có: 1 y sĩ đội trưởng Hoàng Tích Tộ và 4 y tá là: Tải, Dương, Quý và Cư. Sau Tết âm lịch đầu năm 1949, Tiểu đoàn 35 được lệnh cùng với Đội giải phẫu lưu động 2 lên tham gia tác chiến ở Cao Bằng, tăng cường trực tiếp cho Trung đoàn 174. Lúc đó, tôi thật sự băn khoăn giữa việc về trường đại học để tiếp tục năm học hay theo Đội giải phẫu lưu động lên phục vụ chiến đấu ở Cao Bằng. Về trường để tiếp tục học là hợp lý vì thời gian thực tập đã gần hết. Những bỏ lỡ một dịp phục vụ chiến đấu ở tận Cao Bằng thì cũng thật đáng tiếc. Anh Tộ nói là tùy tôi quyết định: đi phục vụ chiến đấu hay về trường. Không thể liên lạc được với trường để xin ý kiến, vì điều kiện những năm tháng đó thật khó khăn: không có điện thoại, thư từ thì cũng rất khó mà chưa chắc đã tới nơi. Tôi suy tính và quyết định đi cùng Đội giải phẫu lưu động 2 lên phục vụ chiến đấu ở Cao Bằng, vì tôi nghĩ đây là một dịp hiếm có được phục vụ chiến đấu. Vả lại, Đội cũng rất cần người vì thành phần lúc đó chỉ có 1 y sĩ và 4 y tá. Anh Tộ là 1 sinh viên y khoa giỏi, có trình độ ngoại khoa tốt, nhưng cả 4 y tá đều còn rất trẻ và mới tốt nghiệp ở trường ra, chưa từng phục vụ thương bệnh binh bao giờ.
Trước ngày hành quân lên Cao Bằng, Đội giải phẫu lưu động 2 được Trung đoàn tăng cường thêm 2 giám mã với 2 ngựa thồ để vận chuyển thuốc và dụng cụ chuyên môn. Đường hành quân bộ từ Thái Nguyên lên Cao Bằng thật gian nan vất vả, vì lúc đó quân Pháp đang chiếm đóng thị xã Bắc Cạn, cắt đứt đường số 3 từ Thái Nguyên lên Cao Bằng. Đường hành quân của Tiểu đoàn bộ binh 35 và Đội giải phẫu lưu động 2 phải đi theo đường vòng: từ Thái Nguyên lên Chợ Mới theo quốc lộ số 3, rồi rẽ theo đường mòn vào huyện Na Rì, hướng lên Cao Bằng, vượt đường số 4 đang do quân Pháp khống chế, rồi triển khai hoạt động tác chiến trong khu vực các huyện Quảng Uyên, Trung Khánh, Trà Lĩnh, vùng đông bắc thị xã Cao Bằng. Tại Cao Bằng, Đội huy động thêm một số hộ lý người địa phương để phục vụ thương binh.
Sau những trận chiến đấu thắng lợi ở Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, đầu tháng 6-1949, Tiểu đoàn 35 cùng với Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 174 được lệnh chuyển sang chiến đấu ở miền Nam Trung Quốc.
Giữa năm 1949, các tỉnh miền nam Trung Quốc vẫn thuộc quyền quản lý của Chính phủ Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên, ở nhiều vùng giáp biên giới Việt Nam đã có những khu vực được giải phóng bởi các lực lượng du kích địa phương. Năm 1949, theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc-Tư lệnh Biên khu Việt-Quế (Quảng Đông-Quảng Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam phái một lực lượng sang giúp Trung Quốc “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng,…” (Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 23 tháng 4 năm 1949).
Chấp hành Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn* được tổ chức, sử dụng các lực lượng chiến đấu của Việt Nam sang tham gia chiến đấu ở vùng biên giới Trung Quốc. Chiến dịch được triển khai trên 2 hướng: hướng Khâm Châu và hướng Long Châu.
Trên hướng Long Châu, lực lượng ta gồm Tiểu đoàn bộ binh 35 (Trung đoàn 308), Tiểu đoàn bộ binh 73 (Trung đoàn 174), 1 Tiểu đoàn pháo binh và các lực lượng bảo đảm khác. Lực lượng Bạn có 2 Đại đội địa phương và một số đội vũ trang công tác.
Chiến dịch diễn biến trong 3 đợt (hướng Long Châu):
– Đợt 1 từ ngày 10 đến 15 tháng 6: ta tiến công đồn Thủy Khẩu (trên biên giới Việt Nam-Trung Quốc, đối diện với đồn Tà Lùng của Pháp ở Cao Bằng). Sáng 15 tháng 6, lực lượng ta đánh phục kích, bao vây tiêu diệt 1 Tiểu đoàn địch ở Hạ Đống.
– Đợt 2 từ 15 đến 20 tháng 6, đánh địch ở Bình Tường, Bình Kiều, Thông Kheo. Địch phải thu quân về giữ Long Châu. Các đơn vị của ta và Bạn vào Bình Tường, Bình Kiều, Thông Kheo.
– Đợt 3, từ 21 tháng 6 đến 16 tháng 7. Ta vây hãm Long Châu. Địch điều 2 Trung đoàn xuống mở cuộc phản kích. Ta chủ trương dùng một bộ phận nhỏ đánh du kích, còn chủ lực rút dần về nước.
Tổ chức bảo đảm quân y năm 1949 còn rất sơ sài. Ngành quân y chưa có lý luận về Tổ chức và chỉ huy quân y. Hành quân phục vụ chiến đầu trên đất Trung Quốc, Đội giải phẫu lưu động 2 thực sự cũng không được phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến. Vì vậy cũng không có kế hoạch tổ chức bảo đảm quân y. Đội giải phẫu lưu động 2 vừa làm tuyến thu dung cứu chữa thương binh ở mặt trận chuyển về, vừa làm bệnh xá điều trị vì không thể chuyển thương binh ngay về Việt Nam được. Tuy nhiên, Đội được sự hỗ trợ tích cực của cơ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân địa phương, mà người đại diện là một nữ cán bộ địa phương tuổi còn rất trẻ, có lẽ chỉ ngoài 20, mà chúng tôi chỉ biết tên là Pun Chăn. Chị nói được tiếng Việt, nên mọi việc của Đội giải quyết với địa phương, từ xây dựng cơ sở, bảo đảm ăn uống cho thương binh… đều qua đồng chí Pun Chăn.
Tham gia phục vụ chiến đấu, Đội giải phẫu lưu động triển khai trong một khu rừng mà chúng tôi cũng không biết rõ tên. Qua sự huy động của nữ đồng chí Pun Chăn, nhân dân địa phương đã mang nguyên vật liệu đến dựng lán cho Đội: lán mổ, lán thu dung điều trị thương binh và lán ở cho nhân viên. Y sĩ Tộ trực tiếp mổ, tôi làm phụ mổ hoặc gây mê khi cần thiết; còn việc chăm sóc thương binh hàng ngày do tất cả chúng tôi làm. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho thương binh và nhân viên do địa phương cung cấp qua nữ đồng chí Pun Chăn. Đợt này, Đội giải phẫu đã thu dung khoảng 30 thương binh. Khi chiến sự phát triển, Đội phải tách làm 2 bộ phận: Y sĩ Tộ đi cùng đại bộ phận đội lên phía trước, bám sát đội hình chiến đấu; tôi và y tá Dương ở lại phía sau, làm nhiệm vụ thu dung điều trị thương binh đã có và những thương binh sẽ được chuyển về trong quá trình chiến đấu.
Trong những ngày ở lại Bệnh xá có một sự kiện mà tôi không bao giờ quên:
Khi xử trí thương binh trong trận đánh địch ở Thủy Khẩu, có một thương binh bị vết thương vùng mông, máu chảy ra nhiều. Khi mổ, anh Tộ đã cố gắng xử trí nhưng không cầm máu được. Chẩn đoán sơ bộ là: tổn thương động mạch mông. Những ai đã học qua giải phẫu đều biết động mạch mông rất ngắn ở sâu dưới lớp cơ mông. Nếu muốn cầm máu động mạch mông có hiệu quả, cần mổ theo đường bụng và thắt đông mạch chậu trong. Nhưng việc đó ở chiến trường là không thể làm được, với điều kiện của Đội giải phẫu lúc đó. Anh Tộ có sáng kiến là dùng nhiều gạc nhét chặt vào vùng vết thương.
Nhưng càng nhét gạc, máu càng đẩy gạc ra. Cuối cùng anh Tộ phải áp dụng một sáng kiến khá độc đáo: nhét gạc thật chặt vào vết thương, đồng thời dùng một kẹp Kocher kẹp chặt miếng gạc vào vết thương. Máu tạm ngừng chảy và không đùn gạc ra nữa. Khoảng nửa tháng sau, khi đó anh Tộ đã di chuyển cùng Đội giải phẫu lên phía trước, trong một lần thay băng cho thương binh, tôi thấy vết thương bị nhiễm trùng, mủ chảy ra theo miệng vết thương. Phải rút gạc ra để rửa sạch cho vết thương mau liền. Nhưng nếu máu lại chảy tiếp thì làm thế nào? Mà lúc này lại chỉ có tôi và y tá Dương ở bệnh xá. Cũng đành liều. Tôi mở băng và rút nhẹ dần lớp gạc ra. Vừa làm vừa run. May quá, máu đã không chảy.
Có một sự việc mà tôi được nghe anh em ở tổ phẫu thuật lên phía trước kể lại. Y sĩ Tộ, tuy người nhỏ bé, nhưng rất tận tụy trong công việc, và anh đã tranh thủ được tình cảm của nhân dân địa phương nơi tổ phẫu thuật triển khai. Có một thanh nữ đã lén đo dấu chân của anh khi đang ngủ và cặm cụi khâu tặng anh một đôi giày vải. Ai đã lên Cao Bằng những năm đó đều biết giày vải khâu tay là một loại giày thông dụng của người dân địa phương. Đôi giày vải mà thanh nữ đó lén đo cỡ chân rồi khâu giày tặng cho y sĩ Tộ đã nói lên rất nhiều về tình hữu nghị Việt-Trung trong những năm sát cánh chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng của hai dân tộc.
Chiến dịch kết thúc, Đội giải phẫu lưu động 2 trở lại Thái Nguyên và hội nhập với đội hình quân y Trung đoàn 308, lúc đó đã được xây dựng thành Đại đoàn. Tôi trở về trường đại học khi năm học đã kết thúc và các bạn cùng lớp đã đi nghỉ hè hết. Riêng mình tôi được ở lại trường để ôn thi những môn học mà tôi đã vắng mặt.
66 năm đã trôi qua kể từ những ngày phục vụ chiến đấu sôi động ấy. Tình hình đã có nhiều đổi thay chóng mặt. Riêng tôi vẫn giữ sâu trong tâm trí của mình hình ảnh về những ngày phục vụ chiến đấu ở vùng biên giới Cao bằng, ở miền Nam Trung Quốc, hình ảnh về những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh anh dũng cho tình hữu nghị Việt-Trung, về những cô gái Trung Quốc đã tận tình chăm sóc cho tình hữu nghị Trung-Việt.
GS.TS Nguyễn Duy Tuân
Nguyên sinh viên y khoa khóa Y47 thực tập tại Đội giải phẫu lưu động 2 năm 1949
——————————-
* Xem thêm: 60 năm bộ đội Việt Nam tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, Quân đội Nhân dân online, 12-8-2009.