Làng lụa La Khê
Với mỗi một con người, quê hương luôn là một yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách và ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của họ. Với PGS.TS Vũ Văn Tuyển, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phòng trừ mối, Viện Khoa học Thủy lợi thì quê hương chiếm một vị trí quan trọng trong ký ức tuổi thơ của ông.
PGS.TS Vũ Văn Tuyển, sinh năm 1936 tại làng La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) một làng nghề nổi tiếng với nghề dệt lụa lâu đời và cũng là quê hương của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Hiện nay, làng lụa La Khê là một phường nhộn nhịp các hoạt động buôn bán và khách du lịch đến tham quan lễ Bia Bà. Tuy nhiên, giữa thế kỉ XX qua ký ức của PGS Vũ Văn Tuyển thì nơi đây vẫn là một làng quê nghèo nằm ven thị xã Hà Đông. Trong trí nhớ của ông: “làng lụa La Khê nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu vẫn là làng xóm nhiều ao hồ, nhiều cây cối và suốt ngày chim hót líu lo. Lúc còn bé, ông vẫn thường cùng bạn bè đi bắn chim, câu cá và bắt ếch. Dù gần thị xã nhưng đường làng vẫn ít đường gạch, nhiều đường đất, trời mưa vẫn bẩn và trơn. Do làng phát triển nghề thủ công nên quan hệ kinh tế giữa làng và thị xã khá khăng khít. Cứ 5 ngày lại có một phiên chợ, người dân đem bán the lụa ở Hà Đông và Hà Nội. Cuộc sống của bà con khi đó còn nghèo nàn và lạc hậu: “Người nào đi chợ về mua được vài lạng thịt lợn xách tay là sự hãnh diện, là niềm vui vô cùng thể hiện cả trên nét mặt. Cả làng chỉ có bốn, năm chiếc xe đạp của công chức đi làm công sở. Mỗi khi có một chiếc xe đạp “kinh kong” chạy qua thì cả một đàn trẻ con, có nhiều đứa còn chưa mặc quần, bám theo reo hò ầm ĩ”[1]. Những ai có dịp đi qua làng lụa La Khê ngày đó chắc sẽ còn nhớ mãi những tiếng lách cách phát ra từ những chiếc thoi đưa hay âm thanh từ khung cửi dệt, giống như một bản nhạc giao hưởng mà người thợ thủ công trong làng là những người nghệ sĩ của dàn nhạc đó. Cầu ao của làng là nơi vui nhộn nhất: người dân trong làng ra cầu ao để vo gạo, rửa rau. Đây cũng là nơi để trẻ con và cánh đàn ông trong làng ra “tắm tiên” một cách vô tư, thoải mái như không có ai quanh mình.
Vũ Văn Tuyển – thực tập sinh cao cấp tại Tiệp Khắc (1987-1988)
Vũ Văn Tuyển sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời về làm nghề dệt lụa. Ông nội ông từng giành được giải thưởng tại Hội chợ hàng thủ công của Triều đình Huế. Bố ông là cụ Vũ Văn Thuận, vốn làm nghề dệt lụa nhưng lại chịu khó học hành đến bậc Trung học. Thời điểm đó, trong làng ông, những người có trình độ như vậy thực là hiếm. Bố ông sau đó chuyển sang làm thư ký cho một hãng dệt lớn ở Hà Đông. Mẹ ông là bà Phạm Thị Mạc – một thợ dệt giỏi, bà là thợ chủ công và có thêm một vài nhân công làm thuê cùng tại nhà. PGS Vũ Văn Tuyển tâm sự: “Ảnh hưởng lớn nhất của bố tôi đối với tôi là tấm gương học tập và tấm lòng cương trực. Tuy có chút chữ nghĩa, biết tiếng Pháp nhưng ông luôn từ chối không làm việc cho chính quyền Pháp và tay sai dù hoàn cảnh gia đình đông con nhiều khó khăn thiếu thốn. Ngược lạ ông đã hết lòng giúp đỡ cán bộ ta hoat động bí mật. Ông dần dần bán ruộng để cho con ăn học và luôn dặn các con lớn lên không được làm điều gì thất đức. Bên cạnh đó, tính tình ông đôn hậu, hòa nhã với họ hàng và bà con lối xóm. Những tính cách đó ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống và tư chất của tôi trong suốt cuộc đời”[2].
Những ngày đầu học chữ
Những ngày đầu học chữ là những kỷ niệm sâu sắc khó phai trong suốt cuộc đời của PGS Vũ Văn Tuyển. Người đầu tiên dạy cho ông những chữ cái đầu đời lại chính là mẹ, khi nhớ về những ngày đó ông xúc động kể lại: “Mẹ tôi là một người phụ nữ làm nghề dệt thuần túy, vốn liếng chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu. Mẹ thường dạy tôi đánh vần bên khung cửi khi bà vừa dệt lụa vừa bày tôi học. Tôi rất tự hào dù bà chỉ dạy được cho tôi bảng chữ cái và đánh vần một số từ đơn giản trong vốn chữ nghĩa của bà. Nhưng điều đó ảnh hưởng nhiều đến sự quyết tâm, cố gắng học tập sau này của tôi”[3].
Sau đó Vũ Văn Tuyển được bố mẹ gửi đi học lớp vỡ lòng tại nhà thầy giáo Hòa – một ông giáo làng ở gần nhà. Ông còn nhớ rõ hình ảnh thầy giáo Hòa với bộ ria hình chữ “bát” (hay chữ V viết ngược) với bộ quần áo trắng đã chuyển sang màu cháo lòng, quanh năm toát lên mùi thuốc phiện ngầy ngậy. Cùng với hình ảnh của thầy Hoà là bao kỷ niệm khó quên khác của những ngày đầu tiên đi học với cảm giác hoang mang, lo lắng như “con chim non đứng bên bờ tổ” mà nhà văn Khái Hưng thời đó từng mô tả.
Hồi mới đi học lớp năm ở thị xã Hà Đông, hàng ngày đến lớp, ông được người nhà chở bằng xe đạp hoặc xe tay kéo. Vào học lớp năm, ông được học bà giáo Nội. Đây là thời gian mà cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra khốc liệt. Ở Đông Dương, Phát xít Nhật vào hất cẳng quân Pháp. Ông đi học trong không khí còi báo động phòng không (còn gọi là a-lec) liên tục rú lên inh ỏi. Mỗi khi có máy bay đồng minh, đạn pháo cao xạ của quân Nhật đùng đoàng bắn lên hình thành các đụn khói đen rải rác trên nền trời xanh. Lên lớp bốn, ông được học thầy giáo Thắng “một người nhỏ thớ, xương xẩu, khắc khổ nhưng ưa dùng roi vọt để “nói chuyện” với học trò khi học trò sai phạm. Mỗi lần thầy Thắng phạt ai thì hàm dưới của thày chẹo lệch hẳn sang một bên như hình bình hành, răng thầy nghiến lại, tay thầy vung lên mặc cho nạn nhân la hét và cả lớp run rảy, mặt mày xám ngoét không còn giọt máu. Sau vài phút vất vả đó, thầy và trò đều thở hổn hể và ướt đẫm mồ hôi”[4].
Năm 1942, Vũ Văn Tuyển được gia đình cho đi học lớp đồng ấu, tức lớp năm hệ tiểu học, là lớp thấp nhất – mà người lớn vẫn gọi nôm na là lớp bét – ở Trường tiểu học nam sinh, thị xã Hà Đông. Ông cho biết: “Hệ thống giáo dục phổ thông thời bấy giờ gồm có 12 lớp. Tiểu học được tính từ lớp năm đến lớp nhất. Sau khi hết tiểu học thì lên học bậc trung học đệ nhất cấp gồm các lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ. Sau khi học hết lớp đệ tứ thì thi bằng thành chung (Diplome). Tốt nghiệp bằng thành chung thì được lên học bậc trung học đệ nhị cấp gồm lớp đệ tam, đệ nhị và đệ nhất. Cuối cùng là thi tú tài”[5].
Từ 1945-1948, việc học của ông bị gián đoạn do những bất ổn xã hội và sự bùng nổ cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi trường lớp thỉnh thoảng bị dùng làm nơi ở tạm cho các lực lượng chiếm đóng.
Lớn lên trong thời điểm có nhiều biến động lịch sử nên Vũ Văn Tuyển được chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp từ trận vỡ đê năm 1945, sau đó là nạn đói lịch sử. Ông còn nhớ khi quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc, do đói khát nên chúng cướp cả đậu phụ của người dân ở chợ Hà Đông để ăn. Chết vì dịch bệnh, vì đói khát, xác lính Tưởng rải rác đó đây, được thu gom bằng xe bò rồi được chôn cất sơ sài đặt ven đường rồi vùi đất lại…
Đi học từ thời Pháp còn đô hộ nên Vũ Văn Tuyển cùng các bạn bè đều phải học tiếng Pháp. Đến nay ông không còn nhớ thời thơ ấu ông đã bắt đầu học tiếng Pháp như thế nào, ông chỉ nhớ rằng, từ lớp đồng ấu, ông cùng các bạn đã phải chào cờ và hát quốc ca Pháp trước khi vào lớp học.Thời kỳ này nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng nên Quốc ca Pháp lúc đó là bài hát ca ngợi Thống chế Pétain, người đã đầu hàng Phát xít Đức.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Vũ Văn Tuyển sống cùng gia đình trong vùng bị tạm chiếm. Sau mấy năm đứt đoạn, đến năm 1948 ông mới tiếp tục học lớp ba, sau đó học tiếp lớp nhì và lớp nhất. Năm 1950, ông thi tốt nghiệp tiểu học; ông kể lại: Trong kỳ thi tiểu học, đề thi văn yêu cầu học sinh bình luận về câu nói của nhà văn hóa Nguyễn Bá Học thời trước cách mạng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Với sự non nớt về mọi mặt của một đứa trẻ khoảng 14 tuổi, ông đã vận dụng hết trí tưởng tượng ngây thơ để làm bài thi và kỳ thi năm đó ông đã đạt kết quả cao.
Cậu học trò chăm chỉ
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Vũ Văn Tuyển vào học lớp đệ thất bậc trung học đệ nhất cấp. Trải qua nhiều trường khác nhau từ trường trung học Dũng Lạc, trường trung học Minh Tân rồi trường Văn Hóa và cuối cùng là trường Chu Văn An. Vũ Văn Tuyển luôn là một học trò chăm chỉ và kết quả học tập đều đạt vị trí cao trong lớp ở mỗi cấp học. Ông cho biết: “Thời học tiểu học, do quá ham chơi nên kết quả học tập không đồng đều, có lúc đạt kết quả cao, nhưng có lúc lại tụt xuống. Sau đó, cha mẹ kèm cặp thêm và bản thân cũng cố gắng hơn nên kết quả học tập ổn định hơn”[6].
Một trang “Thông tín bạ” của Vũ Văn Tuyển tại Trường trung học Minh Tân năm 1951-1952
Trong “Thông tín bạ” (sau này gọi là học bạ) của Vũ Văn Tuyển ở Trường trung học Minh Tân còn ghi lại những kết quả học tập của ông năm 1951-1952 khi ông học lớp đệ lục:
Tháng 11-1951, học trò Vũ Văn Tuyển được thầy Hiệu trưởng nhà trường là linh mục Trần Khiết đánh giá: “Học hành tấn tới, khá về sinh ngữ”. Điểm trung bình của tháng là 7,90, xếp thứ 3 trên tổng số 32 học sinh.
Tháng 12-1951, thầy Hiệu trưởng lại nhận xét: “Học hành tấn tới, khá nhất về Anh văn”. Điểm trung bình tháng là 7,77 và xếp thứ 2 trong lớp.
Tháng 1-1952, Vũ Văn Tuyển được thầy nhận xét trong Thông tín bạ: “Làm việc chăm chỉ”. Điểm trung bình đạt 9,07 và xếp thứ nhất trong số 31 học sinh của lớp.[7]
Do luôn đứng trong tốp đầu của lớp nên Vũ Văn Tuyển thường xuyên được nhà trường khen thưởng, phần thưởng lúc đó là sách và giấy viết. Có năm phần thưởng quá nhiều nên một mình không thể ôm hết. Sau nhiều năm tích lũy, Vũ Văn Tuyển đã có được một "kho" sách, vở bằng tiếng Pháp, trong đó có các cuốn sách rất quý của Shakespeare, M. Gorki… Tiếc rằng sau này, khi cải cách ruộng đất, người ta xem những sách báo này là văn hóa tư sản, văn hóa nô dịch nên bị thiêu hủy hết. Ông chỉ cất giữ lại được cuốn “Cổ học tinh hoa” in năm 1950, đó là cuốn sách mà ông thích nhất.
Năm 1953, khi vừa học xong lớp đệ ngũ, bậc trung học đệ nhất cấp, để rút ngắn thời gian học tập do kinh tế khó khăn, Vũ Văn Tuyển xin thi bằng trung học vượt cấp để lên học lớp tam, trung học đệ nhị cấp và bỏ qua lớp đệ tứ. Ông đã phải nộp đơn lên nhà trường xin thi dưới dạng thí sinh tự do. Mùa thu năm 1953, sau 3 tháng miệt mà gấp rút ôn thi, ông thi đỗ thành chung trước sự ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết của bạn bè và bố mẹ. Thành công đó đã trở thành một kỷ niệm nhỏ bé nhưng sâu lắng trong tâm hồn ông và là động lực thôi thúc ông vươn lên mạnh mẽ trong suốt cuộc đời học tập và nghiên cứu sau này, nhất là khi phải chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực khác.
Năm học 1953- 1954 ông lên học lớp đệ tam bậc trung học đệ nhị cấp và vẫn đứng ở tôp đầu trong lớp tuy đã bỏ qua một năm đệ tứ. Mùa đông năm 1953 bố ông qua đời, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn trước, em gái ông cũng phải nghỉ học để giúp đỡ mẹ và tạo điều kiện cho các anh, em trai đi học. Bản thân ông phải đi làm gia sư dạy con của một nhà giàu có để chủ nhà nuôi cơm ngày 2 bữa. Trong các bữa ăn cùng với những người giúp việc và lái xe của chủ, ông có dịp hiểu và gần gũi hơn với người lao động.
Năm 1954, một người chú của ông tham gia kháng chiến từ Việt Bắc về đã xin cho ông vào học ở trường trung học Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1956, Vũ Văn Tuyển thi đỗ tú tài và tiếp tục con đường học tập của mình khi ông trở thành sinh viên khóa I ngành Mỏ-Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thành lập.
PGS.TS Vũ Văn Tuyển nay đã cận kề tuổi 80 và trở thành một nhà khoa học uy tín trong nghiên cứu về mối ở Việt
Bùi Minh Hào